QUAN TÂM ĐẾN NHAU
Anh em linh mục thân mến,
Trong Sứ Điệp Mùa Chay năm 2012 (SĐMC 2012), Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI dựa vào thư gửi tín hữu Do Thái để kêu gọi mọi người suy tư về điều cốt yếu của đời sống tín hữu và nỗ lực đổi mới hành trình đức tin trên bình diện cá nhân cũng như cộng đoàn, trong khi chờ đợi niềm vui Phục Sinh: “Ta hãy quan tâm đến nhau để khích lệ nhau sống bác ái và làm việc lành” (Dt 10,24). Hôm nay, Thứ Năm Tuần Thánh, ngày khai sinh chức linh mục, cùng với lời chúc mừng và tâm tình hiệp thông thường lệ, tôi cũng xin mượn lại động từ “quan tâm đến nhau” mà gửi đến anh em đôi lời chia sẻ. Hy vọng từng linh mục chúng ta sẽ sống tròn đầy ý nghĩa của ngày thật đẹp này, cũng như sống thật đẹp tâm tình của ngày tròn đầy ý nghĩa này.
1. Quan tâm đến nhau trong đời sống cụ thể.
Chưa bao giờ như hiện nay, người ta nói nhiều đến một căn bệnh thời đại là thái độ sống “vô cảm” của nhiều người ngoài đời, cũng như lối sống “thờ ơ” của một số người trong đạo. Phải nói rằng đây là một căn bệnh vừa làm xói mòn đời sống đức tin vừa gây phương hại đến giới luật yêu thương Kitô giáo. Ngược lại với thái độ dửng dưng ấy, thư Do Thái muốn xây dựng một thái độ sống thể hiện đức ái là biết quan tâm đến nhau.
“Quan tâm đến nhau” trong đời sống tín hữu được hiểu một cách nôm na là “nhìn nhau bằng trái tim”, là nhìn nhau không chỉ bằng đôi mắt mà còn bằng tấm lòng, là để ý đến nhau rồi lấy lòng ân cần chăm chút cho nhau. Đây không phải là một lối nhìn xét nét nặng về nghi kỵ, mà là một ánh nhìn dịu hiền thể hiện khít khao tình thương Kitô giáo, như nền tảng đạo đức nhân bản để tình liên đới tín hữu triển nở một cách tự nhiên. “Hãy quan tâm đến nhau”, như thế, đã vượt quá khuôn khổ của lời kêu gọi để trở thành trách nhiệm của mọi kẻ tin.
“Quan tâm đến nhau” trong đời linh mục trước hết thể hiện qua việc anh em linh mục lưu tâm để ý đến đời sống thực tế mọi mặt như sức khỏe, tài chánh và ngay cả điều kiện ăn ở của nhau tại những nơi anh em được sai đến phục vụ. Hiện nay linh mục đoàn Giáo Phận Phan Thiết tuổi trung bình dao động trong khoảng 40-45, nên được xem là trẻ trung khỏe khoắn, nhưng cũng có một hai trường hợp đau bệnh đang được điều trị. Chúng ta thêm lời cầu nguyện cho nhau. Còn yếu tố tài chánh và điều kiện ăn ở nơi các giáo xứ chừng như không có nhiều phân cách, cho dù mức sống giữa vùng núi và vùng biển luôn tồn tại những khác biệt. Vẫn biết tinh thần phục vụ của linh mục là luôn sẵn sàng đến bất cứ nơi đâu và luôn thích ứng với địa phương nơi mình được sai đến, nhưng thái độ biết giúp đỡ và nâng đỡ nhau những khi cần phải là cách sống đáng trân trọng thể hiện sự quan tâm đến nhau một cách thiết thực. Nếu Thánh Vịnh 133,1 có ca tụng: “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau”; thì ta cũng có thể phụ họa: Êm đềm hạnh phúc biết bao, linh mục để ý giúp nhau trong đời.
2. Quan tâm đến nhau trong đời sống mục vụ.
Bóng dáng dễ thấy nhất của linh mục Giáo Phận chính là sự hiện diện của các ngài trong các sinh hoạt mục vụ giáo xứ. Mà cũng đúng thật. Linh mục là mục tử chăm sóc các linh hồn hay là người chăm lo phần rỗi các linh hồn (salus animarum), nên không gì thích đáng hơn khi quan tâm đến nhau cũng là để ý kiện toàn với nhau và cho nhau nhiệm vụ chính yếu cũng là trọng trách một đời đối với các linh hồn, được thể hiện rõ nét qua các sinh hoạt mang tính mục vụ tại các đơn vị nhỏ nhất của Giáo Hội tại địa phương là giáo xứ.
