Giáo Hội Giữa Thế Giới Tân Tiến

phatdiem 1024x588 - Giáo Hội Giữa Thế Giới Tân Tiến

Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo – Chương 19: Giáo Hội Giữa Thế Giới Tân Tiến

CUỘC LỮ HÀNH ÐỨC TIN
LỊCH SỬ GIÁO HỘI CÔNG GIÁO

Chương 19: GIÁO HỘI GIỮA THẾ GIỚI TÂN TIẾN
(1870-1939)

 TỔNG QUÁT

Cuối thế kỷ XIX nhân loại được chứng kiến những bước nhảy vọt của khoa học, kỹ thuật và các môn khoa học nhân văn. Con người ngày càng ý thức hơn việc làm chủ lịch sử, muốn chủ động đấu tranh cho hạnh phúc của mình và của xã hội.

Trong bối cảnh đó, nhiều người đánh giá tôn giáo theo lối nhìn bi quan như là sản phẩm của con người dốt nát, như món hàng thừa thãi, và đôi khi coi tôn giáo như sức cản trở đà tiến của nhân loại. Từ thái độ dửng dưng, họ tuyên bố thẳng thừng mình vô tôn giáo hoặc chống tôn giáo. Trong tình hình ấy, nhiều tín hữu lao vào cuộc tự vệ, nhưng nhiều người khác cảm thấy nhu cầu canh tân Giáo hội bằng cách đọc lại Lời Chúa cho đúng đắn hơn, phân biệt đức tin trong mạc khải với công thức tín lý, và giúp người giáo hữu ý thức hơn sứ mạng Thiên Chúa giao phó cho họ để phục vụ con người cho đắc lực, trong bối cảnh xã hội cụ thể mình đang sống.

Tại giáo triều, đức Lêo XIII (1878-1903) được coi là người cởi mở với những vấn đề xã hội, ngài kêu gọi các tín hữu chấp nhận nền cộng hòa và đấu tranh hợp pháp chống các luật lệ bất công, nếu đức Pio X (1903-14) ưu tư đặc biệt đến việc mục vụ : như cổ võ rước lễ, tổ chức phụng vụ, Công giáo tiến hành, và chủng viện, thì đức Benedicto XV (1914-1922), và đức Pio XI (1922-39) được mệnh danh là những nhà hòa giải qua hàng loạt thỏa ước với các quốc gia. Đã đến thời điểm chín muổi để người tín hữu ỗn định cách hiện diện mới mẻ giữa những xã hội đã tục hóa, và ngược lại, những người chủ trương duy khoa học thấy rõ những hạn chế của chính khoa học, con dao hai lưỡi.

I. GIỮA XÃ HỘI TỤC HÓA

1,1. Trước 1914 : Bế tắc

Nhanh hay chậm, hiện tượng “tục hóa” (Sécularisation) lan tràn khắp các miền Âu châu. Các chính quyền tách dần các sinh hoạt hằng ngày ra khỏi phạm vi tôn giáo. Giáo hội gần như chỉ còn được sinh hoạt tại nhà thờ ; còn trường học, bệnh viện, các công trình xã hội sẽ do chính quyền đảm nhiệm. Tuy nhiên, diễn biến và mức độ căng thẳng khác nhau tùy mỗi quốc gia.

Tại Ý : Các Giáo hoàng mới bị chiếm đất đã dứt khoát từ chối hòa giải với nước Ý. Các ngài cấm giáo hữu sinh hoạt chính trị, cấm ứng cử lẫn bỏ phiếu; khiến chính quyền vốn đã chống giáo sĩ, nay lại gây phiền nhiễu cho Giáo hội như cấm rước kiệu, cấm hành hương, và tịch biên các cơ sở. Mãi đến 1905, nhờ sự đấu tranh của nhiều giáo sĩ (như Romolo Murri) các tín hữu mới được phép tham gia đời sống chính trị.

