“Chúng tôi tin Hội Thánh … mãi mãi thánh thiện. Thật vậy, Chúa Kitô, Con Thiên Chúa, Ðấng cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, được ca tụng là ‘Ðấng Thánh duy nhất,’ đã yêu dấu Hội thánh như Hiền thê của mình và đã hiến thân để thánh hóa Hội thánh. Ngài kết hiệp với Hội thánh như Thân thể mình, và ban cho dư đầy ơn Thánh Thần để làm vinh danh Thiên Chúa’ (x. LG 39). Vì thế Hội thánh là ‘Dân thánh của Thiên Chúa’ (x. LG 12) và các thành viên của Hội thánh được gọi là ‘thánh’.” [1]
Thánh là thuộc từ đầutiên được gán cho danh từ Giáo hội trong Truyền thống . Từ đầu thế kỷ 2, trong thư gửi cho cộng đồng Tralles, thánh Inhaxiô Antiôkia († 107) đã gọi Giáo hội là “thánh.” Martyrium Polycarpi († 155) cũng vậy. Còn cuốn Pastor của Hermas († vào khoảng 150) gọi Giáo hội là “ba lần thánh.” Trong các kinh tin kính, “thánh” cũng là đặc tính thứ nhất được áp dụng cho Giáo hội. Theo P. Nautin, công thức tuyên xưng đức tin Hippôlytô dùng ở Rôma trong nghi thức Rửa tội (thế kỷ 3), ghi là: “Con có tin Chúa Thánh Thần trong Giáo hội thánh thiện không?.” [2] Khoảng năm 348, nghi lễ Thánh tẩy của Giêrusalem cũng dùng thành ngữ ấy (DS 41). Kinh tin kính của thánh Êpiphaniô cũng thế (DS 42); cuối cùng, công thức đã được chuẩn nhận vào trong tín quy của các công đồng Nicêa và Constantinốp , mà tín hữu kitô hằng dùng để tuyên xưng đức tin cho tới ngày nay (DS 150). [3] Hẳn là đặc tính ấy phản ánh kinh nghiệm của cộng đồng kitô về hoạt động của Thần Khí ở nơi họ; rồi từ đó, họ lấy ngôn ngữ dùng cho Ítraen mà áp dụng cho mình là “Ítraen mới.” Vậy, từ thánh phải được hiểu theo ý nghĩa của Kinh Thánh.
“THÁNH” TRONG KINH THÁNH
a. Tôn giáo nào cũng biết đến khái niệm thánh. [4] Văn hóa Sêmita, đặc biệt tại miền Canaan, coi là thánh những gì thuộc về một quyền năng nhiệm mầu của thần thiêng. Ý niệm “thánh” bao gồm hai yếu tố chủ chốt là: tách biệt và thanh khiết. Cựu Ước gọi là “thánh” những điều được tách ra khỏi thế tục để dành riêng cho Thiên Chúa, và vì thế được tham dự vào đặc tính “thánh” của Thiên Chúa.[5] Bởi tự bản tính, Thiên Chúa là thánh, nghĩa là hoàn toàn khác với thế gian (x. Hs 11: 9), nên “Sự thánh” là chính Giavê (x. Am 4: 2; Is 6: 1-11). Cảnh vực của Thiên Chúa là thánh, và bởi thế những thực tại được đặt vào trong cảnh vực ấy đều được thông phần vào đặc tính “thánh.” Ítraen là dân thánh vì đã được Giavê chọn để dành riêng cho Người. Vậy, “thánh” mang ý nghĩa tương tự như “được chọn” (x. Ðnl 7: 6; 14: 2; Is 62:12). Thiên Chúa đã chọn họ, tựa như đã sinh họ ra làm con cái, nên họ được thông phần bản tính của Người (x. Ðnl 14: 1-2). Các lời Thiên Chúa hứa là thánh (x. Tv 105: 42), Ðền thờ là thánh (x. Tv 5: 8), những vật dụng dùng vào việc thờ phụng (x. Xh 30: 29), cũng như ngày sabát đều là thánh (x. Xh 31: 14), v.v. Những gì thuộc về hay quy về Thiên Chúa thì đều là thánh. Hơn bao giờ hết Dân Chúa là thánh khi được triệu tập để phụng thờ Thiên Chúa trong “đại hội của những người thánh” (Tv 149: 1), để làm thành “một vương quốc tư tế, … một dân thánh” (Xh 19: 6).
Vì họ là thánh, tức là được dành riêng cho Chúa, nên họ phải trở nên thánh, trở nên “vô tội”: sự thánh hữu thể đòi phải có sự thánh hiện sinh. “Hãy là thánh vì Ta là thánh” (Lv 19: 2): đó là giới răn căn bản. “Thánh” đây có nghĩa là tuân giữ những mệnh lệnh của Giavê (x. Ðnl 26: 17-19). Cuối cùng, Thiên Chúa đặt Thần Khí Người vào lòng họ (x. Ed 36: 27), tức là ban cho một sinh khí mới, để họ có được khả năng sống trong công chính và đức nghĩa trước mặt Thiên Chúa (x. Is 61: 10-11).
