GP.VĨNH LONG: Thư Mục Vụ 10 2011

DC TomaNguyenVanTan - GP.VĨNH LONG: Thư Mục Vụ 10 2011

TOÀGIÁM MỤC VĨNH LONG
103 đường 3/2, Vĩnh Long

22.9.2011


Xây Dựng Nền Văn Hoá Sự Sống


Kính gởi : Các Linh Mục, Các Tu Sĩ Nam Nữ
Và Anh Chị Em Giáo Dân Địa Phận Vĩnh Long


“Ta đến để họ được sống, và sống dồi dào” (Gioan 10,10)


1. Sự sống con người nảy sinh và phát triển trong bối cảnh gia đình và xã hội. Người xưa thường nói: Mạng sống hơn đống vàng. Do đó có những trường hợp phải bỏ tài sản ra để chuộc mạng. Trong Văn chương Kitô giáo: sự sống con người là một cái gì thiêng thánh vì nó phát xuất từ Thiên Chúa và thuộc về Thiên Chúa. Gloria Dei homo vivens, con người sống là vinh quang của Thiên Chúa vì Thiên Chúa hằng sống đã muốn cho con người mang hình ảnh của mình (Thánh Augustinô). Thánh Irênê còn nói: “Vinh quang của con người là Thiên Chúa, và nơi chất chứa sự nghiệp, khôn ngoan và sức mạnh của Thiên Chúa là con người ( Chống lạc giáo ).

Nhân vị (con người có lý trí và ý chí tự do) là thụ tạo duy nhất nơi trần thế mà Thiên Chúa đã muốn vì chính nó (GS 24). Ngay từ lúc tượng thai của mình, nhân vị được định hướng tới vinh phúc vĩnh cửu (GL cua HTCG, 1703). Sự sống con người nơi trần thế chỉ là giai đoạn đầu, nhưng rất quan trọng vì nhờ đó mà con người phát triển ơn gọi sống siêu nhiên và đạt tới hạnh phúc vĩnh cửu. “Ta đến để họ được sống dồi dào”.

2. Như thế, mọi xúc phạm đến con người bị coi như xúc phạm đến Thiên Chúa. Để bênh vực giá trị và tính cách bất khả xâm pham của sự sống con người, ngay từ lúc tượng thai cho đến khi kết thúc bằng cái chết tự nhiên (phát biểu ngày 16.8.1993), Chân phúc Gioan Phaolô II công bố Thông Điệp Evangelium Vitae, Tin Mừng về Sự Sống, ngày 25.3.1995, như lời kêu gọi khẩn thiết, mong muốn mỗi thành viên của Hội Thánh cùng nhau cống hiến cho thế giới những dấu chỉ mới của niềm hy vọng, làm thế nào cho sự công bằng và tình liên đới được tăng trưởng, làm thế nào để củng cố một nền văn hoá mới của sự sống con người, để xây dựng một nền văn minh đích thực của sự thật và của tình thương (Evangelium vitae, s.,6) .

3. Nền văn hoá sự sống là gì ?
Là một nền văn hoá trong đó người ta tôn trọng sự sống của con người trong mọi chiều kích: thân xác, tâm lý, xã hội, tâm linh, tinh thần, vĩnh cửu.

Nền văn hoá sự sống bao gồm việc chống lại các hoạt động phá hoại sự sống con người: phá thai, ngừa thai, triệt sản, sát nhân, tự tử, trợ tử, án tử hình, nghiên cứu tế bào gốc hoặc phôi thai người, nhân bản vô tính, chiến tranh phi nghĩa, bạo hành, tự cao tự đại và ích kỷ; đồng thời khuyến khích tình yêu khiết tịnh, trung tín và đức hạnh, đời sống hôn nhân gia đình và bổn phận làm cha làm mẹ.

Chúng ta phải chứng kiến những vụ bạo hành, những vụ giết người, những cảnh gia đình ly tán, con cái hành hung và có khi giết cha mẹ. Đó là những biểu hiện của tình trạng suy thoái đạo đức.

Xã hội của chúng ta hiện nay đang chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa thế tục, duy hưởng thụ và duy khoái lạc , làm cho người ta chuộng lối sống buông thả sống chung, sống thử, đồng tính, ly dị, phá thai…coi thường các giá trị đạo đức, không cần đến Thiên Chúa, không xét đến tội phúc, Thiên đàng, hoả ngục, chỉ xét đến lợi lộc, hiệu năng sản xuất.

4. Chúng ta sẽ làm gì đây ?
Phải bảo vệ sự sống, bảo vệ gia đình, vì đó là cái nôi, là thánhcung của sự sống.

Nơi nào vắng bóng Thiên Chúa, thì sẽ không còn gì là thiện hảo (Bênêđitô XVI, trước khi đọc Kinh Truyền tin trưa Chúa Nhật 17.7.2011). Chúng ta phải kiên nhẫn lấy Lời Chúa soi sáng cho mọi người. Kêu gọi cầu nguyện, kiên trì cầu nguyện. Khi mọi cố gắng của chúng ta không thể lay chuyển lòng dạ con người, thì Ơn Chúa làm được mọi điều thiện hảo. Chúa là Tình Yêu.

+ Tôma Nguyễn Văn Tân
Giám mục của Anh Chị Em

Exit mobile version