CUỘC LỮ HÀNH ÐỨC TIN
LỊCH SỬ GIÁO HỘI CÔNG GIÁO
Chương 21: GIÁO HỘI HIỆN ĐẠI
(1939 – )
* Giáo hội thời Sứ Đồ * Giáo hội thời tử đạo * Đế quốc Roma tòng giáo * Việc hình thành kinh Tin Kính * Truyền thống : Các Giáo Phụ * Âu Châu ki-tô hóa (tk 6-11) * Bối cảnh phát sinh Chính Thống Giáo * Những nền tảng Nước Kitô (tk 11-13) * Ảo vọng quyền lực * Hoa trái của lòng tin * Nước Kitô thời khủng hoảng Phần III : GIÁO HỘI THỜI PHỤC HƯNG * Phục hưng và cải cách * Cuộc canh tân Gíao hội (c.đồng Trentô) * GH và cuộc khủng hoảng lương tâm Tk.18 * Phúc Âm hóa toàn thế giới (Tkỷ 15-18) Phần IV : GIÁO HỘI THỜI HIỆN ĐẠI * Từ Cách Mạng 1789 đến Vatican I * GH giữa thế giới Tân Tiến (1870-1939) * Sự trưởng thành các xứ truyền giáo Tk. 19 * Giáo Hội thời Vatican II (1939-1985) Phần V : GIÁO HỘI VIỆT NAM * GHVN thời sơ khai (tk 16-17) * GHVN xây dựng và phát triển * GHVN thời cận đại (1802-1933) * Chân dung các thánh tử đạo Việt Nam * Giáo hội Việt Nam hiện nay * Lược sử Giáo hội Việt Nam |
I. GIÁO HỘI THỜI ĐỨC PIO XII
1,1. Thời đệ nhị thế chiến
Lên ngôi giáo hoàng khi Đức đã chiếm Áo quốc, đức Pio XII đã phải đối phó ngay với thế chiến thứ hai. Ngài chọn đường lối trung lập vì tín hữu của mình có mặt trong cả hai phía và vì muốn độc lập để có thể làm trung gian hòa bình. Tuy không chấp nhận chủ trương của Hitler, nhưng đức Pio XII tin tưởng vào đường lối ngoại giao hơn là những lời tuyên bố long trọng. Quả thật, nhờ ngài mà Moussolini chậm tham chiến. Ngài đã thiết lập một văn phòng thông tin và trao đồi tù nhân dưới quyền giám mục Montini, đã cứu trợ được khoảng 5.000 người Do Thái trú ẩn tại các thánh đường hoặc tu viện và cứu Roma khỏi những cuộc oanh tạc tàn phá vào cuối thế chiến.
Một vấn đề tế nhị trong thế chiến là việc tiêu diệt người Do Thái. Trong sứ điệp truyền thanh đêm Noel 1942, đức Pio XII kêu gọi nhân loại quan tâm đến “hàng trăm ngàn người chỉ vì lý do chủng tộc đang bị tiêu diệt dần”.
Ngày 2-6-1943 trong diễn văn trước Hồng y đoàn, ngài bày tỏ quan điểm phải bênh vực, trợ giúp những người bị đau khổ vì lý do chủng tộc, nhưng cũng tâm sự “Tôi phải cân nhắc từng lời…kẻo tình trạng họ lại bi đát hơn”. Trong thư gửi giám mục Von Preysing (30-4-1943) ngài mong mỏi các giám mục tại mỗi nước can thiệp nhưng căn dặn các vị thận trọng “vì có nguy cơ kéo theo những cuộc trả thù”.
Chính vì thế thư chung các giám mục Đức tháng 9-1943 nói về “Mười điều răn”, không kết án trực tiếp lãnh tụ Hitler, chỉ kêu gọi lương tâm người tín hữu tránh những vi phạm đạo đức và nhân quyền. Giám mục Von Gallen thì lên tiếng kết án việc giết những người bệnh nạn, tàn tật. Một vài linh mục (như Lichtenberg) và nhóm “Bông Hổng Trắng” đã bị giết vì chính kiến can đảm. Giám mục Pháp Saliège (Toulouse) nói với tín hữu mình : “Những người Do Thái nam hay nữ…. cũng là thành phần nhân loại, họ cũng là anh em chúng ta. Xin đừng quên điều đó”. Trong số những nạn nhân ở trại tập trung Ba Lan, người ta không thể quên linh mục Maximilien Kolbe (+1941, Ofm) đã hy sinh chết cho một bạn tù.
1,2. Giáo hội thời hậu chiến
Ngoài những biến chuyển về thần học và phong trào Công giáo tiến hành mà chúng ta đã nghiên cứu (chương XIX, XX), tình hình Âu châu thời hậu chiến có nhiều thay đồi về biên giới, bước vào thời chiến tranh lạnh và có nhiều tiến triển trong vấn đề đại kết.
a/ Tình thế mới cho các Kitô hữu
Những thỏa ước Yalta (tháng 2-1945) xác định các vùng ảnh hưởng cho những nước đồng minh khác nhau. Liên Xô mở rộng về phía Tây, sáp nhập các nước vùng Baltique (Estonia, Lettonia, Lithuania). Ba Lan dành lại phần lãnh địa trên nước Đức còn Đức quốc thì bị chia đôi.
Tại Tây Âu, người Kitô hữu chiếm được vị thế quan trọng trong lãnh vực chính trị qua các đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo tại Ý, Đức, Bỉ… Ở Pháp phong trào Cộng Hòa Bình Dân (MRP), chứng tỏ người tín hữu đã vượt ra khỏi thứ “Ghetto” của đầu thế kỷ khi chọn một danh xưng không liên hệ đến niềm tin. Trong chính phủ lâm thời 1944-45 tại Pháp có 6 vị xuất thân từ phong trào Thanh Niên Công giáo (ACJF). Những đảng Dân chủ Tây Âu thường được lập trong thời kháng chiến và đứng ngoài sự giám hộ của các Giám mục. Họ đã vận động giúp người Công giáo không còn do dự với nền dân chủ và chế độ quốc hội. Tại Pháp còn cò trào lưu một số tín hữu nghi ngờ những đảng phái nhân danh niềm tin tôn giáo.
b/ Cuộc chiến tranh lạnh
Trong vài năm sau cuộc chiến, tại các nước Đông Âu, những đảng cộng sản dựa vào thế lực của Liên Xô dần dần nắm được chính quyền : Albanie, Hung (1944), Nam Tư, Bungari (1945), Rumani Ba Lan (1947), Tiệp Khắc (1948). Nói chung, tại những nơi này, đều xảy ra việc tục hóa : giải tán hội đoàn tôn giáo, tịch thâu trường học, bệnh viện, cấm dạy giáo lý ngoài nơi chỉ định. Những người Công giáo gốc Hy Lạp tại các nước vùng Baltique và Rumani bị áp lực buộc trở về trong bàn tay bà mẹ Chính Thống. Hồng y Slipyi sẵn sàng chịu cầm tù thay vì được Thượng phụ Alexis đặt làm Trưởng giáo vùng Ukraina.
Tại mỗi quốc gia Đông Âu đều xảy ra những vụ án liên lạc với kẻ thù… Hồng y Mindszenty tại Hungari, đức cha Béran tại Tiệp Khắc, đức cha Stepinac tại Nam Tư, hồng y Wiszynski tại Ba Lan. Từ năm 1956, phong trào cải Tổ ở Liên Xô đã cải thiện tình hình tôn giáo Ba Lan (cho xuất bản báo chí có đại biểu trong quốc hội), nhưng tại Hungari, hồng y Mindszenty còn phải tự giam mình trong sứ quán Hoa Kỳ đến 1970.
Các nước Tây Âu qui tụ thành một khối quanh Hoa Kỳ : Minh ước Bắc Đại Tây Dương OTAN, 1949. Cũng năm đó đức Pio XII ban hành một sắc lệnh cấm người tín hữu cộng tác với cộng sản. Sắc lệnh đã gây nên những bi kịch lương tâm với nhiều tín hữu trong bối cảnh xã hội riêng biệt của mình, đặc biệt tại những nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa. Cho đến khi xuất hiện một người, người ấy có tên là Gioan, đức Gioan XXIII.
c/ Con đường nối giữa Đông và Tây
“Không còn Giáo hội thầm lặng nữa”. Đó là lời đức Gioan Phaolô II tuyên bố ngày 9-11-1978 tại Assisis trước một nhóm thanh niên. Con đường nối kết Đông Tây đã được đức Gioan XXIII khai mở trước đó gần hai thập niên, qua thông điệp Hòa Bình trên thế giới, qua việc triệu tập Công Đồng Vatican II, và khởi từ việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Cuba cuối tháng 10 năm 1962. Ngày 7-3-1963, ngài tiếp ông bà Adjoubei, con rể và con gái chủ tịch Khroutchev. Đức Giáo hoàng xây dựng quan hệ với các nước cộng sản, tức là đã chính thức xác nhận quyền hợp pháp thực tế của các chính quyền tại đây.
Con đường đã mở ấy được đức Phaolô VI và hồng y Casaroli tiếp nối. Nhờ những biến chuyển thần học và tinh thần cởi mở của Vatican II : phân biệt điều cốt yếu và phụ thuộc trong sinh hoạt tôn giáo, Giáo hội chỉ yêu cầu những nội dung căn bản về tự do Tổ chức sinh hoạt nội bộ của mình, gồm : việc bổ nhiệm giám mục, việc giám mục được quan hệ đều đặn với Roma, việc mở chủng viện đào tạo giáo sĩ, việc dạy giáo lý trong gia đình và quyền tự do tế tự một cách bình đẳng như mọi công dân và những tôn giáo khác.