b. Tân Ước quan niệm sự thánh trong ánh sáng của kinh nghiệm phục sinh và của mạc khải về sự sống Thiên Chúa Ba Ngôi . Thiên Chúa là “Cha thánh” (Ga 17: 11), đã hết lòng yêu loài người (x. Ga 3: 16; 13: 1). Giữa dòng lịch sử, dân mới của Chúa phải làm cho sự thánh ấy lan tỏa trong khắp thế giới (kinh Lạy Cha: “Xin làm cho Danh thánh Cha vinh hiển,” Mt 5: 9): “Anh em hãy sống thánh thiện trong cách ăn nết ở, để nên giống Ðấng Thánh đã kêu gọi anh em…” (1Pr 1: 15-16). Ðức Giêsu là hiện thân của Thiên Chúa chí thánh, là “Ðấng Thánh của Thiên Chúa” (Mc 1: 24), vì Ngài được đầy Thần Khí (x. Lc 4: 18). Nơi Ngài, “Thiên Chúa chí thánh” đã trở nên “Thiên Chúa-với-chúng-ta.” Ðức Giêsu là thánh vì được thụ thai bởi Thánh Thần (x. Lc 1: 35), vì được Thánh Thần thánh hiến cho sứ mạng (x. Lc 3: 22; 4: 18), vì hoạt động nhờ sức của Thần Khí (x. Mt 12: 28), v.v.; tóm lại, Ngài là thánh vì Ngài là một với Cha thánh (x. Ga 10: 30), vì Ngài là chính Thiên Chúa chí thánh (x. Ga 20: 28).
“Thánh” là biệt hiệu đặc trưng của Thần Khí : “Thánh Thần.” Không được Thần Khí thánh hóa, thì chẳng có gì và không một ai là “thánh” cả. Như ở tại sông Giorđan, Người xuống trên Ðức Giêsu để khai mở sứ mạng, thì ngày Lễ Ngũ tuần, Thần Khí cũng đã xuống trên Giáo hội sơ khai (x. Cv 2: 3-4). Mục đích của sứ mạng của Thánh Thần là thông truyền cho loài người sự sống thánh thiện của Ngôi Cha và Ngôi Con. Bởi Thiên Chúa là tình yêu (x. 1Ga 4: 8), nên Thần Khí đổ tình yêu của Thiên Chúa vào lòng các tín hữu (x. Rm 5: 5), làm cho họ trở nên con cái Thiên Chúa (x. Rm 8: 14). Vì Thiên Chúa là chân lý (x. 3Ga 12; Ga 14: 16), và Thánh Thần là “Thần Khí của chân lý” (Ga 14: 17; 15: 26 v.v.), nên Người thánh hóa các môn đồ trong chân lý (x. Ga 17: 17.19). Vì Thiên Chúa là ánh sáng (x. 1Ga 1: 5), nên Thần Khí soi lòng mở trí các tín hữu cho họ hiểu mầu nhiệm của Thiên Chúa (x. Ep 1: 17-18). Thế thì nhận biết Cha và Con chính là sự sống đời đời, tức là sự sống thánh của Thiên Chúa (x. Ga 17: 3). [6]
Sự thánh thiện này phải xuất hiện rõ ra giữa thế giới loài người này, trong và qua bộ mặt của Giáo hội.
GIÁO HỘI “THÁNH”
Như trong Cựu Ước, Giavê thánh hóa dân Người, thì dân mới của Thiên Chúa trong thời Tân Ước là Giáo hội, càng phải nên thánh nhiều hơn nữa (x. 1Pr 2: 9-10). [7] Giáo hội là gia đình của những ai “được gọi là thánh” (Rm 1: 7; 1Cr 1: 2): nghĩa là được Thiên Chúa làm cho nên thánh. Mặt khác, Ðức Kitô đã chọn Giáo hội làm hiền thê “xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn… thánh thiện và tinh tuyền” (Ep 5: 27). Như thế có nghĩa là lời tiên tri Isaia 62: 4-5 quả đã ứng nghiệm với Giáo hội hiện tại. Ðức Kitô là Ðầu, là Tân lang: sự thánh thiện của Giáo hội là kết quả của việc kết hợp bất khả phân ly giữa Ðức Kitô và Giáo hội Ngài.
Giáo hội biểu lộ sự thánh thiện qua các thành viên “tinh tuyền thánh thiện” (Ep 1: 4) của mình, vì họ được sống đời sống phục sinh của Ðức Kitô (x. Rm 6: 4), như con cái Thiên Chúa trong Con Một. Không chút do dự, thánh Phaolô gọi các kitô hữu là “thánh:” “Kính gửi tất cả anh em ở Rôma, những người được Thiên Chúa yêu thương, và được gọi là thánh” (Rm 1: 7). “Kính gửi Giáo hội của Thiên Chúa ở Côrintô, những người đã được hiến thánh trong Ðức Kitô Giêsu, được gọi là thánh” (1Cr 1: 2). Trong thư gửi cho tín hữu Philiphê ngài viết: “Các thánh hết thảy, nhất là những người ở trong cung điện hoàng đế, cũng gửi lời chào anh em” (Pl 4: 22); và ngài coi việc quyên tiền tại Côrintô để giúp Giáo hội Giêrusalem túng thiếu, là một công tác “phục vụ các thánh” (2Cr 8: 4). Tông đồ chỉ trình tả lại kinh nghiệm sống của Giáo hội. Ðức Kitô là “Ðấng Thánh duy nhất,” [8] và qua mầu nhiệm phục sinh, Ngài đã chia sẻ sự thánh tuyệt đối – vừa thần thiêng vừa nhân loại – với các anh em mình khi thông ban Thần Khí của Ngài cho họ (x. Rm 8: 11. 14-17). Và sự việc Giáo hội hiện đang sinh hoạt trong lãnh vực thánh, tức là trong “vương quốc Thánh Tử chí ái” (Cl 1: 13) cũng cho thấy Giáo hội là thánh. Như Ðức Giêsu đã nói: dù vẫn ở trong thế gian, nhưng các tín hữu không thuộc về thế gian (x. Ga 17: 14). Còn thánh Phaolô thì nhận định rằng họ “đã được biến đổi nên giống hình ảnh của Chúa vinh quang” (2Cr 3: 18). Vậy, người kitô quả là “thụ tạo mới” (2Cr 5: 17; Gl 6: 15).
