Hãy yêu nhau bằng những lời nói ngọt ngào

Không chỉ bằng những lời anh yêu em, em yêu anh, những ngày đầu gặp nhau, đôi tình nhân còn có trăm cách nói để làm vui lòng nhau. Nói bằng ánh mắt, qua thư từ, điện thoại. Nói bằng tặng vật. Nói bằng những vuốt ve, những nụ hôn. Nhưng rồi với sức ép của thời gian, những căng thẳng cuộc sống, và những va chạm thường nhật đã từ từ biến thái những lời yêu đương thành thứ ngôn ngữ mà cả người nói lẫn người nghe đều cảm thấy khó nghe và khó chấp nhận.

Hồng ân của Thiên Chúa:


“Nhà cửa và của cải là gia tài để lại của người cha, nhưng người vợ khôn ngoan đến từ Thiên Chúa” (Cách Ngôn 19:14)
. Lời này không chỉ áp dụng cho người chồng hay người vợ, mà là cả hai. Không chỉ người vợ khôn ngoan đến từ Thiên Chúa, mà người chồng tài đức cũng đến từ Thiên Chúa nữa.


Thật vậy, nhà cửa, tài sản chúng ta có thể có, nhưng người vợ hoặc người chồng hiền đức, tư cách, và khôn ngoan không phải hễ lúc nào chúng ta muốn là có. Không phải ai muốn cũng được. Do đó, nếu Thiên Chúa ban cho chúng ta người chồng đàng hoàng tử tế, người vợ đức hạnh, duyên dáng thì đó là một hồng ân cần phải trân quí. Đánh mất ân huệ của Ngài rồi mong mỏi tìm kiếm trở lại là một điều rất khó. Kinh nghiệm này chúng ta có thể thấy trong những cặp vợ chồng ly dị. Việt Nam ta có câu: “Tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa” hay “chê thằng toét mắt, lấy thằng gù lưng”.

Theo những thống kê về đời sống hôn nhân cho biết, những người đã ly dị một lần thường là rất dễ ly dị hoặc sẽ tiếp tục ly dị những lần kế tiếp. Tiếc một điều là nhiều người sau khi ly dị đã không kiếm được người mà mình mong muốn, ngược lại, thường là ngậm đắng nuốt cay. Bởi vì hạnh phúc không đến từ bên ngoài, mà là tự nội tâm con người. Không phải là mình sửa đổi người chồng, người vợ, nhưng là sửa đổi chính mình. Thánh Phaolô đã nhìn vấn nạn này, và bằng một cái nhìn tích cực, ngài đã khuyên giáo dân Êphêsô: “Hỡi những người chồng hãy yêu thương vợ ngươi như chính mình. Hỡi người vợ hãy kính trọng chồng mình” (Eph 5:33).


Thương vợ như thương chính mình. Và như vậy phần thưởng chính sẽ là được vợ “kính trọng” lại. Thử hỏi ai mà chẳng thương mình, và ai mà chẳng o bế, và để ý săn sóc chính mình.


Nhân danh tình yêu:


Thương vợ như thương chính mình. Kính trọng chồng như coi trọng mình. Nhưng nếu không tế nhị và cẩn thận, chính khi nhân danh tình yêu mà nhiều người lại làm khổ nhau. Nhiều người thường bào chữa những lời nói sai trái của mình rằng: “Tôi chỉ muốn cho ông ấy sửa đổi thôi, nhưng thật là khó chịu và bực bội. Trăm lần như một, ông ấy không hề sửa đổi”. Hoặc: “Nói cho tức mà chừa. Vậy mà vẫn không chừa”.

Nếu để ý, chúng ta thấy ngay cái mâu thuẫn trong những câu nói đó. Có nghĩa là không phải vì thương chồng, yêu chồng, muốn sửa đổi cho chồng, mà những người vợ này đã nói năng như thế, nhưng là thương mình và yêu mình. Muốn chồng sửa đổi để mình khỏi phải bực bội hay khó chịu. Và trong những trường hợp như vậy, lời nói không những không được dịu dàng, dễ nghe mà ngược lại, mang một hình thức tiêu cực, ích kỷ, và thiếu xây dựng.


Tâm lý hôn nhân cho việc thông cảm và chia sẻ một cách cởi mở, tích cực là một hình thức tâm lý trị liệu. Nó có khả năng giải tỏa khủng hoảng trong đời sống hôn nhân gia đình. Nhưng chia sẻ và cảm thông không có nghĩa là nhiều lời. Hành động nói ở đây, do đó, được bao gồm không những bằng từ ngữ mà còn bằng chính hành động “body language” nữa.

Body language:

Thường ngày, những người chồng có thể nói tiếng “yêu” với vợ mình bằng những hành động cụ thể như giúp vợ rửa chén bát sau mỗi bữa ăn, giúp thổi một nồi cơm nếu vợ bận không làm kịp. Hoặc mỗi khi vợ đi chợ về, người chồng có thể phụ mang những thức ăn, hoặc đồ dùng giúp vợ. Đây là một cách thức cụ thể của lời nói “anh yêu em”.


Body language – nói qua hành động, còn được hiểu là một cái nháy mắt, một cái vuốt ve, một nụ hôn trên mái tóc vợ hoặc chồng. Những lời nói này chúng ta vẫn thường nói với nhau lúc mới gặp nhau, quen nhau. Nhưng đây là những lời nói có khi còn mạnh mẽ hơn bằng ngàn lời “anh yêu em” hoặc “em yêu anh” mà không thể hiện một hành động nào để minh chứng tình yêu ấy.


