Hành trình hướng về Giêrusalem của Chúa Giêsu trong tác phẩm Luca là phần dài nhất và cũng độc đáo nhất. Vì đối với luca, Giêrusalem là trung tâm điểm ơn cứu độ: Đức Giêsu lên Giêrusalem để hoàn thành ơn cứu độ, sau này các Tông Đồ sẽ từ Giêrusalem mang ơn cứu độ đến tận cùng trái đất. Trang Tin Mừng hôm nay được Thánh Luca xếp vào giai đoạn 2 của cuộc hành trình này.
Câu hỏi mà một người nào đó đặt ra cho Chúa Giêsu trong trang Tin Mừng hôm nay phản ánh mối quan tâm rất lớn của người Do Thái đương thời về số lượng những kẻ được cứu.
Khi đặt vấn đề dựa theo số lượng, người ta sẽ có thái độ không thích hợp: nếu mọi người đều được cứu thì thái độ sẽ là ỷ lại; còn nếu có một số nhỏ được cứu thì thái độ sẽ là chán nản thất vọng, không chịu cố gắng. Câu hỏi như muốn giới hạn số lượng những người vào Nước Chúa: “Thưa Thầy, phải chăng ít người được cứu thoát?”
Chúa Giêsu không trả lời thẳng câu hỏi. Người ta hỏi về số lượng. Ngài trả lời về cách thức làm sao cho mình được ở trong số lượng những kẻ được cứu, đó là phải cố gắng. Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh “đi qua cửa hẹp” để diễn tả ý tưởng này.
Trong câu trả lời, Chúa Giêsu không nhằm đến số lượng nhưng là hướng tới một bình diện khác, tức là phẩm chất của những kẻ muốn vào Nước Chúa: họ phải qua cửa hẹp và cố gắng vào đúng lúc, khi còn thời giờ thuận tiện, đừng cậy dựa vào những liên hệ hời hợt bên ngoài với Chúa. Ơn cứu rỗi được Thiên Chúa trao ban cho mọi người: những kẻ trong dân Chúa chọn và cả những kẻ ở ngoài, bởi vì Chúa Giêsu đã đến để dẹp bỏ mọi hàng rào ngăn cách, thiên hạ sẽ từ đông, tây, nam, bắc đến dự tiệc trong Nước Chúa.
“Hãy chiến đấu mà qua cửa hẹp… có nhiều người tìm cách vào mà không thể được” (24). Như thế, Chúa Giêsu không khẳng định vấn nạn người đó đặt ra đúng hay sai, nhưng Ngài nhấn mạnh đến sự cố gắng của mỗi cá nhân, đó là phải thay đổi cách sống. Lời đáp của Chúa Giêsu không xác định về số ít người được cứu, nhưng là tính cách nghiêm trọng của cuộc sống hiện tại của mỗi ngươi. Họ sẽ chen nhau để vào cửa hẹp mà không được vào, vì họ không chịu hoán cải. Cửa hẹp dẫn đến niềm vui của bàn tiệc Thiên Quốc và đây cũng là thời gian cuối cùng, cần mau mắn và gấp rút để vào vì cửa sắp đóng.
“Một khi chủ nhà đứng dậy và khóa cửa lại… mới vào gõ cửa… thì ông sẽ bảo: Ta không biết các ngươi” (25). Nếu để đến phút chót của cuộc đời mới vội vã len chân vào, thì kết quả sẽ bị từ chối khi cửa đã đóng. Dù lúc đó, họ có kể lại những kỷ niệm, những cuộc gặp gỡ “lướt qua” của họ với Ngài cũng không ích gì: “Chúng tôi từng ăn, uống…. Ngài từng giảng dạy trên đường phố chúng tôi” (26). Lúc này, Chúa Giêsu nói thẳng vào cuộc sống của người Do Thái, cách mà họ từ chối Lời Thiên Chúa. Dù họ có chứng kiến những việc làm của Chúa Giêsu, có nghe những bài giảng dạy của Ngài trên đường phố, trong hội đường…. nhưng lòng họ chai đá, tai chẳng thích nghe, mắt chẳng thèm nhìn… thì làm sao họ có thể được ơn hoán cải?
Thái độ họ ăn uống với Đức Giêsu hoặc nghe Ngài giảng chỉ là những liên hệ rời rạc, hời hợt… nên lời Đức Giêsu chẳng đâm rễ sâu trong tâm hồn họ, vẫn không lớn lên và không phát triển trong mảnh đất cuộc đời họ được. Lúc này, Chúa Giêsu với cương vị là thẩm phán trong ngày tận thế, Ngài xét xử công minh theo việc họ làm, “Ta không biết các ngươi… cút đi… hỡi quân làm điều bất chính” (27). Đến lúc này, những người được vào Nước Trời không chỉ là con cháu Apraham theo huyết thống mà còn phải tin nhận Đức Giêsu Ki-tô là Thiên Chúa, là Đấng cứu độ trần gian, nghĩa là phải được Vị thẩm phán ấy nhận biết nữa.
Ðặc tính phổ quát của ơn cứu rỗi không được hiểu theo phạm trù số lượng, nghĩa là không phải mọi người tự động đều được cứu rỗi. Sự cộng tác từ phía con người là điều cần thiết. “Hãy vào qua cửa hẹp”, hẹp, vì nó đòi con người phải từ bỏ nhiều. Hình ảnh cậu bé Charlie trong phim hoạt hình, đứng trước cửa, ôm trên người rất nhiều thứ; cậu muốn bước ra ngoài chơi với bạn bè, nhưng lại không muốn bỏ những thứ đang chồng chất trên người mình; cậu bé bực tức nói lớn: “Làm sao tôi có thể bước qua cửa này được?”.
Nhiều người Kitô hữu chúng ta cũng có thể hành xử như vậy: vừa muốn vào Nước Chúa, vừa muốn giữ lấy mọi thứ không phù hợp với Nước Chúa; muốn vào Nước Chúa, nhưng lại không thực hành giáo huấn của Ngài, không canh tân đời sống của mình.
Lời cảnh báo trong câu cuối đoạn Tin Mừng như một lời cảnh cáo, nhắc nhở dân Ítrael ngày xưa và lời ấy vẫn mang tính thời sự cho đến ngày nay, cho từng người chúng ta. Đó là lời mời gọi hoán cải, canh tân mỗi ngày, canh tân liên lỉ… không có việc cứu rỗi dành cho những người cứ “khất lần, khất lữa trong đời sống thiêng liêng. Đối với mọi người, cửa đều chật, đường đều hẹp. Nếu chúng ta cứ làm điều bất chính, thì chắc chắn cửa sẽ đóng khi chúng ta đến gõ và kể cả khi chúng ta đã rửa tội, có đi lễ… trong sự thân thiết hời hợt với Chúa.
Con đường hẹp nhưng lại là con đường dẫn tới vinh quang. Ta hãy xin Chúa cho ta được can đảm bước vào con đường như thế, để mai sau ta được xứng đáng với vinh quang Nước Trời.
Huệ Minh