Giáo hội Việt Nam Thời Cận Đại

CUỘC LỮ HÀNH ÐỨC TIN

LỊCH SỬ GIÁO HỘI CÔNG GIÁO

Chương 22: GIÁO HỘI VIỆT NAM THỜI CẬN ĐẠI
(1800-1933)

nhathoChinhToaBacNinh - Giáo hội Việt Nam Thời Cận Đại
Nhà thờ chính tòa Bắc Ninh



Phần I : GIÁO HỘI THỜI THƯỢNG CỒ

* Giáo hội thời Sứ Đồ

* Giáo hội thời tử đạo

* Đế quốc Roma tòng giáo

* Việc hình thành kinh Tin Kính

* Truyền thống : Các Giáo Phụ

Phần II : GIÁO HỘI THỜI TRUNG CỒ

* Âu Châu ki-tô hóa (tk 6-11)

* Bối cảnh phát sinh Chính Thống Giáo

* Những nền tảng Nước Kitô (tk 11-13)

* Ảo vọng quyền lực

* Hoa trái của lòng tin

* Nước Kitô thời khủng hoảng

Phần III : GIÁO HỘI THỜI PHỤC HƯNG

* Phục hưng và cải cách

* Cuộc canh tân Gíao hội (c.đồng Trentô)

* GH và cuộc khủng hoảng lương tâm Tk.18

* Phúc Âm hóa toàn thế giới (Tkỷ 15-18)

Phần IV : GIÁO HỘI THỜI HIỆN ĐẠI

* Từ Cách Mạng 1789 đến Vatican I

* GH giữa thế giới Tân Tiến (1870-1939)

* Sự trưởng thành các xứ truyền giáo Tk. 19

* Giáo Hội thời Vatican II (1939-1985)

Phần V : GIÁO HỘI VIỆT NAM

* GHVN thời sơ khai (tk 16-17)

* GHVN xây dựng và phát triển

* GHVN thời cận đại (1802-1933)

* Chân dung các thánh tử đạo Việt Nam

* Giáo hội Việt Nam hiện nay

* Lược sử Giáo hội Việt Nam

Trong danh sách 117 thánh Tử đạo Việt Nam, 111 vị đã làm chứng cho đức tin trong khoảng 1833-1862. Năm 1862 là thời điểm vua Tự Đức tuyên bố ngưng việc bách hại. Năm 1933 là thời điểm Việt Nam có giám mục tiên khởi, đức cha J.B. Nguyễn Bá Tòng.


I. GHVN LỚN LÊN TRONG THỬ THÁCH

1,1. Giáo hội dưới cái nhìn của Triều đình

(Xc. Kỷ yếu hội nghị khoa học xã hội, TP HCM, 1988 có tóm tắt các chiếu chỉ cấm đạo từ trang 150-157)

Dưới thời Gia Long (1802-20) tuy không có chiếu chỉ cấm đạo nhưng nhà vua nhận định về đạo năm 1804 như sau : “Đạo Giatô đặt ra thuyết thiên đường địa ngục khiến ngu phu ngu phụ chạy vạy như điên, tiêm nhiễm thành quen, mê mà không biết”. Vua hạ lệnh cấm tu bổ và xây dựng thánh đường.

Vua Minh Mạng (1820-40) chỉ thực sự cấm đạo từ 1833. Nhưng trong chiếu chỉ 1825, ông phê phán các giáo sĩ mê hoặc lòng dân và làm bại hoại phong tục. Các thừa sai ở miền Nam là Tabert Từ, Gagelin Kính, Odoricô Phương (Ofm) bị triệu về kinh đô dịch sách, đến 1828 mới được tự do nhờ sự can thiệp của Tổng trấn Lê Văn Duyệt (1832).

Chiếu chỉ 6-1-1833 viết “Dân ngu bị mê hoặc mà không biết… Chúng lập nhà riêng nhà giảng, tụ tập nhiều người cám dỗ dâm ô phụ nữ, lừa gạt lấy mắt người ốm… ai trót theo đạo muốn hối thì hãy từ bỏ đạo, bước qua cây thập tự (quá khóa) được miễn tội” (Đại Nam Thực Lục – ĐNTL XI, tr 235). Vua cũng ra lệnh triệt hạ các nhà thờ. Chiếu chỉ 1836, vua hạ lệnh khám các tàu bè : “Nếu là đạo trưởng Tây dương, chiếu theo luật trinh sát, ngoại quốc lén vào trong nước mà khép tội chém”… “Trấn thủ dung túng hoặc không nghiêm cấm cũng phải tội như phạm nhân” (ĐNTL XVII, tr 245)

Dân chúng khu vực miền Bắc, lòng vốn còn hướng về vua Lê, nên không tuân hành lệnh cấm đạo. Giữa năm 1837, linh mục Đặng Đình Viên bị bắt cùng một số thư gửi các thừa sai. Tổng đốc Trịnh Quang Khanh đem thư về triều đình. Ông bị khiển trách về tội dung túng và bị giáng cấp. Từ đó bão tố bách hại mới nổi lên ở Nam Định. Các thừa sai có tên trên thư bị bắt hết, chỉ sót lại danh Trùm Vọng (Giám mục Hermosilla Liêm, OP), khiến vua phải ra chỉ dụ 1839, treo giải thưởng 10.000 quan tiền cho ai bắt được (ĐNTL XX, tr.119).

Vua Thiệu Trị (1841-47) không chủ trương bắt giết. Ông muốn kiên nhẫn giáo dục tín hữu bỏ đạo tà, nhà vua khá nhân nhượng thả nhiều thừa sai bị bắt cho về nước, nhưng khi xảy ra cuộc thủy chiến với Pháp ở Đà Nẵng, vua ra hai chiếu chỉ cấm đạo (1847). Vua so sánh thuốc phiện và đạo Giatô là hai mối hại và lấy lại các biện pháp của Minh Mạng.

Riêng vua Tự Đức (1847-84) ra đến bảy chiếu chỉ cấm đạo. Ông vẫn nghĩ về đạo “móc mắt người chết để làm thứ thuốc mê hoặc dân chúng” (1848), ông sàng lọc các quan Công giáo (1855) : “Nếu nhận tội thì được tha, bằng không, sẽ bị cách chức xuống làm bạch đinh và bị trừng phạt theo pháp luật”… “Đạo đồ dù hay chữ đến đâu, cũng không được dự các kỳ thi hay nhận chức vụ trong làng trong tổng” (Louvet : “La Cochinchine religieuse”, q.II, tr.206). Chiếu chỉ 1857, vua hứa thưởng cho những ai tố cáo các đạo trưởng, truyền các lý trưởng ép các đạo đồ thờ cúng Tổ tiên và các thần của làng. Vua không cho giết hại, chỉ dặn khắc chữ tả đạo trên má, và ra hạn một năm để bỏ đạo, sau đó, “đàn ông sẽ nghiêm trị, đàn bà sẽ đưa về làm tôi tớ các quan” (Louvet , Sđd, II, 248-250).

Hai chỉ dụ 1859 sau biến cố Pháp đánh vào Đà Nẵng và miền Nam nước Việt, vua kiểm tra lại tất cả các quan lại và buộc họ bỏ đạo, vua cũng buộc các binh sĩ bước qua thập giá trước khi đánh bọn “bạch quỉ” (Louvet , Sđd, II, 261-266). Năm sau vua truyền lệnh lùng bắt các trinh nữ (nữ tu) chuyên dấu diếm đồ thờ và liên lạc thư từ. Cuối cùng ngày 5-8-1861 vua ra chiếu chỉ “phân tháp“, phá bình địa các làng Kitô giáo, tịch thu tài sản, khắc trên má tên làng và chữ “Giatô tả đạo”, phân tán các tín đồ, giao cho lương dân cứ năm người canh một người (Louvet , Sđd, II, 294-296).

Tháng 7-1862 vua Tự Đức nhân ngày sinh nhật tuyên bố trả tự do và tài sản cho các tín hữu : “vì chúng đã cải quá phần nào, nên trẫm thương chúng”.


