Gió từ đâu đến?

nhatkytruyengiao - Gió từ đâu đến?

Sáng nay mình ra Cà Mau để mở hộp thư. Thấy thư của Phượng. Phượng viết : “Vợ chồng chúng con có tâm huyết xây tặng người nghèo một ngôi trường, trường cấp một hoặc cấp hai cũng được. Xin cha lên phương án giùm chúng con…” Đọc xong lá thư, mình xếp lại, bỏ vào túi áo ngực, sát kề con tim đang đập rộn ràng, nhảy phóc lên xe Honda ôm, đi thẳng về Cái Rắn.

Trời mưa tầm tã. Sình văng lên làm ướt nhẹp và đỏ lòm hai ống quần. Sình đỏ văng lên tới lưng. Kệ, miễn là giữ được cái đầu. Mình rúc đầu vào trong áo mưa của anh lái xe. Áo mưa bay phần phật. Mình gí mũi vào lưng của anh, để tìm sự an toàn tuyệt đối. Ở đấy không có giọt mưa nào lọt tới. Nhưng ở đấy nồng nặc mùi hôi nách… Đúng là tránh vỏ dưa, đạp vỏ dừa. Và… trong tình huống ấy, mình xin ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần.

Vừa về tới cầu Cái Rắn, mình lết ngay vào văn phòng Ủy Ban Xã. Hành lang Ủy Ban ướt nhẹp, trơn trượt. Ông Chủ tịch đang ngồt co ro trong văn phòng ẩm mốc. Mình ngoắt tay.

– Anh Ba ơi, ra ngoài này tôi nói cho nghe…Tôi không dám vô đâu. Anh coi tôi nè…

– Linh mục đi đâu về mà dơ dữ vậy ?

– Tôi ở Cà Mau về. Có một ân nhân muốn cho xã mình một ngôi trường. Anh lấy không ? Nếu không, thì mai tôi xuống huyện để cho xã khác.

– Tôi vừa dưới huyện về được ba phút. Năm nay xã lập thêm một Ban Giám Hiệu nữa. Xin Phòng ngân khoản, thì Phòng từ chối. Nếu linh mục cho, thì mình xây ở ngay đập ông Tân.

– Như vậy là anh chịu rồi phải không ? Ngày mai tôi đến coi địa điểm và cho tiến hành ngay để kịp ngày khai giảng… Mà này, thủ tục đơn giản nghen. Không cần thiết kế, vì thợ của tôi thuộc lòng rồi. Khỏi đóng thuế xây dựng nghen. Mình ở vùng sâu vùng xa mà. Tiết kiệm được đồng nào hay đồng nấy. Thôi, tôi về nghen.

Thế là mình bắt đầu một công việc bất ngờ do Chúa Thánh Thần trực tiếp nhúng tay vào. Ngài lôi mình đi bê bê như thầy trợ tế Philíp thời Công vụ Tông đồ. Ngôi trường được xây vào thời điểm này và vào địa điểm ấy là tuyệt vời ! Cái tuyệt vời này phải ghi sâu trong ký ức và thưởng thức một mình mà thôi…

Cái Rắn, ngày 8-12-1998

Hôm nay có một lá thư lạ. Lá thư đầu tiên mình nhận được từ tỉnh Vĩnh Phúc. Tác giả là một cô gái dân tộc Tày. Tác giả viết :

”Chắc cha bỡ ngỡ lắm, vì tại sao con biết cha và viết thư cho cha… Có một đoàn du lịch đến thăm quê con ở Yên Bái. Theo cách xưng hô của họ, con đoán họ là người công giáo mình. Họ đến thăm một gia đình bên cạnh nhà con. Khi họ về thì bỏ quên mấy số báo Công Giáo và Dân tộc, và cuốn Nhật Ký Truyền Giáo của cha. Đọc NKTG của Cha, con thích quá, con lần mò đi tìm địa chỉ của cha… Con có một người bạn có đạo mà không bao giờ đi lễ. Bạn con bảo : đi lễ thì được cái gì ? Xin cha giúp con phải đối xử thế nào với bạn ấy ? Con có nên chơi với bạn ấy không ?…”

Mình trả lời ngay lập tức. Bỗng dưng mình vớ được một người bạn truyền giáo từ một địa bàn xa tắp tít. Cô gái dân tộc Tày ơi, hãy làm chứng nhân cho Tin Mừng ở đấy nhé ! Thánh Thần là nhân tố chính yếu trong mọi sinh hoạt truyền giáo. Hãy cầu nguyện với Người !

Cái Rắn, ngày 30-1-1999

Hôm nay mình nhận được một phong thư dày cộm. Thư viết từ Houston, Texas, USA. Thư của Nguyễn Thị… Đọc xong lá thư, mình đứng ngẩn ngơ…

Cách đây gần một phần tư thế kỷ, mình đã bị đàn ông chửi thậm tệ, chửi từ ngày này qua ngày khác. Hôm nay đến lượt đàn bà chửi. Phải được đàn bà chửi, mới cảm nghiệm được hết ý nghĩa của động từ chửi.

