Háo sắc và cái chết cho Sự thật

LoiChua - Háo sắc và cái chết cho Sự thật

Thánh Gioan tẩy giả là người anh họ của Đức Chúa Giêsu. Thân mẫu ngài là thánh nữ Êlizabeth và thân phụ ngài là ông Zacaria. Chương đầu tiên của Tin mừng theo thánh Luca thuật lại biến cố sinh nhật tuyệt vời của thánh Gioan. Và Tin mừng theo thánh Marcô, nơi chương thứ 6, các câu 14-29, kể lại những chi tiết tàn bạo về cái chết của Gioan tẩy giả.

Phụng vụ Lời Chúa Lễ nhớ Thánh Gioan Tẩy giả bị trảm quyết hôm nay cho thấy Thánh Gioan Tẩy giả không chỉ người tiền hô của Đấng Cứu Thế, mà còn sống dâng hiến cuộc đời mình cho đức công chính và chân lý Tin Mừng, đến độ hy sinh cả chính bản thân mình, để bảo vệ chân lý ấy, như được phản ảnh trong Mc 6, 17-29.

Vua Hêrôđê lấy vợ của anh mình là bà Hêrôđia. Gioan nói cho Hêrôđê biết điều ấy là sai, nhưng Hêrôđê và Hêrôđia không muốn nghe và giữ giới luật của Thiên Chúa. Họ chỉ muốn làm theo ý riêng mình. Và Gioan tẩy giả đã phải trả giá cho lòng tốt của ngài! Tuy nhiên, thánh nhân không thể hành động theo cách khác được. Ngài không im lặng trước tội lỗi và bất công. Sứ mệnh của Gioan là mời gọi người ta cải hối cuộc đời; và ngài mong muốn cho hết thảy mọi người được ơn giao hòa cùng Thiên Chúa.

Hêrôđê đã đi vào con đường tội lỗi. Sự dại gái, khôn nhà, dại chợ của Hêrôđê đã khiến vị vua này trở nên ngông cuồng điên dại. Sống trong tội lỗi,tâm hồn của Hêrôđê đã trở nên mù quáng, tối tăm. Ở trong bóng tối, Hêrôđê đã không còn biết phân biệt đâu là phải, đâu là trái. Ông đã hành động tùy tiện việc nước, đã ăn chơi, chè chén trác táng. Ông không còn biết nhận ra sự thật. Số là Hêrôđê đã cướp vợ của ngay người em mình. Sự loạn luân không thể tha thứ, đã làm cho Gioan Tẩy Giả phải lên tiếng quở trách nặng lời hành động vô luân của Hêrôđê và Hêrodias, vợ loạn luân của Hêrôđê. Đúng như lời Kinh Thánh nói: “Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng…” (Ga 1,6-7).

Trong khi Hê-rô-đê vì ham danh háo sắc đã bịt tai trước tiếng lương tâm ngay chính và chiếm đoạt người vợ của anh mình, thì Gio-an Tẩy Giả, người ngôn sứ cuối cùng, sẵn sàng chịu tù đày để làm chứng cho chân lý, bảo vệ luật hôn nhân. Thái độ của Gio-an Tẩy Giả là một tuyên ngôn cho thấy rằng giá trị của hôn nhân là tuyệt đối, không ai có quyền xâm phạm dù đó là người có chức có quyền đến đâu đi nữa. Đồng thời đó cũng là lời chứng cho sứ mạng của người ngôn sứ: phải nói lời của Thiên Chúa, cho dù “nói thật mất lòng”, và thậm chí mất mạng nữa.

Hêrôđia đã giữ mối hận thù đối với Gioan. Và khi dịp thuận tiện xảy đến, bà đã ra tay sắp đặt để Gioan bị chém đầu. Gioan đã phải chấp nhận những hậu quả nghiệt ngã cho việc giảng dạy chân lý Phúc âm.

Thánh Gioan tẩy giả rao giảng phép rửa sám hối, chuẩn bị cho người ta đón nhận Đấng Mêsia. Ngài đã làm phép rửa cho Chúa Giêsu trong dòng sông Giođan và được hưởng kiến niềm vui vì sứ mệnh công khai của Chúa Giêsu đã khởi sự. Gioan tẩy giả đã khích lệ các môn đồ của mình đi theo Đức Chúa Giêsu. Ngài biết rằng danh Chúa phải tỏa sáng ra, còn danh mình phải lu mờ đi. Trong chương thứ nhất Phúc âm theo thánh Gioan, thánh Gioan tẩy giả nhận mình chỉ là tiếng kêu trong hoang địa, chỉ thức tỉnh người ta hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng mà thôi! Thánh nhân mời gọi mọi người hãy sẵn sàng để chuẩn bị đón nhận Đấng Mêsia

Vua sẵn sàng cho lệnh chém đầu Gioan Tẩy Giả. Cái chua xót càng dâng cao khi Vua Hêrôđê cho thị vệ chém đứt đầu Gioan Tẩy Giả và đặt trên mâm theo lời xúi giục của bà Hêrôđia (Mc 6, 24-25). Sự việc càng mỉa mai hơn khi Vua vừa tỉnh vừa say và để hồn mình mê ly theo điệu vũ của đứa con gái của bà Hêrôđia (Mc 6, 22). Đối với chúng ta đọan Tin Mừng của thánh Marcô 6, 26 càng làm chúng ta ngao ngán vì con người dâm ô, bạo tàn và chà đạp sự thật, chà đạp công lý và vượt trên cả pháp luật của đất nước mà Hêrôđê trị vì: “Nhà Vua buồn lắm, nhưng vì lời thề, và khách dự tiệc, nên không muốn thất hứa với con gái Hêrôđia”.