Thế là chiếc cầu nối lại với Đông Âu đã được hình thành, Nam Tư ký với Tòa Thánh một thỏa hiệp năm 1966 và đặt quan hệ cấp đại sứ năm 1970. Tại Ba Lan, Tòa Thánh nâng những “Tổng đại diện” các vùng tái chiếm của Đức lên cấp “Giám quản tông tòa” (1967), cử đức cha Poggi làm trung gian trao đồi từ 1974. Quan hệ đôi bên ngày càng tốt đẹp hơn khi chủ tịch Gierek đến thăm đức Phaolô VI (1-12-1977) và nhất là ngày 22-10-1978 khi hồng y Wojtyla, người Ba Lan trở thành giáo chủ Gioan Phaolô II. Tại Hungari, thỏa ước đầu tiên được ký năm 1964, hồng y Mindszenty được trả tự do về đến Vatican (1971). Quan hệ đôi bên được củng cố dưới thời đức cha Lékai (từ 1975) và nhất là sau cuộc gặp gỡ của đức Phaolô VI với chủ tịch J. Kadar ngày 9-6-1977. Vị lãnh tụ này nhắc đến chuyện bà Loth hóa thành tượng để nói “chúng ta đừng nhìn lại đằng sau”.
Quan hệ với Liên Xô cũng ngày càng sáng sủa. Ngoại trưởng Andrei Gromyko đến Tòa Thánh nhiều lần (1966, 1970, 1974, 1975, 1979), ngược lại hồng y Casaroli được chính thức đón tiếp tại Mascơva vào tháng 2-1971 và tháng 6-1988. Dĩ nhiên, các mối quan hệ này dã bước sang một giai đoạn mới, trong bối cảnh thay đổi chính thể của các nước Đông Âu năm 1989 và của Liên Xô cũ năm 1991.
d/ Phong trào đại kết
Việc dành lại tự trị của các quốc gia Đông Âu sau Đệ nhất thế chiến đã nâng số Giáo hội Chính Thống độc lập (Autocéphales) lên đến 15 Giáo hội : không kể Hy lạp (1850), nay có thêm Giáo hội Georgia (Ba Lan, 1917), Ukraina (Kiev) và Nam Tư (1921), rổi đến Albani (1922) và Bucarest (Rumani 1925). Tòa Mascơva cũng được tái lập năm 1917.
Trong thế giới Tin Lành, số hệ phái ngày càng nhiều, đáng kể nhất có phong trào Thánh Linh (Pentecotism) manh nha từ 1876 và thành lập năm 1901 tại Hoa Kỳ. Nếu cuối thế kỷ XIX, Tin Lành từng Tổ chức các buỗi gặp gỡ những nhóm cùng phái rải rác khắp nơi, như Liên Hội các Giáo hội cải cách, hội Luther, hội Baptism… Thì hội nghị 1910 tại Edimbourg đã qui tụ được 1.200 đại biểu nhiều hội truyền giáo Tin Lành. Ý tưởng đại kết ra đời. Nhờ gợi ý của một đại biểu Viễn Đông “Xin các ngài chỉ giảng Tin Lành và để cho Đấng Christ thiết lập hội thánh phát xuất từ dân tộc chúng tôi…một Hội thánh thoát khỏi mọi thứ “phái, hội” (isme) mà các ngài kèm theo khi rao giảng”.
Hưởng ứng lời kêu mời của hội nghị Edimbourg, mục sư Soderblom nước Đức khởi xướng phong trào “Sống và Hành động” (Life and Work) với đại hội lần thứ nhất năm 1925 tại Stockholm : gồm 600 đại biểu thuộc 27 quốc gia về dự. Phong trào thứ hai xuất phát từ Anh giáo là “Đức Tin với Luật Lệ” (Faith and Order) nhằm mục đích nghiên cứu sâu về Tín Lý ; với đại hội đầu tiên ở Lausanna 1927, có 400 đại biểu của 108 Giáo hội tham dự. Hai phong trào đều Tổ chức đại hội lần hai, năm 1937, tại Oxford và Edimbourg với số thành viên đông hơn. Một số người tham dự cả hai phong trào đã vận động nối kết chúng lại qua quyết định Utrech 1938, nhưng do chiến tranh, mãi đến năm 1948 Hội đồng đại kết các Giáo hội được thành lập tại Amsterdam, Hà Lan.
Về phía Công giáo, từ 1890 cha Portal dòng Lagiarist cổ động cho việc hợp nhất với Anh giáo. Sau khi Roma tuyên bố việc phong chức của Anh giáo vô hiệu (1896) và dù bị kết án năm 1908, ngài vẫn nỗ lực cổ võ cho việc hiệp nhất này. Từ 1921-25, hồng y Mercier đứng ra Tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ với Anh giáo tại Malines. Thế nhưng đức Pio XI năm 1928 trong Thông Điệp “Mortalium Animos” lại cấm người tín hữu tham gia các phong trào Tin Lành vì sợ những thay đồi về “chân lý mạc khải”. Tuy nhiên, trong Giáo hội, phong trào đại kết thiêng liêng qua việc cầu nguyện vẫn được cổ động tích cực.
Tuần lễ cầu cho hiệp nhất từ 18-25 tháng 01 bắt đầu có từ năm 1908 do hai mục sư Anh giáo J.
Spencer (Anh) và L.Wattson (Mỹ) khởi xướng tại các tu viện nói tiếng Anh. Năm sau đức Pio X gặp mục sư Wattston và cổ võ chương trình này (vị mục sư trở lại Công giáo năm 1910). Tại Bỉ năm 1925 linh mục L. Bauduin, thành lập một tu viện chuyên cầu nguyện cho việc hợp nhất với Giáo hội Đông phương, nơi đây được cử hành phụng vụ theo hai nghi lễ Latinh và Byzantin. Nhưng ý tưởng căn bản đến lúc này vẫn là cầu nguyện cho “những người ngoài Công giáo trở lại với vị cha chung, ngài sẽ tiếp đón họ với lòng trìu mến”.
Cha P. Couturier địa phận Lyon là người canh tân hẳn lối nhìn về đại kết. Ngài cổ võ các mục sư và linh mục gặp nhau tĩnh tâm đại kết tại đan viện Trappist ở Dombes từ 1937. Ngài chủ trương cầu nguyện cho “sự hiệp nhất mà Chúa Kitô mong muốn và bằng những phương tiện người muốn”. Tháng 3-1950 một huấn thị của Tòa Thánh nhìn nhận phong trào đại kết là công trình tuyệt tác, và là hoa quả của Thánh Thần. Các Giám mục có quyền cho phép tín hữu hợp mặt với những phái khác, và tín hữu có thể đọc kinh Lạy Cha chung với mọi người.
Đến thời đức Gioan XXIII, ngày 29-1-1959 ngài tuyên bố rằng : “Chúng ta không lập phiên tòa xét lịch sử, không xem xét ai đúng ai sai. Mọi người đều có phần trách nhiệm. Tôi chỉ nói : Hãy cùng nhau ngổi lại, hãy thôi đừng chia cắt nửa…”. Bởi vì “Xét cho cùng những gì đoàn kết chúng ta lại vẫn lớn hơn những gì chia cắt chúng ta”.
Ngày 5-6-1960, văn phòng “Hiệp nhất Kitô-hữu” được thành lập và năm 1964 sắc lệnh “Đại kết” của Vatican II được chấp thuận (2137 / 2148 thuận), cổ võ đối thoại để hiểu giáo lý của nhau, cầu nguyện chung và hợp tác trong những việc hợp với lương tâm như việc bác ái. Ngày 7-12-1965 đức Phaolô VI và Thượng phụ Athenagoras cùng tuyên bố hủy những vạ tuyệt thông trong quá khứ. Từ nay Đức Kitô trở thành cốt lõi nối kết các Kitô hữu.
d/ Đức Pio XII
Nói đến đức Pio XII, người ta thường nhắc đến việc ngài kết án các trào lưu thần học, phong trào xã hội chủ nghĩa và linh mục thợ. Tuy nhiên phải nhìn nhận dưới thời đại ngài, sinh hoạt Giáo hội cũng có nhiều thay đồi : trước tiên là phụng vụ (nghi thức bí tích bằng tiếng địa phương, cho dâng lễ buỗi chiều, việc giữ chay Thánh Thể chỉ còn ba giờ, cải Tổ nghi lễ tuần thánh và giản dị hóa kinh thần vụ); Ngoài ra, ngài tích cực cổ võ phong trào tông đồ giáo dân, mở hai đại hội giáo dân thế giới 1951 và 1957 tại Roma (trên 2.000 đại biểu thuộc 92 quốc gia); quốc tế hóa Hồng y đoàn (2/3 không phải người Ý), và cổ võ đặc biệt cho việc lập hàng giáo phẩm các xứ truyền giáo. Ngày 01-11-1950, đức Pio XII công bố tín điều “Đức Mẹ Hồn xác lên trời”.
