Bài đọc: 2 Pet 1:1-7; Mk 12:1-12.
Theo lẽ công bằng, có vay phải có trả. Nếu không trả được cả vốn lẫn lời, ít nhất cũng hoàn lại cho chủ được vốn. Dụ ngôn người chủ phân phát những vốn khác nhau cho gia nhân trước khi lên đường và trở lại phân xử là một trường hợp điển hình (Mt 25:14-29). Nếu đã không trả lại còn kiếm cớ gây thiệt hại cho chủ, phải chịu khổ hình là lẽ đương nhiên. Phong trào hướng đạo cũng khuyên các hướng đạo sinh khi xử dụng đất để cắm trại: Nếu không làm cho đất đó được sạch hơn, ít nhất cũng làm cho sạch như khi mới tới.
Các bài đọc hôm nay muốn nêu bật bổn phận phải biết xử dụng những quà tặng Chúa ban để sinh lợi cho bản thân và cho tha nhân. Trong bài đọc I, thánh Phêrô nhắc nhở các tín hữu ý thức tất cả những quà tặng Thiên Chúa ban qua Đức Kitô để thăng hoa bản thân tới chỗ thập toàn và giúp cho mọi người chung quanh. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu kể câu truyện vườn nho và các tá điền. Mục đích của Ngài là để nhắc nhở cho những người Do-thái biết lòng nhân từ và sự công bằng của Thiên Chúa. Họ không thể tiếp tục lãnh nhận quà tặng mà không sinh lời, hay tệ hơn nữa, còn sinh những nho dại chua chát.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Đức Kitô đã lấy thần lực của Người mà ban tặng chúng ta tất cả những gì giúp chúng ta được sống và sống đạo đức.
1.1/ Những quà tặng Thiên Chúa ban cho các Kitô hữu:
+ Đức Kitô: Món quà tặng quí giá nhất là Đức Giêsu Kitô vì nó bao gồm mọi món quà khác. Nhờ Người, chúng ta được trở nên công chính và được cứu độ.
+ Niềm tin vào Đức Kitô: Ngay cả niềm tin của chúng ta vào Đức Kitô cũng là do ơn của Thiên Chúa tác động từ trong tâm hồn; nếu không có sự giúp đỡ của Thiên Chúa, không ai có thể tự mình tin vào Đức Kitô (Jn 6:44).
+ Tất cả những gì giúp chúng ta được sống và sống đạo đức: Khi được lãnh nhận Phép Rửa, người tín hữu được Thiên Chúa “trang bị” tất cả những gì cần thiết để sống một cuộc đời thánh thiện, xứng đáng người con của Thiên Chúa.
+ Được thông phần bản tính Thiên Chúa: Người tín hữu được lãnh nhận Thánh Thần của Thiên Chúa; có nghĩa họ được thông phần vào cuộc sống thần linh của Thiên Chúa.
+ Xóa tội lỗi và thoát khỏi cảnh hư đốn do dục vọng gây ra trong trần gian: Chúa Giêsu chấp nhận cái chết để chuộc tội cho con người; vì thế, con người không còn làm nô lệ cho tội lỗi nữa. Dĩ nhiên, con người vẫn có thể phạm tội vì yếu đuối xác thịt; nhưng con người có thể chay đến với bí tích Giải Tội để được lãnh nhận ơn tha thứ.
1.2/ Các nhân đức con người có thể đào luyện: Khi đã có Thánh Thần của Thiên Chúa, người tín hữu được thánh hóa bằng việc tập luyện các nhân đức, để càng ngày càng trở nên thánh thiện hơn. Tác giả chỉ liệt kê một số các nhân đức trong 9 (theo Phaolô) hay 12 (theo Giáo Hội) hoa quả của Chúa Thánh Thần:
+ Đạo đức: Đây là cuộc sống kết hiệp mật thiết giữa người tín hữu với Ba Ngôi Thiên Chúa trong mọi trạng huống của cuộc đời.
+ Hiểu biết: mọi sự thật được mặc khải bởi Đức Kitô và soi sáng bởi Thánh Thần. Trong lời chúc đầu thư (c. 2), tác giả cho biết càng có kiến thức nhiều về Đức Kitô, con người sẽ càng cảm thấy bình an.
+ Tiết độ: là biết xử dụng mọi sự Thiên Chúa ban cách chừng mực.
+ Kiên nhẫn: với chính bản thân mình và với tha nhân trong khi luyện tập nhân đức.
+ Bác ái: Đây là mẹ của các nhân đức; mọi nhân đức phải dẫn tới nhân đức này.
