Hai chiếc phao

Những âm vang trầm bổng, thánh thót, ngọt ngào như mời gọi, như nâng đỡ, như ủi an, như nhắc nhở các tín hữu gần xa mau thức dậy cùng đến Thánh Đường, nơi tôn nghiêm thờ phượng Chúa, để cùng cảm tạ Ngài sau một đêm dài được bình yên. Vợ chồng Phúc, không ai bảo ai cùng thức dậy. Đó là ngày tháng của những năm sau 1975. Lúc này, gia đình anh qủa thực đã khánh kiệt. Vợ chồng anh đã phải bán hết số vải và hai chiếc Honda mới trả hết số nợ cho bà con thân quen mà gia đình anh đã vay mượn để mở một sập vải trước đó. Trong lúc số tiền khách hàng nợ vợ chồng anh cũng tương đương với số tiền anh nợ, nhưng không ai trả cho anh cả. Họ bỏ đi tứ tán hết cả rồi! Chiếc cassetter hiệu Hitachi, tài sản có giá trị cuối cùng của gia đình anh cũng không còn để nghe những bản nhạc Trịnh Công Sơn, vốn cả hai vợ chồng anh đều ưa thích của một thời xa vắng.

– Thôi em ạ! Mình trả hết nợ là mừng lắm rồi! Còn cái gì thì ăn cái đó, ráng chịu đựng nhé! Phúc nói với vợ.

– Vâng! Em sợ anh thôi! Anh quen chân giầy chân dép rồi, bây giờ cực khổ, sợ anh không chịu nổi, còn em đã quen cực từ lâu rồi! Hai vợ chồng Phúc cùng cười. Trong tiếng cười của họ có lẫn sự chua xót và cả sự mãn nguyện nữa.

Vợ Phúc có tên là Hà lại là con của một ông bà Cố (gia đình Công Giáo có người đi tu làm linh mục) nhưng thức dậy không phải để đi dự lễ nơi Thánh Đường như bao người Công Giáo khác, mà đi tìm kế sinh nhai cho gia đình. Thật chua xót, mỗi buổi sáng như thế, Hà lại phải bước xuống một chiếc xuồng ba lá nhỏ bé ọp ẹp chỉ có thể chở vỏn ven được ba người ở một con kinh đào nhỏ cách chợ gần 3000 mét, Hà chèo vội đi mặc cho trời gía lạnh hay mưa gió, chỉ mong sao cho kịp buổi họp chợ lúc 5 giờ sáng. Hà một thời là cô giáo, nàng không biết bơi, đến nay nàng vẫn chưa bơi được, nhưng Hà đã tập rồi biết chèo xuồng không những bằng hai tay mà còn bằng cả hai chân nữa. Cái Sắn, một vựa lúa của Đồng Bằng Sông Cửu Long đã có một thời người ta chèo xuồng như thế. Ngày nay, người ta không còn thấy bóng dáng những chiếc xuồng đó đâu nữa. Phúc lấy một sợi giây, một đầu cột vào chiếc can nhựa rỗng 20 lít, một đầu giây cột vào chân vợ đề phòng có chuyên bất trắc xẩy ra thì chiếc can nhựa rỗng đó chính là chiếc phao để vợ anh có cái bấu vứu mà tự cứu lấy mình. Anh thường nói đùa với Hà:

– Đó là phao cứu sinh của em đấy.

– Hà mỉm cười như thầm cám ơn anh.

Hà chèo xuồng ra chợ mua bán trao đổi lặt vặt tìm kiếm một vài lít gạo, con cá, con cua, mớ rau cho gia đình đắp đỗi qua ngày. Trước khi mái chèo đầu tiên khua trên mặt nước yên lặng, anh không quên hôn nhẹ trên trán vợ mình như một lời nhắn nhủ vợ cẩn thận và cố gắng nhé. Dù tối trời, hay dưới ánh trăng mờ ảo, anh vẫn nhận ra nụ cười hiền hòa nơi người vợ thật đảm đang, đã hy sinh biết bao để gìn giữ hạnh phúc gia đình. Trong suốt thời gian chèo chiếc xuồng ba lá, thật may mắn không một lần xuồng bị chìm, nên chiếc phao can nhựa 20 lít không có dịp được sử dụng. Việc dự phòng một chiếc phao cho vợ vẫn được thực hiện khi gia đình anh có được chiếc vỏ dọt nhỏ chạy bằng máy koler 4 thay cho chiếc xuồng ba lá mỏng manh trước đây. Nhờ duy trì sự dự phồng đó mà Hà đã tự cứu được mình trong một tai nạn chìm vỏ dọt, khi chiếc koler 4 bỗng dưng cháy giữa sông, do xăng trào ra. Đúng là việc gì có dư phòng cũng có hơn.