NB – Thống kê đầu năm 1989 : 154 hồng y, 4.000 giám mục, 410.136 linh mục trên thế giới, báo CGDT số ngày 30-4-1989
II. CÔNG ĐỒNG VATICAN II
2,1. Giai đoạn chuẩn bị
Hồng y Roncalli đắc cử giáo hoàng ngày 28-10-1958, lấy hiệu Gioan XXIII, khi đã 77 tuổi. Tuy xuất thân từ nông thôn, ngài từng làm đại diện Tòa Thánh ở Bungari, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, là sứ thần Tòa Thánh tại Paris trong “mùa xuân thần học” (1944-53), rổi thượng phụ thành Venise. Ngài nổi tiếng về lòng trung hậu nhân từ. Nhiều người nghĩ ngài chỉ là Giáo hoàng chuyển tiếp, nhưng ngay sau đó người ta đã thấy nơi ngài một nhân cách độc đáo, khi thấy ngài rời cung điện xuống phố, đi thăm khám đường, đi hành hương Lorette và Assise. Ngỡ ngàng hơn nữa, ngày 25-1-1959, vị Giáo hoàng 78 tuổi tuyên bố sẽ triệu tập Công Đồng chung đưa ra hai ý hướng rộng rãi : cập nhật hóa Giáo hội và đại kết. Trong thông điệp 11.9.1962, trước công đồng một tháng, ngài nói tới việc : “quét sạch bụi bặm trên khuôn mặt Giáo hội” và khẳng định “Giáo hội phải là Giáo hội của người nghèo”.
Mười hai ủy ban chuẩn bị được thành lập đã soạn thảo tất cả 70 lượt đồ. Trong số 3.070 nghị phụ được mời, thì 2.427 vị thuộc 134 quốc gia đã có mặt ngày khai mạc 11-10-1962 (49 vị thuộc các nước Xã hội Chủ Nghĩa) ngoài ra còn có 460 chuyên viên Thần học. Số quan sát viên các Giáo hội Kitô khác ban đầu có 31 sau lên đến 93 vị vào cuối công đồng. Số giáo dân dự thính là 36 trong đó có 7 phụ nữ.
2,2. Diễn biến Công đồng
Trong kỳ họp thứ nhất, theo ý kiến hồng y Liénart, các Hội đồng Giám mục cử thành viên vào những ủy ban, thay vì bầu cử. Các ủy ban Công đồng làm việc khá gay gắt, vì có hai khuynh hướng trái ngược nhau : cố bảo tồn kho tàng đức tin (Ý, Tây Ban Nha), hay thích nghi trong tinh thần đại kết và về nguồn. Khóa họp I kết thúc ngày 8-12 nhưng chưa quyết định văn bản nào. Số lược đồ được xếp lại còn 20.
Năm 1963, Đức Thánh Cha công bố thông điệp “Hòa Bình trên thế giới” (9-4) và nhận giải thưởng hòa bình Balzan. Suốt một tháng, toàn thế giới cảm động theo dõi cơn hấp hối của đức Gioan XXIII, cho tới khi ngài tạ thế ngày 3-6. Ngày 21-6-1963, hồng y Montini Tổng Giám mục Milan lên kế vị lấy hiệu là Phaolô VI. Ngày đăng quang, đức Phaolô VI xác định theo đuỗi công đồng. Nỗ lực phục vụ công lý hòa bình và cổ võ việc đại kết. Kỳ họp II (từ 29-9 đến 4-12-1963) kết thúc bằng việc công bố Hiến Chế Phụng Vụ và sắc lệnh Truyền Thông xã hội.
Năm 1964, đức Phaolô VI đi thăm Thánh địa (4 đến 6-1), gặp gỡ Thượng phụ Athenagoras thành Constantinople. Tháng 5-1964 văn phòng cho những người “ngoài Kitô giáo” được thành lập. Số lược đồ giảm xuống còn 17. Kỳ họp III (14-9 đến 21-11-1964), kết thúc bằng việc công bố Hiến Chế Ánh sáng Muôn dân, hai sắc lệnh về Đại kết và Tôn giáo Đông Phương. Tháng 12 năm đó, đức Phaolô VI du hành Bombay, Ấn Độ.
Năm 1965, trong kỳ họp thứ IV (từ 14-9 đến 8-12-1965) tất cả các bản văn còn lại được công bố gồm Hiến Chế Mạc Khải và Hiến Chế Giáo hội giữa thế giới ; sáu sắc lệnh : Nhiệm vụ các Giám mục, Đời sống Linh mục, Canh tân Dòng tu, Tông đồ giáo dân, Hoạt động truyền giáo và Truyền thông xã hội, và ba tuyên ngôn về giáo dục Kitô giáo, Liên lạc các tôn giáo, và về Tự do Tôn giáo. Ngày 4-10, tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc ở New-York, lời đức Phaolô VI kêu gọi “không bao giờ để xảy ra chiến tranh nữa”, được mọi người hưởng ứng. Công đồng bế mạc ngày 8-12 sau bốn năm làm việc, đã hoàn thành được 16 bản văn (04 Hiến chế, 9 sắc lệnh và 3 tuyên ngôn).
2,3. Những nét lớn của Vatican II
Cách chung, công đồng ngỏ lời với mọi thành phần trên thế giới và không kết án bất cứ ai. Ta tạm tổng kết ba nét lớn :
Một nền thần học trở về nguồn : Hiến chế Mạc khải nhấn mạnh tính duy nhất của Mạc khải trong Thánh Kinh lẫn Thánh truyền. Mạc khải không ngừng ở bản văn, nhưng được Dân Chúa lưu giữ và không ngừng khám phá ra những điều mới mẻ phong phú. Việc về nguồn này giúp Giáo hội trở lại những truyền thống trước đây chưa quan tâm đủ như tập đoàn tính của Giám mục, chức tư tế cộng đồng của tín hữu, việc học hỏi Kinh Thánh, Giáo hội là Dân Chúa và Nhiệm Thể hơn là cơ chế pháp lý. Từ đó ta thấy xuất hiện các hội đồng giám mục miền, quốc gia; Thượng hội đồng các Giám mục Thế giới (1967, 1971, 1974, 1977, 1980, 1983, 1985, 1987, 1990); Việc cải tổ hiến pháp các dòng tu, việc biên soạn lại Giáo luật (hoàn tất năm 1983), và nhất là việc cải Tổ phụng vụ (dùng tiếng địa phương, đề cao phụng vụ lời Chúa, lễ đồng tế)…
Cởi mở với các Kitô giáo và tôn giáo khác: theo tuyên ngôn về tự do tôn giáo các nghị phụ không cứu xét đạo nào có chân lý duy nhất và chân thật nữa, nhưng nhấn mạnh lương tâm con người được tự do nhận thức và chọn lựa. Kể cả trường hợp thiểu số không Công giáo sống trong vùng Công giáo. Tuyên ngôn liên lạc các tôn giáo cho thấy phải nỗ lực khám phá Thiên Chúa tiềm ẩn trong mọi tôn giáo. Còn sắc lệnh đại kết thì kêu gọi hướng đến những điểm chung của các Giáo hội đó là Đức Kitô và Tin Mừng.
Đồng hành và đối thoại với thế giới: Trong Hiến chế Giáo hội giữa thế giới, Giáo hội chia sẻ với mọi nổi vui buổn, lo âu hy vọng của con người, lưu tâm đến mọi biến chuyển của thế giới, đến hôn nhân gia đình, văn hóa, kinh tế, xã hội, chính trị, và kiến tạc hòa bình. Bởi vì trong Hiến chế Ánh sáng Muôn Dân, Giáo hội nói về mình như một dấu chỉ của huyền nhiệm “Dân Thiên Chúa” . Chính vì thế văn phòng liên lạc với những người vô tín được thành lập vào tháng 4-1965, và Mục lục các sách cấm được bãi bỏ vào tháng 4-1966.
III. GIÁO HỘI SAU VATICAN II
Vatican II đã cho nhiều người cảm tưởng một kỷ nguyên mới được khởi đầu, chấm dứt thời đại Trento. Người ta sẽ nói trước Công đồng và sau công đồng như sự phân định hai não trạng, hai quan điểm và Tổ chức khác nhau.
Giáo hội dường như đã tìm lại được chiều kích thế giới. Những chuyến công du của đức Phaolô VI gây được thiện cảm của những Kitô hữu lẫn những người không tin Đức Kitô. Năm 1965 ngài đến Hoa Kỳ và Đồ Đào Nha, năm 1966 ngài gặp Giáo chủ Hồi Giáo Rouhani, gửi trả lá cờ đã tịch thu tại trận Lepanto (1571), năm 1967 Ngài đến Istamboul và gặp gỡ Thượng phụ Athenagoras, năm 1968 ngài đến châu Mỹ Latinh, năm sau ngài đến Genève và Ouganda, năm 1970 ngài đi Đông Á. Năm 1966, ngài gặp Tổng giám mục Cantorbery (Anh giáo). Ngài quốc tế hóa giáo triều Roma, từ nay các hồng y người Ý trong Hồng y đoàn chỉ còn là thiểu số.
Thông điệp “Phát triển các Dân Tộc” (1967) của đức Phaolô VI xác định vấn đề xã hội phải là vấn đề chung của thế giới; việc phát triển cho đúng phải có tính toàn diện từ kinh tế, văn hóa đến đời sống thiêng liêng; cần có những Tổ chức quốc tế để bảo vệ các nước yếu và nghèo chống lại sự cạnh tranh bất chính. Thông điệp được khai triển kỹ hơn tại các hội đồng Giám mục miền và Thượng Hội Đồng 1971.
