Đối với một con dân Đất Việt, tôi cảm thấy không thể không nói lên nỗi lo lắng của mình về cảnh huống của quốc gia hiện tại. Một sự nguy hại đáng báo động tới tất cả những ai là con Lạc cháu Hồng. Đó là báo động từ chính môi sinh và nhân sinh.
Báo động từ Môi sinh
Tôi tạm thời gác qua quá khứ mà chỉ nhìn vào những hệ lụy “cay lòng” đã và đang diễn ra trong năm nay, đặc biệt là trong một vài tháng gần đây. Từ Bắc chí Nam, tất cả ai ai cũng đều nhận được những thông điệp rất “cứng rắn và mạnh mẽ” từ Mẹ Thiên nhiên. Bởi dường như con người đã cố tình giả điếc làm ngơ hay phớt lờ đi tiếng than khóc và những cái chết bất đắc kì tử của thủy hải sản; từ những dòng sông cho đến các bờ biển, từ những khu nuôi trồng tự nhiên tới khu nhân tạo. Chắc hẳn không một người dân Việt nào lại không nhớ tới cảnh khốn cùng của người dân biển nơi các tỉnh thuộc Miền Trung Việt Nam vào đầu tháng 4/2016 ( cái cảnh chua xót của người dân lần lượt phát hiện hàng chục tấn cá tự nhiên chết dạt vào bờ trải dọc Hà Tĩnh đến Thừa Thiên – Huế), rồi gần đây lại thêm một vụ có thể coi làm rúng động lòng dân Hà thành đó là Hà Nội đã gom gần 200 tấn cá chết ở hồ Tây vào ngày 4/10/2016 đi xử lý. Ngay sau vài ngày, khi Hà Nội còn chưa hết bàng hoàng thì người dân Vũng Tàu cũng đang phải đối diện với hoàn cảnh bi đát không kém. Buổi sáng 9h ngày 13/10, hàng chục người dân nuôi cá bè trên sông Chà Và (xã Long Sơn, TP Vũng Tàu, Bà Rịa – Vũng Tàu) dùng xe ba bánh chở cá chết ra quốc lộ 51, đoạn ngã ba Long Sơn, huyện Tân Thành để phản đối các công ty chế biến hải sản trên địa bàn gây ô nhiễm. Đó là vấn đề miếng cơm manh áo mà Mẹ Thiên nhiên vẫn ban tặng nay đành phải xé áo và ra đi…đi đâu thì chưa biết nhưng biết chắc rằng: xa Mẹ thì chỉ còn “quấn lá đứng đường”!
Rồi ngày hôm nay 15/10/2106, mở website đọc tin trên Vnexpress.net, xót xa làm sao khi thấy người dân Quảng Bình và Hà Tĩnh và nhà cửa ngập chìm chới với trong dòng nước lũ bởi cơn mưa được xem như kỉ lục chưa từng thấy ở nơi đây. Theo số liệu thống kê từ trang báo điện tử này, hơn 30.000 nhà dân miền Trung ngập sâu, Quốc lộ 1 Bắc Nam xem như đã bị chia cắt. Đọc tin này tôi nhớ lại cảnh bão quê tôi (Nam Định) và một số tỉnh lân cận trong đợt tháng 7 vừa qua phải chật vật lắm mới bám trụ được với trời với đất. Đau xót hơn cả là những sinh mạng đành ra đi vì lý do không đáng xảy ra với họ. Đành rằng, sự ra đi của mỗi người vẫn là một sự huyền bí nào đó chứ không dễ dàng giải nghĩa đáng hay không đáng. Ví như sự ra đi của Đức Vua Thái Lan được người dân xứ sở Chùa Vàng ca tụng và vô cùng cảm phục ông là một sự mất mát rất lớn với họ. Ngày hôm qua, tôi có đọc được tin của một anh phát thanh viên người Thái trong biến cố Quốc tang này nói rằng: “đau khổ nhất trong đời tôi đó là đọc một bản tin mà không ai muốn nghe!”. Vâng! trong biến cố mất mát này, không một người dân Thái nào muốn điều ấy xảy đến với quốc gia của họ. Vào buổi tối cùng ngày Quốc vương Thái băng hà, tôi vô tình được xem một bản tin mô tả những công việc của ông đã cống hiến cho dân tộc, cho quốc gia. Một câu nói của ông mà tôi cảm thấy rất tâm đắc đó là “ở đâu có nước, ở đấy có sự sống” và ông đã sử dụng công nghệ tạo mây và làm mưa nhân tạo cho những mảnh đất khô cằn để có thể trồng trọt và chăn nuôi. Điều này khiến tôi không khỏi ngưỡng mộ và bàng hoàng khi tại sao nước mình, nước là bao la mà sao vẫn khổ vẫn nghèo. Xót xa làm sao khi lại bị chính Mẹ Nước vùi dập khiến cuộc sống của dân tôi lao đao khốn đốn đến như vậy. Có lẽ vì Nhân sinh thì đúng hơn, không phải Môi sinh!
Báo động từ Nhân sinh
Qua cái thời chiến tranh, tưởng chừng con người dân Việt sẽ an bình để phát triển, sẽ mạnh mẽ để học tập và xây dựng đất nước lớn mạnh. Nhưng nào ngờ, khi mà kinh tế dần đi vào đà phát triển thì sự suy giảm về giá trị luân thường đạo lý rất đáng quan ngại – nếu không muốn nói là tụt dốc không phanh. Con người có thể được xem là hàng hóa để đem ra trao đổi, những niềm vui lạc thú trở nên tiêu chí để đánh giá và chọn lựa thay vì nhân cách lại diễn ra phổ biến trong xã hội. Người ta lấy đồng tiền để cân đo đong đếm tất cả: quyền lực, danh vọng, địa vị, và cả nhân cách nữa. Nếu ngày xưa, người dân đồng lòng chiến đấu và bảo vệ nhau “lá lành đùm lá rách” thì giờ đây vì tiền người dân sẵn sàng bán đứng nhau “tiền là cán cân công lý”. Bán đứng nhau không được thì “xử lý” nhau luôn. Một mình không làm được thì dùng tiền mua bè mua lứa hùa nhau để thanh lý. Những chuyện này sảy ra dường như không có dấu hiệu dừng lại bởi một sự tha hóa về phẩm cách và giá trị luân lý đã cố tình bị “ém lẹm” từ nhà trường cho tới những khu phố làng quê vì “lũy tre làng” đã bật rễ mất rồi.
Một trong những giá trị luân lý quan trọng đang rất đáng được báo động đó là con người mất lòng tin ở nơi nhau. Tất cả đổi lấy sự hoài nghi trong gia đình cho tới nhà trường, từ công sở cho tới cơ quan nhà nước. Trước đây là dân sợ quân thì bây giờ và không có chuyện quân sợ dân nhưng giờ thì khác, quân và dân đều sợ nhau dường như không thể tin tưởng nhau được nữa. Nếu có đến với nhau thì chỉ có thể lấy tiền làm “chất keo dính” tạm bợ bởi bản chất của tiền là như vậy.
Lòng quân – dân đã chẳng thuận chẳng hòa thì Mẹ cũng nghịch lòng rồi …
Nói gì đến việc xây dựng và phát triển quốc gia!
Văn Lương SJ
(dongten.net 16.10.2016)