Khi được hỏi về “thâm niên” gắn bó với hoạt động hiến máu cứu người, cha Giuse Lê Hoàng (chánh xứ Tân Phú) cười hiền nhẩm tính : “Thoáng cái cũng đã 25 năm tròn”.
Ông cha có nhóm máu A
Duyên cớ đến với con đường tặng máu giúp người với cha Hoàng đơn giản đến không ngờ. Cha kể khi mới ngoài hai mươi, đang trong giai đoạn tìm hiểu ơn gọi thì nhận được một “ơn gọi” khác, nói cho đúng là lời mời gọi của cha sở xứ nhà Nhân Hòa. “Thế là mình nhắm mắt đưa tay!”, cha Hoàng dí dỏm. Lần đầu còn bỡ ngỡ nhưng đến lần hai, lần ba, chàng thanh niên ngày đó dần quen và ý thức hơn khi hiểu những giọt máu của mình có thể giúp đỡ một bệnh nhân nào đó qua cơn nguy kịch. Tên của cha được đưa vào danh sách những người sẵn sàng cho máu cứu người khẩn cấp tại bệnh viện Tâm Đức. Bệnh viện này hằng năm phải tiếp nhận rất nhiều ca cấp cứu hoặc phẫu thuật, cần nguồn máu khá lớn, do đó, những cá nhân luôn sẵn sàng như cha Hoàng trở thành địa chỉ vô cùng trân quý.
Đi chúc Tết trong giáo xứ |
Thường, một ca mổ tim cần một lượng máu lớn, phải có ít nhất 4 người hiến mới đảm bảo đủ dùng. Và nếu đó là ca cấp cứu thì không chỉ cần đủ mà phải nhanh chóng nên cha luôn sẵn sàng, không kể là đêm hay ngày. Biết được bệnh nhân mình cho máu vượt qua được phút giây thập tử nhất sinh là niềm vui nho nhỏ cha thầm gom góp để nhắc nhở mình tiếp tục. Điều này khiến vị mục tử chú ý hơn đến sức khỏe của bản thân, vì chỉ khi khỏe mạnh mới có nhiều cơ hội giúp người. Công việc cứ thế liên tục từ lúc còn là thỉnh sinh cho đến khi làm linh mục, và vẫn sẽ được duy trì đến khi “còn có thể”, như lời cha xác quyết. Nhắc lại chuyện cũ, cha Hoàng không nhớ chính xác mình đã bao lần cho máu, cha chỉ nhớ ngoài những ca gấp gáp thì vẫn đi hiến định kỳ, nếu không có chuyện gì đột xuất, trong ngày tổ chức hiến máu ở giáo xứ. Có người biết được ân nhân là ông cha đã tìm đến tri ân. Với họ, chuyện nhận những “giọt hồng” của một linh mục ít nhiều có sự bất ngờ. “Máu A như mình không hiếm lắm, thỉnh thoảng người ta mới nhờ đến nên nào có cực nhọc gì!”, cha nhẹ nhàng nói.
Có duyên với “giọt hồng” nên ngày còn làm phó xứ rồi chánh xứ Thiên Ân, hay khi là phó xứ và nay là chánh xứ Tân Phú, cha Giuse đã và sẽ tiếp tục đồng hành với truyền thống hiến máu ở xứ đạo. Sân nhà thờ cũng đã nhiều lần để Hội chữ Thập đỏ địa phương mượn làm nơi tổ chức hiến máu nhân đạo. Không nói ra nhưng có lẽ gương sống động của mục tử đã khiến giáo dân trong xứ đạo nhiệt tình hơn trước nghĩa cử đẹp này.
Người tiếp nối tận tâm
Ngày chúng tôi đến gặp cũng vừa tròn tháng cha về Tân Phú đảm nhận vai trò chánh xứ. Trước đó, ngài là chánh xứ Thiên Ân, một xứ đạo non trẻ có nhiều di dân, khác với Tân Phú là xứ đạo toàn tòng, có bề dày lâu năm. Cha chia sẻ vì từng có thời gian phụ tá ở Tân Phú nên không bị bỡ ngỡ nhiều, và đây cũng là một điều thuận lợi trong cương vị mới.
Thiên Ân vốn được biết đến là nơi có nhiều truyền thống tương trợ với tấm lòng của những vị mục tử như cha G.B Maria Đoàn Vĩnh Phúc, đã mang tinh thần Lời Chúa sống với sự sẻ chia đến cộng đoàn. Ngày còn phục vụ ở xứ này, cha Hoàng vẫn thường bận rộn với các hoạt động bác ái xã hội của giáo xứ như trường tình thương, dạy chữ cho hơn trăm em có hoàn cảnh khó khăn, sống lang thang. Mỗi tháng, Thiên Ân đều hỗ trợ gạo trưa thứ tư hằng tuần, cha cùng Caritas xứ nhà tặng cơm từ thiện cho những gia đình, cá nhân có hoàn cảnh khó khăn. Giáo xứ cũng đặt vòi nước miễn phí để người dân trong khu vực lấy về sử dụng. Cha còn bận rộn cùng những chuyến đi ủy lạo miền xa, quà tết cho người nghèo…
Dấn thân vào nhiều công việc bác ái xã hội, không ngại khó… cũng là một lựa chọn cha Hoàng đã định cho mình từ khi còn là thanh niên. Tham gia sốt sắng nhiều việc nhà đạo, lúc nhỏ là lễ sinh, lớn hơn trở thành giáo lý viên, rồi đến một ngày, vì quá cảm mến vị linh mục già đức độ mà cha tìm hiểu ơn gọi. Khi cha cố Giuse Nguyễn Thiện Toàn mở lớp tình thương và dạy nghề, cha cũng xin nguyện góp sức và đã được tin tưởng giao quản lý tổ chức các lớp. Cha còn trực tiếp đứng lớp cho đến lúc vào chủng viện. Trong tâm tình khiêm hạ, cha bồi hồi kể về những mục tử đã nêu gương sáng cho mình: “May mắn trong đời tu chính là gặp được những mục tử quá tuyệt vời : bắt đầu tìm hiểu ơn gọi, tôi chứng kiến cả cuộc đời quên mình đi để phục vụ của cha Giuse Nguyễn Thiện Toàn, cha sở xứ nhà; rồi tấm lòng thao thức và hành động vì đàn chiên của cha G.B Maria Đoàn Vĩnh Phúc, kế nữa là cha Giuse Lê Đình Quế Minh khi là phụ tá cho các ngài. Các cha cố là nguồn cảm hứng mạnh mẽ!”.
Mười ba năm linh mục, chính bởi luôn khắc ghi những điều tốt đẹp đã thấy, đã cảm để bước đi thật vững trên con đường đã chọn nên cha đặt ra cho mình một quy tắc là “làm việc không kể giờ giấc”. Cha lý giải: “Vì người nghèo không bao giờ có giờ giấc. Khi quá bận mưu sinh, bất cứ phút giây nào họ đến được với nhà thờ, cần tới mình thì phải trân trọng và đừng để họ ra về mà không được việc…”.
Minh Hải