Ha-lê-lui-a hay Alleluia?

hallelujah - Ha-lê-lui-a hay Alleluia?

Theo tôi, sự khác biệt này chẳng có gì quan trọng lắm ; nhưng cũng xin có vài ý kiến đóng góp, mong các vị chuyên môn chỉ giáo cho những gì còn thiếu sót vì sự hiểu biết có hạn của tôi.

A. Nguồn gốc từ Ha-lê-lui-a

Từ Ha-lê-lui-a có gốc là tiếng Hip-ri (Hebrew) הַלְלוּ יָהּ được ghép bởi 2 từ: הַלְלוּ có nghĩa là Hãy chúc tụng, Hãy ca tụng; và יָהּlà hình thức viết tắt của từ יהוה có nghĩa là ĐỨC CHÚA mà trước đây thường dịch là Gia-vê (Công Giáo) hay Giê-hô-va (Tin Lành).

Từ Ha-lê-lui-a được dùng rất nhiều trong các Thánh vịnh: 104, 105, 106, 111, 112, 113, 115, 116 …146, 147, 148, 149, 150. Các bản dịch Kinh Thánh giữ lại từ này dựa trên cách chuyển tự (transliterate): halǝlû-yāh. Trong từ này có mẫu tự ה được chuyển tự là hvà được phiên âm là Ha-lê-lui-a.

Khoảng tk III tCN, bản Kinh Thánh Hip-ri Cựu Ước được dịch sang tiếng Hy-lạp gọi là bản Bảy Mươi (LXX). Ha-lê-lui-a được viết là: αλληλουια. Ta thấy có thêm 1 chữ λ nhưng lại mất đi chữ h vì trong bảng chữ cái Hy-lạp không có mẫu tự ‘h, chữ ‘H’ là hình thức viết hoa của chữ êta = η (e dài).

Vào khoảng năm 390 đến 405, thánh Giê-rô-ni-mô dịch toàn bộ Kinh Thánh ra tiếng La-tinh là bản VULGATA (kể cả NOVA VULGATA gọi là bản Phổ Thông Mới – 1979) cũng viết theo Hy-lạp là ALLELUIA – vì trong tiếng Latinh chữ ‘h luôn luôn câm, không đọc, kể như không có. Thí dụ: habitare đọc là a-bi-ta-rê ; historia đọc là is-tô-ri-a ; homilia đọc là ô-mi-li-a… (x. Tiếng La tinh – Văn phạm. Tập I, trang 22, Lm Louis Nguyễn Văn Bính, Giáo sư Đại Chủng Viện Huế). Một số bản dịch tiếng Pháp cũng theo chiều hướng này: Bible de Jérusalem, Osty, TOB … vì trong tiếng Pháp chữ ‘h’ cũng không đọc (H muet).

Tuy nhiên, một số bản tiếng Anh gần đây đã giữ lại chữ ‘Hallelujanhư : American Standard Version (ASV, 1988) ; English Standard Version (ESV, 2007) ; New English Translation (NET, 2006) ; Common English Bible (CEB, 2011) ; New American Standard Bible (NAS, 1997); The New American Bible (NAB, 2011); New International Version (NIV, 2011) ; Holman Christian Standard Bible ( CSBO , 2009). Xem các Thánh vịnh nêu trên và sách Khải huyền 19, 1-6.

Một tác phẩm có giá trị là bộ The New Jerome Biblical Commentary mà ai học Kinh Thánh không thể không biết đến, đã dùng từ hallĕlû yāh (x. NJBC, edition 1990, article 34, section 3, p.524 ; sect. 163, p. 551).

Như vậy, Ha-lê-lui-a hay Allêluia cũng đều có nghĩa là lời mời gọi Hãyca tụng Đức Chúa, Hãy chúc tụng Đức Chúa. Một số bản dịch Anh ngữ trước đây đã dịch ra nghĩa: Praise the LORD. Nhưng dịch như vậy làm mất đi âm hưởng của tiếng Hip-ri. Vì vậy một số bản đã hiệu đính và ghi rõ Halleluja trong những lần in sau này (xem những bản dịch nêu trên) .

Trong tiếng Hy-lạp, tuy không có chữ ‘hnhưng lại có một quy luật về hơi (breathings) với những từ có nguyên âm ở đầu, với dấu phẩy ngược trên nguyên âm gọi là hơi cứng (rough breathing), được phát âm như có một phụ âm bật hơi trước nguyên âm và đọc như một chữ h. Có một số bản Hy-lạp đã viết ἁλληλουϊά , có dấu hơi cứng trên ἁ nên được đọc là Hal-lê-lui-a (x. BGT- Kh 19,1…)


B. Các bản dịch Kinh Thánh và Phụng Vụ tiếng Việt

HA-LÊ-LUI-A

1) Các bản dịch Kinh Thánh tiếng Việt trước đây không chú trọng nhiều đến nguyên bản Hip-ri, mà thường dịch từ bản La-tinh. Sau này có cha Nguyễn Thế Thuấn DCCT , một học giả uyên bác về Kinh Thánh, trong bản dịch, phần Cựu Ước chịu ảnh hưởng của bản Hy-lạp và La-tinh , nên ngài đã theo lối viết Alleluia trong các Thánh Vịnh. Nhưng trong Tân Ước, khi trích dẫn Cựu Ước thì ngài lại viết Hallêluya (x. Kh 19,1.3.4.6. Kinh Thánh, 1976). Điều đó cho thấy ngài đã có ý thay đổi từ này cho đúng theo Hip-ri, tiếc là ngài mất sớm, vì theo lời các bậc tiền bối trong Dòng Chúa Cứu Thế là học trò của ngài, thì ngài chưa hài lòng với bản dịch Cựu Ước.