3,1. Những diễn biến bất ngờ (1968)
Trong đường hướng của Vatican II, chấp nhận dị biệt và mở ngỏ cho những suy tư, năm 1968 nhiều sự kiện xảy ra khá bất ngờ. Khắp nơi rộ lên những phong trào “vào đời”, Giáo hội trên đường phố… Nhiều người đòi đặt lại vấn đề xã hội dựa vào niềm tin, hoặc tố cáo các giáo sĩ ủng hộ cho trật tự hiện hành. Nhiều người thúc ép phải thực hiện Công đồng cho nhanh hơn. Ngày càng có nhiều linh mục tu sĩ muốn hội nhập chức vụ linh mục vào bối cảnh chung của nhân loại như hôn nhân, lao động dấn thân hoạt động chính trị… Thông điệp “Sự Sống Con người” (tháng 7-1968) của đức Phaolô VI, bác bỏ mọi cách ngừa thai trái tự nhiên, không được mọi tín hữu hưởng ứng như xưa.
Tháng 8-1968, đức Phaolô VI đến Colombia (Bogota và Medellin) nhân dịp hội nghị Giám mục Châu Mỹ Latinh (CELAM). Ngài công bố : “Hòa bình có tên gọi là phát triển”. Cũng trong hội nghị Medellin, các Giám mục Nam Mỹ Châu đã chọn đứng hẳn về phía người nghèo trong lục địa, kêu gọi một cuộc giải phóng toàn diện (như Maisen cứu dân khỏi nô lệ Ai cập), chiến đấu cho Công lý, cho sự phát triển chân thực để mọi người có điều kiện sống hợp với nhân phẩm hơn… Đây là bước khởi đầu của thần học giải phóng.
Dù bản văn Vatican II cho nhiều người có cảm tưởng Giáo hội sẽ lôi cuốn và hấp dẫn hơn. Nhưng thực tế phong trào tục hóa đã quá sâu rộng trong thế giới Âu châu. Nên ngay sau Công đồng, người ta vẫn thấy sự thụt lùi rõ rệt về việc thực hành tôn giáo. Đan cử trường hợp nước Pháp : số người dự lễ chủ nhật năm 1950 là 30 (trên 100), năm 1966 còn 23, 1972 còn 17 và sau 1980 chỉ còn 12; số trẻ em dưới 7 tuổi rửa tội hàng năm giảm 1,7%. Số linh mục triều năm 1965 là 40.000, 1975 là 36.000 và 1985 chỉ còn 28.000, số tân linh mục mỗi năm trước trên một ngàn, giảm xuống 500 (1985 chỉ trên 100) chưa kể số linh mục bỏ tác vụ để kết hôn hoặc dấn thân vào chính trị (gần 6000). Hôn nhân theo lễ nghi tôn giáo cũng giảm thiểu. Việc ly dị từ 1/10 vào 1963, tăng lên 1/5 năm 1979 và 1/3 năm 1985.
Một số người như nhóm bảo thủ của đức cha Lefèbvre đổ lỗi tất cả những xáo trộn trên Vatican II, họ từ chối tuyệt đối Công đồng đã thay đổi phụng vụ, và đường lối cổ truyền. Trong khi đó những nhà thần học của Công đồng thì cắt nghĩa rằng : người ta đã giải thích công đồng sai, việc áp dụng đôi khi quá vội vã, sử dụng cơ chế tự do mà lại chưa chuẩn bị những Kitô hữu chín chắn.
Dẫu sao, năm 1985, các giám mục thế giới họp thượng hội đồng kỷ niệm 20 năm Vatican II, đã kết thúc bản tuyên ngôn như sau : “Thượng hội đồng hết lòng tạ ơn Thiên Chúa Cha, nhờ Con Một Ngài và trong thần khí về ơn huệ lớn lao nhất của thế kỷ nàyđã lãnh nhận,đó là công đồng Vatican II… Chúng tôi cam kết tìm hiểu thấu đáo hơn và đưa vào thực hành”.
3,2. Trên những nẻo đường mới của Vatican II
Tuy có nhiều dấu hiệu bất ngờ trên, người ta phải công nhận Giáo hội đã bước qua một khúc ngoặt của lịch sử :
a/ Một Giáo hội phục vụ con người
Đức Phaolô VI tại Liên Hiệp Quốc đã khẳng định : “là chuyên gia về nhân loại, chúng tôi tôn trọng con người”. Con người cụ thể nay trở thành điểm gặp của Giáo hội với mọi phong trào tổ chức trên thế giới. Qua các chuyến du hành, ngài và đức Gioan Phaolô II không ngừng lên tiếng bênh vực cho nhân quyền. Ủy ban “Công lý và Hòa bình” được thiết lập năm 1967 có văn phòng tại nhiều quốc gia. Người kitô hữu được kêu gọi hiện diện và hoạt động trong mọi lãnh vực của đời sống qua việc dấn thân xã hội và chính trị của họ. Nhiều phong trào Công giáo tiến hành mong muốn có một chọn lựa về chính trị rõ rệt. Tuy nhiên chủ trương đa dạng về dấn thân gây nên một số căng thẳng do dị biệt giữa các Kitô hữu.
d/ Phong trào đại kết
Công đồng đã khai mở những nẻo đường rộng rãi cho phong trào đại kết. Giáo luật về hôn nhân dị giáo được giảm nhẹ. Giáo hội đã cử quan sát viên tham dự những cuộc họp lớn của Hội đồng Đại kết và qua đó, Giáo hội chú ý theo dõi, hiệp thông với những ưu tư của Hội đồng này.
Ở nhiều cấp độ và trong nhiều quốc gia, các bản văn chung được soạn thảo. Bản dịch Kinh Thánh đại kết (TOB, 1972) gặt hái nhiều thành công lớn lao. Nhóm Dombes (của hồng y Mercier) phỗ biến hàng loạt những tài liệu thần học do trao đồi giữa người Công giáo và Tin Lành : như nghi lễ Tạ Ơn (1972), các tác vụ (1973), tác vụ Giám mục (1976) Chúa Thánh Thần, Giáo hội và Bí tích (1979)… Năm 1973 ban thường trực Hội đồng Giám mục Pháp và Hội liên hiệp Tin Lành Pháp đã cùng phỗ biến những suy tư về việc buôn bán vũ khí… Dầu vậy, với một số người thì cần cổ võ hoạt động chung trước khi nghĩ đến chuyện thống nhất về tín lý.
c/ Trước bối cảnh phục hồi cảm thức tôn giáo
Từ 1970, trên thế giới bổng xuất hiện phong trào trở về đời sống tâm linh. Có lẽ vì những khoa học, triết lý, các ý thức hệ và cả các tôn giáo lớn vẫn chưa tìm ra giải đáp cho những âu lo của con người. Nhiều tôn giáo mới đang xuất hiện, hoạt động bói toán, chiêm tinh… vẫn tạo được nhiều ảnh hưởng mới. Có những phong trào nhân danh đức Giêsu mà chẳng liên hệ gì đến các giáo hội, như trình diễn nhạc Opéra-Rock về Giêsu, Jésu Super Star, Godspels; những khẩu hiệu đa dạng và phổ biến tùy tiện để trang hoàng theo “mốt” như in trên áo “Giêsu cứu độ”, “Giêsu thương bạn”….
Ngoài ra, do ảnh hưởng phái Pentecotism của Tin Lành, trong Giáo hội cũng xuất hiện phong trào Thánh Linh với các hiện tượng phi thường như nói tiếng lạ, ơn chữa bệnh và những cuộc hoán cải đông đảo (?). Tích cực hơn ta thấy sự hưởng ứng của nhiều bạn trẻ với phong trào Taizé (từ 1974), phong trào tham dự cầu nguyện tại các đan viện và nhất là tầm quan trọng của một số nhân vật tôn giáo trên các phương tiện truyền thông xã hội như : Martin Luther King, Mẹ Têrêxa Calcutta, đức Gioan Phaolô II. Những cuộc hành hương (tuy đôi khi chỉ là du lịch đạo đức) cũng thấy gia tăng ngày càng đông.
3,3. Tổ chức Giáo hội hôm nay
a/ Những chuyển hướng đa dạng
Giáo hội Phương Tây mất dần sự thống trị tuyệt đối trong Giáo hội của những thế kỷ trước. Phân nửa tín hữu hiện nay ở Châu Mỹ Latinh, Brasil nay là nước đông tín hữu nhất. Sự tăng vọt của dân số Phi châu đang gia tăng vị trí của Giáo hội này… Hơn nữa, mỗi vùng lớn của Giáo hội lại có những ưu tiên riêng biệt :
Tây Âu bận tâm về vấn đề tục hóa, việc tìm kiếm một hệ thống giá trị và cải Tổ đạo đức luân lý.
Châu Mỹ Latinh ưu tiên giải quyết việc nghèo đói, những bất công kinh tế và cách mạng xã hội.
Tại vùng Trung Đông có vấn đề Tôn giáo Đông Phương, liên lạc với Hồi giáo.
