Gởi chút nắng ấm vào giữa núi rừng Cát Tiên

goi chut nang am vao giua nui rung cat tien - Gởi chút nắng ấm vào giữa núi rừng Cát Tiên

Cha có cái tên rất hay và nghe cũng thật êm ả: Phêrô Phạm An Nhàn (chánh xứ Ðồng Nai Thượng, GP Ðà Lạt), tuy nhiên, cuộc đời mục tử của cha lại hoàn toàn trái ngược với tên gọi. Nói vậy là bởi, trong suốt 12 năm kể từ ngày lãnh nhận chức thánh là hơn 4000 ngày cha trải mình thênh thang giữa anh em dân tộc, vui cùng cái vui của họ và cũng lo với nỗi lo của họ..

Băng rừng gầy dựng…

Ở giáo phận Đà Lạt, nếu tính từ Tòa Giám mục thì Đồng Nai Thượng là giáo xứ nằm cách xa nhất, trên 200km. Chính vì nằm sâu trong núi, giữa vườn quốc gia Cát Tiên, nên xã Đồng Nai Thượng cũng là một trong những địa phương khó khăn hàng đầu của tỉnh Lâm Đồng. Được đón nhận Tin Mừng vào những năm 90 của thế kỷ trước từ những người Công giáo ở Đạ Tẻh, Madagui lên làm ăn và nói về Chúa, từ đó con đường thuận tiện nhất để bà con nơi đây sống đạo là hằng tuần lần bước ra nhà thờ Đạ Tẻh tham dự thánh lễ, học giáo lý và lãnh nhận các Bí tích.

Sau ngày chịu chức năm 2006, nhận bài sai về coi xứ Cát Tiên, cha Nhàn bắt đầu chú ý đến vùng đất màu mỡ cách Cát Tiên khoảng 25 cây số này. Thương cảnh giáo dân Đồng Nai Thượng phải lặn lội đi lễ xa xôi, chưa kể luôn rình rập đầy rẫy những hiểm nguy vì hầu hết đều là đường rừng núi, nên cha đã xin bề trên và đặt vấn đề với chính quyền địa phương để vào chăm sóc mục vụ cho bà con. Sau nhiều cuộc trao đổi và chấp thuận, từ năm 2007, mỗi dịp lễ lớn trong năm, cha đến ủy lạo, thăm hỏi và dâng thánh lễ trong một nhà dân mượn tạm. Đồng Nai Thượng từ đây cũng trở thành giáo họ của Cát Tiên.

Đến năm 2010, cha Nhàn hiện diện thường xuyên hơn. Tường tận cái khó, chông chênh của giáo họ, cha lần hồi củng cố ban hành giáo, các hội đoàn; viếng thăm, hỗ trợ gia đình khó khăn… Cùng với sự cộng tác từ các chị thuộc tu hội Gia đình chứng nhân Chúa Kitô, cha còn đẩy mạnh việc dạy giáo lý cho bà con. Nhưng người dân tộc phần nhiều không biết chữ, chỉ có thể lắng nghe. Không nản lòng, cha nhẫn nại giảng giải, cắt nghĩa Thánh Kinh cho họ. Theo thời gian, người này mách người kia, hoặc vì thấy đạo Chúa hợp với lời dạy của cha ông như ăn ngay ở lành, tôn kính tổ tiên… nên cũng tìm tới xem thử và mến mộ lúc nào không hay. Sự kiên trì bao năm của cha Nhàn rồi cũng đến lúc trổ hoa sinh quả, từ số người dự lễ khiêm tốn ngày đầu, Đồng Nai Thượng giờ đây là một cộng đoàn lớn mạnh với trên 1500 tín hữu dân tộc Mạ. Cuối năm 2010, trên mảnh đất do một giáo dân dâng cúng, cha cho dựng nên ngôi nhà thờ theo kiểu nhà sàn vững chắc. Mãi 5 năm sau, ngày 27.1.2015, nhà thờ mới được khánh thành. Và cũng kể từ đây, giáo xứ Đồng Nai Thượng được thành lập, còn cha thì đón nhận trọng trách mới là cha sở tiên khởi.

Hoa trái được vun đắp

Thương cảnh giáo dân bao năm bơ vơ vì thiếu bóng dáng chủ chăn hiện diện nên sau khi việc nhà thờ nhà thánh ổn định, phần lớn thời gian trong ngày cha dành để đi thăm hết nhà này nhà kia. Ngoài mang niềm vui, tiếng cười, còn giúp người mục tử thấu hiểu đời sống bổn đạo.

Bản tính người vùng cao vốn chất phác, thật thà… nên cũng vì thế mà chịu nhiều thiệt thòi, do đó cha luôn canh cánh suy tư nâng cao cuộc sống cho họ ở mọi mặt. Về nhận thức thì trong mỗi bài giảng hay khi sinh hoạt thôn bản, cha thường nhắc nhở bà con ăn ở hợp vệ sinh, không kết hôn sớm và chỉ về chung sống với nhau khi đã lãnh nhận đủ Bí tích Hôn nhân tại nhà thờ… Để tập cho người dân tính tiết kiệm, bỏ đi thói quen làm ra bao nhiêu tiêu xài bấy nhiêu, cha mở quỹ tiết kiệm trong xứ. Ở đó, mỗi lần đến mùa thu hoạch điều, cà phê hay có sự hỗ trợ chi phí giữ rừng của nhà nước, mỗi gia đình sẽ góp vào vài trăm ngàn. Số tiền đó xem như cha xứ giữ hộ để khi ai gặp việc quan trọng, hoặc ốm đau cần tiền chạy chữa thuốc thang thì dùng đến; hay cộng dồn, khi đủ mua con trâu, chiếc xe… thì lấy ra sắm sửa.

