Giáo xứ Caphácnaum

nhatkytruyengiao - Giáo xứ Caphácnaum

Chủ đề tĩnh tâm Giáo phận năm nay là truyền giáo. Đức Giám mục hô hào đẩy mạnh phong trào truyền giáo. Phương pháp truyền giáo là phát triển Dân Sinh, Dân Trí và Dân Đạo….

Bất ngờ ngài nói với anh em một câu của một vị thừa sai nào đó:

“Linh mục Việt Nam chỉ có tài coi sóc họ đạo, chứ không biết gầy dựng họ đạo”.

Vì tự ái dân tộc, mình giơ tay và đứng bật lên như m­ột cái lò xo :

– Thưa Đức cha, không phải linh mục VN không biết gầy dựng họ đạo, nhưng vì chưa có “Bài sai”(Văn thư bổ nhiệm một linh mục do Đức Giám Mục ấn ký) của Đức cha.

Mình hung hăng chừng nào thì Đức Giám mục bình tĩnh chừng ấy. Với giọng trầm buồn, ngài thủng thẳng trả lời :

– Tôi biết đi truyền giáo thì thiếu thốn và cực khổ nhiều lắm, nên không nỡ tâm sai các cha đi. Cha nào tình nguyện thì tôi mới dám. Vậy cha nào tình nguyện thì giơ tay lên.

Mình đếm được sáu cánh tay giơ thật cao và thật thẳng : Hai cha già, hai cha sồn sồn, và hai cha trẻ. Đức Giám mục cười và khôi hài :

– Các cha đi truyền giáo thì bỏ họ đạo, bỏ chủng viện, bỏ trường học cho ai ?

Cả hội trường cười hì một cái. Thế là đánh trống bỏ dùi. Vấn đề truyền giáo chỉ được nêu lên như một sự gợi ý và thăm dò. Rồi đây, sau tuần tĩnh tâm, ai nấy lại trở về với họ đạo của mình và tiếp tục rao giảng Tin Mừng cho ng­ười đã nghe. Tuyệt nhiên không nghĩ gì, không làm gì cho người lương dân, những người chưa bao giờ được nghe Tin Mừng.

Viết đến đây, mình liên tưởng đến Đức Giêsu khi Ngài đến rao giảng tại Caphácnaum. Sau khi được nghe giảng và chứng kiến nhiều phép lạ, dân thành Caphácnaum nảy ra một sáng kiến

– Xin Thầy ở lại với chúng tôi, đừng đi đâu nữa.

Câu nói của họ hàm nhiều ý nghĩa :

1. Vì quá thương, họ muốn Chúa ở lại với họ. Họ không muốn Chúa lúc nào cũng đầm đìa mồ hôi, ăn không trọn bữa, ngủ không đầy giấc, do các chuyến đi liên tục. Họ muốn có một “ngôi nhà xứ” có đủ tiện nghi cho Chúa sử dụng. Họ sẽ kiếm cho Chúa một bà bếp nấu ăn thật giỏi, có thể đó là mẹ vợ của Simon.

2. Họ muốn gởi gắm sự nghiệp của mình vào sự nghiệp của Chúa. Caphácnaum sẽ là trung tâm rao giảng, trung tâm trị bệnh. Caphácnaum sẽ trở thành thủ đô của nước “Israel mới” . Sự nghiệp của Chúa sẽ gắn liền với sự nghiệp vẻ vang của Caphácnaum.

“Xin Thầy ở lại với chúng tôi, đừng đi đâu nữa !” . Ôi thương quá là thương ! Nghe mà nẫu cả ruột ! Đó là một chước cám dỗ, chước cám dỗ dễ thương vô cùng. Để đối phó, Chúa đã khẳng định :

– Ta còn phải loan báo Tin Mừng cho các thành khác nữa. Chính vì thế mà Ta được sai đến. Sau đó Chúa đã đi thật, và đi mãi.

Chúa ơi, Chúa đã giã từ Caphácnaum để đi loan báo Tin Mừng, còn chúng con thì đã chui vào đó để “Ngồi Họ” . Quả vậy, Giáo hội của Chúa có một truyền thống yêu thương giáo xứ. Con cái của Chúa quây quần bên nhau thành một xóm đạo. Bản thân con đã được sinh ra và lớn lên trong một xóm đạo như thế. Giáo xứ nơi con sinh trưởng có một ngôi thánh đường nguy nga. Nhà thờ có tháp cao. Sáng, trưa, chiều chuông từ trên tháp cao ấy đổ hồi vang tới tận xóm ngoại, và vọng lại từ những đồi cọ xa mịt mù.

