Giống như thánh Phanxicô Assisi, Hanna Helen Chrzanowski xuất thân từ một gia đình quý tộc danh giá, nhưng cô đã quyết định dành cuộc đời của mình cho các linh hồn đang đau khổ. Thân phụ của Hanna, ông Ignacy Chrzanowski, là một giáo sư văn chương Ba lan tại đại học Jagiellonian ở thành phố Cracovia; tuy là một tín hữu Công giáo nhưng ông không sốt sắng thực hành đạo. Thân mẫu của Hanna, bà Wanda Szlenker, là một tín hữu Tin lành. Cả hai ông bà thân sinh của Hanna đều thuộc những gia đình có truyền thống yêu nước và họ nổi tiếng về các hoạt động bác ái.
Khi còn trẻ, Hanna cũng xa lìa đức tin Công giáo nhưng sau thế chiến thứ hai, cô đã có một kinh nghiệm hoán cải sâu sắc. Vào khoảng cuối thời gian trung học, Hanna đã tham dự khóa học kéo dài 2 tháng do Hội Chữ thập đỏ Hoa kỳ tổ chức để chăm sóc cho các người lính trong thời chiến tranh Bôn-sê-vích tại Ba lan. Năm 1920, Hanna đã quyết định trở thành một điều dưỡng khi biết tại Vác-sa-va vừa mở một trường điều dưỡng. Năm 1924, sau khi tốt nghiệp, Hanna nhận được học bổng học nâng cao tại Pháp và Bỉ.
Vào đầu cuộc chiến tranh, Hanna đã trở về Cracovia và dấn thân chăm lo cho những người di tản, những người tị nạn, các trẻ em ở thành phố Cracovia và các vùng lân cận. Năm 1939,dì Zophia của Hanna bị chết trong cuộc chiến ở Vác-sa-va. Tháng 6 năm đó, ông Ignacy Chrzanowski, cha của Hanna, cùng với các giáo sư khác của đại học Jagiellonian, bị đưa đến trại tập trung Sachsenhausen của Đức quốc xã và ông đã qua đời tại đó vào năm 1940. Đầu năm 1940, người anh tên Bohdan của Hanna cũng bị lính Nga bắt đi tù và bị giết trong rừng Katyn.
Cũng trong thời gian này, Đức Tổng Giám mục Adam Stefan Sapieha của Cracovia đã thành lập Ủy ban dân sự cứu trợ xã hội. Không nản chí và thất vọng vì những mất mát đau thương xảy đến với gia đình và người thân, Hanna đã trở thành một thành viên tích cực, giúp tổ chức các nơi trú ẩn cho các trẻ mồ côi người Do thái đến từ thủ đô Vac-sa-va, sau khi thành phố này hầu như bị tiêu diệt vào năm 1944. Cô đã tổ chức các bữa ăn, nơi cư trú, nhà mồ côi cho trẻ em. Hanna phụ trách và xem xét việc nhận con nuôi đối với các trẻ em bị bỏ rơi. Đối với Hanna, thời gian chiến tranh là cần thiết để khám phá sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống. Hanna chăm chỉ cầu nguyện và nhận ra ý nghĩa của Thánh lễ. Bằng cách này, hoạt động bác ái của Hanna trở nên thấm đẫm tinh thần bác ái Kitô thật sự.
Sau khi chiến tranh chấm dứt, Hanna tiếp tục việc dạy học tại trường điều dưỡng của Cracovia và phụ trách phân khoa điều dưỡng cộng đồng. Năm 1946, Hanna nhận học bổng đi học ở Mỹ đào sâu về vấn đề điều dưỡng tại gia cư.” Hanna xuất bản sách và các bài báo về ngành điều dưỡng gia đình và dạy học trong các trường điều dưỡng. Năm 1957, Hanna thành lập Hiệp hội Công giáo các y tá Ba lan. Hanna cũng bắt đầu tổ chức các khóa tĩnh tâm hàng năm, tại đền thánh Đức Mẹ Jasna Gora tại Czestochowa, cho các chuyên viên chăm sóc sức khỏe. Chính quyền cộng sản thời hậu chiến tranh không chấp nhận điều này.