Nam Phi có phong trào chống kỳ thị chủng tộc…
Trong tình hình chấp nhận đa dạng, các văn kiện tòa thánh như thông điệp, tông thư thường tìm những ngôn ngữ có thể áp dụng cho mọi người. Ngôn ngữ này bị nhiều người phê phán là không đáp ứng bối cảnh cụ thể. Ngay các Giáo hội địa phương cũng gặp khó khăn tương tự, vì chấp nhận các chủ trương thần học hoặc chính trị khác nhau.
b/ Quốc tế hóa giáo triều
Hồng y đoàn được quốc tế hóa. Những chức vụ lớn trong giáo triều không còn dành riêng cho người Ý. Hồng y Villot người Pháp đã là quốc vụ khanh, hồng y Etchegaray là chủ tịch văn phòng Công lý Hòa bình. Giới hạn về tuổi của các vị có trọng trách (tuổi hưu 75) xác định rõ hơn khía cạnh phục vụ của các chức vụ này. Những hội đồng Giám mục và Thượng hội đồng Giám mục nói lên tập đoàn tính của các ngài và làm thăng bằng sự tập quyền của Roma. Hai cuộc bầu cử giáo hoàng gần đây cho thấy bầu khí mới đó. Đức Gioan Phaolô I (2 đến 29-9-1978) tuy vẫn là người Ý, nhưng là mẫu người hòa giải và không ở trong giáo triều (ngài là thượng phụ Venise). Việc bầu hồng y Wojtyla ngày 16-10-1978 người Ba Lan, rõ rệt là hậu quả việc quốc tế hóa các hồng y, khẳng định ý muốn giảm bớt ảnh hưởng quá lớn của Ý và các Giáo hội phương Tây. Hoạt động của ngài, chúng ta có thể theo dõi trên các phương tiện thông tin hằng ngày.
GIÁO HỘI NĂM 2000
Để kết thúc, xin trích dẫn một đoạn viết về “Giáo hội năm 2000 ” của hồng y Koenig tháng 12.1974 (Jean Comby, sđd II, tr. 230).
“Giáo hội trong tương lai sẽ đơn giản hơn trong nhiều điểm. Giáo hội sẽ không phê phán hay quyết định gì về những vấn đề Giáo hội không thông thạo (…) Trong tương lai, người ta sẽ có một tôn giáo của tự do, không hạn chế những đặc điểm riêng của con người, vì nơi nào có Thánh Thần của Chúa hoạt động, nơi đó phải có tự do (…).
Giáo hội của tương lai sẽ tự làm cho mình nên nhẹ nhàng để trở thành linh động. Giáo hội đó không tự trang bị cho mình những bộ máy nặng nề, như những loại xã hội chỉ có thể dựa vào sức mạnh của cơ chế… Một Giáo hội truyền giáo đòi hỏi tính sáng tạo, Giáo hội đó không để chết cứng vào cơ chế quá khứ, như thể sống chết cũng phải lệ thuộc vào nó, nhưng Giáo hội sẽ sáng tạo nên những cơ chế mới theo lời mời gọi của Thánh Thần và những nhu cầu của thời đại ; tin tưởng vào cuộc đời và dưới sự thúc đẩy của Thánh Thần, Giáo hội dám liều loại bỏ cơ cấu nếu việc phục vụ Tin Mừng đòi hỏi.
Là Giáo hội truyền giáo, Giáo hội sống cộng sinh với khung cảnh văn hóa và xã hội, Giáo hội chấp nhận những chân lý và giá trị của cộng đồng xã hội đó; Giáo hội không dựng nên những pháo đài, không đào hào để tự vệ, và cũng không vũ trang để xâm chiếm.
TOÁT YẾU
Trong vài thập niên gần đây, Giáo hội đã phải đương đầu với những thay đồi biến chuyển lớn của thế giới. Trong đệ nhị thế chiến, đức Pio XII giữ đường lối trung lập, có nhiều nỗ lực để giảm bớt những thảm họa do chiến tranh gây ra. Thế nhưng, sau thế chiến, trong bối cảnh cuộc phân rẽ Đông-Tây : khi các tín hữu tại Tây Âu đã khẳng định được vị trí mình trong cộng đồng dân tộc thì ngược lại tín hữu Đông Âu gặp nhiều khó khăn do các phong trào tục hóa và hiểu lầm. Thế nhưng, Giáo hội thời đức Gioan XXIII và Phaolô VI đã có nhiều nỗ lực ngoại giao để nối lại quan hệ với những quốc gia này ngày càng tốt đẹp hơn.
Trong bối cảnh đó Giáo hội đã tiến hành công đồng Vatican II (1962-1965) vừa tự duyệt xét lại sinh hoạt của mình dưới ánh sáng Tin Mừng vừa đúc kết những tiến triển của thần học trong tiền bán thế kỷ XX. Nhờ Vatican II, Giáo hội từ bỏ độc quyền về chân lý, về luân lý và về cả tôn giáo để tin tưởng hơn vào Chúa Thánh Thần, Đấng không ngừng sáng tạo đồi mới, Đấng vẫn làm việc nơi mọi người đồng hành với thế giới lắng nghe tiếng Chúa qua các thời điểm và nỗ lực xây dựng Nước Trời ngay từ trần gian. Điều này làm nổi bật vai trò của người tín hữu.
Trên đường trở về nguồn Tin Mừng và Đức Kitô, người tín hữu được kêu gọi trở về với nội tâm để góp phần cách sáng tạo vào sứ vụ Giáo hội : vừa đa dạng theo môi trường văn hóa riêng vừa liên đới trách nhiệm với toàn Giáo hội. Do thiếu chuẩn bị, việc áp dụng Vatican II đã gặp phải nhiều khó khăn bất ngờ, nhất là vào năm 1968, nhưng những nẻo đường mới của đại kết, của việc chọn lựa phục vụ nhân quyền giúp Giáo hội có khả năng hiện diện và phục vụ nhân loại cách hữu hiệu. Cơ chế Tổ chức sau Vatican II đã tạo điều kiện cho hồng y đoàn, cho các hội đồng và Thượng Hội đồng giám mục đáp ứng đúng lúc và phong phú đa dạng trước những vấn đề mới do thế giới đặt ra.
BÀI ĐỌC THÊM
BẢO VỆ QUYỀN CON NGƯỜI
Thông tri của hồng y Gerlier, TGM Lyon, buộc đọc tại nhà thờ Chúa nhật 6-9-1942, không được thêm bớt.
Việc áp dụng những biện pháp lưu đày và truy lùng người Do Thái, hiện đang gây ra trên khắp lãnh thỗ những cảnh rất thương tâm, buộc chúng tôi theo lương tâm, thấy có bổn phận khẩn thiết và đau đớn lên tiếng phản kháng. Chúng tôi đã chứng kiến nhiều gia đình phải chia lìa nhau dù họ đã già nua tuổi tác, đang yếu đau, bệnh tật, vẫn không sao thoát khỏi. Trái tim phải se thắt lại khi nghĩ đến cảnh hàng ngàn người bị đối xử tàn tệ, và sẽ còn biết bao người khác nữa mà ta chưa thể thấy trước được.
Những ai muốn khiển trách Giáo hội, trước những vấn đề được đặt ra, đã khẳng định lớn tiếng trong giờ phút đen tối này, về những quyền không thể hủy diệt của con người : về đặc tính thiêng liêng của mối quan hệ gia đình, sự bất khả xâm phạm của quyền cư trú và những yêu sách bó buộc của đức ái huynh đệ mà Chúa Kitô đã lập như dấu chỉ riêng biệt của môn đệ Ngài. Không bao giờ rời bỏ những nguyên tắc này, đó chính là danh dự của nền văn minh Kitô giáo, và cũng là vinh dự của nước Pháp, .
Không thể nào xây dựng một trật tự mới trên bạo lực và căm thù. Người ta chỉ có thể xây dựng được trật tự mới, cùng với sự hòa bình, bằng cách tôn trọng công lý, trong hiệp nhất các tâm trí và tấm lòng, như tiếng nói lớn lao của ngài Thống chế đã mời gọi chúng tôi, và cũng nhờ đó mà uy tín lâu đời của quê hương tổ quốc của chúng ta sẽ triển nở.
(JC Để đọc LSGH II,t,192)
CÁC KITÔ HỮU KHÁNG CHIẾN
Chúng ta biết rằng có nhiều nỗ lực được theo đuổi, nhằm hợp nhất hữu hiệu các lực lượng kháng chiến (…). Những sáng kiến trên cho chúng tôi cơ hội để xác định lập trường của kitô hữu đối với Mặt Trận Kháng Chiến Thống Nhất. Dĩ nhiên, chúng tôi cũng nói đến những người kitô hữu (…)
Phát biểu với tư cách là kitô hữu, chúng tôi ý thức đầy đủ về tính siêu việt nơi sứ điệp của mình. Không thể chấp nhận nổi việc đặt Chúa Kitô vào một tổ chức nhân loại, trên cùng một bình diện như một vị lãnh đạo nào đó chấp nhận cho đảng mình gia nhập vào một cơ cấu nhân loại lớn hơn. Chúa Kitô siêu vượt trên mọi đảng phái và các dự án tạm bợ (…)
Nhưng cũng không thể nào chấp nhận được việc trốn tránh trước thảm kịch đang làm rung chuyển thế giới, viện lẽ tính siêu việt của Kitô giáo. Kitô giáo siêu việt, chứ đâu phải kitô hữu. Những kitô hữu Pháp đều là công dân Pháp. Kitô giáo không miễn cho họ những bổn phận của người Pháp bình thường, mà ngược lại, còn thêm vào những bó buộc này, những nghĩa vụ khác, vì là một Kitô hữu (…)
Chính vì thế, các tín hữu Pháp có thể như mọi công dân Pháp, tìm được chỗ đứng của mình trong các phong trào kháng chiến.
JC Để đọc LSGH II,tr 193)
LẬP TRƯỜNG ĐỨC PIO XII
Sau đây là vài văn bản trong đó Đức Piô XII ám chỉ đến sự diệt chủng. Về sau, những văn bản này bị phê bình là không rõ rệt lắm.
