Hãy nên như trẻ thơ

Ngài không quan tâm đến việc các em có quấy rầy hay không, nhưng nhìn vào tâm hồn của các em, những tâm hồn đơn sơ, chưa vướng tội luỵ và Ngài đã chúc phúc cho chúng. Chúa mong muốn những người theo Ngài có được tâm hồn như chúng để đón nhận Tin Mừng, để được thừa hưởng Nước Trời. Hay nói khác đi, những ai không có tâm hồn đơn sơ, trong sạch thì không thể vào được Nước Trời.

Trẻ nhỏ được Chúa Giêsu yêu thương và đưa ra làm mẫu mực cho những ai muốn bước vào Nước Trời: “Nếu các con không hóa nên như trẻ nhỏ, các con không được vào Nước Trời. Ai hạ mình xuống như trẻ nhỏ, đó là kẻ lớn nhất trong Nước Trời”. Tinh thần tu đức trẻ thơ là đơn sơ, phó thác, không cậy dựa vào sức riêng, nhưng đặt trọn tin tưởng vào Chúa.

Có lẽ đây là bức tranh đẹp và rất nên thơ trong Tin Mừng đã họa lại cảnh Chúa Giêsu và các trẻ em. Đang khi danh tiếng của Thầy Giêsu nổi bật, Thầy trở thành nhân vật quan trọng trong mắt mọi người.

Vì thế, việc để các trẻ em đến quấy rầy, làm mất thời gian của Thầy là điều các môn đệ không thể chấp nhận được! Với suy nghĩ đó, các môn đệ đã ngăn cản các trẻ nhỏ đến gần Đức Giêsu, nhưng Chúa Giêsu lại phản ứng ngược lại: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời thuộc về những ai giống như chúng.” Chúa Giêsu muốn các môn đệ thấu hiểu điều kiện thiết yếu để thuộc về Nước Thiên Chúa và được cứu độ, Chúa đã nói với các ông: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ em, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời”.

Qua lời bênh vực và hành động đặt tay chúc lành cho trẻ em (14-15), Chúa Giêsu muốn nói với những người lớn rằng: Sự khôn ngoan, uyên bác, địa vị hay của cải sẽ là tấm vé cho họ vào Nước Trời đâu, mà họ cần vét rỗng chính mình, cần cởi mở đón nhận sứ điệp Ngài gởi đến, cần hoàn toàn cậy dựa vào tình yêu quan phòng toàn năng của Ngài.

Nhìn lại thời nay và bản thân mỗi người, biết đâu ta cũng có cái gì đó giống với các môn đệ Chúa Giêsu xưa. Ta thấy mình lớn vì công kia việc nọ, nhất là việc bác ái và đóng góp cho Nhà Chúa, vì cuộc sống của ta không đến nỗi nào, vì những việc thờ phượng mà ta hằng sốt sắng tham dự hết hội nọ đoàn kia. Ta bực bội khó chịu vì mình chẳng giỏi, chẳng giàu, chẳng đạo đức. Ta tự đặt mình làm người trên, đứng ngoài, xét đoán anh chị em ta,…

Nước Thiên Chúa là một hồng ân ban một cách nhưng không, phải đón nhận với lòng đơn sơ, biết ơn và cảm phục của các trẻ thơ. Quan sát tâm hồn và cách hiện diện của các trẻ nhỏ chúng ta dễ nhận ra rằng:

Trẻ nhỏ thì không quan tâm gì về thứ hạng. Chúng chẳng cần biết đến những người quanh chúng ai lớn hơn – ai nhỏ hơn, ai lớn nhất – ai nhỏ nhất.

Trẻ nhỏ thì tin trọn vẹn và nhanh chóng. Khi chúng ta nói với đứa trẻ rằng chúng ta sẽ làm điều gì đó cho nó, và nó sẽ hy vọng cho đến khi thấy được điều chúng ta nói là thật.

Trẻ nhỏ chỉ nói những gì có ý nghĩa với chúng. Chúng thường có thói quen nói chính xác những gì chúng nghĩ. Không có vấn đề xấu hổ hoặc sợ xúc phạm khi chúng phải nói. Và chúng không nói có ẩn ý bao giờ.

Trẻ nhỏ có một tâm hồn vui tươi. Chúng cười một cách tự do ngay cả khi chỉ có một mình. Chúng cũng dễ quên và không bao giờ để bụng hoặc nhắc hoài về một lỗi lầm của một ai đó gây ra cho chúng.

Trẻ nhỏ biết làm thế nào để có niềm vui. Hãy xem chúng chơi với những thứ rất thường như lá cây, que kem, hay tờ giấy. Chúng dạy chúng ta rằng, niềm vui có thể được tìm ngay trong những điều đơn giản nhất.

Chúa Giêsu dạy cho những người lãnh đạo một bài học quan trọng để có thể đối đầu với đòi hỏi của đám đông. Khi chọn xuất hiện nơi công cộng là chọn để cho đám đông đến với mình, đừng khinh thường và trốn tránh họ vì sứ vụ và thành công của mình phần lớn cũng liên quan tới họ. Có những người sau khi đã nổi tiếng tìm cách bảo vệ mình và xa lánh đám đông nên họ cũng từ từ rơi vào quên lãng.

Ta thấy Chúa không dạy cho các môn đệ dành hết thời giờ cho đám đông mà quên đi việc nghỉ ngơi bồi dưỡng. Chúa đã từng nhắc nhở các môn đệ: “Các con hãy lui vào nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi” (Mc 6, 31); hay Chúa bảo các ông xuống thuyền và chèo qua bờ bên kia trong khi Chúa giải tán đám đông đang muốn tuyên xưng Chúa làm vua cai trị họ (Mt 14, 22). Để ý, ta thấy rất nhiều lần Chúa Giêsu đã bỏ đám đông và các môn đệ để lên núi cầu nguyện một mình (Mt 14, 23, Lc 9,18, Ga 6, 15). Chúa biết cách làm chủ thời gian và xử thế trong mọi trạng huống xảy ra cho Ngài.

Trang Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nêu gương cho chúng ta về cách sống hiền lành, khiêm tốn đón nhận mọi người. Chúa cũng dạy chúng ta hãy nên như trẻ thơ để dễ đến với Chúa. Chúng ta tự hỏi, đều gì ngăn cản chúng ta chưa đến với Chúa trong tâm tình của trẻ thơ ? Chúng ta hãy sống Lời Chúa như trẻ thơ, hãy đặt trọn niềm tin nơi Chúa và thân thưa cùng Ngài với lời Thánh Vịnh 130: “Lòng con chẳng dám tự cao, mắt con chẳng dám tự hào Chúa ơi… Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con, hồn lặng lẽ an vui” (Tv 130).

Thái độ và lời dạy của Chúa Giêsu nhắc cho các môn đệ lúc đó và cho chúng ta ngày hôm nay rằng trong cộng đoàn Giáo Hội, mọi người không tùy thuộc hạng tuổi, đều có quyền đến với Chúa để Chúa đặt tay, cầu nguyện và chúc lành cho; không ai bị loại khỏi tình yêu và ân sủng của Chúa, dù là một đức trẻ.

Xin Chúa cho ta dù ở tuổi nào, dù ở hoàn cảnh nào cũng mặc lấy tâm tình trẻ thơ, sống tâm tình trẻ thơ để ta được thừa hưởng Nước Trời như Chúa Giêsu đã nói.

Huệ Minh

Exit mobile version