Dù rằng trước chiến tranh, Giáo hội Công giáo tại Ba lan đóng vai trò quan trọng trong hoạt động từ thiện, nhưng dưới chế độ cộng sản, chính quyền vô thần tìm cách nắm vai trò này. Tuy nhiên, Hanna đã đương đầu với chính quyền và thành lập một hệ thống “chăm sóc sức khỏe giáo xứ” tại Cracovia. Hệ thống bao gồm hàng trăm người dân, sống trong một đất nước cộng sản với những điều kiện sống thiếu phẩm giá. Những người cô đơn, bị bỏ rơi, người già, người khuyết tật hay bị các chứng bệnh mãn tính mà hệ thống y tế của chính quyền không thể chăm sóc, đã được hệ thống chăm sóc của Hanna, với các ý tá chuyên nghiệp cùng với sự trợ giúp của các nữ tu và sinh viên chăm sóc.
Cũng trong năm 1957, một cuộc gặp gỡ đặc biệt có ý nghĩa đối với cuộc sống và hoạt động bác ái của Hanna. Một người bạn của Hanna, Sofia Szlendak, đã đưa Hanna đến gặp cha Karol Wojtyla, sau này trở thành Giáo hoàng Gioan Phaolô II, để tìm cách giới thiệu với các giáo xứ về việc chăm sóc tại gia. Dù cuộc gặp gỡ ngắn ngủi nhưng đã gây ấn tượng mạnh với Hanna. Năm 1958, cha Wojtyla được bổ nhiệm là giám mục phụ tá của Cracovia và từ lúc này công việc của Hanna gặp nhiều dễ dàng thuận lợi hơn. Năm 1960, Đức cha Wojtyla đã cùng Hanna thăm 35 bệnh nhân giai đoạn cuối mà Hanna đang chăm sóc. Đây là một việc làm đã trở thành thực hành quen thuộc cho mối lần thăm viếng mục vụ của ngài.
Từ gương mẫu của Hanna, sau đó, Teresa Strzembosz, bạn của Hanna cũng thành lập một hệ thống tương tự tại Vac-sa-va. Vào những năm 1970, hầu hết các giáo xứ ở Cracovia đã tham dự vào hệ thống này. Công việc điều dưỡng tại giáo xứ là hoạt động đáp ứng thực tế là có nhiều bệnh nhân, người đau khổ trong giáo xứ cần được chăm sóc y khoa, nhưng nhiều người không nhìn thấy đau khổ của họ. Các cộng tác viên của Hanna đi đến nhà của những bệnh nhân này và không chỉ giúp đỡ về y khoa nhưng còn giúp lau dọn nhà cửa cho họ cũng như đồng hành, chia sẻ tình bạn với họ.
Ban đầu, Hanna làm việc này một mình. Nhưng sau đó, các nữ tu đã giúp cho cô, và tiếp sau đó, Hanna đã khuyến khích một đội ngũ đông đảo các sinh viên đại học của Học viện thánh Anna tình nguỵên đến gia cư của các bệnh nhân. Hanna nhấn mạnh rằng các tình nguyện viên buộc phải tạo nên mối liên kết gần gũi với những người được họ chăm sóc và đều đặn gặp gỡ những người này. Hanna đã đáp lời mọi người với tình yêu thương, ngay cả trong những tình cảnh khó khăn nhất. Ví dụ, một lần kia, Hanna được gọi đến giúp đỡ cho một cụ bà 93 tuổi, có một lỗ thủng trên trán, kết quả của căn bệnh ung thư. Trong việc phát triển hệ thống điều dưỡng giáo xứ, chính đức tin là điều hướng dẫn hoạt động của Hanna. Hanna đặc biệt bị thu hút bởi đặc sủng lao động và cầu nguyện của dòng Biển đức.
Hiến chế Ánh sáng muôn dân của công đồng chung Vatican II nói về vai trò của giáo dân trong Giáo hội, đặc biệt linh hứng cho Hanna trong việc khuyến khích các giáo dân tham gia tích cực trong việc chăm sóc người bệnh và người đau khổ. Hanna tìm thấy sự gần gũi về tinh thần với Đức Hồng y Karol Wojtila, sau này là Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, khi đó là Tổng Giám mục của Cracovia. Ngài đã yêu cầu Hanna diễn thuyết về vai trò của giáo dân trong Giáo hội trong đại hội mà Ngài tổ chức tại tổng giáo phận của ngài để thực hành các giáo huấn của công đồng.
