GP.LONG XUYÊN: Thư Mục Vụ tháng 06/2013

DC Giuse TranXuanTieu - GP.LONG XUYÊN: Thư Mục Vụ tháng 06/2013

CUỘC LỮ HÀNH ĐỨC TIN
CỦA CÁC LINH MỤC LONG XUYÊN
TRỞ THÀNH TÌNH YÊU
CỦA THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU


Anh chị em thân mến,

Nhân dịp tháng Sáu kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, và ngày Lễ trọng Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu (ngày 7.6) là ngày cầu nguyện xin ơn thánh hóa các Linh Mục, Đức Cha Cố Gioan Baotixita và tôi xin gửi lời chào chúc bình an, cùng với tình huynh đệ linh mục đến anh em linh mục yêu quí của chúng tôi.

Chúng tôi cũng xin gửi đến toàn thể anh chị em tu sĩ, chủng sinh, và giáo dân lời thỉnh cầu thiết tha xin anh chị em cầu nguyện ơn Thánh Hóa cho các linh mục nói chung, và đặc biệt cho các linh mục giáo phận Long Xuyên. Nhân dịp này, tôi xin gửi đến giáo phận thư mục vụ tháng Sáu có chủ đề được gợi ý từ câu nói của Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II “Cuộc Lữ Hành Đức Tin của các linh mục Long Xuyên trở thành Tình Yêu của Thánh Tâm Chúa Giêsu”. Với thư mục vụ này, tôi cùng với anh em linh mục suy tư về sự nhiệt thành trong ơn gọi và tác vụ linh mục. Hơn nữa, với thư mục vụ này, tôi cùng với anh em linh mục và toàn thể cộng đoàn dân Chúa, chúng ta cầu nguyện cho các linh mục có Đức Ái Mục Tử như lòng Chúa mong ước, để trở thành Tình Yêu của Thánh Tâm Chúa.

1.
Giáo huấn của Giáo Hội về chức linh mục từ Công Đồng Vaticanô II, cụ thể là hiến chế Tín Lý về Giáo Hội (Lumen Gentium) và sắc lệnh về Chức Vụ và Đời Sống Linh Mục (Presbyterorum Ordinis), cũng như từ sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo về chức vụ trong giáo hội và Bí Tích Truyền Chức, gợi ý cho chúng ta suy tư về Hồn Mục Tử, Kỹ Năng Mục Vụ, và Tương Quan Tông Đồ, như là dấu chỉ của lòng Nhiệt Thành trong Ơn gọi và Tác Vụ Linh mục.

Thật vậy, với Hồn Mục Tử, các linh mục trở nên giống Chúa Kitô, động lòng thương quần chúng bơ vơ không có người chăn, và đã yêu thương họ đến cùng, để trở nên mọi sự cho mọi người.

Cũng vậy, với Kỹ Năng Mục Vụ, linh mục tiếp tục sứ vụ của Chúa Kitô, Đấng đã “đến không phải để được phục vụ, nhưng là phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho muôn người”.

Cuối cùng, với Tương Quan Tông Đồ, các linh mục là hiện thân của Chúa Kitô, là nguyên lý của sự hòa giải giữa con người với Thiên Chúa, và giữa con người với nhau, cũng như giữa con người với mọi thụ tạo của Thiên Chúa. Cây Thập Giá là biểu tượng cho Hồn Mục Tử, Kỹ Năng Mục Vụ, và Tương Quan Tông Đồ của Chúa Kitô cho các linh mục noi gương.

Một trong những biểu hiện cụ thể của sự nhiệt thành trong ơn gọi và tác vụ linh mục là sự chấp nhận bị quấy rầy. Với Đức Ái Mục Tử, linh mục chấp nhận để mình bị anh chị em quấy rầy như những cơ hội để thực hành những lời linh mục đọc trong thánh lễ: “Người cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ”. Trong tác vụ và đời sống linh mục, ta để Chúa Giêsu cầm lấy ta, chúc phúc cho ta, thánh hiến ta, và bẻ ta ra để trao cho dân chúng. Chấp nhận bị quấy rầy bởi chính Thiên Chúa, để ta trở nên giống Chúa Kitô, bày tỏ lòng hiếu thảo tột cùng của người con rất yêu dấu, cầm lấy chén đắng uống cạn và thưa với Cha: “Xin đừng theo ý con, một theo ý Cha”. Và cũng chấp nhận bị quấy rầy bởi ma quỉ, để trở nên giống Chúa Kitô, bằng sự cầu nguyện và chay tịnh trong cõi cô tịch của hoang địa, cam kết trung thành với định hướng thập giá để sống ơn gọi và thi hành tác vụ linh mục của mình.

2.
Tuy nhiên, theo xu hướng tục hóacủa thời đại hôm nay, chức linh mục bị coi như một dịch vụ chứ không phải là một sứ vụ của Chúa Kitô, đời sống linh mục bị coi như một giai cấp xã hội với nhiều ưu đãi về bổng lộc và sự tôn kính. Điều trở nên trầm trọng hơn chính ở điều này là không phải con người thời đại có cái nhìn tục hóa về chức linh mục, mà ngay cả giáo dân, và kể cả trong hàng ngũ giáo sĩ cũng có những người có cái nhìn tục hóa về đời sống và tác vụ linh mục. Cái nhìn tục hóa này ảnh hưởng tiêu cực đến sự nhiệt thành trong chức linh mục.