Một lệnh truyền của một bạo Chúa trong lúc say sưa chè chén với bọn bá quan văn võ và các thân hào miền Galilê trong ngày sinh nhật của mình (Mc 6, 21). Một lời hứa dựa trên cảm tính, hết sức thô bạo và coi thường luật pháp của mình, Hêrôđê đã làm một việc hết sức tàn nhẫn, giết chết một vị ngôn sứ vô tội để thỏa mãn thú tính đê hèn của mình. Cái chết của Gioan Tẩy Giả đã là một lời cảnh tỉnh tất cả những ai quyết định thiếu khôn ngoan, thiển cận, ích kỷ, đê hèn chỉ nghĩ tới mối lợi đê tiện của cá nhân mình mà quên đi việc lớn lao hơn: “đại nghĩa”. Thánh Gioan Tẩy Giả đã chết đi nhưng sự ra đi của Ngài được nâng cao trên đài danh vọng, danh vọng của những vị ngôn sứ đích thực, những ngôn sứ dám nói lên sự thật, vì Gioan Tẩy Giả cũng đã chịu cầm tù, đau khổ trong tù ngục, và chết để làm chứng cho những lời rao giảng của mình.

Con người có phẩm giá cao cả vì con người có lương tâm. Lương tâm chính là ánh mắt yêu thương của Thiên Chúa không ngừng dõi theo con người để mời gọi thôi thúc con người vươn lên. Thảm trạng đau thương nhất của cá nhân cũng như của xã hội chính là tiếng nói của lương tâm bị bóp nghẹt. Xét cho cùng, thảm trạng ấy cũng đồng lõa với việc loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi cuộc sống. Khi ánh mắt yêu thương của Thiên Chúa không còn nhìn xuyên qua tâm hồn con người nữa, thì đó là lúc con người đang dãy chết.

Gioan Tẩy Giả đã chết đi để bảo vệ cho sự thật, minh chứng cho Chúa Giêsu: “Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 14, 6).

Gioan Tẩy Giả chỉ là vịngôn sứ dọn đường cho Chúa Cứu Thế: “Tôi chỉ là tiếng kêu trong hoang địa, để dọn đường cho Chúa đến” (Mc 1,23) và khi Đấng Thiên Sai đến, thánh nhân xác định rõ ràng: “Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi” (Ga 3, 30). Thánh Gioan Tẩy Giả đã trở nên chứng nhân tuyệt vời và hoàn hảo nhất nơi Đức Kitô Giêsu.

Thánh Gioan Tẩy Giả đã sống hoàn toàn đúng nghĩa của một vị ngôn sứ chân chính, đích thực, Ngài đã hoàn toàn đáp trả lại lời mời gọi yêu thương của Thiên Chúa: “Ngài đã không sợ hãi, lớn tiếng trước mặt các Vua Chúa. Ngài đã hiến mạng sống cho công bình và chân lý”. Thánh Gioan Tẩy Giả đã vạch mặt chỉ tên mọi người sống bê tha, tội lỗi. Lời rao giảng sám hối và phép rửa cải tà qui chánh, cải hoá nội tâm của Ngài đã nói lên một sự thực muôn đời: “Tất cả đều phải sám hối và ăn năn”. Thánh nhân đã không chùn bước trước những thế lực mạnh nhất lúc đó là Hêrôđê. Ngài đã can đảm nói lên việc Hêrôđê cướp vợ của anh mình là Philíp, nàng Hêrôđia… Sự can đảm và cương quyết của Ngài đã bị cường bạo đè bẹp bằng lời hứa thật đê hèn và thô bạo. Nhưng cái chết của thánh Gioan Tẩy Giả đã minh chứng cho chân lý ngàn đời: “Sự thật sẽ giải phóng tất cả”.

Thật vậy, cái chết của Thánh Gioan Tẩy giả là kết quả tất yếu của một con người dám sống cho sự thật. Trước thế lực của thế gian và bóng tối tội lỗi thì số phận của những người công chính và thánh thiện trở nên quá mong manh. Dẫu biết thế, Thánh Gioan Tẩy giả vẫn can đảm bênh vực sự thật, mạnh mẽ lên án lối sống vô luân của bạo chúa Hêrôđê
.

Huệ Minh

Exit mobile version