Hãy mặc lấy tâm tình của Gioan

Sau khi hai môn đệ đem thắc mắc của Gioan đến hỏi Chúa Giêsu về vị thế của Ngài. Chúa Giêsu không khiển trách họ cũng như đối với Gioan.

Trước tiên, Chúa Giêsu đã nhắc lại cho Gioan và các môn đệ của Gioan nhớ lại những gì mà Isaia đã loan báo trước đó, để Gioan vững tin là mình đã không sai lầm khi dọn đường và làm chứng cho Chúa Giêsu là Đấng Mêsia, Đấng mà toàn dân đang trông đợi.

Và rồi khi các môn đệ của Gioan đi rồi. Chúa Giêsu đã giới thiệu về Gioan với đám đông. Đồng thời Ngài cũng xác định, và đề cao vị thế ngôn sứ của Gioan. Gioan đến như là Êlia tái xuất hiện, là người đến để chỉnh đốn thân xác và tâm hồn cho con người với phép rửa bằng nước trên sông Giođan để tỏ lòng sám hối, chuẩn bị Đấng Mêsia đến.

Để dọn đường cho Đấng Mêsia đến, Thiên Chúa đã cho xuất hiện nhiều ngôn sứ báo trước sự xuất hiện đó qua miệng các ngôn sứ. Ta thấy ngôn sứ không phải chỉ là một cái tên, một chức vụ, nhưng là cả một đời sống: ngôn sứ là người nói Lời Thiên Chúa, là người thi hành sứ mạng Thiên Chúa giao phó. Gioan Tẩy Giả không phải là con người dễ dãi, ba phải như cây sậy trước gió, cũng không phải là người đi tìm cuộc sống xa hoa trong cung điện nhưng là người dám chấp nhận lối sống đạm bạc, đơn sơ khó nghèo, ăn châu chấu, uống mật ong và hơn thế nữa, chấp nhận tù đày và mất mạng khi dám nói lên sự thật, lên án lối sống vô luân của vua Hêrôđê. Chính vì thế, Chúa Giêsu xác nhận Gioan là ngôn sứ và “còn hơn cả ngôn sứ nữa.”

Gioan Tẩy giả là vị ngôn sứ cuối cùng của Cựu Ước và là vị tiền hô của Đấng Cứu thế. Vai trò và sứ mạng của Gioan Tẩy giả thật là quan trọng và lớn lao. Việc cưu mang và sinh hạ Gioan Tẩy giả cũng thật là huyền nhiệm.

Gioan không phải là cây sậy phất phơ trước gió, nhưng là một cây cổ thụ hay một tảng đá vững chắc không có gì lay chuyển được. Niềm tin của Elijah vào Thiên Chúa vững vàng đến độ dù toàn dân chạy theo thần Baal trên núi Carmen, một mình ông vẫn chứng tỏ cho mọi người biết đó là sự sai lầm và họ cần quay về với Thiên Chúa thật. Niềm tin của Gioan vào Đức Kitô vững vàng đến độ ông sẵn sàng hy sinh cả cuộc đời để chuẩn bị cho dân chúng sẵn sàng để đón Ngài và chỉ cho dân chúng thấy khi Ngài xuất hiện. Sau cùng ông đã chết để làm chứng cho sự thật.

Gioan Tẩy Giả đã chu toàn sứ mạng của mình một cách chủ động và mạnh mẽ. Nhìn vào cách sống và lời rao giảng của Thánh Gioan Tẩy giả, không ai mà không nhận ra ngài là một tiên tri. Ngài rất đơn sơ và giản dị trong cách ăn mặc, nghèo khó trong đời sống, mạnh mẽ trong lời rao giảng mà không hề sợ hãi bất cứ một thế lực nào ở trần gian.

Vì khiêm nhường, Gioan không chịu nhận mình là ngôn sứ khi bị chất vấn bởi những người được sai đến bởi Thượng Hội Đồng từ Jerusalem; nhưng ông đã làm công việc của một ngôn sứ trong Cựu Ước. Giờ đây, ông được trao cho một nhiệm vụ cao cả là dọn đường cho Đấng Thiên Sai tới bằng cách chuẩn bị tâm hồn cho dân chúng để họ đón nhận Ngài.