Hanna đến với tất cả các bệnh nhân, Công giáo cũng như không Công giáo, bày tỏ tình bác ái đối với tất cả mọi người nhưng không bao giờ nhắm chiêu dụ ai. Tuy thế, chứng tá tình yêu Kitô giáo của Hanna và những cộng sự của cô đã khiến cho nhiều người đến với Công giáo. Ví dụ, sơ Serafina, một nữ tu hoạt động gần gũi với Hanna, trợ giúp cho một giáo sư toán học vô thần bị bệnh thấp khớp. Giáo sư này hỏi sơ Serafina cách mỉa mai: Khi nào sơ sẽ bắt đầu cải đạo tôi? Tuy thế, thời gian qua, giáo sư đã quá bị ấn tượng về tình yêu và lòng tốt của sơ đến nỗi ông đã trở lại Công giáo và trước khi qua đời, ông đã xin xưng tội với một linh mục. Ông đã tuyên bố: “Có triết học của Kant và có triết thuyết của Tin mừng.” Các cộng sự viên của Hanna và cả các bệnh nhân họ chăm sóc đã tạo thành một cộng đoàn. Một cuộc tĩnh tâm hàng năm được tổ chức cho các bệnh nhân tại Trzebinia; những người tham dự, mỗi năm lại chờ đợi, mong đến ngày tĩnh tâm.
Năm 1963, Hanna Chrzanowska bị chẩn đoán ung thư. Việc chữa trị không mang lại kết quả nào nhưng Hanna vẫn tiếp tục hoạt động và ngay cả qua điện thoại. Được Đức Hồng y Karol Wojtyla đồng hành cách thiêng liêng, Hanna qua đời ngày 19 tháng 4 năm 1973. Nhà thờ dòng Cát minh đông chật người trong thánh lễ an táng của Hanna. Nhà thờ đầy những người ngồi trên các xe lăn cùng với các bệnh nhân mà Hanna đã trao ban niềm hy vọng, cũng như các sinh viên và các nữ tu đã cùng Hanna chăm sóc cho các bệnh nhân.
Chính Đức Hồng y Wojtyla đã chủ tế Thánh lễ. Trong bài giảng, ngài đã nói: “Chúng ta cám ơn Chúa về sự sống của bà Hanna, người đã để lại cho chúng ta một chứng tá vĩ đại…. Cám ơn Hanna, vì đã ở giữa chúng tôi. Bà là hiện thân của Bài giảng trên núi, đặc biệt mối phúc nói rằng “Phúc cho người có lòng thương xót. Bà đã mang lại cho tôi sự giúp đỡ lớn lao và niềm an ủi. Những người đồng hành với các bệnh nhânm các nữ tu, các y tá, các sinh viên và toàn thể giáo phận Cracovia cám ơn bà.”
Dù nhiều giáo dân khi nghe nói đến “ơn gọi”, họ chỉ nghĩ đến các linh mục và các thành viên của các dòng tu, nhưng Hanna đã chỉ cho thấy rằng các giáo dân cũng có ơn gọi và ơn gọi của họ không kém anh hùng hay thiếu sự thánh thiện. Án phong chân phước cho Hanna được bắt đầu vào ngày 3 tháng 11 năm 1998. Ngày 30 tháng 9 năm 2015 bà được nhìn nhận các nhân đức anh hùng. Ngày 7 tháng 7 năm 2017, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã phê chuẩn sắc lệnh nhìn nhận một phép lạ nhờ lời chuyển cầu của bà Hanna và do đó ngài cho phép tuyên phong bà lên hàng chân phước. Trong bài giảng Thánh lễ phong chân phước cho bà Hanna tại Cracovia, trước sự hiện diện của khoảng 20 ngàn tín hữu tại sân đền thờ Lòng Chúa thương xót, Đức Hồng y Angelo Amato, Bộ trưởng Bộ phong thánh đã khẳng định rằng bà Hanna đã là ngọn hải đăng trong bóng tối của đau khổ của nhân loại. (ACI 26/04/2018)
Hồng Thủy
(RadioVaticana 19.05.2018)