Tại Đức : Sau chiến thắng Pháp và Áo, đế quốc Đức thống nhất quanh nước Phổ (1871). Cùng với bộ trưởng Falk, tể tướng Bismark phát động “mặt trận văn hóa” (Kulturkampf) tuyên bố chống lại chính sách ngu dân của giới Công giáo. Từ kiểm soát học đường, ông sa thải các tu sĩ giáo sư. Các giáo sĩ phản đối đều bị bắt và trục xuất. Năm 1878 chỉ còn bốn giám mục Đức tại vị, hàng ngàn giáo xứ bị đóng cửa. Nhưng cũng năm đó xảy ra hai biến cố lớn, đảng Dân Chủ Xã hội mưu sát hoàng đế Wilhelm và đức Lêo XIII lên ngôi. Bismark nới rộng những khoản luật Kulturkampf và chấm dứt hẳn năm 1887. Tuy vậy, hôn nhân vẫn phải theo dân sự.

Tại Pháp : Chính phủ đệ III Cộng hòa (1875-1936) mới đầu tỏ vẻ thân hữu với Giáo hội. Thế nhưng, quốc hội chuyển dần sang tay những người Cộng hòa vốn cho rằng Giáo hội gắn bó với nền quân chủ và là thứ tôn giáo ngu dân cần loại bỏ. Đại học Công giáo mất quyền phát bằng (1879). Bộ trưởng giáo dục Jules Ferry cấm các dòng mở trường, giải tán 261 tu viện các dòng. Ông mở trường nữ trung học để đào tạo các nữ đồng chí Cộng hòa. Ly dị được cho phép (1884), bãi bỏ ngày nghỉ chủ nhật, cấm dạy giáo lý trong trường …

Giáo hội Pháp đáp ứng hoàn cảnh mới bằng các lớp giáo lý thứ năm, cổ võ các giáo lý viên tự nguyện và mở nhiều trường tư. Từ 1901-03, thủ tướng Rousseau ra nhiều đạo luật, đóng cửa gần 10.000 tư thục Công giáo, tịch thâu các tu viện, và buộc các giáo sĩ hoàn tục. Những tín hữu còn giữ đạo sẽ có hổ sơ riêng và bị kiểm soát. Năm 1905, Pháp công bố đạo luật “phân ly” trao tất cả cơ sở Công giáo cho “Hiệp hội các tôn giáo” quản trị. Nói chung, Giáo hội Pháp nghèo hẳn đi, tín hữu phải đóng góp từng đồng xu cho việc phượng tự, nhưng đàng khác, luật phân ly giúp Giáo hội Pháp không bị lệ thuộc các khoản “tổ chức” (từ thời hoàng đế Napoléon), tự do họp bàn về mục vụ, lập họ đạo mới và gần gũi Giáo hoàng hơn.

– Tại Áo và Thụy Sĩ cũng có chiến dịch tương tự như Kulturkampf. Năm 1874 cả hai nước đều ra những đạo luật hạn chế liên lạc với Roma, tục hóa học đường và đảm trách những việc liên hệ đến hôn nhân. Thế nhưng, tình hình thay đổi dần dưới thời đức Lêo XIII. Đại học Fribourg được thiết lập năm 1889.

– Tại Bỉ và Hà Lan cũng có những xung đột về trường học nhưng giới Công giáo ở đây đứng ra mở trường tư, rồi dần dần tham gia vào quốc hội để cải thiện pháp chế học đường. Các trường tư Công giáo về sau cũng được chính quyền trợ cấp.

– Tại Bán đảo Ibérique, các xung đột tôn giáo nhiều khi biến thành bạo động. Tây Ban Nha vẫn coi Giáo hội là quốc giáo. Thế nhưng những năm thời cộng hòa (1873-75 và 1909-12) đã xảy ra nhiều vụ thảm sát giáo sĩ, cướp phá nhà thờ và tu viện… Tại Bồ Đào Nha, sau khi lật đổ vua Manuel (1810), chính thể Cộng hòa Bồ Đào Nha tuyên bố phân ly với Giáo hội, chống giáo sĩ, chống các hội dòng và cắt đứt ngoại giao với Vatican năm 1913.