1,2. Nhận định việc cấm đạo của nhà Nguyễn

Nhà Nguyễn tuy thống nhất được đất nước, nhưng không đủ khả năng để an dân khắp nơi xảy ra nhiều cuộc nổi loạn, giặc giã. Việc xây thành, đào hào, việc hạn chế cách xây nhà, ăn mặc, việc loại bỏ chữ Nôm, độc tôn Tống Nho, nhất là chủ trương tứ bất : không lấy Trạng Nguyên, không tuyên hoàng hậu, không phong thái tử, không cử tể tướng, chứng tỏ ngai vàng các ông thiếu vững chắc và phải củng cố về quyền hành.

Các nhận định của triều đình về đạo Giatô nói chung khá phũ phàng và thiếu hiểu biết. Giả thuyết nhẹ nhàng nhất là nói các ông hiểu lầm, ảnh hưởng những dư luận xấu. Bằng không, phải nói các ông muốn hướng dẫn dư luận để triệt hạ “tà đạo”. Và ở đây ta thấy nguyên nhân sâu xa của việc cấm đạo là tội “khi quân”. Bởi vì vua là Thiên tử, là con trời, nên không thể sai lầm khi ra lệnh cấm. Hay nói theo Trần Trọng Kim : “Cấm mà không được thì tất là phải giết, mà khi cấm và giết như vậy vẫn tưởng mình làm bổn phận làm vua” (Việt Nam Sử Lược, Saigon 1971, q.II tr.186).

Dầu sao các vua nhà Nguyễn không giống với Nêron bạo chúa, không có thứ “sadisme” vui thích trong việc hành hạ người khác. Các ông không giống hoàng đế Trajan hơn (chính sách 112) muốn tha thứ không muốn giết chết. Vua không cho các quan giết tín hữu, trên nguyên tắc mọi bản án phải gởi về kinh đô xin phê chuẩn, và thường nhà vua chần chừ khi ký bản án, đôi khi thêm hai chữ “giam hậu”, nghĩa là khoan xử, để phạm nhân suy nghĩ lại mà bỏ đạo sẽ được ân xá.

Về sau thái độ hung hãn và xâm lấn của Pháp quả có thêm lý do để triều đình nghi ngờ các tín hữu. Thế nhưng vì các tín hữu chỉ cần bước qua thập giá thì được tha, ta thấy rõ lý do tôn giáo trong các bản án tử đạo. Ngay các tín hữu tình nguyện đi đánh Pháp, Tự Đức cũng giết nếu không “quá khóa” (xin coi chương XXIII. I,2, tr 209).

Tóm lược thái độ trên, chúng ta có thể đọc lá thư tâm tình của Tự Đức tháng 7-1864 (Patrich TUCK : Thừa sai Công Giáo Pháp 1857-1819, UBĐKCGVN 1989 trang 181-188), xin trích vài câu :

“Ngạn ngữ có câu : vua có lỗi, thần dân cũng không được buồn, cha xử không tốt cũng không phải là duyên cớ để con bất hiếu. Điều ấy lại càng đúng khi người cha không có ác ý…. Vì thế, các ngươi, tín đồ Giatô, tình thế các ngươi chắc chắn là khó xử, nhưng các ngươi vẫn kiên gan theo đạo của mình trong lúc vẫn giữ đúng luật nước, về việc này Ta chỉ biết mừng cho các ngươi. Ta sẽ luôn luôn ghi nhớ. Đó lại càng là lý do để ta đối xử với người Kitô giáo và lương như nhau, sau khi tỏ lòng nhân từ cho các tín hữu Giatô và trả tự do cho họ”.

Theo những phân tích của sử gia Nhật Tsuboi : Các thừa sai giữa thế kỷ XIX, chịu ảnh hưởng của thời đại, bắt đầu dùng những từ ngữ trong thư từ : “Tôn giáo và Tổ quốc”, “Đồng bào chúng ta”… Các linh mục như Huc, Chamaison, giám mục Pellerin dù không ý thức trước hậu quả việc thúc dục Napoléon III đem quân sang Việt Nam, dù chỉ muốn chấm dứt việc bách hại, dù ước mong có một vua Việt Nam theo đạo… thì các vị vẫn đáng chịu sự phê phán của các tài liệu lịch sử, vì đã góp phần cho thực dân Pháp thực hiện ý đồ của họ sớm hơn (Tsuboi : Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa, Ban KHXH HCM 1990, tr 68-71). Sau này các vị sẽ phải kêu lên ? “Những việc tồi bại của quân đội Âu châu trong một ngày, thì phải có 20 thừa sai giảng trong một năm mới sửa chữa được những tai hại của nó” (Louvet Sđd II 223)


1,3. Tình hình Giáo hội Việt Nam thế kỉ XIX

Ngay giữa bối cảnh bách hại, số tín hữa Việt Nam vẫn gia tăng được 31,2%, nghĩa là từ 320.000 năm 1800 (Đông Đàng Ngoài : 140.000, Tây Đàng Ngoài 120.000, Đàng Trong 60.000) số tín hữu tăng thành 426.000 năm 1855 (Đông Đàng Ngoài 200.000, Tây Đàng Ngoài 140.000, Đàng Trong 86.000). Số giáo phận từ 3 nâng lên thành 8 giáo phận.

a/. Khu vực hội thừa sai Paris

Vì chủng viện Hội thừa sai bị hoàng đế Napoléon đóng cửa (1809-1815) nên sinh hoạt thời gian đầu chỉ dựa vào số 11 thừa sai cũ và 80 linh mục Việt Nam (Tây Đàng Ngoài 6 + 65, Đàng Trong 5 + 15).

– giáo phận Tây Đàng Ngoài : đức cha Longer Gia (+1829) chọn hai giám mục phụ tá đều sớm qua đời là đức cha La Mothe (1816-19) và Guérard (1822). Nên kế vị ngài là đức cha Havard Du (1829-38), vị này bị lưu lạc và chết đói trong rừng. Đức cha Borie Cao được chọn kế vị, nhưng lại tử đạo trước khi thụ phong. Sau đó, đức cha Retord Liêu (1840-58) phải qua Manila để thụ phong. Năm 1846, Tòa thánh tách giáo phận Tây để thành lập giáo phận Vinh (Nam Đàng Ngoài) trao cho đức cha Gauthier Hậu (1846-77).

– giáo phận Đàng Trong : Đức cha Labartette (+1822) tấn phong hai giám mục phó đều sớm từ trần là đức cha Doussain (1808-09) và Audemar (1818-21). Nên sau đó giáo phận thuộc quyền cha chính Thomassin (+1824) và cha Tabert Từ. Năm 1827, cha Tabert Từ được cử làm giám mục đang khi bị giam lỏng ở Huế nên năm 1830 ngài mới thụ phong. Nói chung, do ảnh hưởng Tả quân Lê Văn Duyệt, Giáo hội miền Nam hoàn toàn bình an trước 1833. Sau đó, nhiều thừa sai phải theo đức cha Tabert và 15 chủng sinh di tản qua Thái Lan. Tại đây, vua Thái ép đức cha phải hô hào các tín hữu Việt Nam chống lại Minh Mạng. Đức cha không chịu và trốn đi Singapour rồi đến Calcutta, Ấn Độ. Nhờ sự hỗ trợ của linh mục Phan Văn Minh, đức cha biên soạn từ điển Việt-La, La-Việt (Nên tìm đọc Phi-năng thi tập gồm bài thơ về Tin Mừng có những bài xướng và họa, do linh mục Philiphê Minh chủ xướng).

Đức cha tấn phong giám mục phó Cuénot Thể (1835-61) cử về Gò Thị, Bình Định. Ngay năm 1835, đức cha Thể truyền chức cho 10 tân linh mục Việt, gửi thư khích lệ các giáo đoàn, nhận thêm được 6 thừa sai, mở lại hai chủng viện Quảng Trị và Lái Thiêu. Ngài cũng tập trung được 250 nữ tu Mến Thánh Giá trong 18 tu viện.

Kế vị đức cha Tabert năm 1840, đức cha Cuénot Thể tận dụng giai đoạn bình yên thời Thiệu Trị, ngài mở Công đồng Gò Thị (1841) quyết định gửi lại chủng sinh du học Pénang, nhưng về nước mới thụ phong. Ngài cử nhiều thừa sai và Thày giảng đi truyền giáo ở Kontum (Làng Hổ), Ban-Mê-Thuột, nổi bật là thày Sáu Do. Trong giáo phận, ngài tổ chức học hỏi cho các linh mục hàng năm, thi đua truyền giáo giữa các xứ đạo. Với người đã chối đạo, ngài yêu cầu họ mời gọi một tân tòng khác. Số tín hữu gia tăng nhanh.