Như Ítraen có Ðền thánh, thì bây giờ người kitô chính là “đền thờ của Thiên Chúa hằng sống” (1Cr 3: 16-17; 2Cr 6: 16), là “đền thánh trong Chúa” (Ep 2: 21), là “đền thờ của Thánh Thần” (1Cr 6: 19). Với tình yêu cá biệt, Thiên Chúa Ba Ngôi đoái thương cư ngụ trong các tín hữu trung thành (x. Ga 14: 23).
Căn cứ vào sự thánh hữu thể ấy, Ðức Giêsu đã đặt ra trước mắt của người kitô lý tưởng cao siêu bậc nhất này là: “Hãy trở nên hoàn thiện như Cha hoàn thiện của anh em ở trên trời” (Mt 5: 48), tức là tiến tới ngày càng gần hơn với sự thánh ấy: tự sức riêng mình, con người bất lực, không theo đuổi nổi lý tưởng cao siêu ấy; nhưng dựa vào sức lực của Thần Khí, người kitô không thất vọng, bởi biết rõ rằng toàn bộ đời mình có thể trở nên “một của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa” (Rm 12: 1). Dù đã là thánh, theo nghĩa khách quan, thì, về mặt chủ quan, người kitô cũng còn phải “lo đạt tới mức thánh thiện hoàn toàn” (2Cr 7: 1), ngày càng tiến lên “từ đức tin đến đức tin” (Rm 1: 17) cao hơn mãi.
GIÁO HỘI LÀ “THÁNH” NHƯ THẾ NÀO?
Căn cứ vào tính cánh chung , công đồng Vaticanô II xác định Giáo hội là thánh thực sự; nhưng vì cũng là Giáo hội lữ hành , nên sự thánh thiện ấy còn bất toàn (LG 48). Giáo hội “thánh thiện cách bất khả khuyết” vì tình yêu của Ðức Kitô trung thành (LG 39); nhưng “vì ôm ấp vào trong lòng mình cả những kẻ có tội, nên Giáo hội vừa thánh thiện mà cũng vừa phải không ngừng thanh luyện chính mình” (LG 8c). Giáo hội là Dân của Thiên Chúa: vì là Dân nên có tội, nhưng vì là của Thiên Chúa nên thánh thiện. Chính vì vậy mà thánh Phaolô vừa quả quyết: “anh em là thánh” (x. 1Cr 6: 11), nhưng cũng vừa bảo: “ý muốn của Thiên Chúa là anh em nên thánh” (1Tx 4: 3). Thánh thiện của Giáo hội có tính cách biện chứng: giữa cái rồi và cái chưa, giữa cái mình đã có và cái mình phải có, giữa ân huệ của Thiên Chúa và cố gắng của con người. Thân phận ấy, thánh Phêrô đã miêu tả thật chính xác như sau: “Anh em hãy sống thánh thiện trong cách ăn nết ở, để nên giống Ðấng Thánh đã kêu gọi anh em, vì có lời Kinh Thánh chép rằng: ‘Hãy sống thánh thiện, vì Ta là Ðấng Thánh’” (1Pr 1: 16-17).
a. Theo thần học, nếu Giáo hội là thánh thì trước hết là do chính cơ cấu của mình. Các yếu tố cấu tạo Giáo hội thành cơ quan cứu độ là thánh: 1) ý định của Chúa Cha muốn dành cho cơ quan ấy một vai trò đặc thù ở trong kế hoạch cứu độ, là thánh và đó chính là nguồn gốc phát sinh của Giáo hội. 2) Ðức Kitô, Ðấng sáng lập Giáo hội, là thánh. 3) Thánh Thần, Ðấng truyền sức sinh động cho Giáo hội, là thánh. 4) Thiên Chúa đã đặt trong Giáo hội kho tàng mạc khải của Người, tức là Lời Chúa, nhằm tới đức tin, tức là thái độ đáp ứng của loài người. 5) Ðức Kitô đã phó thác cho Giáo hội những công cụ thánh hóa là các bí tích. 6) Chúa Thánh Thần hằng ban xuống trên Giáo hội, tràn đầy những đoàn sủng, những dịch vụ hay thừa tác vụ. [9]
Những thực tại ấy là thánh, vì chức năng khách quan của chúng là thánh hóa: Lời Chúa là tốt, dù người giảng có xấu; các bí tích có sức thánh hóa, dù thừa tác viên có bất xứng; những tổ chức (như là các dòng tu, các hội đoàn giáo dân, v.v.) Thần Khí khơi dậy, đều thánh thiện, dù trong đó có những thành phần bất trung; các chức vụ phẩm trật là tốt vì có mục đích làm chỉ nam giúp cho dân Chúa vững bước trên đường thánh hóa, dù đôi khi trong đó có những cá nhân tội lỗi (x. Mt 23: 2-3).
