Thảo kính cha mẹ, tôn kính tổ tiên là truyền thống đạo lý của dân tộc Việt Nam. Cài bông hồng đỏ trên áo để chứng tỏ cha mẹ còn sống.Đó là cách biểu lộ tình thương đối với cha mẹ, do đó, phụng dưỡng cha mẹ, an ủi cha mẹ là tỏ lòng hiếu thảo đối với cha mẹ. Cài bông hồng trắng trên áo để tưởng nhớ cha mẹ đã khuất. Con người nhớ để cầu nguyện, dâng lời kinh, tạ lễ cầu cho cha mẹ, ông bà, tổ tiên đã mất là cách tỏ lòng tôn kính, thảo hiếu đối với các bậc sinh thành…
Ngày đầu xuân Giáo hội nhắc lại sự đáp trả, báo ơn cha mẹ, ông bà, tổ tiên là việc làm rất ư cần thiết. Thế nhưng, ta phải có những thái độ nào, phải có những cách hành xử như thế nào, để đạo “thờ cha, kính mẹ” cho phù hợp với thánh ý Thiên Chúa? Đó có phải chỉ là cấp tiền nuôi dưỡng cha mẹ? Hay đó có phải chỉ là đến ngày, đến tháng vào xin một thánh lễ cho cha mẹ, ông bà, tổ tiên là xong?
Ngày mồng hai tết, Giáo Hội Việt Nam dành ngày này để kính nhớ tổ tiên, ông bà cha mẹ, đây là một việc làm thật đáng trân trọng và hữu ích vì trong những ngày tết, mọi người đều vui vẻ, hạnh phúc sum vầy, êm ấm để ăn tết, tưởng nhớ, dâng lễ và cầu nguyện cho những bậc tiền nhân là một nghĩa cử cao đẹp và là một nhắc nhớ cho mọi người hãy sống hiếu thảo, hãy thực hành giới luật thứ bốn của thập giới Kitô giáo. Sống đạo hiếu là nét son văn hóa và nét nổi bật đức tin của người Kitô hữu Việt Nam.
Và khi nhìn lại phận người, ta thấy ta sống được ở đời là nhờ những liên hệ. Không ai có thể sống một mình. Ta cần có cha mẹ để mặt ở đời. Ta cần có thầy cô để khai thông trí hoá. Ta cần có bạn bè để chia sẻ buồn. Ta cần người nông dân để có lúa gạo, rau trái. Ta cần có thợ may để có quần áo. Ta cần người quét đường để đường phố được sạch sẽ. Có thể tất cả những gì ta có được: từ sự sống đến kiến thức, từ cơm ăn áo mặc đến xe cộ, thuốc men, tất cả đều nhờ người khác.
Những mối liên hệ giống như những con đường chuyên chở đến cho ta những chất liệu nuôi dưỡng cuộc sống. Những mối liên hệ là những mạch máu đem máu đỏ đến tận những tế bào bé nhỏ nhất trong thân thể ta. Những mối liên hệ chính là chiếc tay vịn giúp ta leo lên những bậc thang làm người và thành đạt.
Theo người Do Thái, quan niệm về những đòi hỏi của Thiên Chúa được ghi trong luật. Luật gồm hai phần: Luật thành văn là luật Chúa chứa đựng trong Kinh Thánh, và luật truyền khẩu được các kinh sư triển khai qua nhiều thế hệ, và được xem như là truyền thống của tổ tiên. Luật này có tính cách bắt buộc tuân giữ, nếu không muốn nói là hơn cả luật thành văn. Đối với người Do Thái, tất cả những luật truyền thống là lệnh truyền của Chúa, thực thi những điều luật truyền thống là làm vừa lòng Chúa, là trở nên một người công chính. Tuân giữ luật Chúa là tuân thủ những luật lệ, những nguyên tắc và những lễ nghi bề ngoài, nghiêm ngặt phần hình thức như “rửa tay trước khi ăn”, “dâng lễ phẩm cho Chúa thay thế sự hiếu kính cha mẹ”.