Cha xứ của chúng con sống trong nhà xứ có lũy tre dày bao bọc xung quanh, có cổng gỗ lim đóng im ỉm, mà bọn nhí chúng con chẳng bao giờ dám bén mảng tới. Cha xứ của chúng con rất yêu thương giáo dân. Hằng năm, ngài chỉ vắng mặt đúng một tuần lễ để đi cấm phòng theo lệnh Đức Giám mục.

Ngài đã rửa tội cho hằng ba thế hệ trong giáo xứ. Ngài đã cho con xưng tội và rước lễ lần đầu. Ngài đã mời Đức Giám mục đến để chúng con được lãnh bí tích Thêm sức.

Hễ ai đau yếu mà mời ngài đến xức dầu, thì dù ngày hay đêm, ngài cũng xăng xái đi liền. Nếu có ai qua đời thì ngài đến tận nhà cử hành nghi lễ tẩm liệm, đến tận nhà để rước xác về nhà thờ làm lễ quy lăng, rồi ngài tiễn chân ra tới phần mộ và làm phép huyệt. Ngài chỉ ra về khi đã ném xuống đó một nắm đất như một cử chỉ tiễn biệt.

Tháng Năm nào ngài cũng tổ chức dâng hoa và kiệu hoa liên họ. Giáo xứ bập bùng ánh đèn.

Mùa Chay thì ngắm nguyện. Lễ Phục sinh và Lễ Các Thánh thì thi kinh bổn. Tiếng trống thi đánh thì thùng suốt ngày. Giáo xứ tưng bừng như đại hội.

Đến tháng hè, các thầy trường lý đoán, các chú trường Latinh về tổ chức kịch tuồng. Nào tuồng “Thánh Alêxù”, nào tuồng “Thánh Antôn ẩn tu”. Giáo xứ rộn lên niềm phấn khởi.

Cha xứ và giáo dân chúng con gắn bó với nhau khắng khít hơn cả xương sườn của Ađam gắn bó với da thịt của Eva, đến mức độ quyền phép của Đức Giám mục cũng không phân ly được. Bởi thế, khi con nứt mắt ra thì Cha xứ của con đã ở đó. Và bây giờ, khi con ngồi viết những dòng này thì ngài cũng vẫn còn ở đó, bình chân như vại.

Xóm đạo của chúng con chỉ cách xóm ngoại bằng một con đường đất nhỏ hẹp đến mức độ hai con trâu đi ngược chiều phải cọ sườn vào nhau. Vậy mà hai xóm có hai nền văn hóa khác nhau như hai dân tộc, như hai quốc gia :

– Bên kia có mái chùa cong cong. Bên này có ngọn tháp cao nghều nghệu.

– Bên kia có tiếng chuông chùa rỉ rả ngân nga. Bên này có tiếng chuông thánh đường binh boong dồn dập.

– Bên kia người ngoại gọi là “Huê Hồng”, thì bên này người đạo gọi là “Hoa Hồng” .

Làng tôi thờ bà Thiều Hoa, nên người ngoại tránh tên húy của bà mà đổi Hoa thành Huê. Người đạo thì không chia sẻ tục lệ ấy. Theo truyền tụng của làng tôi, bà Thiều Hoa là tướng của hai Bà Trưng. Sau khi hai bà tự vẫn tại Hát Giang, quân kháng chiến bị tan rã, bà Thiều Hoa về làng tôi sống ẩn dật bằng nghề may vá. Bà rất yêu trẻ em, nên bà lấy vải vụn cột thành trái bóng cho trẻ em chơi. Từ đó, làng tôi có môn đánh phết.

– Bên kia người ngoại gọi là con cua, thì bên này người đạo gọi là con căng-xe (Từ “cua” ở làng tôi có thêm một nghĩa tục, nên các Cố Tây bắt giáo dân gọi con cua là con căng-xe (Cancer trong tiếng Latinh).

– Nhí xóm đạo và nhí xóm ngoại lâu lâu lại tổ chức choảng nhau một lần.

Bởi vậy từ ngày có trí khôn cho tới bây giờ, con chưa thấy một người ngoại nào theo đạo của Chúa. Chẳng bao giờ con thấy cha xứ than phiền về điều đó. Đức Giám mục cũng chẳng bao giờ phiền trách ngài về điều đó.

Tin Mừng của Chúa đã vón cục lại trong giáo xứ. Giáo xứ là cái ghetto quản thúc Tin Mừng. Nó là cái pháo đài ngạo nghễ để biến chúng con thành những người tự cao tự đại trước mắt người lương dân.

Lạy Chúa, đến bao giờ chúng con mới nói được với giáo xứ lời này :

“Chúng tôi còn phải đi loan báo Tin Mừng tại các thành khác nữa. Chính vì thế mà chúng tôi đã được sai đến”.

Lm.Piô Ngô Phúc Hậu


Nhật Ký Truyền Giáo

Exit mobile version