Hãy chạnh lòng thương như Chúa Giêsu

LoiChua - Hãy chạnh lòng thương như Chúa Giêsu

Không quản khó nhọc, vất vả ngược xuôi trên những chặng đường dài khắp xứ Palestina, Chúa Giêsu “rảo khắp các thành phố làng mạc, dạy dỗ trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền” (Mt 9, 35). Làm biết bao việc tốt lành như thế, nhưng dường như Chúa Giêsu cảm thấy mình vẫn chưa đáp ứng hết mọi nhu cầu của con người. Chúa Giêsu “động lòng thương xót” đoàn lũ dân chúng đông đảo, vì Người thấy họ “tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn” (Mt 9,36). Tất cả thể hiện tấm lòng của Vị Mục Tử Nhân Lành Giêsu (x. Ga 10,1-30), tấm lòng thương xót của một Vì Thiên Chúa.

Chúa Giêsu sau khi làm một chuỗi phép lạ: chữa người loạn huyết, làm cho một em bé chết sống lại, chữa người mù, Tin mừng hôm nay thuật lại việc người chữa lành một kẻ bị quỉ câm ám. Tin Mừng chúng ta vừa nghe, thánh sử Matthêu thuật lại việc Chúa Giêsu chữa khỏi bệnh câm cho một người bị quỷ ám. Người này hẳn trước kia bình thường nói năng tự nhiên, khi bị quỷ ám thì anh đã mất khả năng ăn nói. Cho nên, khi được Chúa chữa lành, anh liền nói được ngay. Sau khi Chúa Giêsu thực hiện phép lạ này, chúng ta thấy xảy ra hai phản ứng. Phía dân chúng tụng Chúa mà rằng: “Chưa hề thấy xảy ra như vậy trong dân Israel”. Nhưng những người biệt phái lại nói: “Ông ấy nhờ tướng quỷ mà trừ quỷ”.

Những việc tốt lành Ngài làm minh chứng Ngài có quyền trên bệnh tật, sự chết, có quyền đẩy lui thần dữ; nhưng do thành kiến và đố kị, những người Pharisêu lại bảo “Ông ấy dựa vào thế quỉ vương để trừ quỉ” (c. 34). Tuy nhiên, sự đố kỵ của họ không ngăn cản được Chúa Giêsu thi hành sứ vụ: “Ngài đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.” (c. 35). Ngài chạnh lòng thương đám đông lầm than vất vưởng như bầy chiên không người chăn dắt và dạy các môn đệ “hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (c.38).

Chúa Giêsu đến trần gian rao giảng Tin mừng nước Thiên Chúa. Đó là Tin mừng giải thoát, Tin mừng chữa lành, Tin mừng về hồng ân cứu độ. Người mời gọi Giáo hội, mời gọi chúng ta là các môn đệ tiếp tục sứ vụ của Người: “Các con hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thụ tạo.” (x. Mc 16,15); nhưng thực tế có thể chúng ta bị ‘quỉ câm’ ám khiến chúng ta không thể mở miệng nói được lời Tin mừng. Đời sống Kitô hữu của chúng ta như một cái bóng giữa chợ đời không nói lên được một chứng từ nào của Tin mừng, mà đôi khi còn lộ ra những hành động của quỉ dữ: độc địa, ích kỷ, gian tham, hận thù, rượu chè, cờ bạc, chửi làng, phá xóm…. Chúng ta cần sám hối và xin Chúa Giêsu xua trừ ma quỉ ở trong ta để cuộc sống của ta trở thành lời minh chứng ca ngợi quyền năng Thiên Chúa và trở thành môn đệ thực sự của Chúa Giêsu qua dấu chỉ bác ái yêu thương.

Mặt khác, noi gương Chúa Giêsu, không vì những lời nhận định của các chức sắc Dothái:“Ông ta dựa vào thế quỉ…” mà nản lòng thối chí; người môn đệ sẽ không chùn bước trước những khó khăn, chống đối, bách hại, hiểu lầm có khi cả về phía những người tốt lành, thậm chí có khi là những chức sắc trong Giáo hội – những người lẽ ra phải ủng hộ, nâng đỡ mình – để kiên trì sống niềm tin và hoạt động cho Tin mừng nước Chúa, đáp lại lòng mong ước của Chúa Giê-su “lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít…” (c.37). Đồng thời Kitô hữu đừng vì ghen tương đố kị, thành kiến mà đạp người khác xuống để nâng mình lên. Nhưng cần phải biết sống tinh thần hiệp nhất, nâng đỡ và cộng tác để cùng nhau xây dựng cộng đồng, phát triển cuộc sống.

“Chúa Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt.” (c. 36) Sống trong một thế giới quá nặng về vật chất, tâm hồn con người hầu như bị xơ cứng bởi đánh mất những giá trị thiêng liêng, đời sống luân lý xuống dốc, coi thường sự sống, xem nhẹ sự thủy chung, lòng nhân ái, tôn thờ chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa khoái lạc, hưởng thụ ích kỷ… nên trái tim không còn rung cảm trước những nỗi đau của nhân loại. Khái niệm về ‘chạnh thương’ trở thành từ ngữ xa vời trong tự điển sống của chúng ta.

Trong khi thi hành sứ vụ mục tử, chúng ta cũng không thể tránh khỏi lời này tiếng nọ từ những người có óc thành kiến hay ganh tị. Chúng ta hãy nhớ Chúa Giêsu – Thầy chúng ta – cũng đã từng bị người ta gán ghép là “khùng”, “bị quỷ nhập”, thậm chí là “nhờ tướng quỷ mà trừ quỷ”.

Trước sự cứng lòng của những người biệt phái, Chúa Giêsu tỏ thái độ đau xót, không phải cho Ngài, nhưng cho đám đông dân chúng theo Ngài. Ngài thương họ bơ vơ lạc lõng. Ngài ví họ đáng thương như một bầy chiên không người chăn dắt. Và Ngài lại dùng hình ảnh đồng lúa chín vàng để nói lên tính cấp bách của việc loan báo Tin Mừng “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”.

Hình ảnh về mùa gặt hái đã được các Tiên Tri dùng để chỉ Nước Chúa Cứu Thế sau này. Thời kỳ sau cùng là thời kỳ gặt hái thu lượm, nghĩa là lúc Thiên Chúa đến phán xét trong ngày tận thế. Chính Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh này trong dụ ngôn cỏ lùng và lúa. Giai đoạn sau cùng của lịch sử đã bắt đầu với việc Nước Thiên Chúa đến; tất cả đều sẵn sàng, nhưng thiếu thợ gặt.

Thế giới ngày nay như một cánh đồng mênh mông, nơi có rất nhiều linh hồn sẵn sàng đón nhận Nước Trời nhưng phải có người chỉ đường cho họ. Chúa muốn cứu thế gian vàchúng ta hãy trở nên dấu chứng tình yêu của Thiên Chúa cho con người hôm nay. “Tình thương của Thiên Chúa phá vỡ thái độ khép kín chết chóc là sự dửng dưng, tình thương ấy được Giáo Hội trao tặng cho chúng ta qua giáo huấn, và nhất là qua chứng tá của Giáo Hội.

Thật vậy, ta chỉ có thể làm chứng về điều mà trước đó chúng ta cảm nghiệm. Kitô hữu là người để Thiên Chúa mặc cho chiếc áo lòng từ nhân và thương xót của Ngài, mặc lấy Chúa Kitô, để trở nên giống Chúa, là Tôi Tớ của Thiên Chúa và loài người”. (ĐTC Phanxicô, Sứ điệp Mùa Chay 2015, số 1).

Huệ Minh

Exit mobile version