Hãy tin tưởng nơi Chúa

Tin Mừng hôm nay là một trình thuật tuyệt vời diễn tả về Ơn tha thứ và niềm tin cộng đồng. Đó là một trình thuật phép lạ có dụng ý giáo huấn, trong đó phép lạ được thực hiện như một dấu chỉ của ơn tha thứ. Và cao điểm của bản văn cho thấy Chúa Giêsu có quyền tha tội.

Với bút pháp sắc sảo, nghệ thuật khéo léo, thánh Luca đã dẫn mỗi người chúng ta cùng đi vàotrải nghiệm của niềm tin cộng đồng, để đón nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa. Bởi đó, khi đọc đoạn Tin Mừng này, lòng của mỗi chúng ta cũng được khơi lên tâm tình cảm tạ và tôn vinh Thiên Chúa.

Câu chuyện lạ kỳ khi xưa, người bại liệt được chữa lành mà những người từ khắp các làng mạc miền Galilê, GiuĐê, và Giêrusalem đã chứng nghiệm, vẫn là câu chuyện lạ kỳ của mỗi chúng ta hôm nay, nếu chúng ta biết lắng đọng lòng mình để chiêm ngưỡng.

Ta nhìn vào khung cảnh: Thầy Giêsu đang giảng dạy nơi một căn nhà tư gia quá nhỏ bé, so vớilượng người đông đảo từ khắp các miền lân cận đổ về, bao gồm rất nhiều hạng người, trong đó có mặt cả những con người xem ra rất thế giá đạo đức và thông thái như các vị luật sĩ, biệt phái.v.v. Họ chăm chú lắng nghe và được chứng nghiệm quyền năng diệu kỳ của Thiên Chúa qua Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu vẫn luôn luôn quan tâm đến con người qua hai chiều kích (chữa lành và tha tội). Ngài hướng đến ơn chữa lành bằng ơn tha tội, với ý hướng con người đến sự sống vĩnh hằng đời sau. Song song đó, trong cuộc sống mỗi người cũng cần có tình liên đới đùm bọc lẫn nhau. Với tình anh em, gia đình, tình cộng đoàn thắt chặt qua mối dây liên kết để chịu đựng lẫn nhau, và giúp nhau nên thánh giữa đời bằng cách giúp người đau yếu, neo đơn hay thân cô thế cô hay người yếu đuối chịu thiệt thòi bởi hoàn cảnh hay thân phận hẩm hiu, chúng ta có thể giúp họ vượt qua đau khổ tới vinh quang.

Chúa Giêsu đã chữa lành bệnh cho người bại liệt qua Lời của Người (x. 5, 24). Ngài không chỉ tỏ quyền năng Thiên Chúa qua việc chữa lành bệnh thể xác mà Ngài còn cho tất cả mọi người thầy uy quyền của Thiên Chúa qua việc tha thứ tội lỗi (x. 5, 20). Chính qua việc tha thứ tội lỗi, Chúa Giêsu đã đưa ta trở về với Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót. Đó là niềm vui lớn nhất của mỗi Kitô hữu khi được hòa giải cùng Thiên Chúa, được Thiên Chúa tha thứ những lỗi lầm, thiếu xót và tội lỗi của chúng ta (x. 5, 25).

Câu chuyện Chúa Giêsu chữa người bại liệt có ba chi tiết đặc biệt:

Trước hết, ta thấy cách người ta đem bệnh nhân đến với Chúa. Khi Chúa Giêsu đang giảng, có bốn người khiêng tới một cái giường có một người bại liệt. Họ đã cố gắng tìm cách đưa bệnh nhân vào mà không được. Cuối cùng họ chọn giải pháp đem bệnh nhân lên mái nhà, rỡ mái ra rồi thòng dây thả xuống. Họ chỉ đặt đó thôi không nói năng nài xin gì. Nhưng ai cũng hiểu họ muốn gì

Kế đến là Chúa Giêsu tha tội cho bệnh nhân. Chắc chắn Chúa biết người này đang đau khổ về thể xác, và chắc chắn người này cũng như thân nhân muốn xin Chúa chữa cho được lành mạnh. Nhưng tại sao câu đầu tiên Chúa lại nói là tha tội? Người này có tội gì chăng nên mới bị bại liệt như vậy? Quan niệm của người Do Thái cho rằng bệnh tật là hậu quả của tội lỗi, bệnh càng nặng tức tội lỗi càng nhiều.

