Mở đầu trang Tin Mừng, thánh sử giới thiệu vị thầy dạy là Chúa Giêsu và các học trò là môn đệ của Ngài. Đối tượng bây giờ là các môn đệ, là cộng đoàn của các ông chứ không phải dân chúng. Chúa Giêsu khẳng định : đành rằng có những cớ làm cho người ta vấp ngã, nhưng Ngài lại chúc dữ cho kẻ làm điều ấy “ khốn cho kẻ làm cớ…” ( c. 1) và Ngài đưa ra hình phạt ngay : “ Cột cối đá vào cổ nó và xô xuống biển thì có lợi cho nó hơn…” ( c. 2).
Một câu nói tưởng chừng như một hình phạt nhưng lại là công phúc, đem lại lợi ích cho kẻ gây ra và nhất là không gây tác hại cho kẻ khác, làm cớ cho người khác vấp ngã còn do những lời giảng dạy sai lầm, khiến người nghe, hiểu và có những hành động sai lạc.
Đây cũng là lời cảnh tỉnh cho những người có trách nhiệm chăm sóc dạy dỗ linh hồn người khác như : Linh mục, tu sĩ, các giáo lý viên và ngay cả mỗi người Kitô hữu… Khi chúng ta sống trái với đạo lý, ngược với Tin Mừng. Chúng ta cần phải làm chứng về Đức Kitô cho những anh em tân tòng, các anh em thuộc các tôn giáo bạn bằng cách sống hằng ngày của chúng ta.
Sống là liên đới: không thể sống mà không cần người khác, cũng không thể sống mà không cảm thấy có trách nhiệm đối với người khác. Cuộc sống của tôi dù âm thầm đến đâu vẫn có âm hưởng trên người khác; dù tôi có tàn tật và bé nhỏ đến đâu, tôi vẫn là người hữu dụng cho người khác; không có một hành động nào của tôi mà không có liên hệ đến người khác, đó chính là ý nghĩa và giá trị của cuộc đời tôi; tôi có hạnh phúc hay không là tùy tôi có biết sống cho người khác hay không.
Sống đời sống cộng đoàn ở đây bao gồm trong gia đình, trong tập thể, trọng một cộng đoàn, và cả trong toàn thể Hội Thánh. Chúa Giêsu kêu gọi môn đệ đừng gây gương xấu hay làm cớ cho người khác vấp ngã. Bởi vì đây là điều hết sức nguy hiểm, nó có thể làm cho những người có đức tin non yếu phải sa ngã và mất luôn đức tin.
“Thà buộc cối đá lớn vào cổ nó và xô nó xuống biển còn lợi cho nó hơn là để nó làm cớ…” là cách nói quen thuộc, để nhấn mạnh, để làm tăng thêm giá trị, thêm sự cấp bách và khẩn thiết cho lời Chúa Giêsu muốn nói. Những kẻ gây gương xấu thì thật là vô phúc, là khốn thay; thà chết còn hơn.
Chúa Giêsu đã đưa ra hai trường hợp cụ thể về trách nhiệm đối với tha nhân: một là phải tránh làm gương mù cho anh em, hai là phải tha thứ cho anh em. Mệnh lệnh của Chúa Giêsu làm cho chúng ta nhớ lại câu hỏi mà Thiên Chúa đã đặt ra cho Cain sau khi Cain đã sát hại em mình là Aben: “Cain, em của ngươi đâu?” Cain đã trả lời: “Tôi có phải là người đã giữ em tôi đâu”. Câu trả lời của Cain là lời thú nhận về một trách nhiệm mà ông muốn chối bỏ. Thái độ của Cain vẫn thường được lập lại trong cuộc sống hàng ngày của các Kitô hữu chúng ta. Làm thiệt hại người anh em bằng nhiều cách khác nhau đã đành, đối xử với người anh em như một phương tiện đã đành, chúng ta cũng thiếu trách nhiệm đối với người anh em bằng thái độ dửng dưng. Mặc ai sống chết, chúng ta chỉ nghĩ đến quyền lợi của riêng chúng ta.
Chúa Giêsu còn chỉ dạy chúng ta cách sửa lỗi nhau : “Nếu người anh em của anh xúc phạm đến anh, hãy khiển trách nó” ( c. 3). Chúa không muốn chúng ta phủ nhận hay xem thường lỗi của người anh em, nhưng là lấy tình bác ái mà sửa dạy lẫn nhau.
