TÒA GIÁM MỤC HƯNG HÓA
70 Lê Lợi, thị xã Sơn Tây, Tp. Hà Nội
Đt: (04) 33 832 453; Fax (04) 33 834 461
Email: tgmsontay@gmail.com
Sơn Tây, ngày 16 tháng 10 năm 2012
THƯ MỤC VỤ NĂM ĐỨC TIN
GỬI CỘNG ĐỒNG DÂN CHÚA GIÁO PHẬN HƯNG HÓA
Kính thưa quý Ông Bà và Anh Chị Em trong Cộng đồng Dân Chúa Giáo phận Hưng Hóa,
Theo Thông báo của Tòa Giám mục Giáo phận Hưng Hóa, trong chương trình tuần Cửu Nhật cầu nguyện xin ơn Chúa Thánh Thần để bước vào lễ Khai mạc Năm Đức Tin vừa qua, Anh Chị Em đã được nghe đọc và học hiểu Tông thư dưới dạng Tự sắc nhan đề Cửa Đức Tin (Porta Fidei) của Đức Thánh Cha Bê-nê-đic-tô XVI về mục đích ý nghĩa và định hướng sống đạo của Năm Đức Tin (NĐT) mà Ngài quyết định khai mở trong toàn thể Hội Thánh.
Anh Chị Em cũng đã được nghe đọc Thư Mục Vụ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam gửi cho Cộng đồng Dân Chúa Giáo Hội Việt Nam nhân ngày 12/10/2012 cử hành lễ Khai mạc Năm Đức Tin cấp toàn quốc. Trong thư đó HĐGMVN hướng dẫn áp dụng cho các giáo phận, giáo xứ trong cả nước để “cùng nhịp bước với Hội Thánh toàn cầu, Năm Đức Tin phải là cơ hội thuận lợi cho mọi thành phần Dân Chúa tại Việt Nam củng cố Đức Tin của mình, hoán cải đời sống, […], dấn thân cho công cuộc Tân Phúc Âm Hóa loan báo Tin Mừng cho 93% người Việt Nam chưa biết Chúa, […]” (x.số 5).
Sau phần giáo huấn mà Anh Chị Em đã được lĩnh hội dồi dào qua Tông thư của Đức Thánh Cha và Thư Mục Vụ của HĐGMVN về Năm Đức Tin, trong Thư Mục Vụ này gửi tới Cộng đồng Dân Chúa trong Giáo phận, tôi xin được đề cập tới những áp dụng sống đạo cụ thể cho từng giới Kitô hữu phù hợp với hoàn cảnh của địa phương, hướng tới 3 mục tiêu: Củng cố Đức Tin, Hoán cải đời sống với sự trợ lực của Ơn Toàn Xá, Dấn thân cho công cuộc Tân Phúc Âm Hóa.
1. Củng cố Đức Tin
1.1. Học hỏi giáo lý: Để đời sống Đức Tin được thâm sâu với ý thức xác tín cá nhân, chứ không chỉ hời hợt theo phong trào số đông, mỗi tín hữu tích cực giảng dạy hoặc theo học các lớp giáo lý:
• Các linh mục, tu sĩ và chủng sinh trong NĐT này phải dự một khóa học hỏi Tông hiến Kho Tàng Đức Tin (Fidei Depositum) được Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ban hành Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo năm 1992, để thấy được sự canh tân đổi mới trong việc học và dạy Giáo lý cho phù hợp với tinh thần Công Đồng Vaticanô II và với thế giới hiện đại.
• Ý thức công tác huấn giáo là trách nhiệm hàng đầu của vị mục tử, các cha quản xứ, cùng với sự tham gia cộng tác của các chủng sinh, tu sĩ và giáo dân, tổ chức các lớp giáo lý thích hợp cho các độ tuổi, theo nhịp độ mỗi lớp mỗi tuần lễ học ít nhất một giờ. Riêng cha quản xứ phải đích thân dạy giáo lý cho các dự tòng tuổi trưởng thành (không phó mặc toàn phần cho giáo lý viên).
