Giêsu Kitô: Vua Vũ Trụ

Chúa Giêsu đã chứng tỏ tình yêu của mình bằng cái chết trên thập giá. Ngài đáng làm vua nêu gương cho chúng ta sống theo Ngài. Tin Mừng (Lc 23,35-43) ghi lại cảnh Chúa Giêsu chịu treo trên thập giá làm căn bản cho những suy niệm cho chúng ta trong ngày lễ Chúa Giêsu Kitô Vua.

Trang Tin Mừng trong lễ Chúa Giêsu Vua vũ trụ lại đưa ta về với Chúa Giêsu trên thập giá. Chẳng lúc nào Chúa làm vua rõ bằng lúc này. “Đây là vua người Do thái”, tấm bảng ghi như thế. Nhưng kiểu làm vua của Ngài thật khác thường. Không có vương miện, chỉ có vòng gai. Không có cẩm bào, chỉ có trần trụi nhơ nhuốc. Không có câu tán tụng, chỉ có lời nhạo báng khinh chê.

Bằng cái chết tủi hổ trên thập giá, Ngài đã trở nên một vị mục tử nhân lành, hiến mạng sống cho đoàn chiên của mình. Ngài đã khai mạc vương quốc mới của tình yêu, một tình yêu tự hiến: Không ai yêu hơn người hiến mạng sống mình vì bạn hữu.

Thiên Chúa đã dùng hành động bêu xấu của quan Philatô khi quan này cho khắc ghi trên thập giá Chúa dòng chữ: “Đây là Vua dân Do Thái”. Thiên Chúa đã muốn dùng hành động bêu xấu này như muốn nhắc nhở con người, để mạc khải cho con người một sự thật không thể chối bỏ được rằng: Chúa Giêsu Kitô là Vua. Ngài trổi vượt lên trên mọi người không những vì Ngài là Con Thiên Chúa làm người, mà vì Ngài đã thực hiện một hành động cao cả tuyệt vời: hy sinh mạng sống mình vì yêu thương con người để cứu rỗi con người.

Chúa Giêsu Kitô là Vua không những vì Ngài đã sinh ra làm người, thuộc dòng dõi vua Đavid, mà hơn nữa vì Ngài là Con Thiên Chúa, mọi sự nhờ Ngài mà được hiện hữu sinh động. Nhưng trớ trêu thay, Chúa Giêsu Kitô không thiết lập vương quốc của Ngài như một vương quốc phàm trần và bằng những phương tiện phàm trần như chiến tranh, chiếm đoạt bằng sức mạnh bạo lực. Không, nước Thiên Chúa được Chúa Giêsu thiết lập một cách kỳ diệu bằng một hành động hy sinh cao cả trên thập giá, tột đỉnh của cuộc đời của Chúa trên trần gian để chứng tỏ tình yêu của Thiên Chúa đối với con người.

Bị treo trên thập giá, Đức Giêsu nghe những lời mời mọc, ngọt ngào và tinh vi như các cơn cám dỗ buổi đầu. “Nếu ông là Đức Kitô thì hãy cứu lấy mình”. “Hãy xuống khỏi thập giá” (Mt 27,40). Cứu lấy mình là điều Ngài chẳng hề nghĩ đến.

Chính vì Ngài thật là Con của Cha, nên Ngài không tự ý xuống khỏi thập giá như xưa Ngài đã từ chối nhảy xuống từ nóc Đền Thờ.

Chẳng có đau khổ nào lớn hơn khi chính người đồng cảnh ngộ cũng về hùa với bọn lý hình nhục mạ Chúa: “Ông không phải là Đấng Kitô sao? Hãy tự cứ mình đi, và cứu cả chúng tối với!” (Lc 23,39) Trước những thách thức ồn ào đó, Đức Giêsu vẫn im lặng. Dân chúng khi thì a dua (Lc 23,17-25), lúc lại bàng quang: “Dân chúng thì đứng nhìn.” (Lc 23,35) Thái độ bất động của dân chúng rất phức tạp. Nhưng chắc chắn không phải ai cũng như bọn binh lính hay người gian phi thiếu hiểu biết. Thật vậy, “dân chúng theo Người đông lắm.” (Lc 23,26)

Mặc dầu Chúa Giêsu là Thiên Chúa Ngôi Hai, nhưng Ngài đã “hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2, 7), do đó, “Ngài đã chịu thử thách (cám dỗ) về mọi phương diện cũng như ta…” (Dt 4, 15). Dựa vào đó, Sa-tan không ngừng cám dỗ Chúa Giêsu đi trệch đường của Thiên Chúa Cha với hy vọng phá vỡ kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa dành cho loài người.

