Hãy có lòng chạnh thương như Chúa

Trang Tin Mừng hôm nay nói về việc chữa bệnh của Chúa Giêsu, tại Giê-nê-sa-rét. Đoạn này được Thánh sử viết kế tiếp việc Chúa Giêsu nuôi đám đông dân chúng hơn 5000 người bằng lương thực hằng ngày (bánh và cá), và Ngài đã khống chế sự dữ trên biển cả khi thuyền của các Tông đồ bị chao đảo, bị sóng dập vùi.

Saukhi vượt qua những trở ngại trên biển cả, Chúa Giêsu và các môn đệ lên bờ. Dân chúng có lẽ sau khi chứng kiến phép lạ hoá bánh ra nhiều của Ngài, họ tuôn đến để xin được chữa lành những căn bệnh thê lý.

Chúa Giêsu không lên kế hoạch làm việc cho từng ngày, ngày nào của Ngài cũng chỉ theo một chương trình duy nhất, là rao giảng Tin Mừng và làm cho Nước Trời hiện diện cụ thể trong đời sống con người. Ðối tượng phục vụ của Ngài là người nghèo đủ loại, và nhu cầu của người nghèo lại cấp bách đến độ không thể dời lui dời tới hoặc giới hạn vào một số giờ nhất định. Sống với người nghèo và cho người nghèo là chấp nhận bị quấy rầy: quấy rầy vì những vấn đề của họ thật cấp thiết nhưng lại không dễ giải quyết, quấy rầy vì họ luôn ở cạnh chúng ta mà chúng ta không được phép quên đi.

Họ nhận ra Chúa Giêsu- vị lương y tốt lành đang bước ra khỏi thuyền để lên bờ. Họ liền đi theo Ngài bất cứ nơi nào Ngài đến. Ghen-nê-xa-rét là Thành Phố thuộc phía Tây Nam Ca-phác-na-um, như thế Chúa Giêsu vẫn đang hiện diện tại phần đất dân Do Thái. Sự nổi tiếng của Ngàiđã khiến người ta tuôn đến để xin chữa bệnh. Họ đặt những bệnh nhân nằm la liệt bên các vệ đường, nơi mà Ngài sẽ đi ngang qua. Họ mong chờ bóng Ngài ngả lên họ, được Ngài đặt tay trên mình hoặc được đung chạm đến tua áo Ngài là họ được chữa lành.

Trong thế giới Sê-mít, Y phục tượng trưng cho chính bản thân con người . Khi đụng đến áo của người nào là ta tiếp xúc đến chính bản thân người đó. Hơn nữa, ở đây, tác giả muốn diễn tả rằng: từ thân thể Chúa toát ra một uy quyền thần linh cứu độ ( c. 56 ) và ân sủng này vượt quá những điều trị thể lý thông thường. Chúa Giêsu để cho bệnh nhân chạm đến Ngài nghĩa là vai trò của vị Mục Tử nhân lành được thực hiện cụ thể và thời Mêsia chữa lành đã xuất hiện; Ngài đến chăn dắt những đoàn chiên bơ vơ, ( 6, 34 ) không người chăm sóc, dưỡng nuôi.

Qua Mc 6,53-56, chúng ta thấy Chúa Giêsu đã thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng cứu độ một cách hoàn hảo. Ngài loan báo tin lành bằng cả lời nói và hành vi chữa lành của Ngài. Ngài đuổi xa bệnh tật, khai trừ tội lỗi và giải thoát con người khỏi ách thống trị của sự dữ là ma quĩ.

Tin Mừng hôm nay đã mở toang cánh cửa lòng cho Thiên Chúa, Đấng chữa lành, và vì thế họ được khỏi bệnh. Thánh Máccô diễn tả rằng: nghe tin Chúa ở đâu, dân chúng đem bệnh nhân đến đó và bất cứ ai chạm đến Ngài thì đều được khỏi bệnh.

Sở dĩ người ta ùn ùn kéo đến với Ngài, chính vì họ cảm thấy Ngài luôn cho họ cái gì, Ngài luôn là vòng tay mở rộng chờ đón, Ngài luôn trao ban hết con người mình, hết thời giờ, hết quyền năng Ngài cho họ. Sức hút của Chúa Giêsu hệ tại ở việc Ngài là con người quảng đại và luôn cho đi.

Và ta thấy hôm nay cho thấy việc Chúa Giêsu chữa lành bệnh nhân để trình bày về sứ vụ Cứu Thếcủa Ngài và để củng cố niềm tin cho các tông đồ.

