Thánh sử Luca thuật lại cho chúng ta một trong những điều con người được nhận lãnh nhờ vào hành động phi lý ấy. Là Ngôi Hai Thiên Chúa thì Chúa Giêsu đâu cần phải được hiến dâng cho Thiên Chúa theo luật Môisê, thế nhưng ngài vẫn tuân giữ nghi lễ này, vì Ngài muốn giống con người trong hết mọi sự ngoại trừ tội lỗi. Ngài giống con người để con người không còn phải e ngại khi đến với Ngài cũng như hiểu được lời mời gọi của Ngài.
Nếu trước đây, Ngài đã sinh ra trong chuồng bò là để cho mọi người có thể đến với Ngài, không phân biệt giàu sang hay nghèo khổ, có địa vị hay chỉ là dân đen. Các trẻ chăn chiên được mời gọi, ba nhà đạo sĩ Phương Ðông được chỉ lối, tất cả đến với Ngài và đã tìm được nguồn vui.
Tin Mừng hôm nay cũng được thánh sử Luca đề cao đời sống của nữ ngôn sứ tên là Anna. Bà tuy đã già, nhưng là một mẫu người Israel lý tưởng. Bà đã nhận ra giá trị của món quà mà Thiên Chúa trao tặng cho nhân loại, nên “bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa”. Theo tập tục của người Do Thái, người phụ nữ không thể ở lại trong khuôn viên Đền Thờ vào ban đêm, nhưng tác giả Tin Mừng thứ ba muốn nhấn mạnh đến sự chuyên cần trong việc phụng tự và cầu nguyện của người Do Thái thời đó, và còn cho rằng bà Anna có những đức tính tốt lành đó. Vì thế, cả cuộc đời còn lại của bà, là gắn bó mật thiết với Chúa vì bà đã chọn Chúa.
Ông Simêon cảm thấy hạnh phúc trào dâng khi ẵm Chúa Giêsu vào lòng. Hạnh phúc đối với ông là những gì đơn sơ nhỏ bé, nhưng nó xuất phát từ Thiên Chúa. Sinh ra và lớn lên trong lòng Giáo hội, chúng ta được thừa hưởng biết bao hồng ân từ Thiên Chúa, nhưng ta có cảm nhận được chăng? Mỗi khi rước lễ, chúng ta có sung sướng như Simêon ẵm Chúa vào lòng không? Có bao giờ ta biết cám ơn Chúa về đôi mắt, về đôi tay, về sự hiện diện của ta trên cõi đời này. Noi gương Simêon, chúng ta hãy luôn tạ ơn Chúa trong những gì bình dị nhất.
Chính khi chọn Chúa là tất cả đời mình, tâm hồn bà tràn ngập niềm vui, khiến cho bà quên cả thân phận góa bụa – già nua của mình để chỉ ngày đêm nghĩ đến việc thờ phượng và cảm tạ Thiên Chúa. Hơn thế nữa, khi có cơ hội được tiếp xúc với những người thành tâm thiện chí, nhất là những người từ thành Giêsuralem đến, bà không ngần ngại nói về “Hài Nhi cho những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc” (Lc 2,38b).
Nữ ngôn sứ mà Tin Mừng thuật lại cho chúng ta hôm nay cũng là mẫu gương cho mỗi người chúng ta. Chúng ta hãy là những người khôn ngoan, chọn Chúa là phần gia nghiệp đời mình và để tâm tìm cách làm đẹp lòng Chúa. Nhờ đó, dù ở đâu, làm gì … chúng ta vẫn hướng về Chúa là món quà duy nhất Thiên Chúa Cha ban tặng chứ đừng hướng chiều về thế giới vật chất. Vì thánh Gioan nói: “mọi sự trong thế gian: như dục vọng của tính xác thịt, dục vọng của đôi mắt và thói cậy mình có của, tất cả những cái đó không phát xuất từ Chúa Cha, nhưng phát xuất từ thế gian; mà thế gian đang qua đi cùng với dục vọng của nó. Còn ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa thì tồn tại mãi” (1Ga 2, 16).