Chúa Giêsu không đồng tình với quan điểm ấy, đối với Chúa: tội lỗi là tội lỗi, bệnh tật là bệnh tật. Đây là hai vấn đề riêng biệt, không liên quan đến nhau. Khi nói “Này anh, tội anh được tha rồi” Chúa chỉ muốn minh chứng Ngài là Thiên Chúa, Ngài có quyền tha tội. Ngài tha tội nên Ngài là Thiên Chúa.

Và sau cùng, Chúa Giêsu thấu suốt ý nghĩ thầm kín của người khác. Việc Chúa nói tha tội cho người bại liệt, đối với những người Pharisiêu và Kinh sư là một hành động không thể chấp nhận được. Nhưng họ chưa kịp thổ lộ thì Chúa đã đọc được những ý nghĩ đó. Họ thầm nghĩ rằng ông này là ai mà dám nói phạm thượng? Là người mà dám tha tội cho người khác? Câu hỏi Chúa dành cho họ “Tha tội và chữa khỏi bệnh, đàng nào dễ hơn?” Sự thực cả hai đều khó, vượt quá sức con người. Để chứng tỏ cho mọi người biết Ngài có quyền tha tội, Chúa Giêsu đã làm phép lạ ngay trước mắt họ. Người bại liệt đã đứng dậy vác giường đi trước sự kinh ngạc của mọi người.

Đó là những chuyện lạ kỳ của ơn tha thứ, và chính họ đã gặp được Đấng có quyền tha tội. Thật là một điều kỳ diệu khiến cho giới luật sĩ vàbiệt phái phải thắc mắc trong lòng: “Người này là ai mà dám nói phạm thượng? Trừ một mình Chúa, ai có quyền tha tội?”

Khi Chúa Giêsu thấy lòng tin của họ, một đức tin nóng cháy của những người không nản chí trước bất cứ trở ngại nào miễn sao đem bạn mình tới Chúa Giêsu để được chữa lành. Việc đó ngày nay vẫn còn xãy ra, và cần được mọi Kitô hữu phát huy tinh thần và công việc này, cùng nhau quan tâm đến những nhu cầu của anh chị em quanh của chúng ta đang cần đến.

Ta được mời gọi để đặt tất cả tin tưởng, phó thác nơi Thiên Chúa. Thiên Chúa không bao giờ bỏ cuộc. Thiên Chúa không bao giờ thất vọng về con người. Tiếp theo bao nhiêu vấp phạm và phản bội của con người, Thiên Chúa vẫn đeo đuổi chương trình của Ngài. Người vẫn tiếp tục yêu thương con người. Nơi hình ảnh đã hơn một lần hoen ố vì tội lỗi, Thiên Chúa vẫn nhìn thấy phản chiếu vẻ đẹp cao sang của chính Ngài. Xuyên qua cánh cửa sổ nhỏ của mỗi người, Thiên Chúa vẫn còn nhìn thấy cảnh đẹp của lòng người.

Thật vậy, ơn tha thứ chỉ có thể được Thiên Chúa ban cho mà thôi. Ơn tha thứ cũng chỉ được đón nhận từ niềm tin. Và ta xin Chúa cho mỗi người chúng ta cũng luôn biết tin vào Chúa, tìm cách đến với Chúa, để cảm nhận được tình thương và ơn tha thứ của Chúa. Có như vậy, chúng ta cũng được Chúa chữa lành những căn bệnhtâm hồn, hầu chúng ta tôn vinh Chúa mỗi ngày, hăng hái đứng dậy, đổi mới, và bước đi trong ân sủng của Thiên Chúa như lòng Ngài mong muốn.

Huệ Minh

Exit mobile version