Năm 1844, tòa thánh tách giáo phận thành hai : Tây Đàng Trong (Saigon) giao cho đức cha Lefèbvre Nghĩa (1844-64) và Đông Đàng Trong (Qui Nhơn) vẫn được đức cha Cuénot Thể phụ trách. Năm 1850 toà thánh lại chia Đàng Trong thành 4 giáo phận

– Bắc Đàng Trong (Huế), Đc Pellerin Phan (+1862)

– Đông Đàng Trong (Qui Nhơn) Đc. Cuénot Thể.

– Tây Đàng Trong (Saigon) Đc Lefèbvre Nghĩa

– Nam Đàng Trong (Nam Vang) Đc Miche Mịch (+1873)

b/ Khu vực Dòng Đa Minh

Đức cha Delgado Y (+1838) cùng với đức cha phó Henares Minh (1803-38) đã tận dụng bối cảnh bình an để tổ chức giáo phận. Đây là thời hoàng kim của dòng Đa Minh Việt Nam giai đoạn I, vì trong 38 năm dòng có thêm 66 linh mục (chưa kể 16 vị thế kỷ trước). Cùng với các linh mục triều, giáo phận thường xuyên có trên 50 linh mục để phục vụ. Thế nhưng, tài nghệ của Trịnh Quang Khanh chỉ trong ba năm (1838-40), đã phá hủy khá nhiều công trình của các Ngài, ngoài nhân sự, ba chủng viện và trên 1.000 nhà thờ bị triệt hạ.

Đức cha Hermosilla Liêm (1841-61) được tấn phong cách khá hy hữu tại Vĩnh Trị do đức cha Retord. Ngay sau đó đức cha Liêm tấn phong đức cha Jimeno Lâm làm phụ tá (vị này về Manila năm 1845), ngài họp các linh mục giáo phận, tu sửa các nhà thờ, tu viện ; mở trường Latinh Nam Am và trường thần học ở Mỹ Động (Hải Dương). Lễ đại triều kính thánh phụ Đa Minh ngài Tổ chức đầu tháng 8-1844 sau sẽ trở thành tập tục “Lễ đầu Dòng” trong giáo phận (vị thủ lãnh dòng ?). Năm 1845 ngài tấn phong đức cha phó Marti Gia (+1852). Năm 1848, Tòa thánh chia khu vực dòng thành hai giáo phận : đức cha Liêm coi giáo phận Đông cùng đức cha phụ tá mới Alcazar Hy (1849-70). giáo phận Trung (Bùi Chu, Thái Bình) do đức cha Marti Gia và đức cha phó kế vị Sanjurjo An (1849-57), rồi đến đức cha Sampedro Xuyên (1855-58) và đức cha BerrioOchoa Vinh (1858-61) vị giám mục gậy tre mũ giấy (Các giám mục miền truyền giáo Đa Minh giai đoạn này đều là Đa Minh).

Trước tình hình bách hại ngày càng gay gắt, năm 1858 các thừa sai Đa Minh họp lại và chia một nửa lánh tạm qua Macao, những vị này sẽ trở lại Việt Nam ngay khi Tự Đức cho tự do tôn giáo.


1,4. Một vài sử liệu về các thánh tử đạo

Tuy có hàng chục ngàn tín hữu đã đổ máu đào làm chứng cho đức tin, nhưng giáo hội mới thực sự tôn 117 vị Thánh tử đạo tại Việt Nam.

a/ Bốn đợt suy tôn chân phước

27.5.1900 do đức Lêo XIII, 64 vị

20.5.1906 do đức Pio X 08 vị

02.5.1909 do đức Pio X 20 vị

29.4.1951 do đức Pio XII 25 vị

Tất cả được đức Gioan Phaolô II suy tôn hiển thánh ngày 19-6-1988 và được Bộ Phụng Tự ngày 14-2-1990 cho phép tín hữu Việt Nam mừng lễ kính vào ngày 24-11 mỗi năm (trên thế giới mừng lễ nhớ).

b/ Phân chia theo thời đại

04 vị thời Trịnh Nguyễn.

02 vị thời Cảnh Thịnh.

58 vị thời Minh Mạng.

03 vị thời Thiệu Trị.

50 vị thời Tự Đức.

c/ Thành phần gồm có :

Pháp

TBNha

Việt

Tổng số

Giám mục

02

06

0

08

Linh mục

08

05

37

50

Thày giảng

14

14

Chủng sinh

01

01

Giáo hữu

44

44

Tổng số

10

11

96

117

d/ Với các bản án

Trảm quyết (chém) 75 vị ; Xử giảo (thắt cổ) 22 vị ;

Rũ tù 09 vị ; Lăng trì (chặt tay chân trước) 04 vị.

Thiêu sinh 06 vị ; Bá đao (trăm nhát) 1 vị.


II. GIÁO HỘI VIỆT NAM SAU 1862

2,1. Tương quan các thừa sai với thực dân Pháp

Trong giới hạn của bài, chúng ta không phân định công tội của từng vị thừa sai, mà chỉ quan tâm đến những nét lớn trong tương quan của các vị với thực dân Pháp. Dù muốn dù không các thừa sai Pháp chịu ảnh hưởng trực tiếp chính sách tôn giáo của chính phủ Pháp. Như ta đã biết (ch. XVIII, 2,2; ch. XIX. 1,1), Napoléon III chủ trương nhờ các giáo sĩ để ổn định đất nước, nhưng từ 1870 trở đi, phong trào tục hóa được phát động, dân Pháp loại dần tôn giáo khỏi sinh hoạt xã hội.

a/ Những xung đột

Trong bối cảnh thời Napoléon III, một vài thừa sai có ảo tưởng về một nước Pháp bảo trợ việc truyền giáo. Giai đoạn này hội Thừa sai Paris nhận được viện trợ từ ngân sách thuộc địa (40.000 francs năm 1864 ; 145.000 năm 1879) cộng với trợ cấp của hội Truyền giáo Đức Tin và quĩ của Hội Thừa sai (55.000 + 22.000 francs năm 1879- Xc P.TUCK, Sđd tr.220-221). Các thừa sai dùng tiền này để mở trường, xây dựng bệnh viện và cơ quan từ thiện. Người Pháp mau chóng nhận ra các vị muốn hoạt động độc lập. Ngay năm 1864, họ đã đặt các thanh tra trường học, sau họ mở trường công lập thành phố (1866) và đả kích chương trình học của các thừa sai (P.TUCK, Sđd trang 250).

Từ 1870, luật sư Blancsubé thuộc hội Tam Điểm và nhiều người ở Saigon đã mạnh mẽ chống việc trợ cấp cho các thừa sai. Harmand tổng đốc Nam Định trong thư 15-1-1874 nói rõ : “Tôi muốn đề cử càng nhiều dân lương hơn giáo dân càng tốt… Nếu quan lại cũ (không công giáo) đến, chúng tôi sung sướng chứng tỏ cho họ biết chúng ta không thiên vị. Đâu phải người Pháp nào cũng theo Kitô giáo” (Xc P.TUCK, Sđd tr. 291-294 ; 388-392).

Và như vậy, thực dân Pháp đã bộc lộ rõ mục đích thương mại của mình, khiến các thừa sai thận trọng hơn. Giám mục Puginier từ chối hợp tác với Fr Garnier năm 1873: “Tuy tôi là người Pháp, tôi vẫn nhớ mình là Linh mục Bắc Kỳ, đừng yêu cầu tôi làm những gì hại đến chính phủ Annam, tôi sẽ không làm gì, vì tôi mắc nợ với Tổ quốc đã chấp nhận tôi cũng như Tổ quốc đã sinh ra tôi” (Tsuboi, Sđd tr.77).

b/ Đến đoạn giao

Sau khi phái Cộng hòa thắng thế tại quốc hội Pháp, mọi trợ cấp kể cả trợ cấp nhà thờ chính tòa Saigon bị bãi bỏ năm 1881 (Tuck Sđd tr.299). Paul Bert thống sứ Bắc và Trung kỳ xác định chẳng có ưu đãi nào cho kitô hữu dưới quyền bảo hộ, ông nói đến nước Pháp dưới ánh sáng cách mạng 1789 chỉ cho các tín hữu quyền bình đẳng, buộc phải vâng lời vua quan và nộp thuế (Tuck Sđd tr.541-544).