• Trong NĐT giáo dân tích cực theo học các lớp Giáo lý phù hợp với độ tuổi. Phải coi việc đọc Lời Chúa và học Giáo lý cũng thiết yếu như việc đọc kinh cầu nguyện vì “sự sống đời đời là biết Cha và biết Đấng Cha sai đến là Đức Giêsu Kitô”(x. Ga 17, 3). Các giáo xứ tổ chức các hình thức hội thi Thánh Kinh và Giáo lý đông đảo và chất lượng hơn mọi năm.
1.2. Tuyên xưng Đức Tin: Trong NĐT này các tín hữu còn được củng cố Đức Tin bằng chính những việc tuyên xưng Đức Tin công khai trước mặt mọi người:
• NĐT “sẽ là một cơ hội thích hợp để tăng cường việc cử hành Đức Tin trong phụng vụ, nhất là trong Phép Thánh Thể”(x. Porta fidei số 9). Mọi tín hữu được mời gọi tích cực tham dự Bí tích Thánh Thể một cách có ý thức, linh động, để trở thành những nhân chứng Đức Tin. Đặc biệt các linh mục cử hành Thánh Lễ sốt sắng, cùng với thừa tác viên phụng vụ và các lễ sinh đọc kinh dọn mình trước và cám ơn sau khi cử hành.
• Trong NĐT nên tổ chức các ngày chầu Thánh Thể, cung nghinh Thánh Thể ra ngoài đường phố hoặc rước hay dâng hoa kính Đức Mẹ trọng thể trong giáo xứ hoặc liên xứ. Nhất là chuẩn bị tinh thần để hưởng ứng giờ chầu Thánh Thể cùng lúc trên toàn thế giới vào dịp Đại Lễ Thánh Thể ngày 02/06/2013.
• Các giáo xứ, các hội đoàn tổ chức các cuộc hành hương tới các đền thánh và nơi thánh. Riêng tại Giáo phận Hưng Hóa, chúng ta sẽ hành hương tới một số Nhà thờ cổ kính để ôn lại lịch sử đón nhận Đức Tin từ xa xưa. Đặc biệt trong Giáo phận có nhiều di tích Tử đạo để kính viếng, mỗi lần hành hương tới nơi đó chúng ta học tập gương anh hùng của các Thánh Chứng nhân Đức Tin hầu tăng cường lòng tin của mình ( xem phần về hành hương lĩnh ơn toàn xá).
2. Hoán cải đời sống
2.1. Đổi mới theo tinh thần Công Đồng: Công Đồng Vaticanô II là một lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống mới canh tân Hội Thánh trong thời đại chúng ta. Do đó mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo phận hãy đón nhận ánh sáng mới từ việc chăm chú học tập các văn kiện của Công Đồng ứng với mỗi đấng bậc của mình, để thức tỉnh canh tân đời sống đạo và đổi mới cung cách loan báo Tin Mừng cho phù hợp với thời đại hôm nay:
• Trong suốt cả NĐT, mỗi linh mục chăm chú đọc hết một lượt Sắc lệnh về chức vụ và đời sống linh mục (P.O.) và Chương III Hiến chế tín lý về Giáo Hội (L.G. nhất là các số 28, 29); linh mục đoàn tham dự một khóa học tập hội thảo về các văn kiện Công Đồng, cùng nhau hoạch định canh tân đời sống cá nhân cho xứng hợp với chức vụ và đổi mới đường hướng hoạt động mục vụ.
• Các chủng sinh cùng học tập nghiên cứu Sắc lệnh về đào tạo linh mục (O.T.) để cố gắng áp dụng cụ thể vào chương trình tự đào tạo chính mình dưới tác động của Chúa Thánh Thần là tác nhân chính trong công cuộc đào tạo linh mục.
• Cá nhân mỗi tu sĩ nam nữ đọc kỹ hết một lượt Sắc lệnh Đức ái trọn hảo (P.C.) về canh tân đời sống thánh hiến, và Chương V,VI Hiến chế tín lý về Giáo Hội (L.G.); mỗi Hội Dòng tổ chức khóa học tập hội thảo để hoạch định một lối sống đúng với bản chất đời thánh hiến theo tinh thần các văn kiện Công Đồng chỉ dẫn.
