Hãy tạ ơn Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh

LoiChua - Hãy tạ ơn Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh

Trang Tin Mừng chúng ta vừa nghe, Thánh sử Luca đã đề cao một hành vi nhỏ bé ấy, vốn xảy ra trong cuộc sống hằng ngày.

Người Việt nam thường nói: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. “Uống nước nhớ nguồn”. “Hòn đất ném đi hòn chì nám lại”. Lời “cám ơn” rất đơn sơ bé nhỏ, nhưng đem lại cho người làm ơn một sự vui thỏa, ấm áp. Đó là phép lịch sự, tế nhị tối thiểu, bình thường, và phải cư xử như vậy mới là người biết điều. Việt Nam cũng có những câu nói diễn tả người vô ơn: “Ăn cháo đá bát”. “Vắt chanh bỏ vỏ”. “Có trăng phụ đèn”. “Ăn mật trả gừng, ăn sung trả ngải”. Kẻ muốn được ơn thì nhiều, kẻ biết ơn thì quá ít. Câu chuyện Phúc âm hôm nay có tỷ số là một phần mười mà thôi.

Chúa Giêsu đang trên đường đi lên Giêrusalem. Có mười người bệnh phong đón chờ gặp Chúa để xin Ngài chữa lành chứng bệnh nan y của mình. Chắc họ đã từng được nghe về Chúa Giêsu. Khi nhìn thấy Chúa Giêsu từ xa, với hết nỗi đau do căn bệnh và do sự xa tránh của người khác, họ kêu gào lên cùng Chúa: “Lạy Thầy Giêsu, xin rủ lòng thương chúng tôi”. Chúa Giêsu nhận thấy rõ những đau khổ của họ. Ngài đã đáp lời và chữa lành họ bằng một lệnh truyền đi trình diện các tư tế. Đang khi đi, họ được chữa lành.

Từ xa, họ lớn tiếng kêu xin: “Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương xót chúng tôi”. Lời van xin nức nở của những người đang đau khổ đến cực độ, nỗi đau chẳng biết kêu xin ai, vì mọi người đều bất lực, mà còn trốn tránh trách nhiệm, đuổi người phong cùi ra khỏi đời sống cộng đồng, ra khỏi lề cuộc sống, những người này như không được làm người nữa, nỗi đau tâm lý còn nặng nề gấp bội phần nỗi đau thể lý

Nhóm này gồm mười người, họsống trong một ngôi làng riêng lẻ vì bị coi là nhơ uế. Khi thấy Chúa Giêsu vào làng, họ ra đón gặp Người. Nhưng “họ chỉ dừng lại ở đàng xa và kêu lớn tiếng: Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi” (c.13). Họ không dám đến gần Chúa Giêsu để nài nỉ, để chạm vào gấu áo Người như những bệnh nhân khác, vì đó là luật cấm của Do Thái. Họ biết Chúa Giêsu là vị lương y tài giỏi chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền, nên cố kêu lớn tiếng cầu xin lòng thương xót của Người.

Chạnh lòng thương”,Chúa Giêsu bảo: Hãy đi trình diện tư tế (14a). Một lệnh truyền được ban ra và họ đã thi hành. Chúa Giêsu bảo họ đi đến với các tư tế là những người theo luật (Lv 14, 2tt) có nhiệm vụ cứu xét về việc lành bệnh, để họ được gia nhập cộng đồng. Chúa Giêsu đã không làm một cử chỉ “giơ tay” hay “chạm vào”, vì thế việc chữa lành không xảy ra ngay tức khắc: “đang khi đi, họ được sạch” (14b). Như thế, chỉ với một lệnh truyền mà mười người này đã tuân lệnh, chứng tỏ họ có lòng tin tưởng mạnh mẽ vào Lời của Đức Giêsu- Lời của Người có sức mạnh và uy quyền chữa lành.

“Một người trong bọn họ thấy mình được sạch, liền quay trở lại, tôn vinh Thiên Chúa” (15). Chúng ta chú ý về thái độ của anh: khi vừa thấy ơn lành xảy ra với mình, anh ý thức điều ấy ngay tức khắc trong thái độ: “liền quay trở lại” tìm gặp Chúa Giêsu và tôn vinh Thiên Chúa đã thực hiện nơi anh việc lạ lùng qua Lời của Người. “Anh sấp mình.dưới chân Chúa Giêsu mà tạ ơn”.

Một thái độ tôn thờ, tin tưởng và suy tôn uy quyền của Thiên Chúa; thái độ của một thụ tạo trước Đấng tác tạo muôn loài, trước Tình Yêu nhưng không của Ngài chỉ còn biết: Tạ ơn; như thái độ của Đức Maria trong kinh Magnificat vậy. Anh ý thức mình chỉ là một tạo vật nhỏ bé tầm thường nhưng được Thiên Chúa ưu ái đặc biệt. Thánh Luca nói tiếp: Anh là người Samari. Trong ba câu 17 – 18, Chúa Giêsu lên tiếng trách cứ chín người phong hủi Do Thái, không thấy trở lại để tôn vinh Thiên Chúa. Chúa Giêsu đưa ra một hình ảnh tương phản giữa lòng biết ơn của Người dân ngoại và sự vô ơn của những người mệnh danh là “dân Thiên Chúa”. Và Ngài còn đẩy xa hơn, cao hơn là “lòng tin của anh đã cứu anh” (19).

Mười người phong được chữa lành, nhưng chỉ có người Samari biết ơn mới được tuyên bố là: được cứu độ. Như vậy ơn cứu độ thì cao cả hơn việc chữa bệnh thể xác và niềm tin trọn vẹn của kẻ quay trở lại thì cao quí hơn sự tin tưởng đã thúc đẩy cả mười người đi trình diện tư tế trước khi được chữa lành.

Chúa Giêsu chữa bệnh cho người Do thái và cả người Samari, Chúa mời gọi ta khi phục vụ cần nêu cao tinh thần phổ quát, không phân biệt đối tượng trong việc đối xử, kể cả người làm hại mình. Chúa Giêsu chữa bệnh phần xác và cả phần hồn, nên khi ta được ơn phần xác thì cũng nhớ biến đổi phần linh hồn nữa, là sống theo tinh thần của Chúa Giêsu.

Những người phong cùi Do thái vụ luật trình diện không trở lại tạ ơn và tôn vinh Thiên Chúa. Chúng ta cũng được rất nhiều ơn Chúa, nhưng vì bổn phận, các sinh hoạt của đời sống thường ngày, nên không đến với Chúa trong giờ đạo đức, chúng ta không vượt thắng trở ngại vì chúng ta quên mất nguồn gốc của các ơn ta được là chính Thiên Chúa, chúng ta quý ơn Chúa mà không quý Chúa, là Đấng đã làm nên tất cả, chúng ta thường vô ơn với Chúa.

Với tâm tình hân hoan khi được chữa lành, một người trong nhóm đã quay trở lại để tạ ơn Chúa Giêsu. Chắc chắn, lời cám ơn ấy là lời cám ơn chân thành xuất phát tự đáy tâm hồn của người bị bệnh phong.

Cuộc đời của mỗi người kitô hữu chúng ta được dệt nên từ biết bao ân huệ Chúa đã thương ban. Ân huệ này nối tiếp ân huệ khác. Chính vì thế, chúng ta hãy sống tâm tình tạ ơn như Thánh Phaolô: “Anh em hãy tạ ơn Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh, vì đó là điều Thiên Chúa muốn” (Tx 5, 18).


Huệ Minh

Exit mobile version