Vì thế, trong cơn hốt hoảng, các ông đã la lên: “Ma đấy !”. Thấy vậy, Ngài đã trấn an các ông và nói: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!”. Tuy nhiên, chưa tin và vẫn còn nghi ngờ, nên Phêrô đã thử liều một phen mang tính thách thức: “Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài”.
Sau khi cho dân chúng ăn no, Chúa Giêsu buộc các môn đệ lên đò sang bờ bên kia. Giải tán dân chúng xong, Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện một mình. Còn chiếc thuyền thì đã ra xa bờ đến cả cây số, bị sóng đánh vì ngược gió”. Đang đi giữa biển thì cuồng phong nổi lên như muốn nhận chìm con thuyền nhỏ khiến các môn đệ vô cùng hoảng sợ, trong khi đó Chúa Giêsu vẫn bình tĩnh cầu nguyện. Sở dĩ các môn đệ sợ hãi vì các ông tin tưởng vào sức riêng mình. Vốn là những ngư dân rành nghề, các ông am hiểu biển cả, thuộc từng con sóng và chỗ nào nước sâu có nhiều cá.
Các môn đệ vâng lời Thầy ra đi, nhưng có lẽ các ông không được hài lòng. Các ông đã hết sức kiên nhẫn chờ đợi ngày Chúa Giêsu làm vua, cơ hội đó hôm nay đã đến, nhưng Chúa lại từ chối. Không những bỏ lỡ cơ hội, Chúa còn ra lệnh cho các ông lập tức rời bỏ hiện trường. Bất mãn, chán nản và mệt nhọc làm cho các ông ngã lòng. Chúa Giêsu biết rõ tâm trạng của các ông, không những bằng ánh mắt và bằng cả cõi lòng khi Ngài cầu nguyện trên triền núi. Ngài thấy các ông chèo chống ngược với sóng gió và ngược với cả ý muốn. Chính lúc đó, Ngài đi trên mặt biển để đến với các ông. Ngài đã làm như thế để các ông hiểu rằng Ngài có quyền năng trên các tạo vật, Ngài có chương trình của Ngài và Ngài sẽ thực hiện chương trình ấy khi giờ của Ngài đến.
Vì thế dù có ra giữa biển khơi, các ông vẫn tự tin lướt sóng. Chúa Giêsu đã để sóng gió nổi lên như muốn thử thách đức tin yếu kém của các môn đệ. Thái độ hoài nghi đã làm con mắt các môn đệ trở nên mờ tối khiến các ông không còn nhận ra sự hiện diện của Chúa. Các ông chỉ còn nhìn thấy bóng ma của sự tối tăm và chết chóc. Sau khi nghe các môn đệ cầu cứu, Chúa Giêsu đã đi trên mặt biển đến và trấn an các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” Sau đó Đức Giêsu truyền cho ông Phêrô đi trên mặt nước mà đến với Người. Nhưng Phêrô vẫn hoảng sợ đễn nỗi Chúa Giêsu phải đưa tay ra nắm lấy ông.
Qua biến cố này, Chúa Giêsu đã biểu lộ cho các môn đệ thấy quyền năng và sức mạnh của Thiên Chúa khiến mọi thế lực trần gian phải khuất phục. Và rồi, Chúa Giêsu cũng nhắc nhở các ông sao yếu lòng tin vì còn hoài nghi ngờ vực. Sau khi sóng yên biển lặng, mọi người trong thuyền đều phải bái phục Người và nói: “Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa!” Với tư cách là Con Thiên Chúa, Đức Giêsu có sứ mạng quan trọng là đến trần gian để cứu chuộc loài người. Vì thế những bệnh nhân và những ai có lòng tin tưởng đều được Chúa Giêsu cứu chữa.