b. Giáo hội thánh vì là Dân Thiên Chúa hình thành từ những thành viên thánh. Con người trở nên chi thể Giáo hội với bí tích Thánh tẩy, tức là với việc thánh hóa các tội nhân và hiến thánh làm cho họ trở thành “tư tế vương giả” (x. 1Pr 2: 5-9; Kh 1: 5-6; 5: 9-10; LG 10). Thật ra, thay vì gọi người kitô là “thánh,” thì nên gọi họ là “được thánh hóa,” vì vốn là tội nhân, nhưng nay họ được công chính hóa; vì thế, sự thánh thiện này là ơn Chúa ban để được thông phần vào sự thánh thiện của Ðức Kitô. Và hơn nữa, họ còn được thông phần vào chức năng thánh hóa của vị Thượng tế: “Quả thế, những người đã lãnh phép rửa, nhờ ơn tái sinh và nhờ Thánh Thần xức dầu, được thánh hiến để trở thành ‘nhà tạm’ thiêng liêng và chức tư tế thánh, hầu qua mọi hoạt động của con người kitô mình, hiến dâng những lễ vật thiêng liêng cùng rao truyền những kỳ công” của Chúa (LG 10a). Thần học gọi căn tính thánh này là “ấn tích,” mà tội lỗi cá nhân cũng không xóa nổi. Ấn tích Rửa tội và Thêm sức không bao giờ mất; người kitô được Thánh Thần niêm ấn để đánh dấu là đã “thuộc về Thiên Chúa.” Các thừa tác viên chức thánh thì còn được niêm thêm ấn tích không bao giờ phai nhạt, đánh dấu quyền được thông phần cách đặc biệt vào chức Tư tế của Ðức Kitô. Tập thể các phó tế, linh mục và giám mục làm thành một cơ quan thánh của Giáo hội, không tùy thuộc vào tình trạng đức hạnh của cá nhân. Dùng cơ quan này Ðức Kitô bảo đảm quá trình thánh hóa thân thể Ngài, bởi qua họ Ngài cử hành các bí tích để nuôi dưỡng con cái của Chúa Cha: dẫu các thừa tác viên có bất xứng, có tội lỗi, thì bí tích vẫn thành sự, và các vị vẫn là công cụ thông chuyển Thần Khí.
c. Giáo hội có thánh thiện, thì cũng là nhờ ân sủng và nhân đức của các tín hữu. Dù rằng có những tội nhân, thì giáo hữu công chính cũng chiếm đa số. Có một ơn gọi chung, ơn gọi “ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại, lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau…” (Ep 4:1tt). Vaticanô II nhấn mạnh đến sự việc “…tất cả các kitô hữu, bất cứ theo bậc sống hay địa vị nào, cũng đều được kêu gọi tiến đến mức viên mãn của đời sống kitô giáo và mức trọn hảo của đức ái” (LG 40b). Giáo hội đã thắng thế tội ác vì ơn tha thứ luôn luôn sẵn có. Công đồng đã không ngần ngại xác định là Giáo hội “thánh thiện bất khả khuyết” (LG 39), không phải vì không thể phạm tội, song là vì dù cho có tội, ơn thống hối và tha thứ hằng được ban ra dồi dào hữu hiệu. Trong Giáo hội, không thể có chuyện không có những thánh nhân. [10] Lý do là vì “sự thánh thiện luân lý” phát sinh như là hoa trái từ máu rất thánh của Ðức Kitô, và Giáo hội không ngừng cử hành hy tế của Ngài. Hơn nữa, vì Ðức Kitô và Hiền thê Ngài không thể nào mà không khăng khít trung thành với nhau; và sau cùng vì “Thần Khí của thánh thiện” (Rm 1: 4) hằng ở cùng và hằng tác dụng trong Giáo hội. Nguồn mạch của sự thánh thiện hiện sinh là lời hứa của Chúa: “Quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16: 18), và “Thày ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28: 20).
d. Giáo hội thánh vì hướng về “thành thánh” cánh chung (Kh 21: 2), là phần thưởng của người kitô trung thành (Kh 22: 19). Ðời sống kitô hữu luôn luôn trong sự thế căng thẳng: là thánh nhưng phải thánh hóa thêm mãi (Kh 22: 11). Tình trạng này chỉ kết thúc khi Chúa về. Vì thế, Thánh Linh thúc giục Giáo hội đừng ngừng nài xin Chúa về sớm: “Thần Khí và Tân Nương nói: ‘Xin Ngài ngự đến!’” (Kh 22: 17). Ðức tin của Tân Ước đã hiểu mối liên hệ giữa sự thánh thiện và sự sống lại. ÐứcKitô phục sinh là mạc khải của sự thánh của Thiên Chúa: vì Ðức Giêsu là “Ðấng thánh của Thiên Chúa” nên phải sống lại. Các tông đồ trích Tv 16:10: Thiên Chúa “không để Vị Thánh của Ngài phải hư nát” (Cv 2: 27; 13: 35). Tính thánh thiện của Thiên Chúa được chuyển thông qua bí tích Rửa tội, vì là thông phần vào sự chết và sống lại của ÐứcKitô (Rm 6: 3-6). Ðã là thân thể, Giáo hội phải hướng về “Ðầu” mình là Ðức Kitô phục sinh đang ở “trời mới và đất mới” rồi (Kh 21: 1-2), để “được ở cùng Chúa mãi mãi” (1Tx 4: 17). Sự kiện này là nội dung của niềm hy vọng sống động của Giáo hội và là đối tượng của cầu nguyện (x. Tt 3: 7). Sự thánh thiện chỉ thành tựu khi Thiên Chúa sẽ là tất cả trong tất cả (1Cr 15: 28). Trong khi chờ đợi Chúa về, Giáo hội được thánh hóa hoài bằng việc làm cho con người cũ trở nên con người mới, đất cũ trở nên đất mới, tạo vật cũ trở nên tạo vật mới.