Gioan không là một người nhu nhược như cây sậy phất phơ trước gió, trái lại ông rất can đảm dám vạch tội vua Hêrôđê.

Gioan không phải là một người tìm sống một cuộc sống tiện nghi ăn sung mặc sướng, trái lại ông sống rất thanh đạm và kham khổ.

Gioan chính là một ngôn sứ, và còn hơn ngôn sứ, Gioan là dọn đường cho Đấng Messia.

Nếu Gioan chịu làm một cây sậy gió thổi chiều nào uốn theo chiều đó thì cuộc đời Gioan đã không bị gãy đổ, Hêrôđê sẽ ủng hộ Gioan, mọi người quý trọng Gioan và coi Gioan là chính Đấng Messia. Tóm lại Gioan sẽ được tất cả. Nhưng sứ mạng Gioan không hoàn thành.

Chúa Giêsu khen Gioan: “Chính ông là người Thiên Chúa đã nói tới trong Kinh Thánh rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến!” Đây là những lời trong Sách Xuất Hành 23:20 với một ít sửa đổi: “Này, Ta sai một sứ giả đi trước con, để bảo vệ con trên đường và đưa con vào nơi Ta đã sửa soạn.”

Và Ngài công khai khen Gioan trước mặt mọi người: “Tôi nói cho anh em biết: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, không có ai cao trọng hơn ông Gioan; tuy nhiên kẻ nhỏ nhất trong Nước Thiên Chúa còn cao trọng hơn ông.” Dĩ nhiên Gioan cũng thuộc về Nước Thiên Chúa vì cả cuộc đời của ông sẵn sàng chết cho Nước này. Điều Chúa muốn nhấn mạnh ở đây là sự quan trọng của việc vào được Nước Thiên Chúa, không có một vinh quang trên đời này có thể so sánh được.

Cuộc sống của Gioan là một cuộc sống đơn sơ đạm bạc. Con người ai cũng muốn tìm sự vinh hoa phú quý, còn Gioan lại chọn một cuộc sống đơn sơ khắc khổ, sống trong hoang địa, ăn châu châu và uống mật ong rừng. ông rao giảng bằng chinh con người của mình, và vì thế mà mọi người tuốn đến với ông, vì qua lời rao giảng của ông dân chúng nhận ra Thiên Chúa là Đấng Công Chính, Đấng Thánh Thiện và đầy yêu thương. Có những lúc lời giảng của ông như gay gắt đe dọa, song ông vẫn cho thấy một thiên Chúa nhân từ sẵn sàng tha thứ khi con người hối cải và ban ơn cưu độ, chỉ những ai sẵn sàng và khiêm nhường thống hối mới có thề đón nhận được Đấng Cưu Độ.

Có thể nói, Gioan thật là một gương mẫu về đời sống đạo đức, thánh thiện và ý thức trách nhiệm. Ngài rất cương trực và không hề vị nể ai dù người đó có là bạo Chúa như Hêrôđê đi chăng nữa. Ngài luôn đặt sứ mạng của mình lên hàng đầu và cố gắng chu toàn với lòng yêu mến tha thiết. Chính vì thế, Chúa Giêsu hết lời khen tặng Gioan Tẩy giả, vị Tiền hô của Ngài. Noi gương thánh Gioan Tẩy giả, chúng ta hãy cố gắng chu toàn sứ mạng của mình trong cuộc đời này qua công việc bổn phận hằng ngày và cố gắng chu toàn bổn phận làm con Chúa. Tất cả vì vinh quang Chúa!

Gioan can đảm thi hành sứ mạng bất chấp những phong ba bão táp, nên ngài đã bị cầm tù, bị chém đầu và kết thúc đời mình trong ngục tù tăm tối, dưới tay một đứa con gái. Tuy nhiên chính vì thế mà Gioan trở thành “người cao trọng nhất trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ.” Xin cho ta can đảm trung thành với sứ mạng của ta.

Huệ Minh

Exit mobile version