Anh chị em thân mến,
Trong tháng 11, chúng ta dâng những việc lành phúc đức cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời, để họ được giải thoát khỏi tội mà vào hưởng nhan thánh Chúa. Đây là thói quen lành thánh đã có từ thời Cựu Ước (x. 2Mcb 12, 45) và còn được tiếp nối trong Giáo Hội. Vì thế lời kinh của giáo phận, dù có những điểm nhấn khác nữa, sẽ khởi đi từ truyền thống tốt đẹp này.
1. Cầu cho các tín hữu đã qua đời
Hằng năm cứ đến ngày 2/11 thì khung cảnh các giáo xứ lại tấp nập hẳn lên với nhiều người lui tới, kẻ lo dọn dẹp đất thánh sửa mới mộ phần, người lo viếng nhà thờ lãnh ơn toàn xá, và người khác lại tìm gặp linh mục để xưng tội hoặc xin lễ cầu cho người thân đã quá vãng. Có thể xem đây như là “mùa báo hiếu” của đạo Công giáo. Vâng, đó là một thói quen lâu đời, được châm rễ trong đức tin và diễn tả qua các việc đạo đức. Hiểu theo nghĩa hẹp, lễ “các đẳng linh hồn” là dịp ta nhớ đến những người thân đã khuất, theo bổn phận “sống tết chết giỗ” của phong tục Việt Nam, tức là cầu cho ông bà, cha mẹ, anh chị em, thân bằng quyến thuộc; nhưng hiểu theo nghĩa rộng cũng là nghĩa công giáo, đây là dịp để nhớ đến mọi tín hữu đã lìa đời, dù không có liên hệ máu mủ nghĩa thân, họ với ta vẫn gắn bó với nhau trong tình gia đình “một Chúa, một đức tin, một phép Rửa, một Thiên Chúa là Cha” (Ep 4, 5-6).
Nhìn dưới góc độ mầu nhiệm Các thánh cùng thông công, những anh chị em này, hiện nay là thành phần Giáo Hội đau khổ đang được thanh luyện. Họ không còn làm gì được cho mình nữa, chỉ biết cậy nhờ vào lòng Chúa thương xót và vào lời kinh của Giáo Hội vinh quang thiên quốc cũng như của Giáo Hội lữ hành trần gian, vì thế cầu nguyện và chia sẻ công phúc, như ơn đại xá do việc viếng nhà thờ hoặc đất thánh chẳng hạn, cho họ được giải thoát là điều thích hợp. Và những anh chị em này, dù bất lực với phần rỗi của mình, vẫn có thể cầu cho ta được những ơn lành. Đó là nét đẹp phong phú của mầu nhiệm hiệp thông các thánh.
2. Kính mừng các Thánh Tử Đạo Việt Nam
Trong những danh xưng dành cho Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, danh xưng “Chứng nhân anh dũng của Đức Kitô” xem ra mạnh nghĩa hơn cả, vì nói lên được sự nhất quán trong đời sống đức tin. Sống sao, chết vậy. Chết như đã sống. Sống hào hùng nên cũng chết anh dũng. Có “sống vì đạo” thì mới có “chết vì đạo”. Người Việt Nam chúng ta nói một cách thân thương và trân trọng là “phúc tử vì đạo”, vì đây là ơn ban và là một trong tám mối phúc thật, Chúa dành riêng cho những ai biết chân thành đón nhận đức tin không so đo tính toán, nhiệt thành thể hiện đức tin dọc dài cuộc đời, và nhất là trung thành minh chứng đức tin bất kể đau khổ và chết chóc. Nếu “vì Danh Chúa Kitô” các ngài đã nhận được sức mạnh để chiến đấu chống lại ba thù và tội lỗi, thì cũng “vì Danh Chúa Kitô” các ngài được thêm can đảm để đi đến cùng là sẵn sàng hy sinh chính mạng sống mình để giành lấy chiến thắng cho đức tin.
Ngày xưa các ngài được diễm phúc đổ máu vì Danh Chúa để nên chứng nhân anh dũng của Đức Kitô, ngày nay sống vào một thời buổi khác, nếu biết hy sinh chấp nhận thử thách để sống đạo và nhất là biết vun bồi cho cây đức tin được lớn lên, chúng ta cũng có thể trở thành chứng nhân anh dũng. Sống đạo trọn vẹn giữa những khó khăn cũng là một cách tử đạo từng ngày. Cúi xin các tiền nhân chúc lành cho Giáo Hội Việt Nam biết đi theo đường lối các ngài đã vạch ra, và cách riêng xin phù hộ cho mọi thành viên Hội Đồng Mục Vụ trong giáo phận, nhân ngày bổn mạng, để tinh thần chứng nhân được sinh động như lẽ phục vụ của mọi người.
3. Chung tâm tình với đời thánh hiến
Chỉ còn hơn 3 tháng nữa là kết thúc năm Đời sống thánh hiến (2/2/2016), vì thế vào ngày lễ Đức Mẹ Dâng Mình (21/11), vốn là ngày các tu sĩ có thói quen theo gương và dưới sự bảo trợ của Đức Mẹ, lập lại tâm tình dâng hiến của mình, chúng ta cũng hòa chung nỗi niềm thiêng liêng này để nhớ đến các tu sĩ đang sống và làm việc trong giáo phận. Họa theo ước mong của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông Thư “năm Đời sống thánh hiến”, anh chị em hãy hiệp thông cầu nguyện cho các tu sĩ trở nên “những người đánh thức thế giới” bằng lối sống đặc trưng mang tính ngôn sứ của mình, nghĩa là trở thành dấu chỉ diễn tả sứ điệp của Thiên Chúa. Có thể tóm tắt sứ điệp ấy trong ba lãnh vực “sống trọn niềm vui, xây dựng hiệp thông và gieo rắc tin yêu”. Theo ý hướng này, đời thánh hiến cho thấy niềm vui thanh thoát bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa, để lan tỏa đến những người xung quanh trong tình hiệp thông, và cuối cùng biến thành sức mạnh giúp quảng đại lên đường đem Tin Mừng đến với những vùng ngoại ô cuộc đời. Đó là chứng tá ba chiều trong suốt hành trình hiến dâng, vừa gắn bó với Thiên Chúa, vừa gắn kết với Giáo Hội và vừa gắn liền với sứ mạng truyền giáo.
Xin Chúa Thánh Thần là “Đấng thánh hóa và ban sự sống” luôn hiện diện và đồng hành cùng các tu sĩ, giúp họ sống an vui với chọn lựa đời mình và mãi mãi hạnh phúc trong ơn gọi dâng hiến, để năm Đời sống thánh hiến trở thành một thời điểm dồi dào ân lộc giúp họ biến đổi dáng đứng thành những người đánh thức thế giới giữa dòng chảy thời sự hôm nay.
Anh chị em thân mến,
Như vậy, tháng 11 trở thành tháng thể hiện mầu nhiệm các thánh thông công bằng những nét có thể nhận ra được và hiệp thông kinh nguyện được. Trong tâm tình ấy, chúng ta đồng thanh kêu xin: “Chúng con cậy vì Danh Chúa nhân từ, xin cho các linh hồn được lên chốn nghỉ ngơi, hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ đời đời chẳng cùng. Amen”.
+ Giuse Vũ Duy Thống
Gm. Gp. Phan Thiết