“CÁC THÁNH THÔNG CÔNG”
Ðược tuyên xưng qua kinh tin kính ít nhất là từ thế kỷ thứ năm, tín điều này làm chứng cho sự thánh thiện của Giáo hội. Trong công thức này, từ các thánh có nghĩa chỉ về vừa những điều thánh vừa những người thánh. Còn ý nghĩa đầu tiên mà từ thông công muốn chỉ về, không phải là chia sẻ, song là hiệp thông nhờ một nguyên tắc thánh, nói cách khác là nhờ dây liên đới siêu việt nối kết các chi thể sống động của Giáo hội trong Thánh Thần. [11] Nhưng thực trạng thông phần vào của cải siêu việt của nhau, đòi hỏi phải có việc chia sẻ của cải hiện sinh của nhau.
Giáo hội gồm có “các thánh” ở dưới đất, ở trong luyện ngục và ở trên Trời. Giáo hội như Bí tích cứu độ, và thực trạng “các thánh thông công” chính là nội dung (res sacramenti) của bí tích ấy, là mối liên kết làm cho các thánh thành một thân thể duy nhất. Nếu nhìn thâu qua thái trạng của các thánh ở trên Trời, thì sự thánh thiện của Giáo hội quả là bất khả khuyết, ngay cả về phương diện nhân loại. Tình trạng hiệp thông thánh này phát sinh từ mối thông hiệp với Ðức Kitô [12]và với Chúa Cha (1Ga 1: 3). [13] Niềm hiệp thông này thánh hóa các tín hữu và khiến họ hiệp thông với nhau. Như ở trong Thiên Chúa Ba Ngôi , Thánh Thần là “dây nối kết” Chúa Cha và Chúa Con trong tình yêu, thì ở trong Giáo hội cũng vậy. Vì thế thánh Phaolô đã viết bằng một công thức hoa mỹ nói rằng: “Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giêsu, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn thông hiệp của Thánh Thần” (2Cr 13: 13). Giáo lý mới trích lời của Giáo lý Rôma ghi rằng “Giáo hội được cai quản bởi một Thánh Thần duy nhất, thế tất những gì tốt lành Giáo hội nhận được, thì đều trở thành cái vốn chung” (số 847). Thánh Linh “cai quản” Giáo hội như một nguyên lý nội tại; vì thế, tín điều “thông công” muốn nói rằng trong Giáo hội, hiệp thông bởi một nguyên lý thánh duy nhất, những người thánh cùng chia sẻ với nhau những kho tàng thánh thiêng đã được để làm của chung.
Ý thức rõ về mối liên đới siêu việt này, thánh Phaolô đã “cầu nguyện cho anh em hết thảy” (Pl 1: 3), và xin cộng đoàn Êphêsô “cầu cho toàn thể các thánh” cũng như cho ngài (x. Ep 6: 18-19). Vì đặt nền móng nơi chính Ðức Kitô và Thánh Thần, nên mối liên đới này không giới hạn ở trong đời này mà thôi, nhưng vẫn mãi tiếp tục ở đời sau (x. LG 49-50). Ðó là lý do tại sao Giáo hội sơ khai đã nhận ra là cần phải kính các vị tử đạo và cầu nguyện dâng lễ cho các tín hữu đã qua đời: mối liên đới thánh này quả là mạnh hơn sự chết vạây. Thực trạng “Các Thánh thông công” luôn luôn ảnh hưởng sâu đậm đến đời sống của các tín hữu, như Giáo lý viết: “Các tín hữu học được nơi Giáo hội gương sáng của sự thánh thiện: họ nhận ra khuôn mặt và nguồn mạch của sự thánh thiện nơi Ðức Trinh Nữ Maria rất thánh; họ thấy được bằng chứng trung thực của sự thánh thiện nơi những người sống thánh thiện; họ khám phá ra sự thánh thiện trong truyền thống tinh thần cũng như trong lịch sử lâu dài của các vị thánh đã đi trước họ và được phụng vụ kính mừng theo nhịp chu kỳ Các Thánh” (số 2030).
Cuối cùng, communio sanctorum, tức chia xẻ của cải thiêng liêng, phải đưa đến communicatio bonorum, tức chia xẻ của cải vật chất, như Vaticanô II đã lưu ý: “Các thành phần khác nhau của Giáo hội liên kết với nhau bằng mối dây hiệp thông mật thiết về của cải thiêng liêng, về nhân sự tông đồ và về sự trợ giúp vật chất. Quả thực, mọi phần tử Dân Thiên Chúa được kêu gọi chia xẻ của cải mình và lời nói sau đây của vị tông đồ cũng ứng hiệu đối với mỗi Giáo hội: “Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anhem phải dùng mà phục vụ kẻ khác. Như vậy anh em mới là những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa” (LG 13c; x. GS 69).
