Trang Tin Mừng mời gọita suy niệm kể lại việc Chúa Giêsu khóc thương thành Giêrusalem vì đã không biết nhìn nhận giờ Thiên Chúa đến viếng thăm. Thành Giêrusalem tượng trưng cho dân do thái và cho tất cả những người được Thiên Chúa ưu ái nhưng đã phụ lòng Ngài nên cuối cùng phải gánh lấy số phận bi thảm.
Nhìn chung trong toàn bộ văn mạch thì biến cố được nhắc đến trong Phúc Âm đi liền sau biến cố Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem. Và đây không phải là lần vào thành thông thường như bao lần khác, mà là lần vào thành long trọng, lần cuối cùng, để rồi sau đó Chúa thực hiện công cuộc cứu rỗi, mục đích cuối cùng của nhập thể, của cuộc đời của Chúa.
Thành Giê-ru-sa-lem thời Chúa Giê-su do vua Hê-rô-đê Cả – người đã giết các hài nhi ở Bê-lem – khởi công xây dựng từ năm 20 tr. CN mãi đến năm 64 s. CN. mới hoàn thành, chỉ tồn tại được 6 năm thì bị tướng Ti-tô phá bình địa, chỉ còn lại vài “bức tường than khóc” như hiện nay. Dù thành thánh còn dang dở sau “46 năm” xây dựng (x. Ga 2,20), và dù rất mực căm ghét Hê-rô-đê, người Do thái cũng rất tự hào về ngôi đền thờ nguy nga lộng lẫy này. Thế nhưng, đứng từ trên cao nhìn xuống, Chúa Giê-su đã than khóc nó vì Ngài thấy trước sẽ tới ngày“không còn hòn đá nào trên hòn đá nào” bởi vì thánh đô đã không đón nhận Tin Mừng bình an đến với mình.
Thánh Luca thuật lại việc Chúa Giêsu khóc thương họ vì hai lý do: một là vì họ đã “không nhận ra những gì đem lại bình an” cho họ ; hai là vì họ đã “không nhận biết thời giờ họ được Thiên Chúa viếng thăm”. Quả vậy, việc nhận ra được hồng ân và bình an của Thiên Chúa tuôn đổ trên cuộc đời từng người và việc nhận biết ơn Cứu Độ củaThiên Chúa đó là một hồng ân lớn về đức tin.
Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem lần cuối cùng này để thực hiện cuộc Vượt Qua đem lại ơn cứu rỗi, hòa giải giữa con người với Thiên Chúa, và giữa con người với nhau. Ðây là giờ Thiên Chúa viếng thăm, giờ mang đến ơn cứu rỗi, tuy nhiên, những vị lãnh đạo Do thái tại Giêrusalem, như chúng ta sẽ thấy trong cuộc khổ nạn của Chúa, họ không những từ chối, mà còn xách động dân chúng chối bỏ Chúa, yêu cầu quan Philatô ra lệnh đóng đinh Chúa vào Thập giá và tha Baraba cho họ. Như thế, dù có sự nồng nhiệt hoan hô Chúa khi Ngài cỡi trên lưng lừa tiến vào thành thánh, thì sự nồng nhiệt đó cũng chỉ là thoáng qua, và Chúa Giêsu nhận thấy ơn cứu rỗi mà Ngài mang đến bị con người khước từ hơn là đón nhận.
Ðiều xảy ra cho thành Giêrusalem cũng có thể xảy ra cho mọi người thuộc mọi thời đại. Mỗi người chúng ta đền có giây phút Chúa đến viếng thăm, đó là giây phút hồng phúc mang đến ơn lành, ơn cứu rỗi và sự bình an. “Ước chi hôm nay, ngươi hiểu biết sứ điệp mang hòa bình lại cho ngươi”. Nhưng Chúa không bắt buộc tự do của mỗi người, sự tự do mà Ngài đã trao ban cho con người một lần vĩnh viễn, không bao giờ muốn lấy lại. Dù biết rằng con người vẫn có thể lạm dụng sự tự do đó để chống lại Ngài.