• Các tầng lớp giáo dân cần được tham dự các khóa hội thảo học tập Sắc lệnh Tông đồ giáo dân (A.A.) và Chương IV Hiến chế tín lý về Giáo Hội (L.G.) để thấy rõ địa vị và vai trò của người giáo dân trong Giáo Hội. Nhờ đó họ không còn đứng bàng quan ngoài lề nhưng tích cực dấn thân sống đạo hiệp thông cùng với hàng giáo sĩ và tu sĩ trong một Giáo Hội tham gia, góp phần mau chóng đổi mới từ hình ảnh Giáo Hội cơ cấu phẩm trật, nặng tính giáo sĩ trị trước Công Đồng Vaticanô II, sang hình ảnh một Giáo Hội Dân Thiên Chúa, trong đó người giáo dân theo cương vị của mình chung tay vào mọi hoạt động với tinh thần đồng trách nhiệm, đưa công việc loan báo Tin Mừng đến thành quả cao nhất.
2.2. Hoán cải với ơn trợ lực Bí tích: Công cuộc canh tân đổi mới sẽ không đạt hiệu quả nếu không có Phụng vụ và các Bí tích vì thiếu ơn thánh nâng đỡ Kitô hữu (x. Porta Fidei, số 11). Bởi vậy:
• Văn thư “Hướng dẫn mục vụ cho NĐT của Bộ Giáo lý Đức Tin” khuyến khích “tổ chức những buổi cử hành thống hối, nhất là vào Mùa Chay, để xin Chúa tha thứ tội lỗi, đặc biệt tội nghịch lại Đức Tin. NĐT cũng là thời gian thích hợp để đến với Bí tích Hòa giải một cách xác tín hơn và thường xuyên hơn” (x.số III, 7).
• Tòa Ân Giải Tối Cao của Tòa Thánh ngày 05/10/2012 công bố nghị định Đức Thánh Cha Bê-nê-đic-tô XVI ban Ơn Toàn Xá rất rộng rãi suốt NĐT. Tòa Ân Giải động viên các tín hữu siêng năng làm các việc theo qui định để lĩnh Ơn Toàn Xá: “Ân xá sẽ mang lại lợi ích lớn lao, để trước hết, cuộc sống đạt tới sự thánh thiện ở mức cao nhất qua việc thanh tẩy tâm hồn nên trong sạch. Nhờ quyền năng Chúa Kitô trao cho, Giáo Hội ban ân xá cho tất cả những ai tuân theo các quy định đã được đề ra” (xem văn bản ‘Ơn Toàn xá trong NĐT’).
• Những việc qui định để lĩnh Ơn Toàn Xá bao gồm việc nghe giảng về truyền giáo, học tập văn kiện Công Đồng và Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, hành hương kính viếng Nhà thờ Chính tòa và các nơi thánh mà Đấng Bản Quyền địa phương chỉ định, thăm viếng nơi mình đã chịu Phép Rửa tội, và tham dự một số Thánh Lễ trọng trong NĐT. Trong Giáo phận Hưng Hóa:
+ Các nơi thánh được chỉ định hành hương kính viếng như sau: Nhà thờ giáo xứ Sa Pa (hạt Lào Cai); Nhà thờ giáo xứ Tuyên Quang (hạt Hà-Tuyên-Hùng); Nhà thờ giáo xứ Hán Đà và giáo xứ Vĩnh Quang (hạt Yên Bái); Nhà thờ giáo họ Tiên Phong (Gò Dài nơi Thánh Tử đạo Francois Néron Bắc bị bắt) và Đền kính Thánh Giuse giáo xứ Ngô Xá (hạt Tây Bắc Phú Thọ); Nhà thờ Hoàng Xá (hạt Tây Nam PT); Nhà thờ giáo xứ Chiêu Ứng (nơi an táng Thánh Tử đạo Charles Cornay Tân), Đền kính Thánh Tử đạo Phê-rô Vũ Văn Truật giáo xứ Hà Thạch, Nhà thờ giáo họ Cao Mại (Kẻ Máy nơi an táng 3 Thánh Tử đạo Đường, Mỹ, Truật), Đền kính Thánh Tử đạo Phê-rô Đoàn Văn Vân giáo xứ Nỗ Lực (hạt Tây Nam PT); Nhà thờ Chính Tòa Sơn Lộc, Di tích Pháp trường xử các Thánh Tử đạo Sơn Tây, Nhà thờ giáo xứ Bách Lộc (nơi an táng Thánh Tử đạo Francois Néron Bắc), Nhà thờ kính Lòng Thương Xót Chúa giáo xứ Hòa Bình (hạt Sơn Tây-Hòa Bình-Sơn La).
