Trong lịch sử cứu độ, thánh Gioan Baotixita được xem là nhân vật lớn cuối cùng của thời Cựu Ước và là nhân vật đầu tiên của Tân Ước. Ông là nhịp cầu nối giữa Giao ước cũ với Giao ước mới, ông có sứ mệnh rất quan trọng là giới thiệu Đức Giêsu cho dân chúng.
Lần thứ nhất, lúc còn là một bào thai trong lòng mẹ là bà Êlisabét, thế nhưng Gioanđã biết nhảy mừng khi Đức Maria đến viếng thăm. Cử động của thai nhi khiến bà Êlisabét nhận ra sự viếng thăm của Thiên Chúa, bà kêu lớn tiếng và nói với Đức Maria: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng” (Lc 1, 42-44).
Lần thứ hai, Gioan xuất hiện giảng dạy bên bờ sông Giođan kêu gọi mọi người sám hối và chịu phép rửa, ông chuẩn bị lòng dân đón chờ Đấng Cứu độ. Ngày hôm sau, khi Đức Giêsu vừa xuất hiện, ông liền long trọng giới thiệu: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian. Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi vì có trước tôi”.
Gio-an Tẩy Giả đã giới thiệu Chúa Giê-su là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội cho trần gian. Sở dĩ Chúa Giê-su được nhiều người đương thời tin nhận cũng là nhờ lời chứng mạnh mẽ đó của ông. Lời chứng của Gio-an nhắc nhở ta hôm nay nhớ đến sứ vụ loan báo Tin Mừng của mọi tín hữu. Thực vậy, khi lãnh bí tích thánh tẩy, chúng ta trở nên người môn đệ-nhà truyền giáo được Chúa chọn, sai đi dọn đường cho Chúa đến với anh chị em. Chúa muốn mượn miệng lưỡi, đôi tay, đôi chân, con tim và khối óc của ta để có thể giới thiệu, diễn tả long Chúa yêu thương cứu độ cho những con ngươi thời đại hôm nay. Để là dụng cụ đắc lực ấy của Chúa, ta đừng bao giờ tự mãn cho rằng mình đã sống đạo lâu năm, biết rõ về Chúa, giáo lý về Ngài. Trái lại, cần phải siêng năng tìm hiểu, học biết giáo lý và Lời Chúa, để có thể hiểu đúng về Chúa, rồi diễn đạt niềm tin bằng một đời sống chứng tá tốt đẹp như ông Gio-an đã làm.
Trong lịch sử Do thái, con chiên vượt qua là hình bóng Đấng cứu thế như ngôn sứ Isaia đã loan báo: “…chính các bệnh tật của chúng tôi, Ngài đã vác. Ngài đã bị đâm vì những phản nghịch của chúng tôi. Vì tội vạ của chúng tôi, Ngài đã bị nghiền nát…Ngài đã chịu đựng, không mở miệng, như con chiên dẫn đến lò sát sinh…Thiên Chúa đã ái mộ Ngài, đã phục sinh Đấng đã làm lễ hy sinh tạ tội. Ngài đã được trường sinh bất tử” (Is 53, 4-5.7).
Tác giả sách Lêvi diễn tả rất chi tiết về cảnh sát tế chiên trong đền thờ Giêrusalem trong dịp lễ Vượt qua như sau: “con chiên trong sạch được dẫn tới bàn thờ, mọi người giơ cao tay đổ hết mọi tội mình lên đầu con chiên, rồi nhổ lông, xé thịt nó. Nó không mở miệng kêu một tiếng. Người ta thiêu sinh nó làm lễ dâng lên Thiên Chúa, xin Thiên Chúa xoá tội cho dân mình” (Lv 1,4).
Theo lời chứng của ông Gioan, Chiên Thiên Chúa là Đấng đầy Thần Khí, được Thiên Chúa tuyển chọn để thực hiện một sứ mạng cao cả, đến để gánh lấy mọi tội lỗi của trần gianvà ban ơn Cứu Độ cho muôn loài. Chiên Thiên Chúa không là một danh hiệu nhưng là một sứ mạng. Đó là Con Chiên hiền lành vô tì tích để cho người ta dẫn đi đánh đòn và chịu sát tế trong lễ Vượt Qua. Đó là vị tôi trung khiêm tốn cúi mình xuống phục vụ con người. Là Con Chiên vô tội, nhưng Chúa Giêsu đã hòa mình vào đám tội nhân. Con Chiên không đi tìm quyền bính hay sự giàu sang nhưng chịu hủy mình ra không để trở thành tất cả cho mọi người.
Gioan Tẩy Giả đã được thụ thai và sinh ra trước Đức Giêsu. Nhưng phải vượt qua những vẻ bề ngoài, những sự hiển nhiên duy lý. Đức Giêsu đến từ nơi khác. Nếu Người có thể “cứu chúng ta một cách triệt để, bởi vì Người hơn một con người. Lấy lại sự suy niệm của lời tựa, Gioan nói lại với chúng ta sự có trước của Ngôi Lời. “Nhờ Người, vạn vật được tạo thành”, được Chúa Cha sinh ra từ thuở đời đời. Đức Giêsu thực hiện lại hành động Sáng Thế. Vũ trụ, bị tội lỗi làm hư hỏng, bị bao lực làm tổn thương, bị sự không có tình yêu làm cho nhiễm độc; sẽ được “tái tạo” toàn bộ, từ đầu đến cuối: Đó là “tuần lễ đầu tiên” của sự canh tân. “Tôi đã không biết Người” Gioan Tẩy Giả nói. Tuy nhiên đó là em họ của ông. Chúng ta không biết Đức Giêsu chừng nào chúng ta vẫn còn ở lại trên bình diện con người.