THÁNH THIỆN CÒN KHIẾM KHUYẾT
“Trong khi Ðức Kitô ‘thánh thiện, vô tội, vô tì’ (Dt 7: 26), ‘không hề biết đến tội’ (2Cr 5: 21), nhưng đã đến để xóa tội của dân (x. Dt 2: 17), thì, vì còn ấp ủ tội nhân trong lòng của mình, và đồng thời là thánh mà vẫn cần phải được không ngừng thanh luyện, nên Giáo hội hằng ra sức xám hối và canh tân” (LG 8c).
Giáo hội có thánh thiện là nhờ các cấu tố thần linh; Giáo hội có yếu nhược tội lỗi là do các cấu tố nhân loại. Ðức Giêsu đã báo trước là cỏ lùng sẽ còn mọc lên trong ruộng lúa của Thiên Chúa “cho đến ngày mùa” (x. Mt 13: 24-30), và chiếc lưới của Nước Trời thì sẽ gom đủ thứ cá, tốt cũng như xấu (x. 13: 47-48). Chính vì thế Ngài đã thiết đặt những thể thức sửa lỗi trong cộng đoàn (x. Mt 18: 15-18). Thánh Phaolô đã phải đối phó với tình trạng “chướng tai” ở trong cộng đoàn Côrintô mà, trong những dịp khác, ngài ban khen là tốt (x. 1Cr 5: 1tt). Còn tông đồ Gioan thì đã thấy xuất hiện ở trong cộng đồng Giáo hội địa phương của ngài, những “kẻ phản kitô” (1Ga 2: 18).
Vaticanô II cũng công nhận Giáo hội là thánh nhưng còn bất toàn, chính vì thế mà bao giờ cũng phải cần đến nỗ lựccải tiến (UR 6a). [14] Công đồng Trentô dạy rằng người công chính vẫn còn có thể phạm tội (DS 1440, 1619). [15] Ở dưới đất này, sự thánh thiện sẽ không bao giờ thập toàn hoàn hảo: “người công chính nào cũng phạm tội nhẹ” (DS 1537) hay trọng (DS 1573). Trong lịch sử, thỉnh thoảng lại xuất hiện những lạc giáo chủ trương một Giáo hội không tì ố chỉ gồm toàn những thánh nhân; như Jan Hus († 1415) chẳng hạn: ông này cho rằng Giáo hội là cộng đoàn của “toàn thể những người được tiền định,” còn tất cả những người khác sẽ phải xuống hỏa ngục, bởi dù có sống trong ân sủng Thiên Chúa, họ cũng không thuộc về Giáo hội (DS 1201, 1205, 1206); Pasquier Quesnel cũng bị kết án (năm 1713) vì chủ trương một dạng học thuyết tương tự (DS 2472-8).
Các Giáo phụ thường nhắc lại hình ảnh này là Ðức Kitô, Ðấng chăn chiên lành, đã tìm ra được một Giáo hội tội lỗi để biến hóa cho thành thánh thiện, đã gặp thấy một Giáo hội ô uế mà vẫn thanh luyện cho ra tinh tuyền. Công trình của Ngôi Lời nhập thể chỉ mỹ mãn hoàn tất ở trong vuơng quốc cánh chung. Truyền thống nêu những phụ nữ tội lỗi trong Kinh Thánh làm hình bóng tiên trưng cho Giáo hội, như Thamar, Rahab, Mađalêna…: Giáo hội chỉ là thánh vì nhờ được giải thoát khỏi tội lỗi; bởi vì bản tính nhân loại chỉ là xác phàm. Cũng vì thế mà tước hiệu hơi nghịch lý này là “casta meretrix” (“gái điếm trinh bạch”) đã được áp dụng cho Giáo hội. [16] Và bởi vậy, khi cử hành Lễ Tạ Ơn, bao giờ Hiền thê Ðức Kitô cũng đều bắt đầu với nghi thức sám hối: communio peccatorum; nhưng lại kết thúc với hành động hiệp thông (rước Lễ) với Chúa: communio sanctorum.
Và đây, một vấn nạn được đặt ra: đã đành là có những tín hữu tội lỗi, nhưng chính Giáo hội có tội lỗi không? Nếu nhìn Giáo hội qua bản chất mầu nhiệm (Nhiệm thể), thì không thể có chuyện vương nhuốm tội lỗi; vì vậy, nhiều nhà thần học giải thích rằng Giáo hội có tội nhân, song không có tội; tín hữu tội lỗi là như bị xé làm hai: một đàng thì ở trong Giáo hội, và đàng khác thì thuộc về thế gian. Nếu xét theo tư thế là cộng đồng các tín hữu, thì Giáo hội vừa thánh vừa tội lỗi. Tội lỗi của dân Chúa làm giảm bớt đi tính chất thánh của Nhiệm thể; tội lỗi của các thủ lãnh tác hại đến chính Giáo hội. [17] Vì thế, Ðức Phaolô VI và Ðức Gioan Phaolô II đã nhiều lần lên tiếng công khai xin lỗi vì những tội Giáo hội đã phạm trong quá khứ, chẳng hạn như khi gây chia rẽ với Ðông phương [18] hoặc khi dính líu vào việc tạo ra bầu khí bài Do thái. [19] Lịch sử cũng cho thấy đã có những vị lãnh đạo cấp cao trong Giáo hội phạm vào những tội tày trời như sát nhân, buôn thần bán thánh, kéo lê cuộc sống phóng đãng, thế tục, vô trách nhiệm…, cũng như có những đám đông tín hữu sống theo mê tín dị đoan. Bộ mặt của Giáo hội bị méo xệch đi vì tội lỗi.