1,2. Từ 1914, giải tỏa và giao hòa

Suốt đệ nhất thế chiến, cả phe đồng minh lẫn phe Đức, Áo, Hung, đều nhìn nhận rằng người Công giáo không kém phần yêu nước. Họ hết mình phục vụ Tổ quốc và động viên nhau phục vụ quyền lợi chính đáng của quê hương. Các giám mục kêu gọi cầu nguyện cho sự thành công của “quân ta” (Thiên Chúa ở phía nào đây ?). Tình liên đới trong chiến hào đã giúp người Công giáo khẳng định được vị trí của mình trong cộng đồng dân tộc. Đức Benedicto XV không đứng về phe nào, nhưng ngài gửi đi nhiều thông điệp kêu gọi hòa bình. Tòa thánh đặc biệt cổ võ những hoạt động nhân đạo như cứu trợ, chăm sóc và trao đổi thương binh. Năm 1917, giữa lúc đôi bên mệt mỏi, Đức Thánh Cha tình nguyện đứng làm trung gian cho đôi bên gặp gỡ. Thế nhưng các phe tham chiến đều muốn kết thúc những xung đột bằng chiến thắng chứ không phải thỏa hiệp.

Sau chiến tranh, nước Áo Công giáo bị chia cắt để thành lập nước Tiệp và Hung, nhưng cũng có những nước Công giáo được độc lập như Ba Lan và Ái Nhĩ Lan (1921). Những năm sau thế chiến là những năm hòa giải giữa Tòa Thánh và các nước. Việc phong Thánh cho Jeanne d’Arc năm 1920, xác định lập trường Giáo hội cổ võ người tín hữu yêu nước. Các đảng phái Công giáo bắt đầu có thể góp phần vào những thành phần khác để hoạt động, như Đảng bình dân Ý của Sturzo, việc người Công giáo hợp tác với Mặt trận Bình dân Pháp (1936-58).

Riêng đức Pio XI đã ký 20 thỏa ước (Accords) với các nước Âu châu, quan trọng nhất là Thỏa ước Latran với Mussolini năm 1929. Ngài nhìn nhận Roma là thủ đô của Ý, còn nước Ý công nhận quyền Giáo hoàng trong vấn đề tôn giáo, và điều hành nước Vatican nhỏ bé với 44 hecta, từ nay Giáo hoàng được mọi tín hữu trên toàn cầu thương mến.

1,3. Những vấn đề mới

Tuy nhiên lịch sử nhân loại phải chạm trán với những vấn đề mới. Cách mạng Nga thành công năm 1917 tuyên bố cho tự do tôn giáo, cho phép Chính Thống Nga có giáo chủ Mascơva là Tykhon (1918) nhưng đồng thời cũng phát triển phong trào tục hóa : tách nhà thờ khỏi trường học, trưng thu các cơ sở tôn giáo vì công ích, đảm nhiệm mọi việc hộ tịch. Hiến pháp 1939, điều 124 xác định “tự do tôn giáo và tự do tuyên truyền chống tôn giáo” (Igo Tơ-rôi-a-nốp-xki, Công giáo ở Liên Xô. TTXã No-vô-xti 1984, tr 10-12, cho biết điều 52. Hiến pháp Liên Xô 1977 đã bổ sung thêm như sau (…) Cấm mọi sự khích động thù địch và gây căm thù liên quan đến tín ngưỡng”. Tác giả giải thích : “mọi phân biệt đối xử theo các dấu hiệu này đều bị pháp luật trừng trị. Ví dụ nếu từ chối không nhận người vào làm việc hoặc học tập vì quan hệ của họ với tôn giáo thì sẽ chịu trách nhiệm hình sự”)

Mặc dầu việc tục hóa trước đây đã diễn ra tại Tây âu, tiến trình tục hóa ở Liên Xô lúc này quả là không thuận lợi với dư luận cho lắm. Thêm vào đó bên Tây Âu những diễn biến thô bạo của đảng xã hội cầm quyền ở Tây Ban Nha (1931-36) như triệt hạ 2.000 nhà thờ và thảm sát giáo sĩ … đã tạo cơ hội cho Franco núp dưới chiêu bài thánh chiến và quốc gia đạt được thắng lợi. Nhiều người Công giáo như Bernanos đã mạnh dạn tố cáo những bạo động núp bóng tôn giáo của Franco. Thế nhưng, chủ nghĩa Quốc gia đã khiến dân Tây Ban Nha chấp nhận sự độc tài của ông.