Toàn quyền Lanessan thuộc phái Tam Điểm (1891-94) trợ cấp và tham dự các buỗi lễ chính thức của Phật giáo và chống giáo sĩ ra mặt (Tuck Sđd tr.599). Camille Paris khởi đầu cho hàng loạt bài viết của nhiều tác giả chống giáo sĩ từ năm 1890 trên các báo Le Courier d’Haiphong, L’indépendance Tonkinoise và Le Mékong (Tuck Sđd tr.601 và 639). Đầu thế kỷ XX, đức giám mục và cha sở Saigon bị trục xuất khỏi nhà thờ, và chỉ được trở lại bằng cách thuê mướn (Tuck Sđd tr.621).

Người Pháp sau đạo luật phân ly 1905, nếu để cho giáo hội hoạt động bác ái và giáo dục, chỉ vì họ nhắm lợi lộc vật chất: các nữ tu hoạt động bệnh viện nhiệt tình dù ít lương, trường học công giáo được tín hữu yểm trợ xây dựng và quản trị. “Làm thay công việc ấy cho hội thừa sai, có thể khiến chính quyền tốn kém gấp mười lần. Mà ta sẽ tìm đâu ra số tài chính ấy” (Tuck Sđd tr.622).

c/ Hỗ trợ phong trào độc lập

Cũng giai đoạn này lập trường Vatican tỏ rõ sự ủng hộ cho các phong trào dành độc lập. Đức Benedicto XV qua sắc lệnh “Maximum illud” (1919) phê phán các thừa sai hỗ trợ cho thực dân và cổ võ việc đặt giám mục bản xứ. Giám mục Pineau Trị giáo phận Vinh bị mất chức vì bao che một số linh mục ủng hộ phong trào Đông Du của Phan Bội Châu vào năm 1909 (Tuck Sđd tr.685). Hồng y Bộ trưởng bộ Truyền Giáo là Van Rossum ra lệnh cho các giám mục năm 1922 phải nâng cao việc đào tạo giáo sĩ bản xứ để chuẩn bị cho chức giám mục. Bề trên Hội Thừa Sai Guébriant năm 1924 xác định lại rằng các thừa sai phải mở nước Chúa chứ không phải kẻ xây dựng đế quốc thuộc địa (Tuck Sđd tr.720-722).

Ngày 20-5-1925, đức Pio XI qua tông thư “Ex Officio Supremo” đặt đức cha Aiuti người Ý làm khâm sứ Đông Dương. Tòa khâm sứ được xây ở Huế và khánh thành năm 1928. Kế vị ngài là đức cha Dreyer (Ofm, Pháp, 1929-36). Năm 1933, Việt Nam có giám mục tiên khởi là đức cha JB. Nguyễn Bá Tòng, phó giáo phận Phát Diệm.

Một điểm đáng lưu ý là khu vực dòng Đa Minh, số thừa sai Tây Ban Nha ngày càng gửi tới nhiều. Các ngài cũng hơi quá thận trọng khi ngừng đào tạo linh mục dòng người Việt (1883-1935). Phong trào văn thân thả lỏng khu vực này (Tuck Sđd tr.452). Sự hiện diện của các ngài chứng tỏ Bộ Truyền Giáo tương đối khá độc lập với phong trào thực dân.

2,2. Người Công giáo giữa lòng dân tộc

Một trang sử đáng buồn với người Việt Nam là thời Văn Thân và sau này là một số sĩ phu Cần Vương. Văn Thân đã tỏ thái độ từ 1864, nhưng năm 1874 mới khẳng định lập trường qua hịch “Bình Tây Sát Tả” của Trần Tấn, Đặng Như Mai với đại ý : “Triều đình hòa với Tây mặc lòng sĩ phu nước Nam vẫn không chịu, vậy để giữ lấy cái văn hóa của ta ngàn năm nay”. Việc “sát tả” được thực hiện bằng cách tàn phá nhiều làng Công giáo với số nạn nhân lên đến 60.000. Người Công giáo nhiều nơi võ trang tự vệ nhưng đôi khi hăng máu trả thù tàn phá một số làng có Văn Thân. Quả là nỗi buồn chung về cảnh huynh đệ tương tàn. Thế nhưng thái độ người Việt Công giáo với Pháp ra sao ? Xin lược ghi bài viết của tác giả Chương Thâu về một số nhân vật tiêu biểu trong phong trào yêu nước chống Pháp của người Công giáo Việt Nam thời cận đại (Xc Vấn đề phong thánh Tử đạo và Lịch sử Dân tộc VN, KHXHVN, tr.103-117 1988).

Trước tiên, ngay thời Tự Đức có linh mục Đặng Đức Tuấn (1874), tác giả “Hiến bình Tây sách” và “Minh Đạo, Bình Tây sách” vạch rõ tội ác của Pháp, trình bày kế hoạch phòng ngự, luyện tập chiến pháp, mở rộng ngoại giao, dùng thế lực nước Anh để chế ngự Pháp.

Một nhân vật nổi tiếng hơn là ông Nguyễn Trường Tộ (1830-71, Trương Bá Cần : Nguyễn Trường Tộ, Con người và di thảo, HCM 1988) với hàng loạt bản điều trần lên Tự Đức như “Tế cấp luận”, “Giáo môn luận”, “Tế cấp bát điều”… tha thiết đề nghị triều đình gấp rút duy tân đất nước, mở rộng ngoại giao, cử người đi học kỹ thuật phương Tây để dân giàu nước mạnh, đủ sức chống ngoại xâm.

Linh mục Nguyễn Điều và thày sáu Nguyễn Hoằng cũng ở trong phái đoàn được Tự Đức cử theo đức cha Gauthier Hậu đi Pháp năm 1867, để mua dụng cụ máy móc về mở trường kỹ thuật ở Huế. Năm 1868, còn có sĩ phu Đinh Điền tỉnh Ninh Bình mật tâu lên triều đình đề nghị phát triển kinh tế nước nhà và nhờ người Anh giúp chống Pháp.

Dưới thời Cần Vương, có không ít nghĩa quân là người Công giáo trong các phong trào Tống Duy Tân, Phan Đình Phùng, Nguyễn Xuân Ôn, và Vương Quốc Chính. Nổi bật phải nói đến Đội Vũ thống lĩnh nghĩa quân ba huyện Nghĩa Hưng, Ý Yên và Vụ Bản phối hợp chặt chẽ với cuộc khởi nghĩa của Tạ Hiển ở Nam Định, tại Quảng Bình có Lãnh Phiên một thủ lĩnh nghĩa quân không chịu hàng dù bị Pháp bắt và tra tấn đến chết.

Bước sang thế kỷ XX, trong phong trào Duy Tân (1904) của Phan Bội Châu ta thấy có thày già Mai Lão Bạng (Vinh +1942) có mặt từ những ngày đầu, đưa nhiều thanh niên Công giáo sang Nhật, sau làm phó Tổng trưởng tài chánh của Việt Nam Quang Phục Hội, và bị đi tù lâu năm ở Côn Đảo. Bên cạnh đó ở tỉnh Nghệ Tĩnh có các linh mục cốt cán của phong trào như Đậu Quang Lĩnh (+1919), Nguyễn Tường (+1911), Nguyễn Thần Đồng đều bị mật thám tây đày đi Côn Đảo. Người ta còn ghi danh khoảng 20 thanh niên từ Xã Đoài (Vinh) tham gia phong trào Đông Du, đặc biệt có Lê Khanh được chính Phan Bội Châu gọi là “Hiếu Tôn”, và cắt nghĩa : Con yêu của Thượng Đế là hiếu tôn, cũng là hiếu với Tổ quốc vậy.

