Bài đọc: 2 Thes 2:1-3, 14-16; Mt 23:23-26
Cần giữ thăng bằng cho cuộc sống: Đừng chỉ lo những việc lớn hay việc tương lai, cũng đừng quá chú trọng đến những việc nhỏ nhặt hay chỉ lo việc hiện tại. Người khôn ngoan và nhân đức là người trung dung: sống hiện tại với cái nhìn về tương lai, lo việc lớn nhưng cũng không khinh thường việc nhỏ. Các Bài đọc hôm nay giúp chúng ta nhận ra sự cần thiết của việc giữ thăng bằng cho cuộc sống.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Đừng quá lo chuyện tương lai đến nỗi bị lường gạt.
Con người hay có khuynh hướng làm tiên tri để tiên đóan những gì sắp xảy tới, nhất là về Ngày Tận Thế. Mặc dù đã được Chúa cho biết: chuyện đó chắc chắn sẽ xảy ra, nhưng còn ngày nào và giờ nào chỉ có Chúa Cha biết; nhưng con người ở mọi thời vẫn muốn tiên đóan về ngày và giờ này. Mới đây nhất nhiều người tiên đoán là năm 2000! Năm 2000 đã qua và ngày đó vẫn chưa tới. Trong thời đại của Thánh Phaolô cũng vậy, những lời chúng ta nghe trong Bài đọc I xác nhận những tiên đoán về Ngày Tận Thế trong thời đại của ngài: “Thưa anh em, về ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, quang lâm và tập hợp chúng ta về với Người, tôi xin anh em điều này: Nếu có ai bảo rằng chúng tôi đã được thần khí mặc khải, hoặc đã nói, đã viết thư quả quyết rằng ngày của Chúa gần đến, thì anh em đừng vội để cho tinh thần giao động, cũng đừng hoảng sợ. Đừng để ai lừa dối anh em bất cứ cách nào.”
Nếu dễ tin vào những tiên đóan về ngày này, con người sẽ dễ giao động và lo sợ: Có người sẽ đình chỉ mọi công việc thường nhật để chờ ngày Chúa tới; có người sẽ phung phí tất cả tiền bạc của cải để hưởng thụ… Thánh Phaolô muốn các tín hữu hãy sống bình an và đừng quá lo sợ về ngày này vì những lý do sau:
(1) Thiên Chúa là Đấng yêu thương con người, Ngài muốn cho con người được hưởng vinh quang với Ngài trên trời chứ không muốn luận phạt con người đến chỗ bị hủy diệt.
(2) Với niềm cậy trông vào tình thương Thiên Chúa, con người cố gắng sống giây phút hiện tại trong ân sủng của Ngài để lúc nào cũng luôn sẵn sàng cho ngày đó.
(3) Con người không lo sợ bị lạc hướng vì đã có Tin Mừng của Chúa Giêsu soi dẫn và những lời chỉ dạy của Giáo Hội cho biết phải làm gì đang khi chờ ngày đó tới.
2/ Phúc Âm: Quá lo việc nhỏ mọn đến nỗi quên đi những việc quan trọng.
Chúa tiếp tục trách các kinh sư về nếp sống giả hình và sự khờ dại của việc quá lo lắng những việc nhỏ mọn mà quên đi những việc lớn quan trọng hơn: “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisee giả hình! Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, lòng nhân và thành tín. Các điều này vẫn cứ phải làm, mà các điều kia thì không được bỏ.”
Các lọai rau thơm mà người Do-Thái và Việt-Nam ta quen dùng quá nhỏ để đóng thuế vì ngày xưa họ có thói quen trồng những thứ này chung quanh nhà để cần đến khi dùng, chứ không sản xuất bằng những nhà kiếng to lớn như ngày nay. Chúa Giêsu muốn cho các Kinh-sư và Biệt-phái nhìn thấy những điều quan trọng hơn trong Luật mà họ đã không để ý tới là công lý, lòng nhân và thành tín. Đây là 3 điều tối quan trọng mà Chúa sẽ dùng để phán xét con người trong Ngày Chung Thẩm chứ không phải việc tính coi có bao nhiêu rau thơm để đóng thuế!
Chúa lên án họ là: “Quân dẫn đường mù quáng! Các người lọc con muỗi, nhưng lại nuốt con lạc đà.” Cả hai: muỗi và lạc đà đều là vật dơ bẩn đối với người Do-Thái. Khi con muỗi rơi vào các chum nước dùng để thanh tẩy, họ sẽ cẩn thận gạn lọc để lấy ra. Điều chính Chúa Giêsu muốn làm nổi bật ở đây là sự tương phản về chiều kích: lạc đà là con vật to lớn trong khi muỗi là một côn trùng quá nhỏ. Các Kinh-sư và Biệt-phái đã quá chú trọng đến việc nhỏ như việc đóng thuế rau thơm mà quên đi những việc tối quan trọng của Luật như công lý, lòng nhân và thành tín.
Chúa cũng lên án họ về việc giả hình: quá chú trọng đến hình thức bên ngòai mà bỏ quên trau dồi những nét đẹp trong tâm hồn: “Khốn cho các ngươi, hỡi các Kinh-sư và Biệt-phái giả hình! Các người rửa sạch bên ngoài chén đĩa, nhưng bên trong thì đầy những chuyện cướp bóc và ăn chơi vô độ. Hỡi người Biệt-phái mù quáng kia, hãy rửa bên trong chén đĩa cho sạch trước đã, để bên ngoài cũng được sạch.”
Việc rửa tay trước khi ăn cho hợp vệ sinh là việc cần làm nhưng không quan trọng bằng việc thanh tẩy sạch những tội lỗi trong tâm hồn. Chúng ta đã nghe Chúa nói trong những chương trước không phải những gì từ ngoài vào làm con người ô uế, nhưng là tất cả những tội lỗi từ trong con người phát ra như nói hành, cáo gian, dâm ô, trộm cướp, giết người…
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Đã bao lần chúng ta cũng đã từng lo lắng như những dân thành Thessalonica; nhưng một khi ngày lo sợ đã qua đi, chúng ta trở lại cuộc sống bình thường với những tội quen phạm và bất công quen làm, mà quên đi lời Chúa cảnh cáo “vào giờ các ngươi không ngờ thì Con Người sẽ tới.”
– Đã bao lần chúng ta đã hành động giống như các Kinh sư và Biệt phái: Đọc kinh theo thứ tự và không bỏ sót kinh nào, nhưng không bao giờ để ý tới việc lỗi đức công bằng qua việc nói xấu người vắng mặt, hay không chịu bỏ công bỏ của để giúp cho các anh chị em đang thiếu thốn. Cần khôn ngoan để nhận ra tổng quát bức tranh của cuộc đời, các việc quan trọng phải làm trước khi chú trọng đến các việc nhỏ hơn.
– Đã bao lần chúng ta bỏ lỡ bao cơ hội để học hỏi Lời Chúa, những buổi tĩnh tâm để nhìn ra những tội lỗi cần sửa và những nhân đức cần tập luyện, đưa con cái đến nhà thờ học giáo lý, sinh họat đòan thể … Thay vào đó, chúng ta chạy theo những hình thức bên ngoài như lo làm giầu, lo hưởng thụ. Nếu những bậc cha mẹ làm những điều này thì họ có khác chi những người dẫn đường mù quáng mà Chúa cảnh cáo hôm nay.
Anthony Đinh Minh Tiên, OP