Và rồi với người Việt Nam chữ hiếu luôn đứng đầu trong mọi đức tính sẵn có của con người. Người Việt Nam vốn lấy đạo đức làm căn ban cho cuộc sống, cho bản thân, cho gia đình và cho dòng tộc của mình. Con cái thảo hiếu với cha mẹ lúc còn sống, khi cha mẹ đã khuất, người con hiếu thảo là người con luôn tưởng nhớ tới cha mẹ bằng việc cầu nguyện, xin lễ cho những người thân đã mất.
Người Việt Nam thường có bàn thờ gia tiên để tôn kính tổ tiên, ông bà cha mẹ đã qua đời. Sự hiếu thảo của con cái được thể hiện bằng nhiều cách như khi cha mẹ còn sống, con cái kính trọng, nuôi dưỡng, vâng phục cha mẹ và khi các vị đã mất, con cái cháu chắt lại tưởng nhớ tới các bậc tiền nhân trong những ngày giỗ, ngày kỵ, này tết nơi gia đình, nơi dòng tộc của mình. Người Việt Nam cũng không chỉ đóng khung trong gia tộc, gia đình mà họ còn đi xa hơn biết ơn cả đối với những người đã hy sinh để xây dựng quê hương, bảo vệ đất nước.
Tôn vinh cha mẹ không chỉ trước mặt Thiên Chúa mà còn là tôn vinh, làm rạng danh cha mẹ trước mặt người đời. Mình không thể nói là có hiếu với cha mẹ khi mà đời sống của mình bê bối đủ điều. Mình không thể nói là có hiếu nếu mình cứ sống một cuộc sống mua gian bán lận, một cuộc sống thiếu yêu thương bác ái đối với người khác, một cuộc sống muốn loại trừ những người khác. Do đó, cái hiếu đối với cha mẹ, đó còn là việc thể hiện một đời sống tốt trước mặt người đời. Bởi vì khi mình sống tốt trước mặt người đời là mình đang làm rạng danh, đang tôn vinh cha mẹ mình.
Hơn thế nữa, cái hiếu lớn nhất là tôn vinh cha mẹ, không chỉ là tôn vinh cha mẹ trước mặt Thiên Chúa và tôn vinh cha mẹ trước mặt người đời, nhưng còn là thể hiện cái hiếu qua việc tôn vinh cha mẹ trước mặt chính mình. Tôn vinh cha mẹ trước mặt chính mình đó là khi mình biết vâng lời cha mẹ, tôn kính cha mẹ. Do đó, mình không thể nói là có hiếu trong khi mình cứ luôn cãi lời cha mẹ, không biết tôn kính cha mẹ. Cha mẹ là cái gì rất cao siêu lành thánh, mà lại thật thân mật gần gũi, được Chúa dành cho chúng ta.
Những người thờ cúng tổ tiên có vẻ sống gần gũi với ông bà cha mẹ đã khuất. Người ta coi “sự tử như sự sinh” (phụng dưỡng người chết cũng như người sống). Do đó, người ta khấn vái, nói chuyện với cha mẹ đã chết giống như nói chuyện với người còn sống. Họ dâng cho cha mẹ hoa quả, nén hương, thậm chí cả mâm cơm để tỏ tấm lòng thành với các ngài.
Người công giáo Việt Nam bao giờ cũng có lòng biết ơn và kính nhớ ông bà tổ tiên cha mẹ. Hầu như nhà nào cũng có bàn thờ ông bà tổ tiên với những hoa nến, nhang hương tỏa hương thơm ngát, nghi ngút khói bay…Thật đúng như lời Sách Đức Huấn Ca viết:” Dòng dõi các ngài sẽ muôn đời tồn tại, vinh quang các ngài sẽ chẳng phai mờ. Các ngài được mồ yên, mả đẹp, và danh thơm mãi lưu truyền hậu thế.Dân dân sẽ kể lại đức khôn ngoan của các ngài, và cộng đoàn vang tiếng ngợi khen “.