Chúa Giêsu phải rơi lệ khi Ngài nhìn vào thành Giêrusalem “ước chi hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi” đây là nỗi đau xót của một người mẹ nhìn thấy con mình sắp phải hư vong. Không phải Chúa không muốn cứu thành hay không muốn cho thành được hạnh phúc, nhưng vì thành Giêrusalem đã không đón nhận và không biết thời giờ Chúa đến viếng thăm. Thiên Chúa tôn trọng tự do của con người. Chúng ta cũng phải tỉnh thức và đề phòng trước vòng xoáy khắc nghiệt của cuộc đời. Đừng để lòng ham mê vật chất chiếm lĩnh tâm hồn ta, làm ta ra u tối và không còn nhận biết “thời giờ Chúa viếng thăm” mình nữa. Chúa sẽ đến với từng người chúng ta. Phúc cho những ai luôn biết sẵn sàng đón tiếp Người khi Người đến gõ cửa nhà mình.
Trong quan niệm Kinh Thánh, giây phút Thiên Chúa đến thăm là giây phút Thiên Chúa đến thực hiện lòng nhân từ, trao ban sự bình an cho tâm hồn. Tác giả Phúc Âm theo thánh Luca đã nhấn mạnh ý nghĩa này trong hai bài ca quan trọng vào khởi đầu Tin Mừng, đó là bài ca về ông Dacaria và của Mẹ Maria. Ý thức giờ Thiên Chúa đến viếng thăm đang xảy ra không những cho chính bản thân mình, mà còn cho cả toàn dân tộc, cho cả toàn nhân loại, Mẹ Maria đã nhận định về ý nghĩa sâu xa của cuộc viếng thăm của Thiên Chúa với những lời như sau: “Lòng thương xót Chúa lan tràn từ đời này tới đời kia, đối với những ai kính sợ Chúa. Chúa đã cứu Israel, tôi tớ Chúa và nhớ lại lòng thương xót của Người”.
Chỉ có lý do duy nhất cho cuộc viếng thăm của Chúa, đó là để thực hiện lòng nhân từ của Ngài cho người được viếng thăm mà thôi. Nếu không nhận biết giờ viếng thăm của Chúa, con người chỉ gặp phải những thiệt thòi cho chính mình, như đã xảy ra cho thành Giêrusalem ngày xưa. Chúng ta không nên nhìn biến cố Chúa khóc thương và loan báo ngày sụp đổ của thành Giêrusalem trong viễn tượng của sự trả thù.
Thiên Chúa nhân từ không bao giờ hành động để trả thù sự chống đối khước từ của con người. Những thiệt thòi mà kẻ từ chối Chúa gặp phải là hậu quả tai hại của tội lỗi, của những hành động xấu xa do con người thực hiện vì chối bỏ Thiên Chúa mà thôi. Tuy nhiên, Thiên Chúa không bỏ mặc con người trong sự dữ, nhưng Ngài luôn luôn làm những gì có thể để cảnh tỉnh, để lưu ý con người đừng đi vào con đường nguy hiểm, gây thiệt hại cho chính mình.
Ta có dám tin Thiên Chúa điều khiển cuộc đời ta không? Ta có dám tin Thiên Chúa đem lại suối nguồn bình an cho cuộc đời ta không? Chúa vẫn viếng thăm và hiện diện nơi mỗi hoàn cảnh sống, nơi mỗi người chúng ta gặp gỡ nhưng chúng ta có nhận ra Ngài hay không? Chúng ta có sẵn sàng mở lòng đón nhận thời giờ ân sủng mà Thiên Chúa vẫn hằng tuôn đổ trên cuộc đời mỗi người chúng ta hay không? Làm sao mỗi chúng ta nhận ra thời điểm Thiên Chúa đến thăm mình? Thế giới hôm nay đang có khuynh hướng loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống của họ. Họ nhân danh tự do
tôn giáo để loại trừ Thiên Chúa ra khỏi đời sống xã hội. Nhưng thử hỏi không có Thiên Chúa thì ai ở được với ai ! Nhân loại sẽ bị kéo vào những cuộc chiến tranh, thù hận không lối thoát.
Như thánh Gioan nói: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1, 11). Thời giờ thánh thánh Giêrusalem được Thiên Chúa viếng thăm, chính là lúc Đức Giêsu đến, hiện diện và ban Lời Hằng Sống, mang lại bình an.
Hãy để Thiên Chúa đi vào đời chúng ta và Ngài sẽ chi phối những chọn lựa của chúng ta. Chỉ trong Thiên Chúa mọi sự mới có nền tảng vững bền. Nếu không, như Giêrusalem, chúng ta chỉ còn là những bức tường than khóc. Nếu không thì nước mắt của Chúa Giêsu vẫn còn rơi trước sự cứng lòng tin của nhân loại hôm nay. Và nước mắt tình yêu, tha thứ của Chúa vẫn còn nhỏ xuống trên sự phản bội, bất trung của con người.
Huệ Minh