Trong phong trào đấu tranh của toàn dân từ 1930, ta thấy người Công giáo có mặt tích cực khắp nơi. Nổi bật là Trương Văn Lĩnh (+1946) và Trần Tử Bình (+1967). Nhiều tín hữu đấu tranh và bị Pháp giết như ông Năm Lang, tám Điều ở Cù Lao Giêng (An Giang), ông Trần Văn Thời họ Kẻ Cấm (Hậu Giang)….

“Như vậy là trong cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ để dành độc lập tự chủ của dân tộc, qua tất cả chặng đường lịch sử, người Công giáo Việt Nam đã luôn có mặt bên cạnh các giới đồng bào mình, đã cùng đi trên con đường dài đầy chông gai, và cuối cùng đã cùng có được niềm tự hào chính đáng với nhân dân Tổ quốc thân yêu”


2,3. Tình hình sinh hoạt tôn giáo

Theo đà gia tăng dân số, số tín hữu ngày càng gia tăng tại Việt Nam. Năm 1907 là 872.402 (Khu vực Đa Minh 304.616 ; Tây Đàng Ngoài 387.093 ; Đàng Trong 180.693), đến 1933 là 1.297.222 (Khu Đa Minh 457.131, Tây Đàng Ngoài 511.647 và Đàng Trong 328.450). Số giáo phận từ 8 nay thành 13 cộng với Phủ doãn Lạng Sơn.

Các Giám mục tại các giáo phận :

* Tây Đàng Ngoài : Jeantet Khiêm (1858-66) Theurel Chiêu (+1868) ; Puginier Phước (+1892) ; Gendreau Đông (+1935) ; Chaize Thịnh (+1949).

·giáo phận Hưng Hóa từ 1895 : Ramond Lộc (+1938) Vandaele Van (+1946), Mazé Kim (+1960).

·giáo phận Phát Diệm từ 1901 : Marcou Thành (+1935)

·giáo phận Thanh Hóa từ 1932 : Cooman Hành (+1959)

* Nam Đàng Ngoài(Vinh) Gauthier Hậu (1846-77), Croc Hòa (+1886) ; Pineau Trị (+1912) và Eloy Bắc (+1946).

* Đông Đàng Ngoài : Alcazar Hy (1861-70), Colomer Lễ (đến 1883), Terres Hiến (+1906), Apellano Huy (+1919), Azua Minh (1929), Garcia Thiện (+1933), Gomez Lễ (+1952).

·giáo phận Bắc Ninh từ 1883 : Colomer Lễ (+1902), Valesco Khâm (+1924), Gordaliza Phúc (+1931), Artaraz Chỉnh (+1950).

·Phủ Doãn Lạng Sơn từ 1913 : Cothonay Chiểu (+1923), Maillet Bính (+1928), Hedde Minh (+1960), Jacq Mỹ

* Trung Đàng Ngoài : Cezon Khang (1865-80), Riano Hòa (+1884), Onate Thuận (+1897), Fernandez Định (+1907), Munagorri Trung (+1936).

·Thái Bình : Casado Thuận (1936-41), Ubierna Ninh (1941-55).

* Bắc Đàng Trong (Huế) Sohier Bình (1862-76), Pontvianne Phong (+1880), Caspar Lộc (+1907), Allys Lý (+1931), Chabanon Giáo (+1936), Lemasle Lễ (+1946).

* Qui Nhơn (Đông Đàng Trong) Charbonnier Trí (1864-78), Galibert Lợi (+1883), Camelbeke Hân (+1901), Grangeon Mẫn (+1929), Tardieu Phú (+1942), Piquet Lợi (1957).

·Kontum từ 1932 : Jannin Phước (+1940), Sion Khâm (+1952), Seitz Kim (1975)..

* Tây Đàng Trong từ 1924 được gọi là Saigon. Lefèbvre Nghĩa (1844-64), Miche Mịch (+1873), Colombert Mỹ (+1894), Depierre Để (+1899), Mossard Mão (+1920), Quinton Tôn (+1938), Dumortier Đượm (+1941) Cassaigne Sanh (+1955).

* Nam Vang : Miche (1850-64), Cordier (+1895), Grosgeorge (+1902), Bouchut (+1928), Herrgott.

Trong bối cảnh tự do, các tín hữu Việt Nam đã quảng đại đóng góp và tham gia xây dựng hàng loạt cơ sở tôn giáo các nhà thờ chính tòa, các thánh đường, chủng viện, ấn quán, các trường học và cơ sở bác ái. Ngoài thánh đường Phát Diệm do cha Trần Lục thực hiện từ 1875-1995, được xếp vào loại di tích văn hóa của cả nước, ta phải kể đến những thánh đường : Đức Bà Saigon (1880), Đức Mẹ Trà Kiệu (1898 – Tương truyền Đức Mẹ hiện ra yểm trợ các tín hữu năm 1885 tại đồi Kim Sơn, khi một nhóm Cần Vương đến quấy phá), La Vang (1901), Đức Mẹ Vô Nhiễm Phú Nhai (1923), đền thánh Tử Đạo Hải Dương (1928)…

Theo sử gia Tuck, số người được rửa tội thời này, ngoài động lực tinh thần, ngoài trẻ em gia đình Công Giáo, ta còn thấy một số yếu tố xã hội khác : những người bị quan lại địa phương đàn áp đến nương tựa trong các làng đạo, có người vì tranh chấp muốn nhờ các thừa sai can thiệp, việc các giáo sĩ mở kho phát lúa khi có thiên tai hạn hán…( Tuck Sđd 727-732). Sử gia Tuck còn thu lượm được một tài liệu 17 người xin trở lại Phật giáo năm 1899, xưa họ theo đạo vì tưởng rằng sẽ được miễn sưu giảm thuế (Tuck Sđd 743).

Về trường học, thường các xứ đạo mở tiểu học hoặc dạy học ngay trong nhà xứ, số trường trung học rất ít vì thiếu nhân sự. Mãi đến năm 1924 mới có trường sư phạm Toma Nam Định do các sư huynh Lasan phụ trách (Frère Donatien Giám đốc), các giám mục cổ võ các giáo xứ trợ cấp cho giáo sư tương lai của xứ mình. Khởi đầu trường có 200 học viên. Theo Tuck, năm 1907 số học sinh trường Công giáo (không kể chủng sinh) là 70.629 em (Khu Đa Minh 16.705, Tây Đàng Ngoài 38.928, Đàng Trong 14.996 – Thống kê trích trong Les Missions Catholiques d’Indochine, Paris 1933 theo Bùi Đức Sinh LSGH, II, tr.355-367.).

Ngoài ra, giai đoạn này số thừa sai đến ngày càng đông, nhưng số linh mục Việt Nam cũng gia tăng nhanh. Tại tất cả các giáo phận đều có sự phục vụ của nhiều dòng tu gốc ngoại quốc.

Dòng nữ có các dòng : Saint Paul (Saigon 1860, Hà Nội 1894, Huế 1889), dòng kín Carmel (Saigon 1862, Hà Nội 1895, Huế 1909), Chúa Quan Phòng (Long Xuyên 1876), Đức Bà Truyền Giáo (Phát Diệm 1924), Phanxicô thừa sai Đức Mẹ (Vinh 1932), Vinh Sơn Phaolô (Saigon 1928).

Dòng nam như : Lasan (Saigon 1866, Huế 1904, Hà Nội 1908, Qui Nhơn 1931), Đa Minh Lyon 1902 (Hà Nội 1930), Chúa Cứu Thế (Huế 1925, Hà Nội 1928, Saigon 1933), Phanxicô (Vinh 1928) và tu hội Xuân Bích Hà Nội 1933.

Các dòng Việt Nam mới thành lập gồm có : Kitô Vua Cái Nhum (Vĩnh Long 1870), Phước Sơn 1920, Sư huynh Thánh Tâm Huế 1925, Thánh Giuse Nha Trang 1926, Qui Nhơn 1928 và sư huynh Thánh Gia (Nam vang 1931).

Dòng nữ có thêm Dòng Con Đức Mẹ Phú Xuân 1920.


TOÁT YẾU

Từ 1833 đến 1862, các nhà vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức ban hành trên mười chiếu chỉ cấm đạo. Tuy nhiên, số tín hữu vẫn gia tăng từ 320.000 năm 1800 lên 426.000 năm 1855. Vì thế Giáo hội đã tách thành tám giáo phận : Đông-Tây-Trung-Nam “Đàng Ngoài”, Đông-Tây-Nam-Bắc “Đàng Trong”.

