Trang Tin Mừng gợi lại cho ta hình ảnh Chúa Giêsu đến xin nước một phụ nữ Samari. Người phụ nữ đi kín nước uống, nghĩa là chị đang thực hiện một sinh hoạt hằng ngày và rất tình cờ gặp người đàn ông Do Thái. Vậy có hay không có khả năng: Chúa ngồi tại bờ giếng Giacóp để đón chờ chị ta? Đây là một điều cấm kỵ đối với người Do Thái: «Người Do Thái không được giao thiệp với người Samari» (Ga 4,9).
Khi chị nghe Đức Giêsu nói: “Chị cho tôi xin chút nước uống !”, về tâm lý, tất nhiên chị “bị bất ngờ”, vì “người Do Thái không được giao thiệp với người Samari”. Chịđâm ra bối rối xen lẫn cảm giác thích thú với suy nghĩ “mình đang được một người đàn ông Do Thái (vốn đầy kiêu hãnh) nhờ vả”. Vậy là chị đang ở thế thượng phong, chủ động, ban phát… Câu trả lời của chị đã bộc lộ những cảm xúc trên: “Ông là người Do Thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Samari, cho ông nước uống sao ?”
Việc tiếp xúc và xin nước của Ngài khiến cho phụ nữ này ngạc nhiên: «Ông là người Do Thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Samari, cho ông nước uống sao?».
Người phụ nữ này một đức tính hòa nhã và tinh thần cởi mở, bởi nếu không, thì chị đã “xả” vào ông này một mớ những câu khó nghe rồi (khùng, dở hơi… chẳng hạn). Có lẽ chị nghĩ: ‘Ông này khát quá nên nói lộn!’ Và chị bèn đưa ra chất vấn nhằm xác minh:”Thưa ông, ông không có gầu, mà giếng lại sâu. Vậy ông lấy đâu ra nước hằng sống?” và như để thanh minh với Đức Giêsu rằng: Tôi hiểu những điều ông vừa nói về cụm từ “nước hằng sống” nên tôi mới nói thêm câu “Chẳng lẽ ông lớn hơn tổ phụ chúng tôi là Giacóp, người đã cho chúng tôi giếng này? Chính Người đã uống nước giếng này, cả con cháu và đàn gia súc của Người cũng vậy.”Câu thoại của người phụ nữ lý thú ở chỗ cho ta nhận ra khả năng liên tưởng của chị rất dồi dào; Chị nghe nói về “nước hằng sống”, chị chợt liên tưởng và so sánh hơn kém giữa “Người đang nói với chị” và tổ phụ Giacóp. So sánh giữa nước giếng truyền thống và nước hằng sống.
Ta thấy ngay cả các tông đồ cũng ngạc nhiên không kém: «Các ông ngạc nhiên vì thấy Người nói chuyện với một phụ nữ Samari» (Ga 4,27). Không phải chỉ một lần mà khá nhiều lần Đức Giêsu đã vượt ra khỏi những quy định của tập tục xã hội, của tôn giáo, khi mà những quy định này đi ngược lại lương tri hay tình yêu tha nhân. Chính trong bối cảnh đặc biệt này, Đức Giêsu đã mặc khải một chân lý quan trọng: Ngài chính là nguồn mạch nước hằng sống.
Lúc Ngài xin chị Samari nước uống là «vào khoảng mười hai giờ trưa», khi các môn đệ Ngài đi mua thức ăn. Chỉ có một mình Ngài với chị. Bình thường các phụ nữ ra giếng chung của làng để múc nước vào ban sáng hoặc ban chiều cho đỡ nắng, riêng chị lại múc vào ban trưa.
Đọc tiếp đoạn Tin Mừng ta sẽ biết lý do: chị không phải là một phụ nữ đàng hoàng về mặt luân lý; chị đã có 5 đời chồng và hiện đang sống với một người không phải là chồng mình (x. Ga 4,16-18). Chắc hẳn chị không muốn chường mặt ra vào lúc đông người, sợ phải nghe những lời dị nghị không hay về mình. Thế mà Đức Giêsu lại chọn chị để mặc khải những chân lý quan trọng: việc thờ phượng Thiên Chúa trong thần khí và sự thật, nước hằng sống, đồng thời tỏ cho chị biết Ngài chính là Đấng Cứu Thế…
Và chị đã trở thành người loan báo Tin Mừng cho cả làng của chị, khiến cho «có nhiều người Samari trong thành đó đã tin vào Đức Giêsu, vì lời người phụ nữ làm chứng» (Ga 4,39). Thật là lạ lùng cách làm việc của Ngài. Ngài không chọn người đàng hoàng, đạo đức để loan báo Tin Mừng và làm chứng cho Ngài, mà lại chọn một phụ nữ bị mọi người khinh bỉ và coi là tội lỗi. Mà lại hữu hiệu! thế mới tài tình!
