GP.LONG XUYÊN: Thư Mục Vụ tháng 09/2013

DC Giuse TranXuanTieu - GP.LONG XUYÊN: Thư Mục Vụ tháng 09/2013

HÀNH TRÌNH ĐỨC TIN
TRONG CỘNG ĐỒNG DÂN TỘC

***

Anh chị em thân mến,

“Đầu tháng 8 vừa qua, giáo phận Long Xuyên đón tiếp Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli, Đại Diện Tòa Thánh không thường trú tại Việt Nam. Đây là lần thứ hai ngài đến thăm viếng mục vụ giáo phận. Trong cuộc thăm viếng lần này, ngài đã hiện diện giữa cộng đồng dân Chúa tại nhà thờ Bò Ót, nhà thờ Cù Lao Giêng. Ngài cũng thăm viếng cộng đoàn dòng Phanxicô, và cộng đoàn dòng Chúa Quan Phòng.

“Đặc biệt là vào đầu tháng 9, cùng với dân tộc Việt Nam, chúng ta mừng Ngày Quốc Khánh và cầu nguyện cho tổ quốc Việt Nam. Từ ý nghĩa của hai sự kiện này, tôi xin gửi đến cộng đoàn dân Chúa thư mục vụ tháng Chín có tựa đề “Hành Trình Đức Tin trong cộng đồng dân tộc”.

1.Bối cảnh xã hội Việt Nam ngày nay. Một nét nổi bật của xã hội Việt Nam ngày nay là xu hướng toàn cầu hóa ngày càng mạnh.

“Một đàng, xu hướng này làm cho dân chúng Việt Nam, nhất là thành phần trẻ, có nhiều cơ hội tiếp cận những nền văn hóa và văn minh đa dạng, có nhiều phương tiện đón nhận những thông tin đa chiều, và được hưởng những tiến bộ phong phú của khoa học kỹ thuật.

“Đàng khác, trong thực tế, hố phân cách giầu nghèo ngày càng sâu rộng hơn, một bộ phận người dân đang sống một cuộc sống không hợp với nhân phẩm. Ngoài ra, cùng với trào lưu toàn cầu hóa, cách sống theo cá nhân chủ nghĩa làm con người trở nên người xa lạ trong chính cộng đoàn của mình. Hơn nữa, niềm tín ngưỡng dân gian trong văn hóa Việt Nam đã là nền tảng cho đời sống đạo đức để lương tâm con người quý trọng sự sống, ăn ngay ở lành và sống chan hòa với mọi người. Tuy nhiên, với nền kinh tế thị trường và duy vật chủ nghĩa, những giá trị đạo đức của tinh thần và của tín ngưỡng bị coi thường, thậm chí bị phê phán và bị loại trừ.

“Trên đây là một vài nét sơ lược bối cảnh xã hội mà trong đó, chúng ta thực hiện cuộc hành trình đức tin Kitô giáo.

2. Đường hướng của cuộc hành trình đức tin trong cộng đồng dân tộc. Trong bối cảnh trên, chúng ta cùng đưa ra đường hướng của cuộc hành trình đức tin rút ra từ giáo huấn của Giáo Hội cho Việt Nam.

“Thư chung Hậu Đại hội Dân Chúa 2010 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đưa ra chỉ dẫn: “Là công dân trong một đất nước, người Công Giáo Việt Nam có bổn phận yêu mến và xây dựng quê hương. Đồng thời, chúng ta thi hành bổn phận này với tinh thần Phúc Âm, khi thể hiện chức năng tiên tri bằng tiếng nói chân thành và có trách nhiệm, thực thi yêu thương trong chân lý và thực thi chân lý trong yêu thương” (Số 33).

“Thực ra, đây cũng là đường hướng được đề ra trong thư chung năm 1980 của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, “là sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc đề mưu cầu hạnh phúc cho đồng bào”. Vì, “quê hương này là nơi chúng ta được Thiên Chúa mời gọi để làm con của Người. Đất nước này là lòng Mẹ cưu mang chúng ta trong quá trình thực hiện ơn gọi làm con Thiên Chúa. Dân tộc này là cộng đồng mà Chúa trao cho chúng ta để phục vụ với tính cách vừa là công dân vừa là thành phần Dân Chúa”(Số 10).

“Đường hướng này được Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI ngỏ lời Hội Đồng Giám Mục Việt Nam dịp Ad Limina năm 2009, và ngài kêu gọi Giáo Hội Việt Nam “đóng góp vào việc phát triển nhân bản và tâm linh của con người, đồng thời cũng đóng góp cho việc phát triển đất nước. Việc tham gia vào tiến trình này là một bổn phận và một đóng góp quan trọng… Bằng đời sống xây nền trên đức ái, sự liêm chính, việc quý trọng công ích, anh chị em phải chứng tỏ rằng là người công giáo tốt cũng là người công dân tốt”.