Nhiều người đã làm chứng cho Tin Mừng, trong đó Giáo hội đã suy tôn 117 hiển thánh Tử đạo (6 vị thế kỷ trước) ngày 19-6-1988 do đức Gioan Phaolô II. Thành phần các vị gồm 8 giám mục, 50 linh mục, 14 thày giảng, 1 chủng sinh và 44 tín hữu.

Sau 1862, các tín hữu tự do hơn, đã chứng tỏ lòng yêu nước của mình. Tiêu biểu có Nguyễn Trường Tộ, Đội Vũ, Mai Lão Bạng, Trương Văn Lĩnh…

Nếu giai đoạn đầu, người Pháp thời Napoléon III có yểm trợ về tài chánh một phần, thì từ năm 1881, Giáo hội Việt Nam nhờ sự hỗ trợ của các cơ quan tôn giáo nước ngoài và nhất là sự quảng đại của các tín hữu đã xây dựng nhiều Thánh đường, trường học, và cơ sở bác ái.

Trên con đường tiến đến trưởng thành của Giáo Hội Việt Nam, tòa Khâm sứ Đông dương được thiết lập từ 1925. Năm 1933, số tín hữu Việt Nam đã lên đến gần 1,3 triệu với 13 giáo phận và 1 Phủ Doãn. Cũng năm 1933, Việt Nam có giám mục tiên khởi là đức cha JB Nguyễn Bá Tòng.


BÀI ĐỌC THÊM


THÁI ĐỘ GIA LONG VỚI NGƯỜI CÔNG GIÁO

Ngày 22.7.1802, vua Gia Long tiến vào Thăng Long giữa tiếng hoan hô của dân cố đô. Để tỏ tình đối với đạo Công giáo, nhà vua tuyên bố hủy bỏ các chiếu chỉ cấm đạo, đồng thời cho các giám mục, linh mục, ngoại quốc cũng như bản quốc, được tự do giảng đạo, xây cất nhà thờ, nhà xứ, các cơ sở giáo dục và bác ái.

Chín ngày sau, đức cha Longer Gia và thừa sai Eyot Nhân được vua Gia Long tiếp kiến tại điện Kính Thiên. Vua mời các ngài dùng trà và nói chuyện rất lâu về tình hình Châu Á và Châu Âu. Gia Long còn ân cần hỏi thăm sức khỏe các thừa sai, hỏi thăm các ngài nhờ đâu thoát được cuộc bách hại của Tây Sơn. Đức cha Longer đáp : “Chúng tôi đã phải ẩn trốn trong rừng, nhưng điều đã cứu sống chúng tôi chính là sự trung thành của anh em công giáo”.

Nhân dịp này, các thừa sai ngỏ ý xin nhà vua ra một chiếu chỉ bênh vực đạo Công giáo, nhất là cấm các lương dân thâu tiền giáo dân vào những dịp lễ tế thần. Gia Long hứa làm như các ngài xin. Nhưng chỉ hai tháng sau, một làng thuộc trấn Sơn Nam Hạ bắt giáo dân đóng góp vào việc cúng tế, giáo dân không nghe, một người bị giết. Ở Nghệ An, nhiều người công giáo không chịu đóng góp vào việc cúng tế, bị đẩy xuống sông. Việc này đến tai Gia Long, vua liền ban hành một chỉ dụ cấm mgười lương dân từ nay không được bắt giáo dân đóng góp tiền bạc vào việc tế thần nữa:

“Phải chăng người công giáo không phải là thần dân nước Việt ? Họ cũng đóng thuế như các thần dân khác. Nếu có người tin tưởng vào các thần linh, được lắm, không ai cấm đoán họ. Nhưng có những người không tin tưởng, thì cũng không nên bắt buộc họ thông công vào việc tế tự các vị thần mà họ không tin tưởng”.

(Bùi đức Sinh, ĐMTĐV, I, tr 118-119 )


GIA LONG CHỌN MINH MẠNG

Năm 1816, trái với tục lệ quốc gia, Gia Long chọn hoàng tử Đảm, con bà thứ phi làm thái tử nối ngôi. Việc đặt hoàng tử Đảm lên ngôi là vì đông cung Cảnh, con trưởng của Gia Long đã mất năm 1801, rồi thái tử Hy tử trận năm 1803. Theo lệ thường thì con trai của đông cung Cảnh được thay vào địa vị chí tôn này, nhưng Gia Long thấy cháu đích tôn của mình còn nhỏ, e không đủ sức giữ gìn ngôi báu, nên để hoàng tử Đảm nối ngôi mình.

Khi hai đại thần là tả quân Lê Văn Duyệt và trung quân Phạm Đăng Hưng ngỏ ý can ngăn, thì nhà vua đáp : “Khi có nợ, thì người ta cứ con mà đòi, chứ không đòi cháu”. Sự thực Vua ấu trĩ thì dễ bị các đại thần thao túng, có khi loạn chính sự. Gia Long lo xa không phải vô lý, nhất là vì mới chiếm được ngai vàng, ông lại càng cẩn thận hơn, huống hổ ông, từ quân sự đến chính trị vốn là con người rất kỹ tính. Ngày 25.01.1820, Vua Gia Long băng hà, hoàng tử Đảm lên ngôi vua, hiệu Minh Mạng. Trong di chiếu, Gia Long trối cho con đừng cấm đạo Công giáo, trước là để tỏ lòng biết ơn đức giám mục Bá Đa Lộc, sau là để tránh những khó khăn về ngoại giao. Vua Gia Long còn trối cho con phải cắt một đội 50 binh sĩ canh mồ đức cố giám mục, tức “Lăng Cha Cả”.

(Bùi đức Sinh, ĐMTĐV, I, tr 123-124 )


MỘT SỐ CHỈ DỤ CỦA MINH MẠNG

Ngày 12-2-1825, Minh Mạng hạ chỉ dụ:

“Tà đạo Tây phương làm hại lòng người, đã lâu nay nhiều chiếc tàu của Âu châu sang đây buôn bán thường để lại những đạo sĩ, bọn người này làm mê hoặc lòng dân và phá hoại phong tục. Như thế chẳng phải là cái họa lớn của nước ta sao ? Vậy ta nên ngăn cấm điều bậy bạ ấy để dân ta quay về chính đạo”.

Để tập trung các đạo trưởng vào một nơi, Minh Mạng đã lấy cớ từ khi hai ông Chaigneau và Vannier về Pháp, không còn ai làm thông dịch viên trong triều, nên cần phải nhờ đến các thừa sai ngoại quốc, đồng thời họ còn được ủy thác việc phiên dịch các sách Tây sang Hán tự. Các thừa sai đã hiểu ý nhà vua, nên bảo nhau ẩn tránh hoặc thoái thác. Tuy nhiên, cũng có ba thừa sai thuộc giáo phận Đàng Trong đã có mặt tại Huế, đó là các cha Taberd Từ, Gagelin Kính, và Odorico Phương (Ofm). Ba cha được ở trong cung quán, nơi dành cho các đại sứ. Mỗi cha có sáu người giúp việc, lương bổng ngang với một quan chánh nhị phẩm, đấy là một cách giam lỏng các thừa sai.

(L.-E. Louvet: Sđd. Q.II, tr. 41.)


TẢ QUÂN LÊ VĂN DUYỆT CAN THIỆP

Tháng 12-1827, Lê văn Duyệt về Huế tâu trình vua Minh Mạng nghe hành động của nhà vua là trái với lẽ phải, trái với đường lối chính trị rộng rãi khôn ngoan của vua cha, đồng thời trình bày những văn bản Gia Long đề cao công ơn của đức cha Bá Đa Lộc đối với nhà Nguyễn :

“Tâu Hoàng thượng, chúng ta định bắt bớ các đạo trưởng người châu Âu, trong khi chúng ta còn nhai cơm do các vị đó cung cấp cho chúng ta sao ? Ai đã giúp hoàng thượng lấy lại đất nước này ? Hình như hoàng thượng muốn mất nước ? Tây Sơn chém giết người công giáo, Tây Sơn đã mất ngôi. Vua xứ Pégu (Miến Điện) vừa đuổi các linh mục ra khỏi nước, liền bị xô khỏi ngai vàng. Hình như hoàng thượng không còn nhớ đến công ơn của các thừa sai. Hình như mộ của thượng sư Phêrô (Bá Đa Lộc) không còn ở giữa chúng ta ? Không được ! Bao lâu thần còn sống, hoàng thượng sẽ không làm điều ấy. Khi thần chết rồi, hoàng thượng muốn làm gì thì làm”.