Vì các tín hữu đều liên đới với nhau, nên họ càng đạo đức thì toàn bộ Giáo hội càng thánh thiện; và trái lại, tín hữu tội lỗi thì làm giảm thiểu đi “mức độ thánh thiện” của dấu chỉ cứu độ là Giáo hội. Nhưng phải nói ngay là phần liên đới tích cực (công đức) hay tiêu cực (tội lỗi) của các tín hữu quả là ít ỏi so với sự thánh thiện của Ðức Kitô; Ngài là nguồn phát sinh chủ yếu của “thánh tính” Giáo hội. Bao lâu còn là lữ khách, thì bấy lâu Giáo hội vẫn mãi “tiến bước giữa những cám dỗ và thử thách đau thương;” nhưng hằng “được vững mạnh nhờ ơn Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã hứa ban, để dù có yếu hèn về mặt xác thịt, Giáo hội cũng vẫn hoàn toàn trung tín, sống như một Hiền Thê xứng đáng của Chúa mình, và không ngừng đổi mới chính mình dưới tác động của Chúa Thánh Thần cho đến ngày, nhờ thánh giá mà đạt đến ánh sáng không hề tắt” (LG 9cuối).
GIÁ TRỊ BIỆN GIÁO CỦA ÐẶC ÐIỂM “THÁNH THIỆN”
Bốn “đặc điểm” của Giáo hội (duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền) thường được các nhà biện giáo dùng làm lý chứng để xác minh Giáo hội (công giáo) là Giáo hội thật. [20] Nhưng sự thánh thiện thì quá tế nhị, nên ít ai dám dùng đến để làm “bằng cớ.” Thật vậy, nếu nói “ta thánh hơn ngươi” thì quá là huênh hoang, và vì thế, sẽ làm tiêu mất đi chính điều tuyên bố. Ðã là bằng cớ, tất phải có tính cách hữu hình ; nhưng, “thánh thiện” có là do bản tính siêu nhiên, nên không thể nào lấy những hiện tượng bề ngoài để mà đo lường hay xác định thực tại bề trong được.
Ðàng khác, Ðức Kitô và Thánh Thần đang hoạt động cả ở ngoài biên giới Giáo hội công giáo, thậm chí ngoài Kitô giáo nữa; vì thế Giáo hội nào, tôn giáo nào cũng có thể có những người thánh và những giá trị thánh. Hơn nữa, muốn “đo lường mức độ” thánh thiện, thì phải có những tiêu chí chung với phía “đối đàm,” mà thật sự là không có.
Dù vậy, Ðức Kitô vẫn muốn Giáo hội giống như “thành xây trên núi,” như “ánh sáng chiếu giãi trước mặt thiên hạ” (x. Mt 5: 14-16). Còn Vaticanô II thì nói: Giáo hội là “một dấu chỉ nêu cao trước mắt các dân tộc” (SC 2; UR 2e; AG 36b). Thế thì, vì “ấn dấu của Ðức Kitô phải chiếu sáng rạng ngời trên khuôn mặt Giáo hội” (LG 15), và “qua khuôn mặt ấy, người ta phán đoán về sức mạnh và chân lý của sứ điệp Kitô giáo (GS 43e) — tức là phải nêu rõ lý chứng minh giáo — nên công đồng khuyên khích các tín hữu chăm lo sống đạo xứng đáng. Ắt là, trước hết, phải cần đến sự thánh thiện. “Bí tích cứu độ” là “dấu chỉ thánh hóa;” vì thế, qua đó, loài người có thể nhận thấy rõ được sự thánh thiện trong Giáo hội.
Khoa biện giáo có khuynh hướng dựa vào một số sự kiện hay hiện tượng như laø phép laï để bàn rộng về các đặc điểm, cho rằng Giáo hội có thánh thiện như thế là bởi vì Thiên Chúa can thiệp đặc biệt để tạo nên kết quả lạ thường như vậy. Biện luận như thế chỉ là việc làm vô ích, vì không mấy ai đã thấy, đã nhận phép lạ, và trong lãnh vực này không thể chứng minh điều gì một cách xác quyết. Về những thựctại siêu nhiên, thì nhiều lắm là chỉ có thể đề xuất một số “dấu hiệu” có sức gợi ý suy tư. Có thể nhận ra được nhiều dấu chỉ khách quan về sự thánh thiện của Giáo hội, chẳng hạn như là những sự kiện sau đây: Giáo hội vẫn mãi trung thành với sứ mệnh rao giảng Tin Mừng và cử hành các bí tích; vẫn mãi tiếp tục ra sức nâng cao mức độ đạo đức của nhân loại; thái độ khoan dung đón nhận các tội nhân; luôn luôn đề nghị cho con người một lý tưởng luân lý cao nhất; hằng không ngừng sinh nên nhiều con cái thánh thiện: sự thật mà nói, trong Giáo hội có nhiều thánh nhân đích thực; thiếu chi những vị chân tu chiêm niệm, trọn đời dâng hiến toàn thân cho một mình Thiên Chúa; thiếu chi những kitô hữu dấn thân vô điều kiện và vô vị lợi để tận tụy phục vụ những anh chị em đau yếu, nghèo khó, bất lực (như: người cùi, dân chúng bị bóc lột, người mù chữ, v.v.). Một tình yêu hiện thể nhân danh Ðức Kitoâ như thế quả là dấu chỉ hùng hồn cho thấy Thiên Chúa chí thánh hằng hiện diện ở giữa Giáo hội. Và như thế, mọi người ta sẽ nhận rõ được ngay sự thánh thiện ấy, không cần phải biện luận dong dài. Dấu chỉ Giáo hội đang cần nhiều nhất bây giờ là có được nhiều người thánh. [21]
[HTTH SỐ 20&21, NĂM THỨ TÁM (1998)]
[1] Giáo lý…. số 823 (x. LG 39); xem các số 823-829.