Ta cũng thấy Tin Mừng hôm nay là một bản tóm lược dài về quyền năng của Đức Giêsu. Quyền năng này được thi thố qua việc chữa bệnh.“Người ở đâu thì người ta cáng bệnh nhân đến đó. Người đi tới đâu… người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở chỗ công cộng” (cc. 55-56). Dân chúng tin vào sức mạnh xuất phát từ chính con người Đức Giêsu.

Ở đây không phải là chuyện Ngài đụng chạm vào các bệnh nhân để chữa họ, mà là các bệnh nhân xin “ít là được chạm đến tua áo choàng của Người; và “bất cứ ai chạm đến, thì đều được khỏi” (c. 56). Cái chạm của bệnh nhân là cái chạm của lòng tin vào Đức Giêsu. Nó giống với cái chạm của người phụ nữ bị băng huyết (Mc 5, 28). Không phải chỉ là chạm bằng tay, mà bằng cả con người.

Còn dân chúng đã có phản ứng thế naò trước uy quyền của Đấng Cứu độ? Thánh Maccô nêu rõ từng quá trình đi lên của niềm tin mà dân chúng dành cho Đức Giêsu . Đó là: họ nhận ra- họ đi theo- họ được chạm đến và họ được khỏi . Đây là một niềm tin “ tập thể” qua từ “ họ, người ta”. Có lẽ họ nhận ra đây là vị Cứu Tinh nhân trần, được sai đến để cứu họ, nên quyết tâm đi theo Ngài đến bất cứ nơi nào để được chữa lành, Họ muốn gặp gỡ, đụng chạm tới Ngài dù chỉ là tua áo và tin khi tiếp xúc như vậy, họ được chữa lành.

Còn chúng ta có thái độ nào trước quyền năng của Thiên Chúa? Chúng ta có đặt trọn niềm tin vào Ngài, phó thác cậy trông vào ân sủng của Ngài hay không? Hay chúng ta cậy dựa vào tài năng, uy thế, địa vị, đặc biệt là ỷ thế giàu có của cải, tiền bạc dư tràn mà đẩy lui Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời mình.

Đối tượng mà Đức Giêsu nhắm đến để phục vụ chính là những người nghèo. Vì họ mà Ngài chấp nhận quên ăn, quên ngủ, bất chấp bị quấy rầy, bởi Ngài thấy được những vấn đề cấp thiết mà họ đang mong đợi.

Giáo Hội hôm nay muốn chọn người nghèo làm đối tượng ưu tiên để phục vụ như Chúa Giêsu ngày xưa đã làm, thì Giáo Hội cũng không thể quên sự quấy rầy của người nghèo và các vấn đề liên quan đến người nghèo. Nếu Giáo Hội có phải phân nhiệm cho ủy ban này, ủy ban kia lo từng vấn đề, nếu Giáo Hội có phải lên thời khóa biểu hàng ngày, thì tất cả chỉ vì muốn phục vụ người nghèo cho có kết quả hơn, chứ không phải để giảm bớt hoặc thoái thác công việc.

Mẹ Têrêxa Calcutta nổi tiếng trên khắp thế giới không phải ngài là một người giỏi giang, cũng không phải nơi mẹ có những điểm hấp dẫn về nhan sắc… Tuy nhiên, mẹ trở nên một người có thể làm đảo lộn thế giới chỉ vì tình yêu rất lớn của mẹ dành cho người nghèo và những người bện tật, đến nỗi có những ngày các nữ tu trong dòng của mẹ phải nấu thức ăn cho khoảng 7 ngàn người, và cả những người phải cung cấp lương thực, có lúc lên đến 9 ngàn người.

Hẳn ta còn nhớ ngày mẹ lìa cõi trần, nhiều nguyên thủ quốc gia đã tuyên bố quốc tang, nhiều bài phát biểu bày tỏ sự ngưỡng mộ được phát đi với những lời lẽ hết sức xúc động như: “Từ nay, thế giới bớt tình thương hơn”; hay:“Hôm nay, người nghèo mất đi một người mẹ yêu thương, người bạn đồng hành…”.

Ngày xưa Chúa đã chạnh lòng thương dân Do Thái bơ vơ không người chăn. Nay xin Chúa cũng thương chữa lành những căn bệnh thể lý và cảcăn bệnh Thiêng liêng của chúng con nữa, để chúng con tôn thờ và tin tưởng duy một Chúa mà thôi.

Ngày nay, Giáo Hội của Đức Giêsu, không có con đường nào khác để loan báo về Đức Giêsu tốt hơn cho bằng lựa chọn người nghèo, người sống bên lề, vùng biên của xã hội.

Huệ Minh

Exit mobile version