CHIẾU CHỈ 6.1.1833

“Minh Mạng Thánh tổ Hoàng đế, có lời cùng toàn thể thần dân

Đã từ lâu người Tây Dương đem vào truyền bá đạo Datô, lừa dối ngu dân, dạy chúng về thiên đường, địa ngục. Chúng không thờ Phật, chẳng thờ tổ tiên, thiệt là quân vô đạo. Hơn thế nữa, chúng dựng nhà thờ riêng, trai gái ra vào lẫn lộn, mục đích là để quyến rũ đàn bà con gái, chúng còn móc mắt người ốm đau để làm bùa ngải. Thật là một điều trái với luân thường đạo nghĩa.”

“Năm ngoái, trẫm đã phạt hai làng theo tà đạo này, làm thế là để thần dân biết ý của trẫm, và để mọi người xa lánh tội ác này và trở về đàng ngay. Thần dân hãy nghe lời trẫm : có nhiều kẻ chỉ vì ngu dốt mà bị lôi cuốn theo đàng tà, tuy nhiên chúng còn lương tri để biết phải trái trở về chính đạo, nên trẫm muốn dùng lời giảng khuyên răn chúng. Trường hợp chúng còn cố chấp, trẫn sẽ dùng đến hình phạt.”

“Vì vậy trẫm truyền cho tất cả những ai theo tà đạo này từ quan chí dân, nếu còn biết sợ quyền uy trẫm, thì hãy thật lòng cải tà quy chính. Các quan phải kiểm soát các đạo đổ trong địa hạt mình xem chúng có tuân thượng lệnh hay không, và bắt chúng giày đạp thập tự. Các đạo đường, đạo quán phải triệt hạ hết. Sau này, còn ai theo đạo ấy thì phải nghiêm trị, vì trẫm muốn tiêu diệt tận gốc tà đạo. Đó là thánh ý của trẫm, thần dân phải nghe theo và thi hành. Ngày 12 tháng 11 âm lịch, năm thứ 13 của triều đại trẫm” (ký tên và đóng ấn son)


THẬP ĐIỀU CỦA MINH MẠNG

Ngày 15-7-1834 Minh Mạng phổ biến 10 điều răn gọi là: “Thánh dụ Huấn địch Thập điều”.

1- Đôn nhân luân (luân lý)

2- Chính tâm thuật

3- Vụ bản nghiệp (chăm chỉ làm ăn)

4- Thượng tiết kiệm (biết dàng dụm)

5- Hậu phong tục (giữ gìn lề thói)

6- Huấn đệ tử (dạy con em)

7- Sùng chính học (đạo Khổng)

8- Giới dâm thắc (cấm tà dâm)

9- Thận thủ pháp (giữ luật nước cẩn thận)

10- Quảng thiện hạnh (cổ võ điều thiện).

(Bùi Đức Sinh, Đa Minh trên đất Việt I, tr 146-147)


THƯ Đ. GRÊGORIÔ XVI KHÍCH LỆ TÍN HỮU VIỆT NAM (1839)

“Các con yêu dấu trong Đức Giêsu Kitô,

Những tin mới nhất về Giáo hội trên đất nước chúng con làm cha vừa đau lòng, vừa được an ủi mừng vui… Vui mừng vì cha thấy một lần nữa Giáo hội đang chiến thắng những âm mưu phá hoại của ba thù, vui mừng vì Giáo hội được thêm nhiều anh hùng tuẫn giáo, những đấng cha không sợ quá đáng khi ca tụng về sự thánh thiện và lòng dũng cảm. Đồng thời, cha cũng phải buồn sầu ứa lệ, khi nghĩ đến các con đang lâm cảnh khốn khổ nhục nhã của cấm cách, vì thế, dù phải lo việc chung của cả Hội thánh, cha cũng không thể quên chúng con, gửi đến chúng con những người giầu lòng hy sinh bác ái, để chúng con khỏi thiệt về phần linh hồn.

Cha khuyên chúng con đừng nản lòng trước những thử thách sẽ qua đi mau chóng, vì chính những thử thách ấy sẽ đem lại cho chúng con cuộc sống vĩnh cửu. Chúng con hãy đưa mắt nhìn lên Chúa Giêsu là Đấng rất thánh, là Chúa đức tin của chúng con và là Đấng giải thoát chúng con khỏi quyền lực tối tăm, để nhận biết ánh sáng là đạo thánh Người. Sau hết là Đấng đã tự nguyện nhận lấy cái chết khổ nhục trên Thánh Giá cho chúng con được ơn cứu độ. Chúng con hãy theo gương các đấng bậc đã bằng lòng chịu khổ chịu chết vì sứ mạng, đã sống giữa chúng con…”

(Louvet, La Cochinchine Religieuse, Q.II, tr 117)


THƯ CỤ CHÍNH PHÊ GỬI CÁC NỮ TU (13-6-1791)

Phaterê (Frater) chính Phê, dòng ông thánh Duminhgô, […] giáo phận Đông trong nước Annam, gửi lời thăm các mụ các chị em dòng Hãm Mình ông thánh Duminhgô, cùng các chị họ Mến Câu-rút (Cruz) ở bên Đông này, xin cho được mọi sự lành, cùng ra sức giữ lề luật riêng chị em cho giọn.

Trước hết, Thày truyền cho chị em, cứ lề luật mình mà ăn ở cho cẩn thận. Vậy lề luật chị em Hãm Mình và lề luật chị em Mến Câu- rút dù khác nhau mặc lòng, song cũng tóm lại sự hãm mình cả. Vì kẻ Mến Câu-rút thì phải hãm mình và kẻ hãm mình cho được phúc thì phải hãm mình vì Mến Câu-rút. Ấy vậy cho nên hai lề luật cũng có nhiều điều phải giữ như nhau, và cũng có một ý cho chị em làm những việc lành phúc đức, cho đáng được Đức Chúa Lời thương đời này và đời sau vô cùng…

(Trích trong bản LỀ LUẬT NHÀ MỤ 1865,
Dòng Đaminh Tam Hiệp dịch từ bản chữ nôm, tr.20)


THÁNH ANRÊ DŨNG-LẠC (1795-1839)

Sinh ra trong một gia đình ngoại giáo tại Bắc Ninh, Trần An Dũng theo cha mẹ vào kẻ chợ, Hà Nội. Tại đây vì nhà nghèo, cậu được gán cho một thày giảng nuôi nấng dạy dỗ và rửa tội với tên thánh Anrê. Ít lâu sau, cậu xin vào chủng viện Vĩnh Trị, làm thày giảng rồi lãnh chức linh mục năm 1823.

Trong mười sáu năm linh mục, cha Dũng sống rất nghiệm ngặt. Cha giữ chay suốt mùa chay và các ngày thứ sáu trong năm. Cha hết mình với nhiệm vụ chủ chăn, không ngại bất cứ việc gì. Cha có lòng ưu ái đặc biệt với người nghèo. Có được của cải gì cha đều chia cho họ hầu hết.

Cha bị bắt ba lần. Lần đầu, khi dâng lễ tại Kẻ Roi, quân lính ập đến, nhưng cha nhanh chân lẫn vào trong các tín hữu dự lễ. Ông tổng Thìn bỏ ra sáu nén bạc để chuộc ngài về. Từ đây cha đổi tên là Lạc. Lần thứ hai, cha đến xưng tội với linh mục Thi tại xứ Kẻ Sông thì cả hai bị bắt. Quân lính đòi tiền chuộc 200 quan. Các tín hữu ở đó chỉ góp được một trăm, nên chỉ cha Dũng-Lạc được thả. Thế nhưng trên đường về, vì mưa gió, thuyền của cha ghé vào bờ trú ẩn… và cha bị bắt lần thứ ba.