2) Bản dịch của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ ngay từ đầu đã theo khuynh hướng theo sát nguyên bản, ít là trong cách phiên âm các tên riêng hay những đặc ngữ của Kinh Thánh , vì thế đã phiên âm từ này là Ha-lê-lui-a.

3) Sách Lễ Rô-ma của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam năm 1992, hiện vẫn còn sử dụng, thì trong phần Quy Chế Tổng Quát trang 28-29, các số 36-39 đã dùng Ha-lê-lui-a.

Các Ca nhập lễ và Ca hiệp lễ trong suốt Mùa Phục sinh, từ trang 304 – 369 cũng luôn dùng Ha-lê-lui-a.

4) Bản dịch Quy Chế Tổng Quát – Sách Lễ Rô-ma, năm 2000 của Uỷ Ban Phụng Tự (HĐGMVN) trong đề mục Thánh vịnh đáp ca các số 61 – 64 cũng dùng Ha-lê-lui-a.

5) Từ Điển Công Giáo 500 mục từ của Uỷ ban Giáo Lý Đức Tin xuất bản năm 2011, đã xếp từ này ở vần H trang 147 với lời giải thích vắn gọn đầy đủ ý nghĩa từ HALLELUIA.

6) Lịch Những ngày lễ Công Giáo 2014-2015 trong phần ghi chú lưu ý về Mùa Chay trang 46 số 3 nhắc nhở: Trong thánh lễvà Các Giờ Kinh Phụng Vụ , bỏ không đọc Hallêluia mỗi khi gặp.

Như vậy, dù có vài khác biệt nhỏ trong cách viết của mỗi bản dịch, thì vẫn có vần H : Ha-lê-lui-a. Trong tiếng Việt đương nhiên phát âm là ha.

ALLÊLUIA

Không kể những bản văn cũ cách nay mấy chục năm, thời gian gần đây cũng có một số tác giả hoặc uỷ ban, với một lý do riêng nào đó, đã muốn sử dụng từ ALLÊLUIA (viết liền) hay A-LÊ-LU-IA trong một vài bản văn hoặc bản nhạc, bài hát …Điều này chẳng có gì ngạc nhiên và chúng ta tôn trọng sự chọn lựa đó.

Nếu xét về nguồn gốc và những dẫn chứng trong thực tế thì phải chăng từ Ha-lê-lui-a vẫn có một ưu thế hơn dù rằng từ Allêluia không sai. Như vậy, đây chỉ là một lựa chọn giữa cái đúng và cái đúng hơn; và việc lý giải cho sự chọn lựa phải có tính thuyết phục chứ không áp đặt… Mong rằng ý nghĩa của từ là lời mời gọi : Hãy ca tụng ĐỨC CHÚA đừng trở thành cớ cho sự tranh cãi.

Lời kết

Xin được thay lời kết luận để nói về cách phiên âm từ Ha-lê-lui-a vì có một vài ý kiến mà tôi nhận được.

Nhóm CGKPV có đề nghị những nguyên tắc phiên âm sau:

– Cố gắng phiên âm gần với nguyên ngữ Hip-ri hoặc Hy-lạp

– Theo âm gần nhất có trong tiếng Việt

– Tránh những âm không được thanh.

– Có thể dùng phụ âm P ở đầu âm.

– Trong mức độ có thể, phân biệt các phụ âm ở đầu âm: D thay cho Z ; Gi thay cho J, Y.

– Dùng gạch nối giữa các âm.

Việc phân tiết các âm của từ Ha-lê-lui-a nếu xét về nguyên ngữ Hip-ri thì quả thật âm cuối a chưa hợp lý lắm, vì Đức Chúa là yāh. Nên lẽ ra phải phiên âm là Ha-lê-lu-ya (hoặc ja, hoặc gia), chứ không thể ia.

Có người đề nghị nên xếp từ này vào nhóm từ không thuần Việt với một vài luật trừ, vì ngôn ngữ nào cũng có ngoại lệ. Nếu có sự điều chỉnh thì cũng không có gì sai với những nguyên tắc trên. Tuy nhiên trong giới hạn của tôi, chỉ xin nêu ra ý kiến cá nhân. Còn việc quyết định thế nào là của những vị có khả năng chuyên môn, hơn nữa là một quyết định mang tính tập thể. Tất cả mọi nỗ lực chỉ nhằm vào việc phục vụ cho dân Chúa sao cho mỗi ngày một tốt hơn, hiệu quả hơn. Ngôn ngữ là phương tiện chứ không phải cứu cánh: “Văn dĩ tải đạovà Thánh Phao-lô còn nói mạnh hơn:

“Vì chữ viết thì giết chết, còn Thần Khí mới ban sự sống”(2 Cr 3,6b)

An Lạc ngày 1-11-2014

Nguyễn Tuấn Hoan

Exit mobile version