Nhân việc xin nước, Đức Giêsu giải thích cho chị hiểu thêm về điều Ngài đã nói về “nước hằng sống” với chủ điểm so sánh hơn kém rất rõ: “Ai uống nước (giếng) này, sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Có nghĩa là so sánh giữa “nước uống để giải khát và nước uống không để giải khát. Thứ nước tôi cho có đặc tính là sẽ làm cho “nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời.” Có nghĩa là nếu Đức Giêsu ban cho chị loại nước ấy thì “chính chị là người sở hữu nguồn nước hằng sống ấy”, vậy thì còn gì bằng! Thứ nước mà Ngài Giêsu cho chị còn có thể ban cho chị “sự sống đời đời”.
Nước là một yếu tố tối cần thiết cho sự sống, đến nỗi có thể nói: chỗ nào không có nước thì không thể phát sinh sự sống, và sự sống không thể tồn tại được. Ai cũng phải uống nước mới sống được. Trong cơ thể con người, nước chiếm tới 72% trọng lượng. Nhưng thứ nước vật chất này cứ phải uống hoài, vì «ai uống nước này, sẽ lại khát». Đức Giêsu đã dựa vào tính chất này của nước vật chất để giới thiệu một thứ nước khác: «Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời». Chị Samari tưởng rằng Ngài muốn nói đến một thứ nước vật chất khác, uống vào thì không còn khát nữa, nhưng không phải. Ngay cả thứ nước trong câu «ai uống nước này, sẽ lại khát» cũng là một thứ nước theo nghĩa bóng.
Con người ai cũng khao khát hạnh phúc, thứ hạnh phúc đích thực và lâu bền. Và người trần, ai cũng đi tìm những phương tiện giúp mình hạnh phúc. Người thì tìm hạnh phúc trong tiền bạc, kẻ tìm trong quyền lực, người khác tìm trong vui thú xác thịt, v.v…
Nhưng hạnh phúc tìm được nơi những thứ ấy rất chóng qua, và thường để lại hậu quả là đau khổ. Người nghèo cảm thấy khổ vì thiếu tiền, nên nghĩ rằng phải có nhiều tiền mới hạnh phúc. Nhưng người có tiền lại khổ vì tiền như người ta vẫn nói: «Người giàu cũng khóc», «tiền không đem lại hạnh phúc». Người không con cái thì lấy đấy làm khổ và cho rằng phải có con mới hạnh phúc được; đến khi có con thì lại khổ vì con, do nó bất hiếu, hư đốn, bệnh tật, hoặc nó không theo ý mình.
Vì thế, chẳng mấy ai trên đời được hạnh phúc. Thứ hạnh phúc mà trần gian này cung cấp toàn là như vậy: hạnh phúc đấy, mà đau khổ cũng đấy! Nhiều điều của trần gian hôm trước đem lại hạnh phúc thì ngay hôm sau đã đem lại đau khổ!
Trần gian chỉ có thể cung cấp cho ta thứ hạnh phúc ấy: thứ hạnh phúc không thể thỏa mãn được lòng khao khát vô tận của con người, thứ hạnh phúc kiểu «uống rồi lại khát». Nhưng Đức Giêsu giới thiệu một thứ hạnh phúc mà Ngài có thể cung cấp là thứ hạnh phúc theo kiểu «uống vào sẽ không bao giờ khát nữa». Đó không phải là một cái gì vật chất có thể trao được, mà là một lối sống, một con đường sống, một tinh thần sống phải đem ra thực hành. Đó chính là sứ điệp Tin Mừng mà Ngài đã rao giảng và sống trọn vẹn suốt đời Ngài.
Thật sự rất nhiều người thật sự sống theo sứ điệp này đã cảm thấy hạnh phúc thật sự, thứ hạnh phúc không ai lấy mất được, cho dẫu họ có phải sống trong nghèo đói, túng thiếu, tù tội, tra tấn, hay bị gạt ra ngoài lề xã hội. Và người nào đã có được thứ hạnh phúc ấy, thì một cách tất yếu người ấy sẽ trở thành «một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời».
Từ việc Đức Giêsu và ngườiphụ nữ Samari có một mối quan tâm chung là nước giếng. Chúa đã mở rộng phạm trù nước giải khát thành “nước hằng sống”. Từ đây, Chúa lại dẫn chị đến khái niệm “sự sống đời đời”. Ôi lạy Chúa! Thầy Vĩ Đại của chúng con, chỉ cần ba câu nói của Chúa mà đã khai lối nhìn của một người bình thường đang lom khom nhìn mặt đất bỗng nhiên đi vào triết học, tâm trí nghĩ đến đời sống vĩnh cửu, mơ sự sống đời đời.
Ta đặt lại đời ta và ta nhìn lại ta đã theo Đức Giêsu bao năm rồi? Nhưng chúng ta đã thật sự hạnh phúc chưa? Nếu chưa, thiết tưởng chúng ta cần phải xét lại và thay đổi cách theo Ngài của chúng ta. Có thể ta chưa hiểu được đúng đường lối của Ngài, hay chưa có được tinh thần của Ngài, hay chưa thật sự sống đúng đường lối của Ngài. Biết bao người đã theo Ngài và đã cảm thấy thật sự hạnh phúc suốt cuộc đời trần gian đầy biến động này. Vậy tại sao ta chưa hạnh phúc?
Huệ Minh