HÊRÔĐÊ

Người đạo sĩ lúc nãy nói rằng người ta dễ thức tỉnh vì quyền lợi hơn là vì niềm tin, ông tưởng rằng đó là một khám phá độc đáo. Thực ra, điều đó chẳng có gì lạ, rất bình thường nữa là khác. Tôi đã thức tỉnh vì quyền lợi, đúng như vậy, và tôi cũng chẳng cần phải giấu giếm chuyện đó.

Tôi là vua, nhưng không phải là một ông vua cha truyền con nối, mà nhờ sự phấn đấu của chính bản thân tôi. Các bạn còn nhớ chứ? Chính tôi là người đã cho trùng tu đền thờ Giêrusalem: Đấy! tôi là một nhân vật có uy tín trong giáo quyền, cũng như trong chính quyền.

Tóm lại, tôi thuộc loại người thực tế, biết mình muốn gì, biết mình cần đi đến đâu, và đủ thông minh để gạt bỏ mọi trở ngại trên đường mình đi.

Bây giờ tôi nói đến chuyện Giêsu sinh ra.

Có mấy đạo sĩ đến nói cho tôi biết rằng họ đã nhận ra dấu hiệu của vua dân Do Thái mới sinh ra. Vị vua này là Đấng Mêssia mà các tiên tri đã từng loan báo. Thú thật, tôi không tin nổi chuyện này. Vì lời loan báo của tiên tri Isaia đã có cách đây 700 năm rồi. Biết bao nhiêu thế hệ chờ đợi, mà có thấy gì đâu. Vậy thì không có lý gì ngày hôm nay Đấng Messia lại xuất hiện.

Vảlại, thời buổi này đang là lúc ổn định. Chúng tôi bị người Lamã đô hộ thật đấy, nhưng thời gian khó khăn lúc đầu đã qua rồi, bây giờ thì người ta đã quen. Ngoài món thuế phải nộp thường xuyên cho Rôma, nói chung, đời sống dân chúng cũng thoải mái, mọi sinh hoạt đều bình thường. Trừ một vài nhóm Zélote ngông cuồng quá khích, còn lại số đông dân chúng chỉ muốn yên thân làm ăn sinh sống. Chẳng ai hoài công trông chờ một Đấng Giải Phóng làm chi nữa. Hiện trạng của xã hội thời tôi là thế đó. Với cương vị là vua, là người lãnh đạo, tôi muốn duy trì tình trạng ổn định đó. Vậy mà mấy ông đạo sĩ ở đâu đến đã làm rối beng hết mọi sự. Dân chúng bắt đầu phao tin đồn nhảm. Cuộc sống yên hàn ở Giêrusalem bắt đầu rục rịch xáo trộn. Nhiều người đã ngồi mơ tưởng đến những chuyện viễn vông, và tệ hơn nữa, có người đã dám nhỏ to về ngôi vua của tôi.

Trước tình hình đó, tôi phải làm một cái gì để dập tắt những mầm mống phản loạn. Các bạn còn nhớ chứ? Tôi đã ra lệnh giết các đứa bé từ 2 tuổi trở xuống trong phạm vi Bêlem. Với cái chết của chúng, dư luận bất lợi cũng tiêu tan. Có thể sẽcó người cho tôi là tàn ác, khát máu, khi ra lệnh giết các trẻ em vô tội. Câu trả lời của tôi là thế này: “thà rằng một số đứa con nít hy sinh còn hơn là để sống sót những mầm móng sẽ gây rối loạn cho cả xã hội Do Thái sau này”. Đạo đức và những tình cảm nhỏ nhặt đôi khi phải nhường bước cho sự tính toán khôn ngoan, nhất là trong cái nhìn của một người có trách nhiệm lãnh đạo như tôi.

Các bạn là những người bị Giêsu lôi cuốn, nên có thể sẽ cho rằng tôi sai lầm khi không đón nhận Giêsu, tôi mù quáng vì đã không chịu đến gặp Giêsu để được đổi mới cuộc đời…

Coi chừng các bạn đang nói chuyện lý thuyết đấy: Thử đặt vào địa vị của tôi, các bạn sẽ thấy. Đến với Giêsu, có nghĩa là rời bỏ cung điện của mình. Đi theo mấy tên đạo sĩ kia, có nghĩa là phải chấp nhận Giêsu là vua dân Do Thái, thếngai vàng của tôi hiện giờ thì sao?