Sau khi chiếc xuồng của vợ đã dời bến, anh lặng lẽ trở vào nhà để các con yên giấc, rồi nhẹ nhàng gánh đôi thùng 30 lít trên vai ra vườn tưới hơn 2000 cây thuốc lào, khoảng chừng 200 gánh nước. Xong việc, anh đạp xe đạp tới trường cách nhà hơn 10 km trước 7 giờ sáng. Nhờ biết cách phân chia mương nước và luống thuốc lào hợp lý, nên công việc cũng nhẹ nhàng và đỡ mất thời gian. Công việc như thế, nhưng trong suốt thời gian này anh đã không đến trường trễ bao giờ. Trên đường đến trường anh hay để mắt tìm kiếm những ổ mối mọc trong những mảnh vườn nằm hai bên đường (quốc lộ 80 hiện giờ) để khi tan trường về nhà anh kịp xin bà con mang về cho mấy chục con gà con ăn. Nhìn bầy gà giành nhau mổ những con mối một cách nhanh nhảu và thích thú, cả nhà ai cũng cười vui. Một tương lai sáng sủa hơn thoáng hiện về với mọi người. Gà con ăn mối mau lớn lại ít bị bệnh, một kinh nghiêm nhỏ anh đã học được thời đó. Thửa vườn thuốc lào và đàn gà chính là vốn tích lũy của gia đình anh trong hoàn cảnh khó khăn này. Cũng chính nhờ sự tích lũy từng chút một đó, như kiến tha lâu cũng đầy tổ mà gia đình anh ngày một khá hơn, các con anh đều được học tập đến nơi đến chốn. Vợ chồng anh thường nói với nhau: Phải tích lũy để tiêu dùng; muốn tiêu dùng phải tích lũy; tiểu phú do cần; đại phú do Thiên, và có tận nhân lực mới tri Thiên mệnh được. Phúc nhớ lại, thời gian đó có những lúc thuốc lào rất có giá. Ông bác của anh chỉ bán có 100 bánh thuốc lào (15kg thuốc, khoảng 200 cây thuốc lào) mà đủ tiền làm đám cưới cho người con trai của bác. Đám cưới linh đình, có mổ cả trâu bò nữa. Chính thế, mà trong một đêm trăng, ba Phúc cùng vợ chồng anh đang ngồi nghỉ sau khi đã cuốc được 20 luống thuốc lào khoảng 900m2, Phúc nói:

Con nghĩ: Với giá thuốc lào như hiện nay, nhà mình cuốc thêm 300m2 nữa, trồng được 600 cây thuốc lào, số đó bán đi đủ mua gạo cho nhà mình trong một năm. Nhà mình tích lũy được 2000 cây, cả 1000 bánh thuốc lào, ba với em tính sao?

– Ồ! Vậy thì cuốc tiếp, ba Phúc và Hà vui vẻ cùng đứng lên cuốc tiếp, sau khi ba Phúc vừa hút hết điếu thuốc lá Bastô.

– Để con pha nước chanh đường cho ông và ba má uống nhé! nhà mình có đường mà, bọc đường ba mới đưa ở trường về trưa nay đấy, đường chế độ tháng này của ba. Con trai lớn của Phúc thường theo bố mẹ giúp những việc lặt vặt đã nói như thế.

– Phúc ngẫm nghĩ đến chế độ: 13kg gạo tháng trước vợ chồng anh đã thống nhất giúp cho bác Binh mới ốm dậy, thật khó khan, Phúc chỉ mang về nhà nửa kg đường thôi. Gạo tháng này vợ chồng Phúc lại giúp cho chú Tí, vợ mới sanh, cũng không có gì ăn hết. Phúc cũng chỉ mang về nửa kg đường. Vợ chồng Phúc thường nói với nhau: Nhà mình vừa trắng tay, đang làm lại từ đầu, sao bà con ta còn khỏ hơn mình nhiều quá! Thôi giúp được gì thì cứ giúp, đợi khá như trước thì biết đến bao giờ. Hai vợ chông lại cười vui vẻ.


