Hãy ra khỏi mồ

DC GB BuiTuan - Hãy ra khỏi mồ

Xin trích lại ở đây vài chi tiết được ghi trong Phúc Âm thánh Gioan: “Đức Giêsu đi tới mộ. Ngôi mộ đó là một cái hang có phiến đá đậy lại. Đức Giêsu nói: Đem phiến đá này đi. Cô Mácta là chị người chết liền nói: Thưa Thầy, nặng mùi rồi, vì em con ở trong mồ đã được bốn ngày. Đức Giêsu bảo: Nào Thầy đã chẳng nói với con rằng nếu con tin, con sẽ được thấy vinh quang của Thiên Chúa sao? Rồi người ta đem phiến đá đi. Đức Giêsu ngước mắt lên trời cầu nguyện… Rồi, Người kêu lớn tiếng: Ladarô, hãy ra khỏi mồ. Người chết liền đi ra, chân tay còn quấn vải, và mặt còn phủ khăn. Đức Giêsu bảo: Cởi khăn và vải cho anh ấy, để anh ấy đi” (Ga 11,38-44).

Câu chuyện Kinh Thánh trên đây dạy tôi hãy chạy đến với Chúa Giêsu. Tôi và nhiều người chúng ta có thể đã chết về nhiều mặt nào đó. Cũng có thể chúng ta đang bị chôn vào những nấm mồ vô hình còn nặng hơn mồ bằng đá. Chẳng ai sẽ cứu được chúng ta. Chỉ có Đức Giêsu Kitô. Người kêu to lên: “Hãy ra khỏi mồ”. Nếu chúng ta biết đón nhận ơn Chúa, chúng ta sẽ đi ra khỏi những nấm mồ ấy.

Vậy, những nấm mồ đó là thế nào, xin kể ra đây mấy thứ tìm được trong Phúc Âm.

1. Mồ mả là những tối tăm tâm hồn

Chúa Giêsu giảng nhiều điều. Nhưng không phải mọi người nghe đều đón nhận. Riêng ý định của Thiên Chúa do Người nói ra thường bị từ chối. Chính các tông đồ là những người thân cận cũng không đón nhận ngay. Thí dụ Chúa Giêsu loan báo về cuộc thương khó và phục sinh của Người. Loan báo đến ba lần trong nhiều dịp khác nhau. Nhưng lần loan báo nào cũng không được các môn đệ Người đón nhận. Xem ra tâm hồn các môn đệ có những lớp tối tăm phủ kín. Những lớp tối tăm ấy như một nấm mồ chôn vùi tâm trí các ngài.

Mồ mả là những tối tăm tâm hồn. Xưa là thế, và nay cũng vậy. Có nhiều Lời Chúa không được chúng ta đón nhận. Có nhiều ý định của Chúa không được chúng ta quan tâm. Lý do chính là vì chúng ta tối tăm. Lời Chúa và ý định của Chúa muốn cho chúng ta những điều lành, nhưng chúng ta lại không hiểu hay không muốn hiểu. Và nếu có hiểu, thì cũng không muốn phấn đấu để đón nhận.

Thứ tối tăm nặng nề nhất là mình tối tăm mà lại khẳng định mình sáng suốt. Thứ tối tăm đó chính là một mồ mả chôn sâu con người.

Một thứ mồ mả khác thường chôn vùi con người là sự yếu đuối.

2. Mồ mả là sự yếu đuối

Sự yếu đuối được thánh Phaolô tả như sau: “Muốn sự thiện thì có thể muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm. Nhưng sự ác tôi không muốn thì tôi lại làm” (Rm 7,17-18).

Ở vườn Cây Dầu, các môn đệ Chúa đã phạm tội. Kẻ thì bỏ trốn. Kẻ thì chối Chúa. Lý do là vì các ngài quá yếu đuối. Trước cơn thử thách quá mạnh và bất ngờ, các ngài cảm thấy mình đuối quá, nên để mình chết đuối trong sự phản bội.

Sự yếu đuối không chỉ là chuyện xưa. Hiện nay sự yếu đuối vẫn tồn tại. Hơn nữa, nó đang phát triển tràn lan và mạnh mẽ. Bởi vì hiện nay sự yếu đuối tại nhiều nơi được tôn vinh như một quyền tự do. Làm điều xấu do yếu đuối mà lại cho mình có quyền làm. Thậm chí còn dám cho việc làm đó là góp phần phát triển nền văn minh tự do. Do đó, mà lương tâm mất dần ý thức về tội. Không còn sám hối. Không còn vấn đề tự hạ xin Chúa thứ tha lỗi lầm.

Mồ mả là những yếu đuối biết mình thì đáng thương. Còn mồ mả là những yếu đuối tự kiêu thì rất đáng trách.

Một cái mồ nữa chôn con người là sự cố chấp.