Với cái nhìn tục hóa này, chức linh mục được coi như một nghề nghiệp, hay như cơ hội để khẳng định mình, để tiến thân. Và hệ quả là sự nhiệt thành trở nên thiếu khôn ngoan, đôi khi quá khích, và chỉ vì tham vọng cá nhân. Ở đây, sự nhiệt thành không còn hướng đến một tình yêu vị tha, hy sinh, và phục vụ tha nhân. Trái lại, nó trở nên qui ngã, hướng về chính mình như mục tiêu phải đạt tới với bất cứ giá nào, như một dịch vụ đầu tư tối thiểu để hưởng lợi nhuận tối đa. Đây chính là nguy cơ căn bản cho giáo hội.

3.
Đức Tổng Giám Mục Timothy M. Dolan nói: “Vấn đề của Giáo Hội không phải là thiếu linh mục, mà là thiếu linh mục nhiệt thành” (Linh mục cho ngàn năm thứ ba, trang 383). Giáo phận Long Xuyên suy nghĩ gì về câu nói này khi áp dụng cho giáo phận với con số 262 linh mục chăm sóc mục vụ cho trên 220.000 giáo dân, và thi hành sứ vụ Loan báo Tin Mừng cho trên 4 triệu người dân chưa biết Chúa Kitô?

Ở đây, tôi xin đề xuất những tiêu chuẩn để chúng ta lượng giá lòng nhiệt thành của linh mục giáo phận Long Xuyên chúng ta:

1./ Sự nhiệt thành của các linh mục giáo phận Long Xuyên nên được biểu hiện qua sự gắn bó với cộng đoàn. Đó là sự hiện diện giữa cộng đoàn, đó là ý thức thuộc về cộng đoàn, đó là sống cảm nghiệm mình là một thành viên làm nên cộng đoàn dân Chúa. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đưa ra một biểu hiện của lòng nhiệt thành là “người mục tử phải có mùi của chiên”. Như vậy, vắng mặt khỏi cộng đoàn thường xuyên không phải vì lý do thường huấn và sứ vụ, là dấu chỉ tiêu cực về sự nhiệt thành của linh mục giáo phận.

2./ Sự nhiệt thành của linh mục giáo phận Long Xuyên còn được biểu lộ qua thái độ quý chuộng tác vụ rao giảng, thánh hóa và cai quản của linh mục. Yêu quí tác vụ linh mục là dấu chỉ của sự khao khát các linh hồn theo chọn lựa của thánh Bosco: “Hãy cho tôi các linh hồn và cứ giữ lại những thứ khác”. Né tránh bổn phận, tìm cách sống an nhàn, và dồn việc cho giáo dân, là dấu hiệu suy thoái lòng nhiệt thành mục tử.

3./ Sự nhiệt thành của linh mục giáo phận Long xuyên cần được thể hiện qua những sáng kiến mục vụ và truyền giáo, nhất là học hỏi và thực hiện các sáng kiến này cùng với anh em linh mục khác trong giáo hạt, giáo phận.
Đã đến lúc người mục tử và thừa sai của Chúa phải đi đến ngoại vi ranh giới để chăm sóc mục vụ, để tái rao giảng tin mừng, và để giới thiệu những giá trị tin mừng cho con người thời đại hôm nay. Như vậy, chỉ thi hành bổn phận như một công chức văn phòng để lương tâm linh mục khỏi bị cắn rứt là dấu chỉ đã mất lửa nhiệt thành tông đồ.

Để kết thúc, tôi xin trích dẫn sắc lệnh “Chức Vụ và Đời Sống Linh Mục” của công đồng Vaticanô II và tông huấn Pastores Dabo Vobis: “Chức linh mục trong Giáo Hội hết sức quan trọng, đó là điều Thánh Công Đồng này đã nhiều lần nhắc nhở cho hết mọi người. Vả lại, trong công cuộc canh tân giáo hội Chúa Kitô, chức linh mục giữ một vai trò tối quan trọng, và hơn nữa ngày càng khó khăn” (PO 1). “Giống như ta khơi ngọn lửa bùng cháy từ đống tro tàn, các linh mục phải khơi dậy ơn huệ Chúa ban, tiếp nhận, và sống ơn Chúa, không được đánh mất hay bỏ quên cái “mới mẻ lâu bền” riêng cho mỗi ơn ban. Chính Chúa đang canh tân mọi sự (Kh 21,5), do đó, cần phải sống ơn huệ này sao cho tươi mát và đẹp đẽ như thuở ban đầu” (PDV 70).

Hiệp thông với Đức Cha Cố Micae, chúng ta cùng cầu xin: “Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, xin phù trợ, gìn giữ và thánh hóa các linh mục giáo phận Long Xuyên chúng con”.


+ GIUSE TRẦN XUÂN TIẾU
GIÁM MỤC GIÁO PHẬN LONG XUYÊN

Exit mobile version