Thánh Augustinô cũng viết một đoạn đáng ghi nhớ:” Các ngài thấy, các thế hệ loài người trên mặt đất cũng giống như những chiếc lá trên cành cây, luôn luôn xanh tươi.Trái đất này cũng mang những con người, như cây mang những chiếc lá. Trái đất đầy dẫy những con người kế tiếp nhau, người này chào đời, trong khi người kia vẫy tay giã biệt.Cây không bao giờ cởi bỏ bộ áo màu xanh của mình, nhưng hãy nhìn xuống gốc cây: các ngài đang đạp trên một tấm thảm dầy những chiếc lá khô mục “.Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Êphêsô đã khuyên nhủ:” Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa,vì đó là điều phải đạo.Hãy tôn kính cha mẹ…”.
Đạo hiếu vẫn là đạo mà mọi nước, mọi dân tộc trên thế giới này đều khuyên nhủ con người thực hiện. Còn sống phụng dưỡng cha mẹ, không được làm phật lòng cha mẹ để cho cha mẹ buồn. Khi qua đời phải hết lòng kính nhớ, dâng lời cầu cho những người đã chết, vì cầu nguyện cho họ được giải thoát khỏi tội lỗi là một việc lành thánh…”. Bởi vì như Sách Khải Huyền viết:” Phúc thay kẻ nhắm mắt lìa đời, đã lìa đời trong ơn nghĩa Chúa. Trải qua bao nhọc nhằn vất vả. Giờ đây họ xứng đáng nghỉ ngơi. Vì công đức xưa kia vẫn còn theo họ mãi “.
Tâm tình cầu cho cha mẹ của Linh mục Nguyễn duy đã lột tả.
“Này chúng con sinh vào đời nhờ có tay của mẹ cha. Là Thái Sơn cao xa cao xa, là Biển Đông bao la bao la, như một rừng hoa ngát hương cả bốn mùa. Ôi tình mẹ cha nói lên tình Chúa. Đời chúng con yên vui hân hoan, nhờ mẹ cha gian nan lo toan, trong giọt mồ hôi có chung cả máu hồng, luôn dạy lòng con biết câu mặn nồng.
Rồi lớn lên, con vào đời, gặp biết bao nhiêu người thương. Dù có ai hy sinh cho con. Dù được ai cho mâm cơm ngon, đi gần về xa, thấy đâu một mái nhà, như nhà mẹ cha thiết tha từ ấy. Rồi lớn lên, con xây non cao, vượt biển khơi bay lên trăng sao. Khi về nhà xưa với cha và với mẹ, vẫn là trẻ thơ bé như ngày nào”
Vâng, lời ca như muốn mời gọi chúng ta hãy sống trọn tình con thảo ngay từ hôm nay. Hãy sống ngoan hiền bên những người cha mẹ đang còn trẻ để hưởng nếm giây phút ngọt ngào mà ai đó nói rằng: là chùm khế ngọt cho con trèo hái mỗi ngày.
Hãy sống thảo hiếu, quan tâm chăm sóc các đấng sinh thành khi đã còng lưng vì một đời lam lũ cho đoàn con.
Vâng, hãy tạ ơn Chúa đi, hãy sống cho trọn vẹn đạo làm con, trọn nghĩa tình với cha mẹ mình, vì cha mẹ là món quà thiêng liêng và quí giá nhất, tình
Những ngày đầu năm mới trong khi mọi người ăn uống, sum vầy, Giáo Hội luôn khuyên dạy chúng ta hãy nhớ tới công ơn của tổ tiên, ông bà và cha mẹ. Chính là các bậc tiên tổ, bậc cha ông mà chúng ta mới có ngày hôm nay…
Thảo kính cha mẹ không phải là chuyện gởi những món quà to, nhưng lỡi tết nặng, nhưng thảo kính cha mẹ là về bên các ngài trong những ngày nghỉ, thăm hỏi, chăm sóc, hiện diện, an ủi, đỡ đần và yêu thương. Thảo kính cha mẹ không phải là chuyện khoe thành tích, cũng chẳng là chuyện dâng cúng ít nhiều, nhưng là biết vâng nghe nhưng lời dạy dỗ bảo ban; biết kính trên nhường dưới; biết ghi lòng tạc dạ đền đáp công ơn:
Công cha như núi ngất trời,
Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông.
Núi cao biển rộng mênh mông,
Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi!
Huệ Minh