3. Mồ mả là tính cố chấp

Cố chấp thường được hiểu là sự không chấp nhận lẽ phải, cho dù lẽ phải được trình bày rõ ràng, được chứng minh đầy đủ, được nói ra do những người có uy tín. Mẫu người cố chấp được nhận thấy nơi một số đông thuộc lớp người gọi là biệt phái và luật sĩ thời Chúa Giêsu.

Lẽ phải mà Chúa Giêsu khuyên dạy là đừng phô trương, nhưng hãy khiêm nhường. Lẽ phải còn là yêu thương cứu giúp người đau khổ bệnh tật cả trong ngày Sabba, chứ đừng cấm cản, do giữ luật kiêng việc ngày Sabba một cách máy móc. Lẽ phải là sám hối.

Những lẽ phải như thế đã bị các biệt phái và luật sĩ chống đối. Chúa Giêsu trình bày cách nào cũng không được họ chấp nhận. Tính cố chấp nơi họ dần dần đưa họ đến sự vô cảm, rồi đến những toan tính độc ác quyết định loại trừ Chúa Giêsu bằng cách giết người.

Sự cố chấp trên đây cũng đang hiện hình ở thời nay trong đạo ngoài đời. Nó là một thứ mồ mả chôn sống con người. Thế mà không thiếu người lại tự mình xây dựng mồ mả đó cho chính mình. Rồi tự mình chui vào đó. Động lực sâu xa của cố chấp chính là kiêu ngạo tự ái.

Một thứ mồ mả khác chôn con người là tội lỗi.

4. Mồ mả là tội lỗi

Thánh Gioan viết: “Ai phạm tội thì là người của ma quỷ” (1Ga 3,8). Lời đó cho ta thấy tội chôn con người vào kiếp khổ dành cho ma quỷ.

Có ba loại tội: Tội thuộc cá nhân, tội thuộc tập thể, tội thuộc cơ chế. Trong vụ kết án và giết Chúa Giêsu, Giuđa bán Chúa Giêsu, đó là tội cá nhân. Nhóm lãnh đạo tôn giáo kích động dân chúng thù ghét Chúa Giêsu, đó là tội tập thể. Toà án kết án tử hình Chúa Giêsu nhân danh luật đạo, luật đời, đó là tội cơ chế.

Ba loại tội đó thời nào cũng có. Thời nay tội cá nhân rất nhiều, tội tập thể là rất nặng nề, tội cơ chế cũng không thiếu. Lấy tội để trị tội. Lấy ác để đẩy lùi sự ác. Tình hình như thế nhiều khi rất là u ám.


****

*** ***


Đến đây chúng ta có thể thấy phần nào những gì đã và đang là những mồ mả chôn con người về mặt tâm linh. Ai sẽ cứu chúng ta? Thưa: Đấng cứu chúng ta là Đức Giêsu Kitô. Xưa Người đã gọi ông Ladarô ra khỏi mồ, thì nay Người cũng dùng quyền năng và lòng thương xót của Người mà cho nhiều người được sống lại về phần linh hồn.

Chúa ban ơn phục sinh. Nhưng người ta cần phải biết đón nhận. Biết đón nhận bằng những việc được kể trong chuyện Chúa gọi ông Ladarô ra khỏi mồ.

Việc thứ nhất là người ta phải thành thực thú nhận tình trạng bi đát của mình. Cô Mácta thưa với Chúa: “Em con chết đã bốn ngày. Trong mồ đã có mùi hôi thối”. Theo gương khiêm nhường đó, chúng ta thú nhận tâm hồn chúng ta là một vùng thối tha do tội lỗi, thì đó là bước đầu tốt để Chúa đoái nhìn.

Việc thứ hai là người ta phải vâng lời Chúa, mà cất tảng đá che đậy nấm mồ. Chúa phán: “Hãy đem phiến đá này đi”. Trong trường hợp của chúng ta, lời đó có nghĩa là việc sám hối.

Việc thứ ba là người ta phải hết lòng tin vào Chúa. Chúa nói với cô Mácta: “Này Thầy đã chẳng nói với con rằng nếu con tin, con sẽ được thấy vinh quang của Chúa sao?”.

Nhìn vào Hội Thánh Việt Nam hôm nay, tôi vui mừng nhận thấy những người được Chúa gọi ra khỏi mồ là rất đông. Nhiều người đã đón nhận ơn Chúa. Những sự sống lại như thế nói về Chúa chúng ta một cách hùng hồn, hơn bất cứ công trình xây dựng nào và hơn bất cứ tổ chức hoành tráng nào.

Lúc này, chính chúng ta có còn bị chôn trong mồ mả nào không? Chính chúng ta có cộng tác vào ơn Chúa gọi “Hãy bước ra khỏi mồ” không?.

Lạy Chúa, xin thương xót chúng con.


+ Gm. G.B. Bùi Tuần

Exit mobile version