[2] Nautin, Pierre , Je crois à l’Esprit Saint dans la sainte église pour la résurrection de la chair, Paris 1947.
[3] Trong Tuyển Tập Tín Liệu của H. Denzinger (=DS) những số 1, 2, 3, 4, 5…
[4] Xin xem Castelli, E. (ed), Le sacré. Études et recherches, Roma-Paris 1974; Ries, J. , (ed), L’expression du sacré dans les grandes religions, Louvain-la-Neuve, I (1978), II (1983); Costecalde, C.B. ,Aux origins du sacré biblique, Paris, 1987.
[5] Wright, D.P. , “Holiness (OT)” trong The Anchor Bible Dictionary, 1992, III, 237-249.
[6] Thils, G. , Existence et sainteté in Jésus-Christ, Paris, 1982.
[7] Xin xem chương V của hiến chế Lumen Gentium.
[8] Tu solus sanctus, như Giáo hội hát trong kinh Vinh danh.
[9] Dù không thuộc về cơ cấu của Giáo hội, các tu sĩ (các dòng tu và hội dòng đời sống Tin Mừng) cũng đóng vai trò đặc biệt đối với sự thánh thiện của Hội Thánh. Vaticanô II dành cho họ một chương trong hiến chế về Giáo hội. “Bậc sống được tiếp lập do việc tuyên khấn các lời khuyên Phúc m, tuy không liên quan đến cơ cấu phẩm trật của Giáo hội, nhưng dĩ nhiên cũng gắn chặt với đời sống và sự thánh thiện của Giáo hội” (LG 44d); “Vậy, mọi tu sĩ được gọi để tuyên khấn, hãy chuyên tâm sống bền đỗ trong ơn thiên triệu Chúa đã gọi mình, và hãy mãi mãi tiến bộ để làm cho sự thánh thiện của Giáo hội thêm phong phú hơn và sự vinh hiển của Thiên Chúa Ba Ngôi duy nhất và bất phân thêm cao cả hơn, trong và nhờ Chúa Kitô, Chúa Ba Ngôi là nguồn mạch và nguyên úy mọi sự thánh thiện” (LG 47).
[10] Karl Rahner , Theological Investigations, III, London: Darton, Longman & Todd 1967: “The Church of the Saints,” trg. 91-104.
[11] Xem bài “Communion des saints” trong Dict.de Théol.Cathol., II, 1923, 429-480; “Communion of Saints” trong Sacramentum Mundi , Burns & Oates, 1968.
[12] Từ communio (Latinh) hoạêc koinonía (Hylạp) có ý nghĩa “hiệp thông “ và “rước lễ” vì cả hai rốt cuộc chỉ là một: xem 1Cr 10:16f
[13] Nên chú ý là Cựu Ướùc không bao giờ nói về hiệp thông với Giavê; hiệp thông với Thiên Chúa là đặc tính của Dân Tân Ước.
[14] Xem K. Rahner, Theological Investigations VI, London: Darton, Longman & Todd 1969: “The Church of Sinners” (trg. 253-269), và “The sinful Church in the Decrees of Vatican II,” (270-292).
[15] “Nếu ai nói rằng người được rửa tội dù muốn cũng không có thể mất ân sủng, dẫu nó phạm tội bao nhiêu cũng vậy, trừ khi nó từ chối không muốn tin, thì kẻ ấy hãy bị tuyệt thông.”
[16] Xem H.U.von Balthasar, “Casta Meretrix,” trong Sponsa Verbi: Skizzen zuer Theologie, II, Einsiedeln 1961, trg. 203-305
[17] Xin xem chú thích 14.
[18] Vaticanô II nói: “Lời chứng sau đây của Thánh Gioan vốn còn giá trị trước những lỗi lầm hủy hoại hiệp nhất: ‘Nếu ta nói rằng mình vô tội, ta kể Người là kẻ dối trá và Lời Người không ở trong chúng ta’ (1Ga 1:10) Vậy, chúng ta hãy khiêm nhường xin lỗi Chúa và xin lỗi những anh em ly khai, cũng như chúng ta tha kẻ có nợ chúng ta“ (UR 7b)
[19] Xem NA 4g: “…Giáo hội rất lấy làm đau lòng vì sự ghen ghét, đàn áp, những hành động của chủ nghĩa bài Do thái trong bất cứ thời nào và do bất cứ ai đối với người Do thái.”
[20] Xem Thils, G., Les Notes de l’Église dans l’apologétique Catholique depuis la Réforme, Paris, Gembloux 1947.
[21] Xem Grand-Maison, M., L’Église par elle-même motif de crédibilité, Rome 1961; Von Balthasar, H.U., Amore e credibilità cristiana, Roma 1981; Gómez, F., “Towards a Ministry of Sanctity?”East Asian Pastoral Review 22 (1985) 147-155; Cotugno, N., “La testimonianza del Popolo di Dio, Segno di Rivelazione alla luce del ConcilioVaticano II” trong Fisichella, R., (ed), Gesù Rivelatore, Casale Monferrato 1988, 222-240.