Đức cha Retord Liêu và các tín hữu tìm cách chuộc cha về, nhưng cha gửi thư, nói đến chuyện thánh Phêrô xưa hai lần thoát ngục, đến lần thứ ba định chạy trốn khỏi Roma, thì gặp Chúa đi vào thành… và thánh nhân đã quay trở lại để chịu tử đạo. Tuy là tù nhân, nhưng cha Dũng Lạc được quan huyện Bình Lục tiếp đãi lịch sự, các tín hữu theo tiễn biểu lộ cảm tình cách đặc biệt, và lính canh cũng đối xử cách tử tế…

Trước giờ hành quyết, người lý hình đến nói với cha : “Chúng tôi không biết các thày tội gì, chúng tôi chỉ làm theo lệnh trên, xin các thày đừng chấp”. Cha Dũng-Lạc tươi cười trả lời : “Quan đã truyền thì anh cứ thi hành” rồi nghiêng đầu cho lý hình chém. Hôm đó là ngày 21.12.1939, tại bãi gần Ô Cầu Giấy (Hà Nội). Nhớ đến thánh Dũng Lạc, phải nhớ đến những vần thơ tâm sự trong thư viết trong ngục gửi cho linh mục bạn rằng:

“Lạc rầy đã rõ chốn quan quân,
Bút chép thơ này gửi thở than,
Lòng nhớ bạn, nỗi còn vất vả,
Dạ thương khách chạy chữa yên hàn.
Đông qua tiết lại thì xuân tới,
Khổ trảm mai sau hưởng phúc an,
Làm kẻ anh hùng quản chi khó,
Nguyện xin cùng gặp chốn thiên đàng”.


THÁNH THÉOPHANE VÉNARD VEN


Linh Mục, Hội Thừa Sai Paris (1829-1861)

Tạp chí “Những người ra đi”, số dành riêng cho Hội Thừa Sai Paris, đã phác họa chân dung vị thánh Tử đạo trẻ trung Théophane Vénard Ven như sau :

“Phải nói rằng, khi anh chào đời, một đóa hồng nở trên môi, một cánh chim cất tiếng líu lo bên tai. Bởi vì khi anh diễn tả ý mình, lời anh tràn ngập những hình ảnh dễ thương dịu dàng, duyên dáng. Những mối tình thân từ thời thơ ấu cũng như sau này, anh vẫn duy trì ngày càng đậm đà, ngọt ngào và thánh thiện.

“Đời anh là một bài ca trong lúc vui, lúc buồn. Từ những biến cố thời học sinh cho đến lòng sốt sắng khi gia nhập hàng tư tế. Anh hát lên khi rời đất Pháp, anh hát lên khi thấy đất Việt Nam…

Trong những lá thư dài và thường xuyên, anh kể lại từng chi tiết anh gặp trong đời. Đối với anh, đời tông đồ sao mà thoải mái, vui tươi, dễ yêu đến thế ! Anh thi vị hóa tất cả : với anh việc cực nhọc hóa nhẹ nhàng, gánh nặng nên nhẹ nhõm, bệnh tật không làm anh nản chí, anh coi như cơ hội thưởng nếm những giây phút nghỉ ngơi, các cuộc hành trình qua đồng lầy núi cao hay trên đường sỏi đá, anh diễn tả dưới màu sắc tươi mát như những buổi đi dạo mùa Xuân. Anh quả là cây huệ có sức mạnh của cây sổi.

“Chúng ta chỉ có thể đoán ra những cực hình anh chịu, vì anh mô tả chúng đàng sau những cánh hoa kỳ diệu, mà anh không ngừng gieo trồng, tung vãi mọi nơi cho đến khi nhắm mắt lìa đời. Những cánh hoa đó nở rộ trong công việc của anh, nở trong những cực hình, nở trong cũi gỗ, nở trên những dụng cụ tra tấn và nở ngay trên mảnh đất thấm máu đào của anh. Quan tòa cũng trở thành bạn hữu, lý hình cũng phải tỏ lòng ngưỡng mộ. Đối với anh, nhát gươm chém đầu định mệng, chỉ là “ngắt nhẹ cánh hoa tuyển lựa để trang hoàng trên bàn thờ… “

Trích Uống Nước Nhớ Nguồn, trang 32-33


THÁNH BERRIO-OCHOA VINH

Giám mục, Dòng Đaminh (1827-1861)

Tuy sống gian khổ như thế, Đức Cha Vinh đã không một lời rên rỉ, không một tiếng thở than. Cái “chương trình” thánh thiện trong vui tươi xả kỷ của anh chàng chủng sinh thợ mộc “vừa học vừa làm” thời niên thiếu, giờ đây, ngài vẫn trung thành thực hiện. Ta có thể thấy điều đó trong một thư gửi cho mẫu thân vào tháng 08-1860 :

“Mẹ chí yêu của lòng con,

“Mẹ hỏi con sống thế nào, ăn uống làm sao ? Mẹ quí mến của con ơi ! Con sống tươi lắm, con làm giám mục cơ mà ! Còn thức ăn ngày nào cũng có. Đứng lo mẹ ạ, chúng con chẳng đói đâu. Nhưng mẹ tưởng hễ làm giám mục là phải ngổi ngựa à ? Không đâu, chúng con con tuột giày ra giữa đêm hôm tăm tối, nhoài lết chỗ lội này đến quãng lầy nọ. Vây mà cứ vui thôi. Một hôm, con lội sáu dặm đường, trên mưa tuôn, dưới bùn trơn, con ngã soành soạch không biết bao nhiêu lần. Tuy là giám mục, con cũng ướt như chuột và lấm bùn be bét. Nhưng giáo hữu ở đây tốt lắm, về tới nhà, con đã thấy họ đổ nước cho con tắm rửa sạch sẽ để chuẩn bị dâng lễ…

“Ồ có lẽ mẹ bảo : Vinh nhỏ của mẹ ơi, sống thế xìu lắm ! Không, chả buồn chả xìu chút nào. Ở đây người ta sống mạnh, sống tươi, nhanh nhẹn lắm. Chúa cũng an ủi con trong lao nhọc. Coi tuy là “giai già” mà vẫn nhảy qua vũng lội lẹ như sóc ấy. Mẹ ạ, Vinh trước đã là đứa con nhảy nhót qua núi đồi, thì nay bộ mặt đầy râu của nó, cũng sẽ làm những tên quỷ già nhất trong hỏa ngụa phải run sợ… ” (Thư 116).

Quả thực, phải có tâm hồn tươi trẻ và siêu nhiên mới có được thái độ và lời lẽ như vậy, vừa dí dỏm vừa tươi vui pha chút đùa bỡn nữa. Những lá thư như thế phản ảnh được sự bỏ mình và nét tươi trẻ của vị giám mục tử đạo 34 tuổi xuân này. Thực là cái vui của những vị thánh, của những tâm hồn đầy Chúa.
Trích Uống Nước Nhớ Nguồn tr. 314-315


THỐNG KÊ Giáo Hội Việt Nam năm 1933 – Theo Giáo Phận


(Bùi Đức Sinh, LSGH, II, tr.357t)

Giám mục

Thừa sai

Lm Việt

Tu sĩ

Thày giảng

Nhà thờ

Giáo dân

Hà Nội

2

35

148

459

410

721

168.800

Hưng Hóa

1

24

36

53

78

343

50.283

Phát Diệm

2

93

216

120

400

99.236

Thanh hóa

1

36

58

10

82

180

45.000

Vinh

1

24

173

12

130

550

148.328

Bùi Chu

1

31

168

692

599

872

326.967

Hải Phòng

1

21

66

145

100

380

86.650

Bắc Ninh

1

15

52

89

99

309

40.265

Lạng Son

1

10

6

37

14

19

3.249

Huế

1

26

109

611

30

330

72.102

Qui Nhon

1

28

71

271

60

362

60.662

Kontum

1

14

15

6

160

134

19.808

Saigon

1

30

116

897

137

281

99.743

Nam Vang

1

34

78

447

136

217

76.135

Tổng số

16

328

1.188

3.945

2.055

5.098

1.297.228

Lm Phanxicô Xaviê Ðào Trung Hiệu OP
Hiệu đính tháng 9/2006

Exit mobile version