Tất nhiên trong Giáo Phận chỉ có một đường hướng mục vụ chung, nhưng phải nói thật: có bao nhiêu linh mục là có bấy nhiêu cách thực hành mục vụ linh động thích ứng. Điều này một mặt cho thấy tính chất phong phú và khả năng đa dạng của các linh mục trong Giáo Phận; mặt khác cũng cho thấy nếu để độc lập, từng linh mục một sẽ không thể gánh vác hết mọi khía cạnh của việc mục vụ được. Mục vụ không để cho mình, mà là để phục vụ cho các tín hữu, mà tín hữu giáo dân càng đông thì việc mục vụ sẽ tới lúc ngập đầu ngập cổ, chính vì thế linh mục cần quan tâm đến nhau để đồng cảm đã đành, mà còn cần quan tâm đến nhau để sẵn sàng tiếp tay chia sẻ những khi nhận được tín hiệu kêu gọi giúp đỡ.
Thật khích lệ khi thấy những linh mục quản xứ, vào dịp trọng đại như chầu lượt thay mặt Giáo Phận hay mừng bổn mạng giáo xứ, có thói quen mời các linh mục lân cận đến giảng tĩnh tâm hoặc giải tội, để giáo dân có điều kiện thuận lợi hơn mà quy tụ lắng nghe giảng giải hoặc tìm đến nhận ơn hoán cải cuộc đời. Và cũng thật khích lệ khi nghe có linh mục này linh mục khác, mỗi khi đến dâng lễ tại các nơi, thường quan tâm hỏi han trước xem ở nơi đó có cần đến sự hỗ trợ gì không, như áo lễ, chén lễ, sách lễ, thậm chí cả hệ thống âm thanh… Quan tâm đến nhau trong đời sốâng mục vụ ở đây, chính là mặt bằng thể hiện tình huynh đệ linh mục một cách chặt chẽ và đẹp đẽ nhất.
3. Quan tâm đến nhau trong đời sống thiêng liêng.
Linh đạo của linh mục Giáo Phận là “nên thánh giữa đời mục vụ”, nên một cách nào đó, khi yêu mến chu toàn việc mục vụ được phân bổ cho mình, linh mục đã từng ngày rảo bước trên đường thánh đức, nhưng trong tình huynh đệ linh mục dựa trên thánh chức được thiết lập vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh và được truyền phong vào ngày tiến chức của từng người, linh mục còn cần được anh em mình quan tâm hơn nữa trong đời sống thiêng liêng. Tiện đây, tôi xin cám ơn các linh mục (và mọi người) hằng ngày trong Kinh Nguyện Thánh Thể đã xin Chúa nhớ đến giám mục giáo phận và hàng giáo sĩ. Đây là một lời kinh ngắn nhưng đầy sức mạnh nâng đỡ giám mục, linh mục và phó tế trên đường nên thánh tùy theo mức độ và bản chất ơn gọi đời mình.
Nhưng linh mục quan tâm đến thiện ích thiêng liêng của nhau trên hành trình nên thánh, không chỉ thể hiện một cách tổng quát như chung lời cầu nguyện cho nhau hoặc tham gia cầu nguyện với nhau; nhưng còn biểu lộ một cách riêng biệt hơn như nâng đỡ khích lệ nhau qua việc linh hướng và xây dựng cốt cách thánh thiêng qua việc sửa lỗi huynh đệ, uốn nắn bước đi cho nhau. Về điều này, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nói không úp mở: “Trong một thế giới mang đậm ảnh hưởng của chủ nghĩa cá nhân, cần phải tái khám phá tầm quan trọng của việc sửa lỗi huynh đệ, để cùng nhau nên thánh. Kinh Thánh nói rằng ngay cả “người công chính cũng sa ngã 7 lần” (Cn 24,16); mà tất cả chúng ta đều là người yếu đuối và thiếu sót (x. 1 Ga 1,8). Vì thế, thật là rất hữu ích khi giúp đỡ người khác và để người khác giúp đỡ mình hầu biết được sự thực về bản thân mình, mà cải tiến cuộc sống và bước đi ngay thẳng hơn theo đường lối Chúa. Chúng ta luôn cần đến ánh nhìn yêu thương và sửa dạy, nhận biết và thấu hiểu, phân định và tha thứ, như Chúa đã và đang làm với mỗi người chúng ta” (x. SĐMC 2012).
Anh em linh mục thân mến,
“Quan tâm đến nhau” trong hoàn cảnh sống cụ thể, trong các sinh hoạt mục vụ cũng như trên đường nên thánh, đó là ba ý chính được chia sẻ với anh em trong dịp kỷ niệm ngày sinh của chức linh mục trong Giáo Hội công giáo, cũng là ngày đẹp nhất của anh em chúng ta. Chung lời tạ ơn với anh em trong dịp hồng phúc. Chung vui cùng anh em trong ngày tươi đẹp. Cầu chúc anh em một đời hạnh phúc vì có Chúa là gia nghiệp, có các tín hữu sẵn sàng cộng tác và có các linh mục gắn bó thành một gia đình biết “nhìn nhau bằng trái tim” yêu thương.
+ Giuse Vũ Duy Thống, GM. Phan Thiết