Tiếng bịch, bịch của những nhát cuốc bổ vào lòng đất lại tiếp tục vang lên. Ba bóng người lúc ngẩng lên, lúc cúi xuồng cùng với những câu chuyện nhỏ to có cả tiếng cười trong ánh trăng vằng vặc, một ngon đèn trời khổng lồ đang soi sáng mà Thượng Đế đã ban tặng cho nhân loại về đêm và hình như dành ban tặng riêng cho những người nông dân như họ trong những đêm trăng rằm như đêm nay. Phúc nhớ một nhà thơ đã viết: “kho trời chung mà vô tân của mình ta”. Điều đó đang đến với vợ chồng Phúc, đêm nay. Niềm vui nho nhỏ đến với gia đình họ, họ quên đi bao vất vả mệt nhọc trong công việc dù phải làm việc trong đêm khuya thanh vắng. Thế rồi, chỉ bốn ngày sau 300m2 đất đã được cuốc xong, một tính toán nhỏ đã đươc thực hiên, mở ra một ngày mai sáng sủa hơn. Lại một vụ thuốc lào trúng mùa nữa. Thuốc của vợ chồng Phúc bán rất chạy lại có giá và được các lái thuốc lào khen là: Chân chua, chùng khói, say mệt…

Những ngày lễ, anh được chứng kiến cảnh vui mừng đón mẹ về chợ của các con và của cả ba mẹ anh nữa. Mặt trời gần đứng bóng, hay lúc xế chiều là các con anh đã dáo dác chạy đi đón mẹ về. Đứa chạy qua hàng xóm hỏi thăm sao mẹ cháu chưa về? Khi nhà bên có người về chợ sớm hơn. Đứa khác chạy ra bờ kinh cố nghiêng đầu ra xa một chút để tìm bóng mẹ trên chiếc xuồng ba lá nhỏ xíu bồng bềnh trên dòng kinh. Rồi chúng bỗng reo lên:

– Ôi! Ôi! Mẹ về chợ rồi! Anh em ơi. Các con anh hô to khi chiếc xuồng của vợ anh đang ghé vào bờ. Đứa dắt tay mẹ lên bờ, đứa sách giỏ cho mẹ. Ba mẹ Phúc và cả anh nữa cũng đi đi laị lai trong nhà đứng ngồi không yên, hình như mỗi người đều chờ mong một cài gì đó sẽ đến với mình…

– Ôi! Hôm nay em bán hết sớm lắm! Lai được giá nữa cơ! Đậu xanh nhà mình ai cũng thích. Họ nói sao khéo trồng thế? Mười hạt như mười, không hạt nào câm điếc cả. Vợ chồng cô là thầy cô giáo quen cầm viết có cầm leng cuốc bao giờ đâu? Sao mà giỏi thế? Hà vừa cười vừa kể, cả nhà cùng vui. Rồi Hà đưa hai cái bánh đa cho cháu lớn chia cho các em để chúng chạy đi chơi, sau đó Hà lấy ở trong giỏ cói ra môt vài gói nhỏ và nói:

– Con mua cho má quả na dai măt mở đây, thứ này má thích nhất, má ăn thôi, các cháu có bánh đa rồi. Mẹ Phúc túm tím cười.


– Chị cứ bày vẽ quá! Nhà mình đang tiết kiêm từng đồng, chị lai mua quà cho từng người thì của đâu! Từ nay chị không phải mua quà gì cho tôi nữa nhé! Chị chỉ mua mỗi ngày một gói Bastô xanh cho ông ấy đây thôi, ông ấy nghiện thuốc cả hơn mười năm rồi không bỏ được, ráng mà chiều cho ông ấy vui…

– Con mua cho ba 7 gói bastô xanh, một tuần luôn, hôm nay nhà mình bán đươc đậu xanh có giá hơn, coi như được lời 7 gói thuốc không tốn tiền.

