Tin Mừng hôm nay được Giáo Hội đặt sau Chúa Nhật thứ ba Mùa Vọng, còn gọi là Chúa Nhật Hồng, Chúa Nhật của niềm hy vọng, càng thôi thúc người tín hữu ý thức và xác tín hơn về niềm hy vọng vào Đức Giêsu. Ngài chính là Tin Mừng và cũng là niềm hy vọng duy nhất về một trời mới đất mới. Ở nơi đó, con người sẽ được tận hưởng hạnh phúc viên mãn, và sự chết, khổ đau sẽ không thể làm hại được họ (x. Kh 21,4).
Ta suy niệm phương cách Gioan Tẩy Giả giúp các môn đệ của ông nhận ra Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế. Từ đó, chúng ta có kinh nghiệm để hiểu biết về Chúa và giới thiệu Chúa cho mọi người.
Hai môn đệ của Gioan đến phỏng vấn Chúa Giêsu theo lời Gioan chỉ dạy: “Thưa Thầy, Thầy có phải là Đấng phải đến, hay chúng tôi còn đợi ai khác?”. Đấng phải đến ấy, theo niềm tin của người Dothái, chính là Đấng Cứu Thế, Đấng họ hằng mong đợi theo ngôn sứ Malakia tiên báo: “Hãy dọn đường Chúa” (Ml 3,1 ).
Khi sai các môn đệ đi như thế, hẳn Gioan không phải là người không biết vai trò, sứ vụ của Đức Giêsu, bởi vì khi ngài còn được tự do, chưa phải tù đầy, chính ngài nhận ra Đức Giêsu ngay từ khi còn trong lòng mẹ, vì thế, ngài đã nhảy mừng khi Đức Maria đến thăm mẹ của mình là bà Elisabét; Gioan cũng thấy Chúa Thánh Thần ngự xuống đậu trên vai Đức Giêsu và có tiếng Chúa Cha xác nhận Đức Giêsu khi Ngài chịu phép rửa; rồi cũng chính ngài đã loan báo về Đấng đến sau mình, nhưng uy quyền và chức vụ của Đấng ấy rất đỗi cao sang, khiến ông không đáng cởi giây dày cho Ngài; cuối cùng, Gioan tuyên bố: “Đây là chiên Thiên Chúa”.
Gioan Tẩy Giả được sai đến để làm Tiền Hô cho Đức Kitô. Ông đã nhận ra Ngài bên giòng sông Giođan, đã giới thiệu cho dân chúng rằng Ngài là“Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá bỏ tội trần gian” (Ga 1,29). Thế nhưng, giờ đây Gioan đang ngồi tù, niềm tin của các môn đệ ông hẳn đang lung lay. Bởi thế, ông đã sai hai môn đệ đến hỏi Chúa Giêsu: “Thầy có thật là Đấng phải đến không,hay chúng tôi còn phải đợi ai khác?”
Một thắc mắc cần thiết nói lên tâm tư của Gioan và niềm mong mỏi của các môn đệ ông và bao người đương thời, để hiểu rõ hơn, chắc chắn hơn về Đức Ki-tô và sứ mạng cứu thế của Ngài. Đáp lại, Chúa Giêsu không trả lời họ rằng có hay không. Chúa mời gọi họ trở về thuật lại việc Ngài chữa lành nhiều bệnh hoạn tật nguyền mà họ đã mắt thấy tai nghe, để chứng thực rằng đó là những hành vi cứu độ của Đấng Cứu Thế mà ngôn sứ Isaia đã tiên báo, nay đang được hiện thực nơi Ngài.
Chúa Giêsu không trả lời bằng lời nói, nhưng Ngài chứng minh bằng những phép lạ Ngài làm, vì người Dothái tin rằng: Khi Đấng Cứu Thế đến, Ngài sẽ thực hiện nhiều phép lạ, như lời ngôn sứ Isaia đã nói: “Người mù được thấy, người điếc được nghe, người chết được sống lại, người nghèo khó được nghe giảng Tin Mừng” (Is 26, 17 – 19).
“Thần Khí Chúa ngự trên tôi, xức dầu tấn phong tôi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo hèn” (Is 61,1). Chúa Giêsu đã làm tất cả để ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia đã nói về Đấng Cứu Thế. Rồi Chúa Giêsu bảo các môn đệ của Gioan: “Hãy về thuật lại cho Gioan những điều mắt các ngươi đã thấy, tai các ngươi đã nghe”.