Thánh Gioan làm chứng cho Chúa Kitô và muốn cho mọi người đến với Chúa: “Tôi đến làm phép rửa để mạc khải Người cho dân Israel”. Sứ mạng của người làm chứng có mục đích hướng dẫn người ta đến gặp Chúa, và khi người nghe đã gặp được Chúa rồi thì người làm chứng phải rút đi, vai trò của mình đã xong, hãy để cho Chúa Kitô trực tiếp hướng dẫn các linh hồn trên con đường mà Ngài muốn. Người làm chứng biết là Chúa Kitô trọng tự do lương tâm của người nghe. Hai người môn đệ của Gioan đã theo Chúa và ở lại với Chúa, họ đã quên đi Gioan để rồi đến phiên họ, họ cũng làm chứng cho Chúa: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian”.
Đức Giêsu được tuyên xưng là Chiên Thiên Chúa. Chiên là loài thú vật quen thuộc đối với dân chúng ở bờ sông Giođan. Chiên cũng nhắc nhớ đến bữa ăn trước cuộc Xuất hành ra khỏi ách nô lệ Ai Cập. Chiên do đó là dấu chỉ sự cứu độ và việc lớn lao Thiên Chúa đã làm cho dân Do Thái. Đấng Cứu thế được loan báo trong lời tiên tri như là con chiên. Vì thế dân chúng hiểu ngay ý nghĩa lời tuyên xưng của Gioan Tẩy Giả: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian”. Chúa Giêsu chính là Chiên Thiên Chúa, Người gánh tội của nhân loại và mang lên thập giá, Người đã hiến mình để cứu độ trần gian, giải thoát con người ra khỏi vòng nô lệ tội lỗi. Tình yêu của Người là sức mạnh giải thoát con người và giúp con người có khả năng sống xứng đáng là người.
Gioan tỏ cho thấy Chúa Giêsu vừa là người Đầy Tớ Đau Khổ, im lặng, để người ta dẫn tới lò sát sinh gánh tội lỗi của nhiều người, vừa là chiên con của lễ Vượt Qua, biểu tượng của sự cứu chuộc của Israel… Tất cả cuộc đời của Chúa Kitô nói lên sứ mạng của Ngài: “Phục vụ và thí mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”.
Ta vẫn tuyên xưng niềm tin vào Đấng là Chiên Thiên Chúa “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian, phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa”. Với tất cả lòng biết ơn Thiên Chúa về những gì đã lãnh nhận, chúng ta hãy thể hiện niềm tin ấy bằng đời sống bác ái yêu thương, bằng thái độ phục vụ quảng đại khiêm tốn.
Khi nhận ra những ân huệ cao quý của Thiên Chúa, chúng ta cũng được mời gọi chia sẻ cho tha nhân. Bởi lẽ chúng ta đã lãnh nhận nhưng không thì hãy cho nhưng không. Chia sẻ không làm cho chúng ta nghèo đi nhưng là trở nên giàu có trong ân sủng và tình yêu.Thánh Gioan đã dành cả cuộc đời để giới thiệu và làm chứng cho Đấng là Chiên Thiên Chúa, chúng ta cũng được mời gọi can đảm đón nhận tất cả những khó khăn hy sinh vất vả vì danh Chúa Giêsu. Chúng ta hãy ý thức thân phận yếu đuối tội lỗi của mình mà vững lòng trông cậy vào ơn Chúa.
Thánh Gioan Tẩy Giả đã giới thiệu với chúng ta hai tước hiệu tóm gọn với tước hiệu Nhập Thể: “Chúa Giêsu vừa là Chiên Thiên Chúa gánh tội trần gian vừa là Con Thiên Chúa”. Chúa Giêsu, Người là Ðấng Cứu Thế bởi vì Ngài vừa là Con Người, vừa là Thiên Chúa. Ðó là mầu nhiệm trọng đại mà chúng ta được mời gọi để chiêm ngắm trong suốt Mùa Giáng Sinh này. Thiên Chúa đã trở thành một con người, Thiên Chúa đã sống trọn vẹn kiếp sống của con người, Thiên Chúa đã từng cảm nghiệm được những niềm vui nỗi khổ của con người và cuối cùng Ngài đã chết như một con người.
Ðó là tất cả những gì chúng ta có thể nói khi suy niệm về mầu nhiệm Nhập Thể. Mầu nhiệm Nhập Thể một cách nào đó cũng được hiểu qua cuộc sống của người tín hữu. Thánh Phaolô đã diễn tả tuyệt hảo chân lý đó khi Ngài nói: “Tôi sống nhưng không phải là tôi sống mà là chính Chúa Kitô sống trong tôi”.
Xin Chúa cho ta biết trân trọng những gì đã lãnh nhận và sinh hoa trái dồi dào hầu chúng con thừa hưởng Ơn Cứu Độ là hạnh phúc Nước Trời.
Huệ Minh