* Sứ điệp truyền thanh, nhân dịp Giáng sinh 24.12.1942
(…) Khát vọng (lập lại hòa bình), nhân loại phải có đối với hàng trăm triệu người, không vì một lỗi lầm nào của họ, nhưng chỉ vì lý do quốc tịch hoặc do nguồn gốc chủng tộc, đã bị dẫn đến cái chết hoặc sự diệt chủng dần dần.
* Thư gởi Đức cha Von Preysing, giám mục Bá linh,
ngày 30 tháng 4 năm 1943.
Ta mong các vị chủ chăn trong quyền hạn tại chỗ, suy xét nhận định rõ ràng, lúc nào và bằng biện pháp nào, phải dùng đến điều dự trữ cho lúc cần thiết (mặc dầu có nhiều lý do lẽ ra phải can thiệp), để tránh xảy ra những tai họa lớn hơn, vì biết rằng những tuyên cáo của giám mục có nguy cơ kéo theo những cuộc trả thù và áp bức, cũng cần xét đến những hoàn cảnh khác có thể phát sinh do cuộc chiến kéo dài và cũng vì tâm lý của cuộc chiến. Đó cũng là một trong những động cơ khiến chính ta, ta cũng giới hạn trong những tuyên bố của ta.
* Ngỏ lời cùng Hồng Y đoàn (Sacré-Collège), ngày 2-6-1943
(…) Trái tim của ta đáp lại bằng mối âu lo ân cần và xúc động trước những lời cầu xin của những người hướng về ta bằng cái nhìn khẩn khoản âu lo, bị dày vò đau đớn vì lý do quốc tịch hay chủng tộc của họ, bởi những bất hạnh lớn lao hơn, vì những biện pháp diệt chủng, dù họ không có lỗi lầm gì.
Chư huynh không nên đợi ta trình bày dù là một phần trong tất cả những gì mà ta đã cố gắng và thử hoàn thành, để làm giảm bớt những thống khổ của họ, để xoa dịu tình trạng đạo đức và pháp lý của họ, để bảo vệ quyền lợi tôn giáo không thể chối bỏ của họ, để trợ giúp cho sự thiếu thốn và những gì cần thiết cho họ.
Tất cả những lời của ta, nhân dịp này ngỏ ý cùng với các thẩm quyền, tất cả những ám chỉ công khai của ta, phải được cân nhắc thận trọng và đo lường kỹ, nhằm có lợi cho những ai đau khổ, để không làm cho tình trạng của họ, điều ta không muốn, bị trầm trọng thêm và bị thống khổ hơn.
Thông điệp HÒA BÌNH TRÊN THẾ GIỚI
Đức Gioan XXIII, ngày 11.4.1963
Thưa quý chư huynh Thượng phụ, giáo chủ, tổng giám mục, giám mục… giáo sĩ và mọi tín hữu trên khắp hoàn cầu cũng như mọi người thiện chí (…)
Những tiến bộ khoa học và những phát minh kỹ thuật đã thuyết phục được chúng ta điều này : trong mọi sinh vật sống động và trong những sức mạnh của vũ trụ, có một trật tự đáng khâm phục ngự trị, chính là sự vĩ đại của con người, có thể khám phá các trật tự này và có thể làm nên những dụng cụ, nhờ đó làm chủ những nguồn năng lực thiên nhiên và sử dụng chúng nhằm phục vụ con người (…)
Tất cả mọi người có quyền sống, quyền được toàn vẹn thể lý và hưởng dùng những phương tiện cần thiết và đầy đủ, cho một cuộc sống xứng đáng, thường liên quan đến vấn đề cơm ăn, áo mặc, nhà ở, nghỉ ngơi, thuốc men và an sinh xã hội (…)
Mọi người có quyền tôn thờ Thiên Chúa theo đúng lề luật chân thật của lương tâm, và có thể tuyên xưng tôn giáo của mình trong đời tư cũng như công…; quyền tự do chọn lựa bậc sống (…) ; quyền có việc làm và sáng kiến trong lãnh vực kinh tế (…).
Chúng tôi nhìn nhận Bản Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền của Liên Hiệp Quốc (10-12-1948) như là một bước tiến hướng tới việc thành lập một tổ chức pháp lý chính trị cho công đồng nhân loại (…). Vì vậy chúng tôi mong mỏi sao cho Tổ Chức Liên Hiệp Quốc càng ngày càng thích nghi những cơ cấu và phương tiện hành động của mình. Mong sao cho tổ chức Liên Hiệp Quốc sớm bảo vệ hữu hiệu được những quyền của con người (…).
Xin gởi những người thiện chí hiện đang gánh vác trọng trách bao la, là lặp lại những tương quan đời sống trong xã hội dựa trên những căn bản nền tảng của chân lý, công lý, nhân đạo và tự do : những tương quan giữa những tư nhân với nhau, giữa công dân với nhà nước, giữa những quốc gia, và sau cùng, tương quan giữa những cá nhân, gia đình, những đoàn thể trung gian một mặt với những quốc gia, và mặt khác với cộng đồng thế giới. Trọng trách cao cả hơn hết, bởi vì nó nhằm làm cho hòa bình chân thật ngự trị, trong trật tự do Thiên Chúa quyết định.
GIẢI THƯỞNG HÒA BÌNH BALZAN
Ngày 1.3.1963, Hội đồng tặng giải thưởng Hòa Bình Balzan gồm 37 thành viên thuộc 21 quốc tịch quyết định tặng giải Hòa Bình cho Đức Giáo Chủ (trong hội đồng có 4 thành viên Liên xô, cả 4 vị đều nhất trí bỏ phiếu cho Đức Gioan XXIII). Hội đồng ra tuyên bố tặng giải Hòa Bình cho Đức Giáo Chủ :
1. VÌ HÒA BÌNH giữa mọi người và giữa các dân tộc, do sự quan tâm không biết mệt mỏi của Giáo chủ để góp phần duy trì những quan hệ hòa bình giữa các nước, bằng cả những lời kêu gọi hòa bình gửi đến thiện chí của mọi người lẫn những hành động về ngoại giao mới đây.
2. VÌ TÌNH HUYNH ĐỆ giữa người với người và giữa các dân tộc, do sự đóng góp lớn lao của Giáo chủ cho tình huynh đệ ấy; cách riêng trong năm qua Giáo chủ đã mời đại diện các Giáo hội Kitô giáo khác; Chính thống và Tin lành đến dự và đặc biệt tham gia sinh hoạt Công đồng.
3. Làm như thế, Giáo chủ đã khiến các tín hữu của các Giáo hội đó cũng như của Giáo hội Công giáo có một thái độ hiểu biết lẫn nhau cao hơn và đưa lại những hậu quả vừa nhiều vừa quan trọng.
4. Giáo chủ đã thiết lập những sự giao tiếp mở rộng ra ngoài cả Cộng đồng Kitô giáo.
HIẾN CHẾ LUMEN GENTIUM
(…) Thiên Chúa đã muốn rằng con người không được thánh hóa và cứu độ cách riêng rẽ, ngoài mọi liên hệ hỗ tương; trái lại, ngài đã muốn kiến tạo họ thành một dân nhận biết Ngài theo chân lý và phụng sự Ngài trong thánh thiện… Chúa Kitô kêu gọi đông đảo con người từ giữa người Do Thái và từ giữa dân ngoại, để thành lập nên một không theo xác thịt nhưng theo Thần trí và trở nên dân tộc mới của Thiên Chúa.
Thế nên, những ai, tin vào Chúa Kitô thì được “tái sinh” không phải từ một mầm giống có thể bị hủy diệt, nhưng từ mầm giống không bị hủy hoại là Lời Thiên Chúa sống động (1Pr 1,23), không theo xác thịt, nhưng trong nước và Thánh Thần (Ga 3,5-6), do đó, họ trở nên một dòng giống được tuyển lựa, hàng tư tế vương giả, dân tộc thánh, dân riêng mà Thiên Chúa đã dành cho Ngài, những kẻ xưa kia không phải là một dân tộc mà nay đã thành Dân Thiên Chúa (1Pr 2,9-10) (…)
Dân tộc Thiên sai này, dù vẫn chưa hoàn toàn phổ quát tính trong nhân loại, mới chỉ xuất hiện như một đàn chiên nhỏ bé, tuy vậy nó đang cấu tạo cho toàn thể nhân loại mầm mống hiệp nhất, hy vọng và cứu độ mạnh mẽ nhất. Được Chúa Kitô thiết lập để cùng thông hiệp vào sự sống; vào đức ái và vào chân lý, Dân tộc Thiên sai này là dụng cụ trong tay Chúa Kitô để cứu độ mọi người, và cũng là được Chúa Kitô sai đến với thế giới như ánh sáng và muối trần gian (Mt 5,13-16) (…).
Được chỉ định lan tràn trên mọi phần đất thế giới, Giáo hội có một chỗ trong lịch sử nhân loại, dầu Giáo hội đồng thời cũng siêu việt trên những giới hạn dân tộc trong thời gian và không gian. Tiến bước xuyên qua những cám dỗ, những nghịch cảnh Giáo hội được nâng đỡ bởi tiềm lực ân sủng của Thiên Chúa, cho Giáo hội mà Chúa Giêsu đã hứa qua sự yếu đuối xác thể của mình, Giáo hội không vấp ngã phạm đến sự hoàn thiện của lòng trung tín nhưng luôn vẫn xứng đáng là Hiền thê của Chúa mình, không ngừng tự đổi mới dưới tác động của Thánh Thần cho đến khi, nhờ Thập giá, Giáo hội đến được với Ánh sáng không hề tắt.