Nguồn thu chính yếu của người dân vùng này là từ cây điều. Nhưng mấy năm gần đây, điều già cỗi, chết dần, lợi nhuận chẳng đáng bao nhiêu. Vậy nên cha phối hợp với địa phương vận động các hộ chuyển qua trồng cà phê. Bên cạnh hỗ trợ cây giống, phân bón, cha còn nhờ những anh em có kinh nghiệm lâu năm từ Bảo Lộc lên hướng dẫn cách chăm bón, cấy ghép. Bản thân mình cũng tự mày mò học hỏi bằng nhiều cách để có thể đồng hành cùng bà con lúc cần.“Nhờ cà phê mà gia đình K’Men mới mua được tivi, cuộc sống khá hơn, không còn phải đong đếm từng ngày như trước. Làm cái này tuy mệt hơn cây điều nhưng có nguồn thu nhập ổn định là vui nhiều rồi”, vợ chồng Điểu K’Men cười khằn khặc khoe với khách. Gần một năm nay, cha còn thử nghiệm mô hình trồng dâu nuôi tằm. Theo cha tính toán, nếu trong vòng 1- 2 năm tới chương trình này thành công thì sẽ nhân rộng ra, vì đây là một phương thế khá khả dĩ và phù hợp thổ nhưỡng ở đây. “Ở những vùng đất núi lưng chừng, trồng lúa không đủ nước, cà phê thấp quá khó phát triển, nên trồng dâu, nuôi tằm sẽ là thích hợp. Có nhiều nguồn thu phân bổ rải đều trong năm, người dân sẽ bớt khổ đi đôi phần. Bài toán khó đang giải sắp xong là tìm được đầu ra”, cha đánh giá như một nhà làm chiến lược kinh tế thực thụ.

Để chúng tôi có cái nhìn chân thực về cuộc sống người bản địa, hai cha con cùng dạo quanh một vòng trên chiếc Honda đã bạc màu. Dù đi tới đâu, gặp ai trên đường, cha đều bắt đầu bằng những câu thăm hỏi khiến người đối diện cảm thấy ấm áp: “K’Điểu hết bệnh chưa?”, “Đợt cà phê vừa rồi thu hoạch được bao nhiêu tấn Thị Lơ? Nhớ lo cho mấy đứa nhỏ, đừng để chúng phải nghỉ học giữa chừng nhé!”… Vài người già trong vùng rỉ tai tôi rằng, trong những lần đi thăm dân, khi nào trong túi ông cố cũng đủng đỉnh quà cáp. Gặp người già sẽ tặng bịch sữa, trẻ nhỏ thì cho gói bánh…, chẳng to tát gì nhưng đồng bào thấy vui, hạnh phúc vì được thương. Đáp lại là tình cảm của bà con dành cho vị thủ lĩnh tinh thần. Đôi lúc khuất xa trong bóng cây, đã nghe tiếng chào văng vẳng: “Cha đi đâu vậy, vô nhà con chơi đã!”. Cứ vậy, câu hỏi thăm qua lại giúp cha con thêm gắn bó.

Ở vùng đất mà chỉ toàn núi đồi, sông hồ thì thay vì được lượn lờ phim ảnh, trò chơi, công viên… như nhiều đứa trẻ miền xuôi, thú vui ngày hè của trẻ con ở đây là tụ tập bên bãi đất trống, sướng hơn cũng chỉ rủ nhau tắm dưới bờ suối đá trơn trượt, nên không ít lần có em té chảy máu, trầy da. Hiểu và thương cảm cho tình cảnh thiệt thòi ấy, cha tập trung các em lại ôn văn hóa, tổ chức dạy múa khiêng, đánh trống, lập trại hè… Vừa tạo không gian vui tươi, vừa giúp chúng giữ gìn nét văn hóa của cha ông. Nhiều em ham học nhưng phải bỏ dở giữa chừng vì điều kiện gia đình, cha tìm nguồn hỗ trợ để “đồng bào nhí” viết tiếp ước mơ. Trong những câu chuyện, chúng tôi còn biết hiện cha đang thao thức về một nhà trẻ ngay tại giáo xứ. Bởi cha tâm niệm, chỉ có đầu tư về giáo dục thì sự phát triển mới thật sự vững bền; đặc biệt, nếu có nơi trông giữ trẻ thì bà con an tâm lên nương, phát rẫy, rồi năng suất sẽ tăng, đời sống sẽ khá…

Chia tay xứ đạo khi trời đã về chiều, vài giáo dân cầm tay tạm biệt. Nắm chặt những đôi bàn tay gầy gộc, nụ cười mộc mạc đến hồn hậu trên gương mặt sạm nắng vì mưu sinh, khóe mắt chúng tôi cứ hấp háy. Chúng tôi hiểu, đó cũng chính là động lực khiến người mục tử “mang trong mình mùi… dân tộc” Phêrô Phạm An Nhàn miệt mài dấn thân.

VÕ QUỚI

Exit mobile version