Bà Anna là người đã thực hiện vai trò truyền giáo của mình một cách thiết thực bằng chính cuộc sống của mình: bà đã can đảm chấp nhận một cuộc sống nghèo nàn, đơn sơ trong chay tịnh và cầu nguyện để trông chờ Đấng Cứu Thế. Chắc chắn trong suốt thời gian sống ẩn dật, bà đã “nói với Chúa” rất nhiều về con người trong thời đại đó và về nỗi khát khao ơn cứu độ của họ. Được Chúa thương cho diện kiến Vị Cứu Tinh và được đụng chạm đến Người, bà đã không giữ lại cho riêng mình nhưng ngay lập tức “nói về Chúa”, công bố tình thương Chúa cho mọi người. Qua đó, sứ mạng của nhà truyền giáo được thực hiện một cách trọn vẹn, đầy đủ, đầy lòng tin và sự nhiệt thành. Bà Anna là mẫu mực cho mọi kitô hữu trong cuộc sống và hành động trong việc loan truyền Lời Chúa.
Bà Anna mà Tin Mừng hôm nay nói đến phải trở thành một mẫu gương sống động cho chúng ta, đặc biệt là cho những người nghèo khổ, già nua bệnh tật.
Đừng bao giờ chúng ta nghĩ rằng, cuộc đời vô tích sự của chúng ta là vô giá trị trước mặt Thiên Chúa, mà chúng ta phải nghĩ rằng, chúng ta có thể làm cho nó trở nên vô giá trước mặt Chúa, nếu chúng ta biết chọn Chúa, nếu chúng ta biết biến nó thành một của lễ hy sinh, bằng một đời sống kết hợp với Chúa trong chay tịnh và cầu nguyện.
Tiên tri Anna là người đã rất khôn ngoan chọn đời sống goá bụa sau khi chồng bà qua đời, luôn ở gần Đền Thờ, ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa (Lc 2,37) suốt 84 năm. Cả đời bà đã chọn “trò chuyện” với Chúa, “nói với Chúa” để chúc tụng Chúa, thờ phượng Chúa. Để đến khi gặp Chúa Hài Nhi, thì “nói về Chúa” cho những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc muôn dân (Lc 2,38). Có thể nói được rằng Bà chính là “nhà truyền giáo, giảng thuyết đầu tiên” rao giảng Tin Mừng Cứu Độ.
Vị tiên tri là gì nếu không phải là kẻ truyền rao Thiên Chúa, truyền rao ơn cứu độ. Như vậy, chúng ta có thể gọi bà Anna là mẫu mực cho người tín hữu trong cuộc sống và hành động. Bà đã can đảm và chấp nhận một cuộc sống thiếu thốn trong chay tịnh và cầu nguyện, cũng như luôn hy vọng đợi chờ, dù cho sự việc chẳng biết bao giờ mới xảy ra và khi đã đón nhận hồng ân thì lại sẵn sàng truyền rao chia sẻ cho kẻ khác. Hồng ân bà nhận được hôm nay luôn là một chứng từ thôi thúc tín hữu thêm lòng cậy trông, vì Thiên Chúa sẽ không chê bỏ những ai đặt hết hy vọng vào Ngài.
Mỗi người chúng ta có thể noi gương bà Anna sống kết hiệp với Chúa trong cầu nguyện và chay tịnh, nghĩa là sống đời khổ hạnh, để có thể nhìn thấy hành động của Thiên Chúa trong lịch sử nói chung và trong chính đời sống mỗi ngừơi chúng ta nói riêng. Không phải sự không ngoan thông thái làm cho con người gặp được Thiên Chúa và lãnh nhận ơn cứu rỗi của Ngài, nhưng chỉ những tâm hồn đơn sơ như các mục đồng, như bà Anna mới lắng nghe được lời mời gọi đến gặp Chúa.
Huệ Minh