HIẾN CHẾ VUI MỪNG VÀ HY VỌNG
Những vui mừng và hy vọng, buồn sầu và lo âu của con người thời đại này, nhất là của những người nghèo và tất cả những ai đau khổ, cũng là niềm vui mừng và hy vọng, buồn sầu và lo âu của những môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự thuộc về con người mà không gây âm hưởng trong lòng họ (…).
Tất cả những gì là chân thiện mỹ trong những cơ cấu rất đa đạng nhân loại đã và đang dấn thân vào, công đồng rất ngưỡng phục và quan tâm. Và Công đồng cũng tuyên bố rằng, Giáo hội muốn giúp đỡ, cổ võ tất cả những cơ chế này bao nhiêu có thể, và rằng trách nhiệm này tương hợp với sứ mạng của chính Giáo hội…
Công đồng khuyến khích các Kitô hữu, là công dân của đô thành trần gian và đô thành thiên quốc, hãy nhiệt tâm và trung tín chu toàn bổn phận trần thế của mình bằng cách để cho Thánh Thần của Tin Mừng hướng dẫn. Họ sẽ xa rời chân lý, nếu họ nói rằng : chúng tôi không có quê hương vĩnh viễn ở trần thế này, chúng tôi đang tiến bước về quê hương tương lai, rổìi vì thế tin rằng có thể sao lãng những trách vụ nhân loại, mà không nhận thấy rằng chính đức tin, bao gồm cả ơn gọi của kitô hữu, đòi hỏi họ một nghĩa vụ khẩn thiết hơn.
Nhưng ngược lại, cũng không kém sai lầm, những ai tin rằng có thể hoàn toàn hiến thân cho những hoạt động trần thế … Với họ, đời sống tôn giáo giới hạn trong việc cử hành phượng tự và một vài bó buộc đạo đức. Cuộc ly dị giữa đức tin mà họ viện dẫn và cung cách sống thường ngày của những người đó, phải kể vào số những sai lầm trầm trọng nhất của thời đại chúng ta.
CÁC LINH MỤC TỰ GIẢI PHÓNG
Trong phần lớn các địa phận tại Pháp, các linh mục đã chọn lựa quyền tự do : đó là có những người trong chúng tôi đã từ chối sống bằng tiền “puộc-boa”, như người ta nói, họ tham gia lao động để sống như mọi người ; đó là có những người trong chúng tôi từ chối độc quyền rao giảng Lời Chúa để tạo cơ hội cho người tín hữu phát biểu ; đó là có những người trong chúng tôi gia nhập đảng phái chính trị, hoặc từ chối những đặc quyền giáo sĩ, để sống kinh nghiệm của cộng đoàn cơ bản. Cũng có những người khác kết hôn vì trung thành với đức tin và với cuộc sống của chính mình (…)
Chính vì điều đó, “Trao đổi và đối thoại” : mà các linh mục không còn muốn là những công chức, phù thủy, khán giả ngổi ở bao lơn, tự cho phép mình reo hò và múa máy cỗ võ người khác dấn thân.
(Báo cáo hội nghị “Trao đổi và đối thoại”, Dijon, th. 4-1970.
Trích trong R.SOLE, Les Chrétiens en France, PUF, 1972.)
PHÁT TRIỂN VÀ GIẢI PHÓNG
Ngày nay, vấn đề quan yếu mà mỗi người phải ý thức là vấn đề xã hội có tầm vóc toàn cầu (…). Đã xảy ra nhiều tình trạng bất công thấu đến trời cao. Khi có nhiều dân tộc, bị tước đoạt những thứ cần thiết, phải sống trong sự lệ thuộc đến độ ngăn cản họ có bất kỳ sáng kiến và trách nhiệm nào (…) Họ bị cám dỗ dùng bạo động để đẩy lùi những bất công như thế, nhằm cổ võ phẩm giá con người (…).
Sự phát triển không thể giản lược vào việc gia tăng kinh tế đơn thuần. Để là phát triển chân thực, nó phải toàn diện, nghĩa là thăng hoa toàn diện con người và mọi người (…). Vấn đề là xây dựng một thế giới, trong đó mọi người, không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, có thể sống một cuộc đời hoàn toàn xứng đáng là con người, được giải thoát khỏi mọi thứ nô lệ đến từ phía con người hay từ thiên nhiên chưa được điều khiển cách đầy đủ (…). Nếu phát triển là tên gọi mới của hòa bình, còn có ai không ao ước hoạt động hết sức mình cho phát triển chăng ?
(Đức PhaoLô VI ngỏ lời với người Colombia
ngày 23 tháng 8 năm 1968).
Chúng tôi sẽ còn tố cáo những bất bình đẳng kinh tế, những bất công giữa người giàu và người nghèo, những lạm dụng độc tài và hành chánh gây thiệt hại cho các bạn và cho tập thể. Chúng tôi sẽ còn cổ võ cho những quyết định và những chương trình hữu ích cho các dân tộc trên đường phát triển (…). Chúng tôi khích lệ anh chị em đừng đặt tin tưởng vào bạo động và cách mạng ; điều đó phản lại tinh thần Kitô giáo và điều đó cũng có thể làm chậm công việc thay vì khích lệ cho việc thăng tiến xã hội mà anh chị em khao khát cách chính đáng.
(Văn kiện chung kết Hội Nghị Medellin
các giám mục Châu Mỹ Latinh, tháng 8-9 măm 1968)
Chúng ta đang đứng ở ngưỡng cửa của một thời đại mới của lịch sử lục địa chúng tôi, thời đại đầy Thần Khí với ước muốn toàn diện, giải phóng khỏi mọi nô lệ, ước vọng trưởng thành nhân vị cho cá nhân và sự hội nhập tập thể (…). Như xưa kia Israel, dân tộc Cựu Ước, đã cảm nghiệm sự hiện diện cứu độ của Thiên Chúa khi Ngài giải thoát họ khỏi sự áp bức của Ai Cập, ngày nay cũng thế, chúng ta là Dân Mới của Thiên Chúa, chúng ta không thể không cảm nghiệm về cuộc ghé thăm cứu độ của Ngài, khi nói đến vấn đề phát triển chân thực, là cuộc vượt qua của từng người và của mọi người khỏi những điều kiện sống không xứng với nhân phẩm, đến những điều kiện sống xứng hợp với con người hơn.
(Văn kiện trích trong Documentation Catholique, 1968)
THẦN HỌC GIẢI PHÓNG
(…) Vấn đề phát triển gặp được vị trí đích thực trong viễn cảnh toàn cầu hơn, sâu sắc hơn và triệt để hơn của việc giải phóng. Chỉ trong khung cảnh này, việc phát triển có được ý nghĩa đích thực, và có được những khả năng để thực hiện (…). Tiến trình giải phóng hiện ra như một đòi hỏi phải làm triển nở mọi chiều kích của con người, một con người đang được hình thành trong cuộc sống và suốt giòng lịch sử (…). Sau hết, từ ngữ phát triển giới hạn và làm lu mờ đôi chút vấn nạn thần học hiện hành trong tiến trình đang nói đây. Ngược lại, từ ngữ giải phóng khiến ta liên tưởng và dẫn chúng ta đến những nguồn Thánh Kinh, nói về sự hiện diện và hoạt động của con người trong lịch sử.
Trong Thánh Kinh, Chúa Kitô được trình bày cho chúng ta như Đấng mang đến sự giải phóng. Đức Kitô cứu độ giải thoát con người khỏi tội, nguồn gốc sau cùng của mọi đoạn giao bằng hữu và cũng là nguồn gốc của mọi bất công và áp bức. Chúa Kitô làm cho con người được tự do một cách chân thực; nghĩa là Ngài làm cho con người được sống kết hiệp với Ngài, Đấng là nền tảng của mọi cộng đoàn nhân loại. Nói về nền thần học giải phóng, đó là tìm kiếm một lời giải đáp cho vấn đề sau : đâu là tương quan giữa ơn cứu độ và tiến trình lịch sử của sự giải phóng con người ?
(Gustavo GUTIERREZ, Théologie de la libération Lumen Vitae, 1974, tr. 52t)
TUYÊN XƯNG NIỀM TIN TRUYỀN THỐNG
Là thành viên của Hiệp Hội CREDO… chúng tôi đau lòng tuyên cáo và quyết liệt đấu tranh :
Chống lại mọi sự phản bội đức tin trong việc giảng dạy giáo thuyết cách công khai và tư riêng.
Chống lại mọi sự phủ nhận về nền đạo đức Kitô Giáo (…)
Chống lại những chế biến thêm thắt vào việc cải tổ phụng vụ, gây hiểu lầm đối với các Kitô hữu có hiểu biết và có thể đưa đến chỗ thiếu nghiêm trang, vô hiệu mọi lễ nghi, vô hiệu các bí tích và gây nên sự phạm thánh.
Chính vì vậy chúng tôi lên tiếng chống lại lối dạy giáo lý mang những hình thức đa đạng, vì như thế có những bãi bỏ rất gây tai hại và việc bóp méo rất nghiêm trọng, mà hiện nay chưa có phản ứng nào, cũng như chưa có lời tuyên bố đề phòng và sửa sai của các cấp có Thẩm quyền.