+ Các Lễ trọng được lĩnh Ơn Toàn Xá gồm: 11 Lễ Trọng trong lịch có ghi cha xứ dâng lễ cầu cho giáo dân, lễ kính chung Các Thánh Tử đạo Việt Nam, và lễ kính riêng mỗi vị Thánh Tử đạo Việt Nam (vào chính ngày ngài tử đạo) tại nhà thờ nào có đặt phần hài cốt của ngài.
3. Dấn thân cho công cuộc Tân Phúc Âm Hóa
Mục tiêu của tất cả các hoạt động trong NĐT đều nhằm xúc tiến công cuộc Tân Phúc Âm Hóa. Giáo Hội dùng những phương cách mới mẻ để Phúc Âm hóa chính con cái mình, củng cố Đức Tin, kiên vững Đức Cậy và tăng cường Đức Mến cho họ, giúp họ hoán cải cung cách sống đạo cho phù hợp với thời đại, để cuối cùng thúc đẩy họ thi hành sứ vụ mà Chúa Ki-tô đã trao phó cho Giáo Hội “ra khơi” loan báo Tin Mừng cho thế giới hôm nay.
3.1. Trước hết các tín hữu hãy cầu nguyện và dâng nhiều hy sinh cho công cuộc loan báo Tin Mừng. Bởi vì Đức Tin là hồng ân chỉ có thể được lãnh nhận qua lời cầu nguyện: “Lúa đã chín vàng, anh em hãy xin Chủ ruộng sai thợ đến làm mùa”(Mt 9, 37-38). Thánh Phaolô nêu lên một nguyên lý: “Không có đổ máu thì không có ơn cứu độ” (Dt 9, 22).
3.2. NĐT cũng sẽ là cơ hội thuận tiện để tăng cường chứng tá bác ái (xem T.t. Porta Fidei số 14), là việc làm của Đức Tin sống động, vì “Đức tin không có hành động thì quả là Đức Tin chết”(Gc 2, 17). Yêu thương phục vụ vô vị lợi, xuất phát từ động lực Đức Tin, là cách loan báo Tin Mừng không lời nhưng hữu hiệu trong xã hội hiện nay.
3.3. Hướng dẫn mục vụ cho NĐT của Bộ Giáo Lý Đức Tin (số IV, 6.10) nêu lên ý thức trách nhiệm làm chứng nhân Đức Tin của mọi Kitô hữu, vì ơn gọi Kitô hữu tự bản chất là ơn gọi truyền giáo. Bởi vậy tất cả các thành phần Dân Chúa trong Giáo phận hãy học tập Sắc lệnh về Truyền giáo (A.G.). Trong NĐT các giáo xứ hãy tổ chức nhiều cuộc chia sẻ đối thoại giao lưu với đồng bào lương dân sống gần gũi bên cạnh mình, đặc biệt lưu ý hai Ngày Khánh Nhật Truyền Giáo.
Anh Chị Em thân mến,
Để kết thúc, tôi xin được trích lời Tông thư Cửa Đức Tin (số 15): “Chúng ta hãy phó thác thời điểm hồng phúc này cho Mẹ Thiên Chúa, được tuyên xưng là Người có phúc vì Mẹ đã tin (Lc 1, 45)”. Cùng Mẹ chúng ta hãy thưa tiếng “xin vâng” mau mắn thi hành các chương trình hoạt động đề ra trong NĐT này, sống Đức Tin dấn thân loan báo Tin Mừng, đem niềm vui cứu độ đến cho mọi người, góp phần đem lại niềm hy vọng cho quê hương đất nước chúng ta.
Giám mục Hưng Hóa