Không bao giờ và không khi nào Chúa Giêsu bỏ rơi các môn đệ. Dẫu trong bất cứ hoàn cảnh nào Người vẫn hiện diện bên cạnh để giáo huấn và nâng đỡ đức tin cho các ông. Như người cha luôn nắm chặt bàn tay của đứa con gái nhỏ, Thiên Chúa không bao giờ từ chối lời cầu xin của chúng ta bởi chúng ta là đối tượng được Người yêu thương và cứu chuộc. Tình yêu Thiên Chúa có sức mạnh kỳ diệu, mạnh hơn sự chết, cao hơn những suy tưởng và sâu hơn những yếu đuối của loài người. Nói như thánh Gioan tông đồ “Tình yêu không biết đến sợ hãi, trái lại một tình yêu hoàn hảo loại trừ mọi sợ hãi” (1 Ga 4, 18).
Chúa Giêsu đã yêu chúng ta bằng một tình yêu nhưng không, Ngài gánh lấy mọi tội lỗi và chịu chết để đem ơn cứu độ cho chúng ta. Nếu thực sự yêu mến và tin tưởng Thiên Chúa, chúng ta không bao giờ sợ hãi thất vọng.
Đã bao lần trong đời sống chúng ta từ chối tình yêu Thiên Chúa đó là chúng ta từ chối cái “nắm tay” của Người. Chúng ta tự mãn nghĩ mình có đủ tài năng chèo chống con thuyền của cuộc đời mình bằng tiền của vật chất, bằng sức mạnh của thế gian để rồi bị trượt ngã thảm thương. Chúng ta tự quyết định con đường tương lai và vận mệnh đời mình mà không cần đến sự trợ giúp của Chúa. Chúng ta không phải là thiên thần để bước đi theo Chúa một cách thanh thoát. Chúng ta bước đi bằng đôi chân nặng nề của đam mê tội lỗi khiến đôi chân ấy cứ lún sâu xuống khiến chúng ta muốn ngã quỵ. Chúng ta không dám tin tưởng để cho Chúa dẫn dắt mà chỉ lo bám vào thế lực của con người, ngó ngác trông đợi mong bám vào một nhánh cây khô mục ruỗng.
Sự kiện Chúa Giêsu đi trên mặt biển để đến với các môn đệ và việc cho Phêrô đi trên mặt nước với Ngài giúp cho chúng ta hiểu rằng: Chúa vẫn luôn còn đó trong cuộc đời. Mọi khó khăn thử thách, Ngài luôn có mặt, chỉ có điều chúng ta có một đức tin đủ mạnh để vượt qua mọi khó khăn và có đủ độ nhạy bén để nhận ra Ngài hay không mà thôi!
Với trang Tin Mừng này, ta được mời gọi nhìn lại niềm tin vào quyền năng của Chúa. Ngài có chương trình cho mỗi người chúng ta. Ðiều quan trọng không phải là chúng ta bắt Thiên Chúa làm theo ý ta, để rồi khi không được như ý nguyện, chúng ta tỏ ra buồn phiền, than trách Chúa. Trái lại, ta hãy đặt hết tin tưởng vào Chúa, Ngài vẫn hiện diện để sẵn sàng cứu giúp ta. Hãy phó thác vào quyền năng yêu thương của Ngài và như thế tâm hồn ta sẽ được bình an.
Thật vậy, không có việc gì mà Thiên Chúa không làm được. Chỉ có điều chúng ta có tin hay không, hoặc qua các biến cố đó, chúng ta có khám phá ra thánh ý của Thiên Chúa và thi hành hay chỉ ngồi đó để than thân trách phận, nghi ngờ, và thậm chí chỉ trích cả Thiên Chúa…?
Mong sao trong mọi hoàn cảnh, chúng ta hãy nhớ đến câu nói của Đức Giêsu khi xưa: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!”.
Cuộc đời ta nhiều khi hoang mang và sợ hãi chẳng kém các môn đệ của Chúa là bao bởi ta kém lòng tin. Các môn đệ đã tin vào Chúa và được Chúa cứu. Xin Chúa thêm ơn đức tin cho ta để ta cũng được Chúa thương như các môn đệ khi xưa.
Huệ Minh