Chúa Giêsu đến không làm những chuyện kinh thiên động địa, không gây những tiếng tăm vang lừng. Ngài sống bình thường như mọi người. Ngài chỉ biết xả thân vì anh em nhất là những người đau khổ: mù, què, nghèo, khổ. Chúng ta thường chỉ có hình ảnh về Thiên Chúa là một đấng quyền uy cao vời, mà chúng ta quên mất nét đậm của Thiên Chúa là một người Cha yêu thương vô cùng. Vì yêu nên mới sống giữa chúng ta, vì yêu nên mới đến làm dịu bớt nỗi khổ và chữa lành bệnh tật của chúng ta. Ôi! Một hình ảnh về Thiên Chúa tuyệt đẹp. Thiên Chúa tình yêu!
Chúa đến không phải để dùng quyền uy Con Thiên Chúa, tiêu diệt cái ác, mà chính là dùng quyền năng Thiên Chúa để bày tỏ Lòng Thương xót của Chúa Cha, nhằm hoán cải con người bằng tình yêu và sự tha thứ, bằng sự chữa lành thân xác cũng như tâm linh. Con đã nhớ lại Lời Chúa trong sách (Is 55, 8): ”Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi và đường lối của Ta cũng không phải là đường lối của các ngươi”
Qua đó, chắc chắn các môn đệ của Gioan đã nhận ra Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế. Như thế Gioan không chỉ rao giảng Tin Mừng bằng lời nói: “Hãy dọn đường Chúa cho ngay, hãy chịu phép rửa tỏ lòng sám hối vì ơn cứu độ đã đến gần”. Gioan còn đem Tin Mừng đến cho các môn đệ của ông bằng cách giúp họ đến gặp Chúa Giêsu, để họ tận mắt thấy việc Chúa Giêsu làm, chính tai họ nghe lời Chúa Giêsu nói, và chính họ nhận thật Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế.
Chúa Giêsu chính là niềm hy vọng của nhân loại. Trong thắc mắc của Gioan Tẩy Giả, chúng ta đọc thấy nhân loại khát khao Đấng Cứu Thế: Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay chúng tôi còn mong đợi ai khác? (Lc 7,19). Chúa Giêsu chính là Đấng muôn dân mong đợi. Chúa Giêsu chính là Tin Mừng cho người nghèo, là ánh sáng chiếu rọi cho kẻ bị bóng tối tử thần giam giữ (x. Mt 4,16), là sự sống cho những ai đã chết, và là thần dược chữa lành mọi thứ bệnh tật (x. Lc 7,22).
Như Gioan Tẩy Giả trong Tin Mừng hôm nay, chúng ta phải làm gì để thi hành ơn gọi truyền giáo của mình? Bằng lời rao giảng chăng? Chưa đủ, bằng đời sống đạo, đời sống bác ái chăng? Hơn thế nữa, chúng ta cần giúp mọi người tiếp cận với Chúa Giêsu qua Tin Mừng của Ngài, họ sẽ hiểu Chúa Giêsu là Đấng quyền năng, giàu lòng thương xót qua những phép lạ Ngài làm, qua việc Ngài nhân từ tha thứ cho người tội lỗi đã được ghi lại trong Tin Mừng, giúp mọi người biết Ngài là Đấng cứu độ qua cuộc tử nạn của Ngài. Ngài đem lại sự sống và hạnh phúc đời đời cho những ai tin nhận Ngài. Từ đó nẩy sinh đức tin trong mọi người và dẫn đưa họ đến làm môn đệ Đức Kitô và được ơn cứu độ.
Trang Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta hãy đi vào mối tương quan thân tình với Chúa bằng việc trực tiếp để cho Lời Chúa hướng dẫn cuộc đời chúng ta. Cần có tấm lòng yêu thương, bác ái, liên đới và quảng đại như Chúa. Noi gương Gioan Tẩy Giả, ta cũng sẵn sàng lui vào hậu trường để Chúa Giêsu được lớn lên và can đảm giới thiệu các môn sinh của mình đến và gặp Chúa Giêsu để họ đi theo và thi hành sứ vụ của Ngài.
Huệ Minh