2/ Phúc Âm: Ông sẽ đến tiêu diệt các tá điền, rồi giao vườn nho cho người khác.
2.1/ Hai dụ ngôn về vườn nho:
(1) Vườn nho trong Cựu Ước của ngôn sứ Isaiah 5:1-7: Ít có người Do-thái nào mà không biết đến dụ ngôn “vườn nho của Chúa các đạo binh” trong Isaiah. Khi Chúa Giêsu dựng câu truyện dụ ngôn hôm nay, Ngài dùng dụ ngôn cũ mà mọi người quen thuộc, nhưng với ít nhiều sửa đổi cho phù hợp với tình trạng của Ngài. Trong dụ ngôn của Isaiah, điều làm Đức Chúa tức giận là khi đến thu hoa lợi, Ngài chỉ tìm thấy nho chua như nho dại. Isaiah chú giải dụ ngôn như sau: “Vườn nho của Đức Chúa các đạo binh, chính là nhà Israel đó; cây nho Chúa mến yêu quý chuộng, ấy chính là người xứ Judah. Người những mong họ sống công bình, mà chỉ thấy toàn là đổ máu; đợi chờ họ làm điều chính trực, mà chỉ nghe vẳng tiếng khóc than” (Isa 5:7).
(2) Vườn nho trong Tân Ước của Chúa Jesus: Điều Thiên Chúa tức giận là các tá điền được cho thuê để canh tác đã không chịu nộp hoa lợi, còn gây tai hại biết bao cho chủ. Chúng ta có thể chú giải những biểu tượng trong trình thuật hôm nay như sau:
+ Chủ vườn nho là Thiên Chúa;
+ Vườn nho là nhà Israel;
+ Các đầy tớ bị hạ nhục và giết chết là các ngôn sứ qua bao thời đại;
+ Con của chủ vườn nho là Đức Kitô;
+ Tá điền là những nhà lãnh đạo xấu xa của Israel.
2.2/ Những phản ứng của các tá điền bất trung và của ông chủ vườn nho.
(1) Của các tá điền: Năm lần chủ sai tới đòi nợ, năm lần cách cư xử của các tá điền càng nặng hơn: Lần thứ nhất, họ bắt người đầy tớ, đánh đập và đuổi về tay không. Lần thứ hai, họ đánh vào đầu đầy tớ và hạ nhục. Lần thứ ba, họ giết luôn người đầy tớ. Lần thứ tư, khi ông chủ sai nhiều người khác; kẻ thì họ đánh, người thì họ giết. Lần cuối cùng, ông chủ chỉ còn một người nữa là người con yêu dấu: người này là người cuối cùng ông sai đến gặp họ; ông nghĩ: “Chúng sẽ nể con ta.” Nhưng bọn tá điền ấy bảo nhau: “Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và gia tài sẽ về tay ta.” Thế là họ bắt cậu, giết chết rồi quăng ra bên ngoài vườn nho.
(2) Của ông chủ vườn nho: Chúa Giêsu đặt câu hỏi cho khán giả: Vậy ông chủ vườn nho sẽ làm gì? Hầu như ai cũng có thể trả lời lập tức: Ông sẽ đến tiêu diệt các tá điền, rồi giao vườn nho cho người khác. Ngay cả các nhà lãnh đạo Do-thái cũng “thừa hiểu Người đã nhắm vào họ mà kể dụ ngôn ấy.” Hiểu như thế, nhưng họ vẫn ngoan cố tìm cách bắt Đức Giêsu, nhưng lại sợ dân chúng. Thế là họ để Người lại đó mà đi. Nếu con người còn biết phán xét như thế, huống hồ là Thiên Chúa. Ngài không những tru diệt họ mà còn dùng “tảng đá thợ xây nhà loại bỏ” là chính Đức Kitô, để biến Ngài trở nên đá tảng góc tường. Từ Tảng Đá này, một Đền Thờ mới được xây dựng lên là Giáo Hội của Đức Kitô.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta hãy biết tận dụng tất cả những gì Thiên Chúa ban để phát triển toàn vẹn con người và giúp đỡ tha nhân phát triển. Chúng ta càng biết tận dụng nhiều bao nhiêu, Ngài sẽ ban thêm càng nhiều bấy nhiêu; và ngược lại.
– Thiên Chúa nhân từ nhưng cũng công bằng; chúng ta đừng chỉ để ý đến khía cạnh nhân từ của Ngài rồi muốn làm gì thì làm. Chúng ta chắc chắn sẽ phải trả giá nặng nề cho lối sống vô trách nhiệm này.
Anthony Đinh Minh Tiên, OP.