Trong giai đoạn này, không những chỉ khó khăn về đời sống cơm áo gạo tiền của gia đình, mà còn gặp nhiều thử thách khi gia đình Phúc là người công giáo bước đầu sống trong một xã hội với chủ thuyết duy vật vô thần. Anh lại là một giáo viên “giáo viên lưu dụng” hàng năm phải học nhiều khóa chính trị. Một trong những nội dung cơ bản của những khóa đó là không tin vào Thần Thánh nào cả, chỉ tin vào sức con người và khoa học mà thôi. Thật may mắn! Phúc đã tìm được cuốn “ NHỮNG VẤN ĐỀ KHOA HỌC VÀ ĐỨC TIN” của Giáo Phận Long Xuyên lúc bấy giờ. Cuốn sách đã trả lời được hầu hết những câu hỏi khó khăn đang đặt ra trong lúc đó. Cuốn sách đúng là của báu tinh thần vô giá đối với anh trong giai đoạn đầy cam go này. Nội dung cuốn sách giúp ích rất nhiều cho anh trong việc học hỏi và tìm hiểu sâu hơn về Thiên Chúa những năm tháng về sau. Anh không những say mê đọc đi đọc lại nhiều lần đến nỗi cuốn sách bị nhầu nát, mà còn giới thiệu cuốn sách đến những anh em bạn hữu gần xa, rồi còn phôtô ra mấy chục cuốn để tặng anh em, gia đình và những nơi cần thiết. Cuốn NHỮNG VẤN ĐỀ KHOA HỌC VÀ ĐỨC TIN đã trả lời khá đầy đủ một câu kinh bản mà anh vô cùng yêu quí, tâm đắc và khâm phục: “NHÌN VÀO TRẬT TỰ LẠ LÙNG CỦA TRỜI ĐẤT NÀY BÈN NHÂN RA ĐỨC CHÚA TRỜI”. Cuốn sách đã giúp anh có được những tư liệu cần thiết trong những buổi nói chuyện với ban bè cũng như với sinh viên Công giáo ở một số nơi, nhờ đó mà dễ thuyết phục được nhiều người. Gần đây anh lại say mê cuốn “NGÔN NGỮ CỦA CHÚA” của tiến sỹ Francis S. Collins, Giám đốc dự án giải mã gen người, cuốn sách còn có tên là NHỮNG BẰNG CHỨNG KHOA HỌC VỀ ĐỨC TIN do nhà xuất bản Lao Động xuất bản năm 2007. Nhờ thế, mà niềm tin về một Thiên Chúa toàn năng đầy lòng yêu thương ngày một sắt son và vững mạnh hơn trong anh. Anh chia sẻ những hiểu biết đó đến con cái, anh em, ban bè thân quen, kể cả những anh em khác tôn giáo, ai ai cũng đều tâm đắc và đón nhân một cách hào hứng vui vẻ. Cũng chính nhờ thế, mà anh tự tin hơn trong cuộc sống, trong giao tiếp. Có một lần cùng dự buổi liên hoan ở Rạch Giá có cả anh em cán bộ miền Bắc vào (A chi viện) bữa tiệc có cả mấy trăm người. Vì đoạt xuất sắc toàn tỉnh trong khóa học chuyên môn nghiệp vụ, Phúc được mời ngồi cùng bàn tiệc với lãnh đạo giảng dạy của khóa. Trước khi bữa tiệc bắt đầu, anh đưa tay làm dấu Thánh Giá, một cán bộ chi viện ngồi bên nói với anh:

Anh Phúc cần phải mở cuộc cách mang tư tưởng văn hóa.

– Vâng, tôi nghĩ cuộc cách mạng tư tưởng văn hóa trước tiên là phải tôn trọng hiến pháp. Anh từ tốn trả lời anh cán bộ như thế. Anh cán bộ yên lặng, rồi anh bắt tay cười xòa với anh cán bộ. Phúc hiểu ý anh cán bộ đó muốn nói là anh đừng làm dấu nữa, bỏ cách đó đi. Phúc trả lời có ý là hiến pháp có ghi tự do tín ngưỡng, sao anh lại cấm tôi?

Sau thời gian đó, đôi lúc một vài cán bộ thường hỏi Phúc tại sao anh tin có Thượng Đế? Anh có thể chứng minh sự hiên hữu của Thượng Đế được không? Tôn giáo như chiếc áo khoác ngoài, anh có thể cởi ra và về đây làm việc với chúng tôi được không? Anh có năng lực, tương lai còn dài anh nghĩ sao? Phúc từ tốn bày tỏ bao điều anh đã ấp ủ từ lâu. Phúc thấy các anh em yên lặng, không hỏi nữa. Phúc luôn vui vẻ và tích cực làm việc trong vai trò thấp hơn, không đúng với khả năng của mình, nhưng niềm tin của anh không bị xúc phạm.

Phúc suy nghĩ: chiếc can nhựa rỗng 20 lít là CHIẾC PHAO CỨU SINH đã giúp vợ mình thoát chết trong gang tấc, thì cuốn NHỮNG VẤN ĐỀ KHOA HỌC VÀ ĐỨC TIN cũng chính là CHIẾC PHAO CỨU SINH về mặt tinh thần cho Phúc trong giai đoạn cam go, nhiều thử thách này vậy. Vợ chồng anh cảm thấy thật hạnh phúc ngay trong cảnh khó nghèo. Hạnh phúc thật đơn sơ, hạnh phúc nằm ngay trong tầm tay của chúng ta, khi chúng ta biết quan tâm đến nhau, yêu thương nhau một cách chân thành. Hạnh phúc trong niềm tin tưởng tuyệt đối vào một Thiên Chúa toàn năng đầy lòng xót thương chúng ta. Thượng Đế đó đang hiện diện ngay trong anh em chúng ta, nhất là trong những người kém may mắn hơn chúng ta, bất kể họ là ai…

Phúc cảm tạ Chúa đã dìu dắt gia đình anh qua cơn gian nan, đầy sóng gió và thử thách này.

Cursillista Inhaxiô Đặng phúc Minh

Exit mobile version