“Như vậy, đường hướng này vẫn còn là kim chỉ nam cho cuộc hành trình đức tin trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, cụ thể là cho cộng đoàn dân Chúa của giáo phận Long Xuyên.

3.Đường hướng mục vụ và tu đức cho cuộc hành trình đức tin giữa cộng đồng dân tộc: Từ giáo huấn cho Giáo Hội Việt Nam trên đây, chúng ta cùng đưa ra đường hướng mục vụ và tu đức cho giáo phận Long Xuyên, được gọi là trở thành hiện thân của Đấng Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng ta, với những sắc thái sau đây:

“Cơ bản là mỗi người Kitô hữu ý thức mìnhthuộc về cộng đồng dân tộc để yêu mến quê hương mình, để chia sẻ vận mệnh lịch sử với dân tộc, để đồng hành với đồng bào trong nghĩa vụ và quyền lợi của một công dân, và để đồng trách nhiệm góp phần xây dựng quê hương đất nước. Đồng thời, chúng ta cũng ý thức mình là con Chúa và là con Hội Thánh, để giữa cộng đồng dân tộc, chúng ta là muối là men, để tiếp tục sống mầu nhiệm Chúa Kitô và thi hành sứ mạng của Chúa Kitô là loan báo Tin Mừng cứu độ, và góp phần xây dựng dân tộc thành một cộng đồng yêu thương và phục vụ như gia đình của Thiên Chúa.

“Một cách cụ thể hơn,

“1/ Chúng ta thực hiện cuộc hành trình đức tin giữa những người nghèo, hướng về người nghèo, và phục vụ người nghèo, như là lý do để Giáo Hội tiếp tục hiện diện trong cộng đồng dân tộc. Theo ý nghĩa này, noi gương Chúa Kitô, Giáo Hội phải trở nên nghèo để được đồng hành với những người nghèo như một ân ban cho Giáo Hội, vì người nghèo là hiện thân của Chúa Kitô. Vì, “xưa Ta đói các ngươi cho ăn, Ta khát các ngươi cho uống, Ta rách rưới các ngươi cho mặc, Ta là lữ khách các ngươi đón tiếp, Ta đau yếu các ngươi thăm viếng, Ta tù đày các ngươi không bỏ rơi Ta”.

“2/ Chúng ta thực hiện cuộc hành trình đức tin giữa làn sóng của những người trẻ chiếm đa số trong cộng đồng dân tộc. Noi gương Chúa Giêsu đồng hành với hai môn đệ đang mất phương hướng trên đường về làng quê Emmaus, chúng ta vừa là người lữ hành, vừa đóng vai trò người đồng hành với người trẻ ngày hôm nay, để với tình người, Giáo Hội cảm thông và chia sẻ, để với ánh sáng của Lời Chúa, Giáo Hội sưởi ấm tâm hồn người trẻ, và là hiện thân của Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng ta giới thiệu Chúa Kitô Phục Sinh là nguồn vui, bình an, và lý tưởng cho người trẻ hôm nay.

“3/ Chúng ta thực hiện cuộc hành trình đức tin giữa làn sóng của những người di dân trong cộng đồng dân tộc. Noi gương Chúa Giêsu lữ hành đến vùng ngoại biên trần thế này để “Phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho muôn người”, chúng ta chia sẻ niềm hy vọng, đồng thời cảm thông với những khó khăn của anh chị em di dân. Như vậy, một đàng chúng ta tạo điều kiện thuận lợi nhất cho anh chị em di dân tiếp tục tuyên xưng, cử hành và sống niềm tin trong cuộc lữ hành đức tin của họ. Đàng khác, chúng ta cũng khích lệ anh chị em di dân ý thức được sứ mạng loan truyền niềm tin của mình trong cộng đồng dân tộc ở bất cứ đâu.

“Anh chị em thân mến,

“Ngày 2/9 năm nay là ngày kỷ niệm năm thứ 10 Đức Cha Cố Gioan Baotixita Bùi Tuần đáng kính của giáo phận bước vào giai đoạn phục vụ Hội Thánh Chúa Kitô trong âm thầm, thao thức, cầu nguyện, và hy sinh. Giáo phận cùng ngài tạ ơn Chúa vì sự hiện diện của ngài trong giáo phận. Giáo phận cũng tỏ lòng tri ân và hiếu thảo với ngài bằng sự hiệp thông và cầu nguyện, với ước mong ngài luôn là cây viết chì trong bàn tay Thiên Chúa, để chuyển tải sứ điệp của Chúa cho chúng ta.

“Cùng với Ngài, tôi xin anh chị em cầu nguyện cho chúng tôi. Xin Thiên Chúa chúc lành cho toàn thể giáo phận chúng ta trong cuộc lữ hành đức tin.

+ GIUSE TRẦN XUÂN TIẾU

Giám mục Giáo Phận Long Xuyên

Exit mobile version