Rõ ràng là việc Giêsu sinh ra đã gây cho tôi nhiều rắc rối. Cũng như bao nhiêu lần gặp khó khăn khác, tôi phải suy nghĩ và chọn lựa: Một là Giêsu, hai là chính mình. Tôi đã quyết định dứt khoát: tôi đã chọn chính mình.

Các bạn thấy rằng cuối cùng tôi đã gạt câu chuyện giáng Sinh sang một bên. Và nếu cần, tiếp tục thực hiện một vài biện pháp mạnh để dập tan những rắc rối có thể có.

Các bạn hãy tin tôi đi. Đừng bị lệ thuộc vào những tình cảm vụn vặt, hãy biết suy tính khôn ngoan trong cuộc sống, và các bạn sẽ thành công. Tôi đã sống như thế và tôi đã thành công.

Lời đúc kết

Hêrôđê đã sống như vậy và ông đã thành công. Quả thật ông đã ngồi vững trên ngai vàng cho đến chết. Nếu chúng ta hiểu sự thành công theo quan điểm của ông, thì Đức Giêsu đã thất bại, thất bại một cách chua cay: Ngài đã được gì? Tiền tài? Không! Danh vọng? Không! Chức tước? Không! Ngai vàng của Ngài là Thập giá.

Vấnđề của Hêrôđê cũng là vấn đề của chúng ta: chọn lựa chính mình làm vua hay chọnĐức Giêsu làm vua. Ngài vẫn còn đó và gọi mời, nhưng lời kêu mời của Ngài cũng nhè nhẹ như tiếng hát của Thiên thần đêm Noel, mơ hồ như ánh sao của đạo sĩ lúc ẩn lúc hiện: một lời kêu mời vừa đủ rõ để chúng ta đón nhận nhưng không trói buộc chúng ta nên chúng ta có thể gạt qua một bên, như Hêrôđê.

Dù sao, những câu chuyện được nghe đều mang âm hưởng của cuộc sống hôm nay. Ngày hôm nay, vẫn còn những con gái của chủ quán, ý thức rằng mình đang thiếu thốn một cái gì chưa thể đặt tên, rồi thức giấc trong đêm hướng lòng về hài Nhi để nhận lấy ánh sáng và nụcười. Ngày hôm nay, vẫn còn những “con lừa” đến bên cạnh Hài Nhi để phục vụ, rồi dần dà thông cảm yêu thương anh em mình, những người “có sừng” nhưng tốt bụng. Ngày hôm nay, vẫn còn những đạo sĩ thứ nhất, những người tin tưởng vào Đức Kitô, bước về với Ngài qua những tháng ngày đen tối, qua những tâm trạng trống rỗng và nguôị lạnh, nhưng chắc chắn rằng Ngài sẽ trung thành chờ đón ở cuối đường. Và ngày hôm nay cũng vẫn còn không ít Hêrôdê, những ngườiđã gạt câu chuyện Giáng Sinh của Giêsu qua một bên, và nếu cần, thực hiện một vài biện pháp mạnh để đập tan những tiến rên la nho nhỏ trong lòng, để tránh những phiền toái của cuộc đời.

Trong Mùa Giáng Sinh này, chúng ta sẽ là ai? Là con gái chủ quán? Là con lừa bên máng cỏ? Là người đạo sĩ thứ nhất hay chúng ta là Hêrôđê? Và tuỳ thuộc ở câu trả lời của một người mà niềm vui Giáng Sinh có đến với chúng ta hay không.

Đúng là niềm vui Giáng Sinh đã được ban cho, nhưng chúng ta cần phải đến với cõi lòng trống rỗng như người đạo sĩ thứ tư thì mới còn chỗ để cho niềm vui Giáng Sinh lấp đầy. Có như thế thì lời loan báo cho mục đồng mới trở nên lời loan báo cho chúng ta: “Này, ta đem đến cho các ngươi một niềm vui to tát: hôm nay Đức kitô đã sinh ra cho các ngươi” (Lc 2,10).

Vâng, cho chúng ta! Cho mỗi một người trong chúng ta!

Trần Duy Nhiên

Exit mobile version