Ngài muốn chúng ta chỉ rõ lỗi của anh em, nói thẳng những điều xấu của họ trong tình bác ái. Không phải để la mắng, vùi dập, tố cáo… nhưng là nâng đỡ, vạch ra hướng đi, và giúp người anh em chỗi dậy và bước tiếp : “ nếu nó hối hận, hãy tha cho nó” Tha thứ là hành vi bác ái mà luật Chúa Kitô đòi hỏi: “Dù nó xúc phạm một ngày 7 lần và 7 lần trở lại nói : Tôi hối hận; thì cũng phải tha cho nó” (c. 4). Tha thứ không giới hạn, không kể đến vì lỗi lầm người kia cứ xúc phạm, nhưng nếu không tha thứ cho người anh em là chúng ta phủ nhận Tình Yêu của Chúa đối với ta qua bí tích Hòa giải.
Thiên Chúa đã tha thứ cho ta và tha thứ cho người anh em, vậy sao ta lại cố chấp nhận không tha thứ ?. Sự tha thứ cần thiết vì con người quá yếu đuối, mỏng giòn. Tha thứ còn là cảm thông với những yếu đuối của họ và truyền sinh lực cho họ bước tiếp quãng đường.
Trong ngày sau hết, chúng ta sẽ chỉ bị xét xử dựa trên cách cư xử của chúng ta đối với người anh chị em của chúng ta mà thôi. Chúa Giêsu đồng hóa với mỗi tha nhân. Nguyện xin Chúa cho chúng ta luôn được tỉnh thức để nhận ra Ngài trong mỗi một tha nhân và đối xử với người ấy như với chính Ngài.
Hãy đặt mình trước nhan Thiên Chúa và hãy nghĩ đến thân phận của mình chỉ là thụ tạo, một thụ tạo đầy tội lỗi, thì lúc đó ta sẽ hiểu rằng mình không phải là người tha thứ mà là kẻ được thứ tha. Chắc chắn đã hơn một lần ta đã xúc phạm đến Thiên Chúa và nguồn hy vọng cuối cùng của ta là không ngừng xin Thiên Chúa thứ tha cho ta. Và ta cũng nghiệm được rằng: lòng nhân ái và nguồn ơn tha thứ của Thiên Chúa không có giới hạn.
Nhiều khi chúng ta yếu đức tin, vì chưa phó thác vào Tình Yêu Thiên Chúa, vì còn nương tựa vào bản thân hay sức con người. Lòng tin còn là sự đáp trả của con người trước những phép lạ hoặc những điều kỳ diệu Chúa làm như trong Tin Mừng ta thường thấy.
Chúa Giêsu đã nói: “Nếu anh em có lòng tin nhỏ xíu bằng hạt cải thôi, anh em có thể truyền lệnh cho cây dâu nầy bật gốc lên, xuống mọc dưới biển kia cũng được”. Nói như thế, Chúa Giêsu không muốn nói rằng đức tin có khả năng làm phép lạ như một sức mạnh phù phép, bùa chú, hiểu theo nghĩa đen là “chuyển núi dời non”.Nhưng Ngài muốn nói: đức tin là một động lực thúc đẩy chúng ta dám nghĩ, dám làm những việc to lớn, phi thường mà nếu không có lòng tin, chúng ta không dám hành động. Bởi vì, người có lòng tin thì hành động bằng quyền năng của Thiên Chúa, chứ không phải bằng khả năng giới hạn của mình.
Lời Chúa nhắc nhở mỗi người để ý lại lối sống của mình; dành thời gian thinh lặng để nhìn lại mình. Có khi chúng ta đang làm gương xấu mà không biết, để rồi những người bên cạnh chịu ảnh hưởng theo đó; nhất là những người có đời sống đức tin còn non yếu.
Con người thời nay như mất hết niềm tin nơi Chúa và họ chẳng còn tin cậy lẫn nhau. Cha của kẻ dối trá là ma quỷ đã gieo vào lòng ta sự ngờ vực, ngờ vực Tình Yêu tha thứ của Thiên Chúa, ngờ vực lòng tốt của người anh em. Đến nỗi, ta không phân biệt được đâu là đúng, đâu là sai, điều nào nên làm hay không nên làm. Xin Chúa củng cố thêm niềm tin của ta, để cho dù trời đất có thay đổi, lòng ta vẫn một niềm phó thác, tin cậy vào Chúa.
Huệ Minh