Mình bị chửi là ngu : “ông ngu quá” . Ừ, thì mình vẫn ngu từ thuở nào đến bây giờ và sẽ còn ngu mãi cho đến chết. Bà Nguyễn Thị… nói rất đúng. Đó là một lời nhắc nhở cần thiết. Mình muốn gởi đến Houston một lời cám ơn vang vọng.

Bà Nguyễn Thị… chửi tiếp : “Ông đừng hòng tôi lạy lục ông… Tôi không được ăn học để chửi cho ông biết” . Vâng, thưa bà Nguyễn Thị…, ở trên đời này không ai có quyền bắt ai lạy mình. Tất cả đều là anh em. Đó là giáo huấn của Đức Giêsu, Thầy của chúng ta. Tôi lại cám ơn bà một lần nữa.

Lá thư của bà Nguyễn Thị … được cất kỹ làm kỷ niệm… Những câu chửi thậm tệ được ghi khắc trong lòng để suy gẫm. Sau bão Linda, giáo xứ của mình đón nhận nhiều sinh hoạt mới, nằm trong chiến lược truyền giáo của Chúa Thánh Thần. Mình hy vọng sau trận bị chửi này, mình cũng sẽ lượm hái được nhiều bông hoa vừa đẹp vừa lạ.

Cất kỹ lá thư của bà Nguyễn Thị…, mình bóc lá thư của Emilie Sitzia, người bạn không hề quen biết. Lá thư của bà Nguyễn Thị… chua chát chừng nào, thì lá thư của Emilie ngọt ngào chừng nấy. Emilie viết :

“Je m’appelle Emilie. J’ai 20 ans. Je suis actuellement étudiante en littérature à Paris et je m’occupe d’Antoine lorsqư il sort de l’école.

J’ai depuis des années une fascination pour votre pays aux paysages et au patrimoine culturel immensément riche. Ma rencontre avec Françoise Roux et Antoine a nourri ma curiosité et mon attachement toujours grandissant pour le Vietnam…”

( Tôi là Emilie, 20 tuổi, hiện là sinh viên văn khoa ở Paris. Tôi giữ bé Antoine mỗi khi em rời nhà trường.

Đã từ nhiều năm, tôi say mê đất nước của cha. Quê hương của cha có phong cảnh và một kho tàng văn hóa phong phú vô cùng. Từ ngày tôi gặp bà Françoise Roux và bé Antoine tôi càng tò mò muốn tìm hiểu và muốn gắn bó hơn với Việt Nam )

Một cô sinh viên người Pháp mê Việt Nam như điếu đổ và quyết tâm qua Việt Nam thăm Hà Nội, Huế, Sài Gòn và Cái Rắn. Phong cảnh VN đẹp quá ! Văn hóa VN phong phú quá ! Yêu Hà Nội, Huế và Sài Gòn thì mình không thắc mắc. Nhưng yêu Cái Rắn thì phải hỏi : tại sao ?

Câu chuyện này bắt đầu từ năm năm về trước :

Bà Françoise Roux qua Việt Nam xin con nuôi. Bà xin được bé Lộc mang tên tây là Antoine. Bà tâm sự với mình : ”Antoine là niềm vui tuyệt vời cho tôi và mẹ tôi”. Bà nhờ mình tìm nguồn gốc sinh học của Antoine. Nguồn gốc ấy ở ngay ấp Cái Rắn A. Thế là bà thương luôn Cái Rắn. Bà vận động cho Cái Rắn 10 học bổng, mỗi học bổng 1.000.000 đồng / 1 năm. Bà mướn cô sinh viên Emilie chăm sóc Antoine sau giờ tan học. Emilie đã yêu Việt Nam, nay lại yêu Việt Nam hơn nữa…

Những sự kiện tình cờ trên đi tìm nhau, móc nối với nhau thành một chuỗi sự kiện liền lạc, y như có một bàn tay vô hình đang âm thầm ráp nối linh kiện theo một thiết kế có từ muôn thuở.

Lá thư của Emilie làm mình liên tưởng đến thánh Phêrô ở Gióppê. Phêrô cầu nguyện trên sân thượng của ông Simon. Phêrô nhận thị kiến. Phêrô đến giảng cho gia đình ông Cornêliô ở Xêdarê. Ông bỡ ngỡ vì Thánh Thần đáp xuống trên dân ngoại. Ông về Giêrusalem, bị đồng đạo xì nẹc về tội vô nhà người ngoại. Ông thanh minh, ông giải thích… làm mọi người sửng sốt về ơn Chúa ban cho dân ngoại. Cuối cùng ông lột xác bảo thủ để đứng hẳn về phía Phaolô đấu tranh cho người ngoại trở lại đạo, khỏi cắt bì và khỏi giữ luật Môsê. Đây là sự cố đổi mới có tầm mức chiến lược. Phêrô đóng vai chính trong mọi mắt xích sự cố mà chính ông thì như người đi trong mơ. (Cv 10,34-48; 11,1-18; 15,1-21)

Lm. Piô Ngô Phúc Hậu

Nhật Ký Truyền Giáo

Exit mobile version