Ngôn ngữ:


Tiếp đến lối nói bằng từ. Có lẽ đây là lối trình bày quan niệm chung, cách riêng nữ giới hay dùng nhất. Phần đông nữ giới vẫn nghĩ rằng nói nhiều thì chồng họ sẽ thấm thía mà chừa, hoặc làm điều họ muốn. Nhưng chính vì nói nhiều quá, nên người nghe cảm thấy chán nản, bực dọc và có khuynh hướng đi tìm một sự thư giãn bên ngoài. Và do đó, vô tình nhiều người đã đẩy chồng hoặc vợ mình vào vòng tay người khác, vì khi ở ngoài, chồng hoặc vợ họ sẽ gặp những người khác ngọt ngào hơn, thông cảm hơn, tế nhị hơn.


Tóm lại, dù là nói với chồng hay vợ vẫn được coi như một nghệ thuật, cần phải để ý, tập luyện, và nhất là nói với lòng trọng kính, yêu thương người phối ngẫu. Riêng với nam giới, thái độ bình tĩnh và quảng đại luôn là một cách nói hữu hiệu nhất. Hành động bình tĩnh và lắng nghe luôn tạo điều kiện tốt cho việc cảm thông giữa hai vợ chồng.


Cuộc sống hôn nhân là một cuộc sống chung, đòi mỗi người phải nói và phải nghe nhau. Nhưng nếu nói mà không có ai nghe là độc thoại. Mà nói mà cả hai cùng nói là cãi lộn, là to tiếng. Chỉ khi nào có người nói, có người nghe lúc đó mới tạo sự cảm thông và sẽ đem lại hạnh phúc.

Khắc khẩu:


Chúng ta vẫn thường nghe nói rằng 3 năm đầu của cuộc sống hôn nhân, anh nói em nghe, hoặc em nói anh nghe. Nhưng 3 năm kế tiếp anh nói anh nghe, em nói em nghe. Và sau 3 năm ấy là những lần anh nói em không nghe mà anh cũng không nghe nhưng bà hàng xóm nghe. Hoặc em nói em không nghe mà anh cũng không nghe nhưng ông hàng xóm nghe.


Anh nói em nghe, em nói anh nghe thường được dệt bằng những lời nói tế nhị, hiểu biết và kính trọng. Những lời nói như thế được lồng vào khung cảnh yêu thương càng làm thích thú người nói và người nghe. Người nói hạnh phúc vì lời mình nói được đón nghe mà người nghe ấy lại là chồng hay vợ mình. Và người nghe cảm thấy hạnh phúc, vì đó là những lời nói được nói ra do vợ hoặc chồng mình.

Anh nói anh nghe hoặc em nói em nghe, thường được dệt bằng những lời nói không đúng nơi, đúng lúc. Những lời nói thiếu nhẹ nhàng, tế nhị. Những lời nói để người nghe “nghe mà chừa”. Những lời nói làm đau lòng nhau và xói mòn tình yêu giữa vợ chồng.


Anh nói anh không nghe, em cũng không nghe nhưng bà hàng xóm nghe. Em nói em không nghe, anh cũng không nghe nhưng ông hàng xóm nghe. Những lời nói vượt qua ràng rào và lọt vào tai những người hàng xóm. Nói như vậy không phải là nói, nhưng là chửi lộn, xào xáo, và bất hòa. Ở đây yếu tố lời nói, yếu tố khung cảnh, yếu tố âm điệu của lời nói chỉ phản ảnh sự thiếu bình tĩnh, thiếu tế nhị, và thiếu thông cảm của người nói. Đối với người nghe, thì đây là một thử thách lớn lao đối với sự bình tĩnh và tự chủ, vì những lời nói trong lúc nóng giận thường mang tính tiêu cực và thiếu xây dựng.


Người Việt Nam có câu: “Lời nói không mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Những lời này không chỉ áp dụng cho những hình thức giao tế xã hội, ngoài công cộng. Nếu đối với người ngoài mà ta cần phải tế nhị, tôn trọng, thì đối với vợ hoặc chồng mình thì sự tế nhị và tôn trọng lại càng phải để ý hơn. Nhưng trong thực tế, người ta dễ dàng và tỏ ra tế nhị hơn với những người ngoài, ngược lại, dễ tỏ ra cộc cằn, thô lỗ, đôi khi lỗ mãng đối với vợ hay chồng mình. Và lời bào chữa cho những hành xử thiếu trưởng thành và thiếu tâm lý ấy là “đã là vợ chồng còn giữ kẽ với nhau làm gì!” Hoặc: “Vợ chồng chúng tôi luôn luôn khắc khẩu”.


Những lời nói ngọt ngào:


Tóm lại, hạnh phúc hôn nhân, hạnh phúc lứa đôi là những gì có thật và rất thật trong cuộc sống. Nụ cười, ánh mắt, bờ môi, nụ hôn. Những vuốt ve trìu mến. Những săn sóc tỉ mỷ và nhỏ mọn. Những lời tế nhị, nâng đỡ, khích lệ, và thông cảm. Tất cả chỉ để nói lên hai chữ “yêu em” hoặc “yêu anh”. Và từ những lời nói ấy mà đời sống hôn nhân tìm được ý nghĩa và hạnh phúc.

Trần Mỹ Duyệt

nguồn: honnho.org

Exit mobile version