Chính vì vậy chúng tôi từ chối những bản dịch đáng nghi ngờ văn kiện thánh, về tín lý, phụng vụ hoặc về kỷ luật…
(André MIGNOT và Michel de SAINT PIERRE,
Les Fumées de Satan, La Table Ronde, 1976.)
ĐỨC GIOAN XXIII
ĐÁNH GIÁ CỦA BÁO LA CROIX (5-6-63)
“Nhiệm kỳ Giáo chủ ngắn ngủi này đã được bù lại bằng sự cô đọng sâu sắc. Trong thời kỳ đó, Giáo hội được hình dung bằng một hình ảnh mới, ít là với người ngoài Giáo hội. Giáo Hội không còn là một pháo đài kiên cố, sừng sững trên nền đá, hãnh diện về thành lũy bất khả xâm phạm, chằng chịt những lệnh cấm và hàng rào phòng thủ, chỉ thích che chở cho những ai yên thân sống ở trong… Ngày nay Giáo hội xuất hiện như một con tàu, mà quê hương chân thật là sự thân thương với gió khơi, sóng nước và sao trời, để nối liền tình huynh đệ giữa những bến gần bờ xa… Nhờ Đức Gioan XXIII, người đời biết được rằng, sự thật mà ở bên ngoài lòng yêu mến thì không phải từ Thiên Chúa”.
Thanh bạch : Đức Gioan XXIII, Angelo Roncalli, sinh ngày 25-11-1881 trong một gia đình nông dân gần Bergamo. “Nghèo thế, nhưng mỗi khi có người hành khất đến trước cửa bếp, dù trong bếp đã có đến 20 đứa trẻ háu ăn đang chờ dĩa súp, bao giờ mẹ tôi cũng tìm được chỗ cho ông hành khất và mau mắn mời người lạ đến ngổi gần”
ĐẾN VỚI CON NGƯỜI QUA CHIẾN TRANH VÀ HÒA BÌNH
Thụ phong linh mục năm 1904, Roncalli làm thư ký cho giám mục Bergamo đến 1914, và cùng với ngài đấu tranh cho quyền lợi của công nhân ở Renica. Thời này ngài chứng kiến vụ án Duy Tân thuyết, và đưa ra nhận định : “Đúng là chúng ta cần nói sự thật, tất cả sự thật, nhưng tôi không hiểu vì sao lại phải hòa sự thật với sấm sét nhọn sắc của núi Sinai, thay vì sư thanh thản của Chúa Giêsu bên bờ hổ hay trên sườn núi”.
Chính Roncalli cũng bị nghi ngờ vì có thư từ với những linh mục bị theo dõi. Sau này khi đã 78 tuổi, ngài đọc lại, bổ túc thêm “hồ sơ” và chia sẻ : “Anh em thấy không, một linh mục bị theo dõi, cũng làm được giáo hoàng cơ đấy”.
Trong thế chiến I, Roncalli nhập ngũ : “Chiến tranh đã cho tôi một dịp để đến gần các tâm hồn hơn, và để tìm ra những con đường tốt nhất đi vào lòng người. Qua kinh nghiệm này, tôi trở nên tốt hơn, sẵn sàng hơn để cảm thương lỗi lầm của kẻ khác, biết quên mình đi và quên cả những gì có thể tạo danh giá hay vinh dự cho mình ở đời này”
1920-25: Thành viên bộ truyền giáo, chủ tịch hội truyền bá đức tin ở Ý. Cha đi khắp nơi vận động cho công cuộc truyền giáo.
1925-44 : Tổng giám mục Roncalli làm đại diện tòa thánh tại Bungari (1% công giáo), Hy lạp (0,8%) và Thỗ Nhĩ Kỳ (0,66%).
“Tôi xuất thân từ giới bình dân. Cha mẹ tôi là người nghèo. Chúa đã đưa tôi ra khỏi xóm làng quê hương, cho tôi chung đường và kề vai sát cánh với những người có tín ngưỡng khác nhau. Bây giờ cũng vậy, tôi không quan tâm đến những gì gây chia rẽ mà chỉ quan tâm đến những gì gây tình đoàn kết. Xin anh chị em hãy coi tôi như một tôi tớ Chúa” (Ngày nhận chức thượng phụ Venise)
“Bất luận tôi đi đâu, nếu ban đêm có người nào lỡ đường trước cửa nhà tôi, sẽ thấy cửa sỗ tôi luôn có ngọn đèn sáng. Xin đừng ngại, hãy gõ cửa đi. Tôi sẽ không hỏi anh em là Công Giáo hay không ? Chỉ xin người anh em cứ vào, sẽ có đôi tay thân ái đón tiếp và tấm lòng bạn hữu nồng hậu chào mời”.
1944-53 : Sứ thần tòa thánh tại Paris, trong thời điểm De Gaule đòi 20 giám mục Pháp phải từ chức. André Latreille đại diện phía Pháp nhận định khi gặp gỡ Roncalli :
“Khi ngài biết tôi có 10 đứa con, ngài liền quan tâm và coi tôi là một người nghiêm túc… Nhờ tính lạc quan, chắc nịch, sáng suốt, khéo léo và nhẫn nại, ngài đã góp một phần lớn trong việc tái lập lại ngoại giao mà sáu tháng trước đây khó mà tiên liệu được”.
Vị giám mục chia sẻ : “Tôi cứ bình thản, làm xong một việc rồi làm một việc kế tiếp. Tôi hoạt động, nói, yên lặng và nhẫn nại chờ đợi, và luôn làm sáng tỏa tinh thần trong sáng, hiền hòa và vui tươi trước những gì diễn ra trước mắt tôi… Không biết do hiện tượng nào, có lẽ 20 năm sống ở Đông phương đã giúp tôi nhanh lẹ hơn, tinh tường hơn trước những mưu chước của phương Tây”. Ngài rất ít tuyên bố lập trường, nhưng thích thú đặc biệt trong việc gặp gỡ các giới trí thức cũng như bình dân để lắng nghe và học hỏi.
1953-58 : Thượng phụ giáo chủ Venise. ” Đời giám mục mà cứ phải ngổi bàn giấy và làm ngoại giao thì tội nghiệp quá”. “Tôi bắt đầu sứ vụ trực tiếp vào tuổi mà người khác kết thúc hoạt động của mình” (72 tuổi). “Từ nay tôi nghèo hơn trước, một vị hồng y nghèo lo giúp người nghèo… Tôi thấy mình như một bà mẹ nghèo, phải nuôi một đoàn con đông đảo”.
Và từ sáng sớm ngài đã tản bộ trên đường phố còn trống vắng, ghé thăm dân lao động : anh bán tranh, anh hầu bàn quán cà phê, bắt tay người gác cửa khách sạn, hỏi han bà bán rau và cô hàng hoa. Còn buổi tối, ngài xuống bến đò nói chuyện với dân chài Gondola.
28.10.1958 :Đắc cử Giáo Hoàng. “78 tuổi mới làm giáo chủ thì chắc chả có gì lớn, rồi ngẫm nghĩ một lát ngài tiếp, nhưng tin tưởng vào Chúa thì không việc gì phải ngại”.
Thế nhưng, liền sau ngày đắc cử người ta đã thấy nhân cách độc đáo của ngài, khi ngài bỏ cung điện không báo trước sang bệnh viện nhi đồng thăm các cháu thiếu nhi và vào trại giam thăn tù nhân. Rồi ngài sẽ đi hành hương Loretto, Assisi… Dân lao động có thể bao vây quanh ngài để nói chuyện, thanh niên du đãng tại các trại cải huấn thì hoan hô ầm trời khi cụ già Gioan đến thăm và tặng quà. Cảnh sát Roma bảo vệ một thời gian rồi cũng chán. Các nhà báo thích săn tin giật gân cũng bỏ cuộc khi thấy ngài thường đến các xứ đạo nghèo.
Mục sư Casalis nhận xét : “Chưa có ai trong chức vụ giáo chủ mà ung dung đến thế. Người ta yêu mến vị giáo chủ đã làm cho nội dung Tin Mừng của đạo, bấy lâu nay được bao bọc trong bầu khí tôn nghiêm đền thánh, bổng trở nên hồn nhiên và hiện thực. Vì xét cho cùng, đó cũng là cung cách của Đức Giêsu tìm đến với mọi người, Đức Giêsu của hoa đồng cỏ nội, của thiếu nhi và người nghèo, của Thập giá và Nước Trời…”
Nhà báo Francis Mayor viết : (tóm ý) Khi hỏi giáo chủ Gioan XXIII về công đồng Vatican II rằng : Chương trình ra sao ? Khi nào khai mạc ? Thì được trả lời “Để xem Chúa bảo sao đã”… Giáo chủ Gioan XXIII đọc báo mỗi ngày, ngài không đòi phải thấy điềm lạ trên trời, ngài nghe Chúa nói qua con người và biến cố, ngài thấy Chúa trong nhật báo, trong ý kiến nghe một giám mục, trong các diễn từ hoặc tuyên ngôn của các vị lãnh đạo khác. “Giáo chủ đã suy niệm Tin Mừng thứ Năm theo con người, theo nỗi đau và niềm vui từng ngày”.
Đối với ngài, Công Đồng chỉ để “đưa một làn khí mát vào Giáo hội”, và để “quét sạch bụi bặm trên khuôn mặt Giáo hội”
Lm Phanxicô Xaviê Ðào Trung Hiệu OP
Hiệu đính tháng 9/2006