Quả vậy, thực tế đã cho thấy có khá nhiều cuộc hôn nhân bất hạnh và đổ vỡ.Không ít các cặp vợ chồng chỉ có thể sống với nhau một thời gian ngắn ngủi rồi tan đàn xẻ nghé, đường ai nấy đi. Theo các nhà nghiên cứu về hôn nhân gia đình thì con số ly hôn hiện nay ngày càng gia tăng, ngay cả đối với những cặp vợ chồng Kitô hữu đã lãnh nhận bí tích hôn phối. Một linh mục phụ trách về Mục vụ Hôn nhân Gia đình đã chia sẻ: “Hạnh phúc gia đình lẽ ra ngày càng ổn định với thời gian hôn nhân, thì nay lại có thể bị đánh mất vào bất cứ lúc nào trong cuộc sống. Hạnh phúc ở trần gian đã thế nói chi đến hạnh phúc Nước Trời mà mọi cuộc sống hôn nhân Kitô giáo đều phải nhắm tới. Thiết tưởng, một nhận định như thế là bi quan nhưng rất tiếc là nó đã trở thành sự thật…”. Nói như thế có nghĩa là hạnh phúc đời này mà ta không nắm giữ được thì làm sao chiếm hữu được hạnh phúc đời đời mà Thiên Chúa đã hứa ban cho chúng ta. Vậy để có được hạnh phúc đời này, nhờ đó lãnh nhận được cả hạnh phúc đời sau, ta phải nhận thức thế nào và cần phải làm gì? Hạnh phúc đích thực là hạnh phúc xuất phát từ tình yêu Thiên Chúa, lấy Thiên Chúa làm nguồn gốc và khuôn mẫu cho đời mình. Thư Mục vụ của HĐGMVN năm 2002 với chủ đề Thánh hóa Gia đình đã chỉ rõ: “Thiên Chúa dựng nên con người có nam có nữ. Cả nam và nữ đều là hình ảnh của Thiên Chúa (St 1,27) do đó tự bản chất con người có xã hội tính, và là hình ảnh của Tình Yêu Hiệp Thông Ba Ngôi Thiên Chúa. Từ nền tảng trên, mọi tình yêu chân thật giữa con người với con người đều hướng tới sự hiệp thông khuôn mẫu này. Do đó, tình yêu trong hôn nhân và gia đình là tình yêu mang lại hạnh phúc vì làm cho con người được thông phần Tình Yêu Ba Ngôi Thiên Chúa một cách cụ thể tại trần gian…” (x. tài liệu đd số 4, phần II). Hạnh phúc hôn nhân sẽ bền vững lâu dài một khi chúng ta biết vượt qua những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống để luôn trung tín chu toàn sứ mệnh hôn nhân Kitô giáo là ơn gọi mà mình đã chọn lựa và tự nguyện dấn thân vào. Ai cũng biết rằng hiện nay, các gia đình tín hữu đang phải đối mặt với những ảnh hưởng xấu của xã hội băng hoại, suy đồi. Những ảnh hưởng tiêu cực của xã hội ấy đã là một thách đố lớn cho các gia đình muốn duy trì hạnh phúc lâu dài. Thực vậy, “Hình ảnh đẹp về gia đình VN hiện nay đang có nguy cơ mờ nhạt dần. Nguyên do dễ thấy nhất làtiến trình ‘công nghiệp hóa, đô thị hóa’. Tiến trình này tự nó đem lại nhiều phúc lợi cho xã hội như những tiện nghi vật chất và cuộc sống văn minh, nhưng đồng thời cũng kéo theo những xáo trộn trong sinh hoạt gia đình, làm ảnh hưởng đến nề nếp gia phong như lôi cuốn một số người đến chỗhưởng thụ ích kỷ, và xa hơn đến lối sống buông thả sa đà, từ đó làm gia tăng những trường hợp ly dị và làm suy giảm ý thức về phẩm giá sự sống…” (x. Thư Mục vụ của HĐGMVN năm 2002 với chủ đề Thánh hóa Gia đình, số 3). Hạnh phúc là điều kiện và sức mạnh giúp ta xây dựng mái ấm gia đình, từ đó ta lôi kéo mọi người tiến về Nước Trời. Trong hôn nhân, hạnh phúc chưa phải là điểm dừng, nhưng đó là thành quả của tình yêu và cũng là sức mạnh cần thiết trong việc kiến tạo một mái ấm, một hội thánh tại gia trong lòng xã hội. Gia đình là nơi tình yêu được gieo trồng, lớn lên và hạnh phúc chính là những “hoa thơm cỏ lạ” của khu vườn hôn nhân của chúng ta. Thực vậy, khi gia đình kiến tạo được bầu khí yêu thương, đạo đức, lành mạnh, thánh thiện thì các thành viên của nó sẽ cảm thấy yên tâm, hạnh phúc và tràn đầy sức sống. Khi ấy gia đình sẽ có đủ sức mạnh phát huy hết khả năng nhằm phục vụ cách tốt nhất ơn gọi và sứ mệnh gia đình Kitô giáo trong thế giới hôm nay. Đối với người Kitô hữu sống trung tín ơn gọi hôn nhân gia đình thì tình yêu và hạnh phúc là điều có thực, chứ không phải là ảo mộng. Vì như Chúa nói: “Cái gì cũng có thể, đối với người có lòng tin” (Mc 9,23). Sự hiện diện của Chúa và tác động ơn thánh của Ngài sẽ nâng đỡ, trợ giúp tất cả những ai tin tưởng, phó thác, vâng phục và trung tín. Sống đời sống hôn nhân gia đình, người tín hữu không chỉ tìm hạnh phúc cho riêng mình, mà hơn thế, họ noi gương Đức Maria, vâng phục chấp nhận ơn huệ và ơn gọi riêng của đấng bậc mình vì lòng yêu mến Thiên Chúa, vì hạnh phúc tha nhân và vì ơn cứu rỗi của mọi người trong gia đình cũng như trong cộng đoàn và trong xã hội./. Aug. Trần Cao Khải