Mỗi một đứa trẻ sinh ra đều là niềm vui, niềm hy vọng cho gia đình, cho dân tộc, cho quốc gia.
Thật vậy, Đại thi hào Victor Hugo của Pháp đã có lý khi nói: “Không gì buồn thảm cho bằng một ngôi nhà không có tiếng cười, tiếng khóc của những trẻ thơ.” Trẻ thơ là niềm vui, là hy vọng của con người. Người Mỹ thường nói: “Mỗi một trẻ thơ được sinh ra đều có thể làm Tổng Thống tương lai của Hoa Kỳ”.
Mỗi người sinh ra, đều được cha mẹ đặt cho một tên gọi. Trong Kinh Thánh, tên gọi các nhân vật lớn thường rất giàu ý nghĩa, tên gọi ấy có khi phản ánh tình trạng của tập thể gia đình, hoặc phản ánh tình trạng của chính cá nhân đương sự, hoặc nói lên số phận hay hoạt động của người mang tên.
Quả thật! không kể Mẹ Maria, Thánh Gioan Tẩy giả là vị thánh duy nhất được Giáo hội mừng ngày sinh nhật. Ngày sinh của thánh Gioan sẽ loan báo một kỷ nguyên mới cho nhân loại mà Chúa Giêsu sẽ khai mở. Cha của ngài là một người câm, mẹ ngài là một người đàn bà già nua son sẻ. Trong bối cảnh đó, ngày chào đời của Thánh Gioan Tẩy giả loan báo rằng: thời của Đấng Cứu Thế đã đến, thời của sự câm lặng đã trở thành thời của loan truyền ơn cứu độ. Thời mà sự son sẻ đã trở thành đông con nhiều cháu. Ngày sinh của Gioan Tẩy giả là thời loan báo về ngày cứu độ. Lời loan báo mà Thánh Gioan đã không ngừng hô lớn trong những ngày sau này, ngài chính là tiên tri của Chúa, ngài chính là đấng tiền hô của Chúa.
Ta thấy cùng với tên gọi là hàm ý một dự phóng cho tương lại, có khi chỉ một ước vọng, đôi khi gợi lên tình cảm lúc sinh ra hoặc tương lai mà cha mẹ thấy được, và thường khi là cả một sứ mạng, sứ mạng đó nằm trong kế hoạch của Thiên Chúa muốn thực hiện giữa dân Người. Trường hợp của Gioan Tẩy Giả là một ví dụ, khi sinh ra được cha mẹ đặt tên theo lời Sứ thần đã loan báo. Danh xưng Gioan có nghĩa là Thiên Chúa biểu lộ tình thương.
Cuộc đời của Thánh Gioan và Chúa Giêsu rất lạ thường: Sự thụ thai của hai con trẻ được báo trước bởi cùng một Thiên Thần Gabriel; Cả hai được sinh ra bởi hai người nữ đáng lẽ không thể có con: bà Elizabeth tuổi đã già trong khi Đức Mẹ khấn trọn đời đồng trinh, không biết đến người nam; Cả hai con trẻ được đặt tên và trao nhiệm vụ từ lúc còn trong lòng mẹ: Gioan/Đấng Tiền Hô và Giêsu/Đấng Cứu Thế (Lk. 1:5 & 1:26); Cuối đời Thánh Gioan chịu chết vì đức tin và nhiệm vụ của Ông trước khi Chúa Giesu chịu chết vì tội nhân loại chúng ta trên Thánh Giá.
Sứ mạng của Gioan Tẩy Giả là dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến. Vì ý thức sứ mạng cao cả này, Gioan đã can đảm chu toàn để làm chứng cho Ánh Sáng và Sự Thật, dù phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Phần chúng ta, khi cho chúng ta được hiện diện trên cõi đời này, Thiên Chúa đặt hết niềm tin và sự kỳ vọng nơi chúng ta.
Sự cao trọng của thánh Gioan, một địa vị then chốt trong lịch sử cứu chuộc, được nhận thấy qua tường thuật của thánh Luca về sự sinh hạ và các biến cố sau đó của thánh Gioan. Cả hai yếu tố này đều xảy ra song song với cuộc đời của Đức Giêsu. Thánh Gioan thu hút được rất nhiều người đến bờ sông Giođan, và một số người đã coi ngài như Đấng Thiên Sai, nhưng ngài luôn luôn chỉ đến Đức Giêsu, ngay cả một số môn đệ của ngài cũng được sai đến để trở thành các môn đệ đầu tiên của Đức Giêsu.
Ta hãy nhìn ngắm cuộc đời và cách sống của Gioan để noi theo trong việc thi hành sứ mạng của mình giữa cuộc sống hàng ngày.
Thứ nhất là tinh thần can đảm: Thánh Gioan Tẩy Giả đã dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến bằng cách chuẩn bị tâm hồn mọi người cho xứng hợp để tin nhận Người. Trong hành trình rao giảng, Gioan đã không ngần ngại, không sợ sệt khi lên tiếng phản đối sự sai trái của kẻ cầm quyền lúc bấy giờ là vua Hêrôđê, dù biết rằng mình phải chuốc lấy những hậu quả khôn lường, thậm chí bị chém đầu.
Là những Gioan Tẩy Giả của thời đại hôm nay, chúng ta có bổn phận góp phần làm cho xã hội được phát triển, cuộc sống con người được thăng tiến, phẩm giá con người được tôn trọng, công bình và bác ái được thể hiện; chúng ta có trách nhiệm cùng nhau xây dựng một nền văn minh tình thương và sự sống, làm giảm bớt sự hận thù, chia rẽ, bạo lực và chà đạp nhân phẩm, ngay trong môi trường mình đang sống.
Thứ hai là sự khiêm tốn: Khi thi hành sứ mạng, thánh Gioan được mọi người rất kính nể, đến nỗi người ta cứ lầm tưởng Gioan là Đấng Cứu Thế. Tuy nhiên, Gioan không lợi dụng sự tin tưởng của họ để mạo danh. Ngược lại, Gioan khiêm tốn bộc bạch với dân chúng: “Đấng đến sau tôi thì cao trọng hơn tôi. Tôi không xứng đáng cúi xuống cởi dây giầy cho Người”.
Như Gioan, mỗi người chúng ta cũng có một sứ mạng, một ý định của Thiên Chúa về chúng ta. Nhưng làm sao biết được? Kinh Thánh và giáo lý của Hội Thánh cho ta biết rằng con người được dựng nên “theo hình ảnh của Thiên Chúa”, “có khả năng hiểu biết là yêu mến Tạo Hóa” và “chỉ con người, nhờ sự hiểu biết và tình thương, được mời gọi chia sẻ sự sống của Thiên Chúa”. Đó chính là mục đích của việc tạo dựng con người. Con người phát xuất từ Thiên Chúa, sẽ được trở về với Thiên Chúa.
Phần chúng ta, vừa can đảm thực thi sứ mạng của người Công Giáo trong cuộc sống, nhưng chúng ta cũng cần phải khiêm tốn nhìn nhận mình là “đầy tớ vô dụng”, được Chúa sai đi làm công việc của Chúa. Nhờ đó, chúng ta vừa tránh được tính khoe khoang tự mãn với những thành quả đạt được, vừa luôn phấn đấu để hoàn thiện con người của mình, hầu chu toàn sứ mạng được tốt hơn.
Huệ Minh