Vua Giêsu bị đóng đinh và treo trên thập giá. Tột đỉnh của kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa được thể hiện trong giờ phút này. Khi quyền lực của tội lỗi tưởng như thắng thế qua cái chết đang đến gần Chúa Giêsu thì đó lại là lúc quyền năng của Thiên Chúa sắp sửa toàn thắng tội lỗi và đem lại hiệu quả ơn tha thứ cho toàn thể nhân loại.

Đức Giêsu chịu đóng đinh là để cho thấy rằng Người không phải là một Đức Vua Cứu thế sẽ đảm bảo cho họ có sự sung túc trần thế. Người đã không cứu chính mình khỏi chết, thì Người cũng không gìn giữ chúng ta khỏi bệnh tật và cái chết. Quyền lực của Người không nhắm đến đời sống thoải mái trần tục của chúng ta, nhưng nhắm đến đời sống của chúng ta với Thiên Chúa. Ai tìm sự hiệp thông với Thiên Chúa, và biết nhờ Đức Giêsu, Đức Giêsu sẽ cứu độ người ấy, cho dù người ấy đến với Người như một tên gian phi.

Chúa Giêsu xuống trần để làm chứng về tình yêu. Rao giảng, thi ân, tha thứ. Tình yêu lên đến cực điểm trong những giây phút cuối đời khi Người quỳ xuống rửa chân cho môn đệ, khi Người chữa lành tai cho kẻ đến bắt Người, khi Người tha thứ cho kẻ phản bội, và nhất là khi Người cầu xin Đức Chúa Cha tha thứ cho những kẻ giết Người. Thật là một tình yêu nguyên tuyền không hề vương chút hận thù. Một tình yêu bao la lan tới mọi góc biển chân trời. Một tình yêu cao cả đáp lại hận thù. Thánh giá diễn tả tình yêu Chúa Giêsu dành cho Đức Chúa Cha. Thánh giá diễn tả tình yêu Chúa Giêsu dành cho nhân loại. Thánh giá diễn tả tình yêu tha thứ Chúa Giêsu dành cho những kẻ thù ghét Người.

Cái chết trên thập giá là một cuộc chiến thắng. Chiến thắng của tâm tình hiếu thảo. Chiến thắng của sự tự do nội tâm. Chiến thắng của tình yêu. Chính trên cây thập giá, Chúa Giêsu đã lên ngôi vua. Chính khi hứa cho người trộm lành vào thiên đàng, Chúa Giêsu đã khai mạc vương quốc của Người.

Tình yêu trên thập giá biến đổi tâm hồn người gian phi cùng chịu đóng đinh với Chúa Giêsu. Nó giúp anh nhìn xa hơn về tương lai. Không phải chỉ là sự sống tạm ở đời này, như tên gian phi kia đã thách thức Chúa Giêsu: “Ông không phải là Đấng Kitô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!” Nhưng là sự sống đời đời. Anh khẩn cầu Chúa: “Khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!”

Tình yêu trên thập giá đã giúp người gian phi thống hối nhận biết Chúa Giêsu là ai và mình là ai. Anh đã nhìn nhận thân phận tội lỗi của mình, qua lời đối đáp tên gian phi kia: “Chúng ta chịu thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm!” Anh còn nhận ra được Chúa Giêsu là Đấng nào nữa. Ngài không chỉ là một người vô tội. Nhưng hơn thế nữa, Ngài còn là “ông Giêsu”. Đây là lần duy nhất trong sách Tin Mừng, Đức Giêsu được gọi đích danh, chứ không phải bằng các tước hiệu. Anh đã hiểu được nghĩa thực của thánh danh Người. “Giêsu” nghĩa là “Thiên Chúa cứu.” Người là Vua của Nước Thiên Chúa, là Đấng đến cứu vớt mọi kẻ tội lỗi.

Vương quốc Đức Kitô đã rộng mở chào đón tất cả mọi người. Chúng ta hãy mặc lấy tâm tình của người con hiếu thảo hoàn toàn vâng phục thánh ý Đức Chúa Cha, hãy sống tự do, dứt bỏ mọi ràng buộc của danh, lợi, thú, hãy mở rộng trái tim yêu thương. Như thế ta mới xứng đáng trở thành công dân trong Nước Chúa.

Huệ Minh

Exit mobile version