Thực tế, khuynh hướng độc tài lúc này đang có cơ phát triển, dựa vào tinh thần quốc gia quá khích của người dân. Ở Ý, Mussolini và đảng phát xít giải tán mọi đảng khác. Ông nói : “Tôi nắm con người từ khi y sinh ra và chỉ buông tha khi y chết, lúc đó y là mối bận tâm của Giáo hoàng”. Tại Đức, Hitlernắm chính quyền năm 1933 như một vị cứu tinh của dân tộc đang khủng hoảng. Ông giải tán mọi nghiệp đoàn và đảng phái, và bộc lộ ảo vọng thống trị trong cuốn Mein Kampf.

Năm 1931, Đức Pio XI ban hành thông điệp “Chúng tôi không cần” (Non abbiamo bisigno, 29-6), chống những lạm dụng của Phát xít Ý. Năm 1937, đức Pio XI lại ra hai thông điệp cách nhau vài ngày : “Thông điệp : “Với nỗi lo âu hổi hộp” (14-3, Mit Brennender Sorge) kết án chủ nghĩa độc chủng, việc bài Do thái và thần thánh hóa Hitler; Còn thông điệp “Divini Redemptoris” (ngày 19-3) thì đánh giá chủ nghĩa Cộng sản không thể dung nạp với văn minh Kitô giáo. Tiếc rằng dư luận thời đó lại nhạy cảm hơn với thông điệp sau cho đến khi Chủ Nghĩa Quốc Xã làm nổ tung thế chiến thứ hai.

NB: Lập trường Vatican II với vô thần trong Hchế Mục Vụ số 19c và 21f : ….. “Tín hữu có phần trách nhiệm không nhỏ trong việc khai sinh vô thần bởi xao lãng việc giáo dục đức tin, hoặc trình bày sai lạc về giáo lý, hoặc do những thiếu sót trong đời sống tôn giáo luân lý, và xã hội. Họ che dấu hơn là bày tỏ khuôn mặt thật của Thiên Chúa và tôn giáo… Mọi người dù tin hay không tin, cũng đều phải trợ lực xây dựng thế giới.

II. TIẾN ĐẾN HỌC THUYẾT VỀ XÃ HỘI

Nếu mới đầu, các phong trào xã hội thường dựa vào cảm hứng Kitô giáo để cải cách kinh tế, thì từ giữa thế kỷ XIX, họ tỏ ra chống lại Giáo hội, coi Giáo hội như liên minh với thế lực bóc lột. Proudhon từng nói : “Tư hữu là ăn cắp, Thiên Chúa là điều ác. Phải thay thế tôn giáo bằng ý niệm Công bằng”. Liên hiệp công nhân quốc tế 1864, ngay từ đầu, đã bộc lộ thái độ chống tôn giáo tương tự. Thái độ kết án dễ dãi kiểu này dĩ nhiên khó tìm được sự hậu thuẫn của hàng giáo phẩm trong Giáo hội. Tuy nhiên, xét như thành phần trong xã hội, những người có niềm tin cũng dần dần hình thành một phương án giải quyết cụ thể.

2,1. Những giải pháp tạm thời

Buchez, một tín hữu xã hội chủ nghĩa năm 1845 đã khẳng định trên báo Atelier như sau : “Điều nhân dân đòi hỏi không phải là quà bố thí hay cứu tế vì thương hại hoặc vì tôn giáo. Điều nhân dân muốn là những quyền của mình được nhìn nhận và muốn tham gia vào việc công…” Thế nhưng, trong khoảng 1850-70, những tín hữu quan tâm đến vấn đề xã hội vẫn cố níu kéo tổ chức lao động xưa qua các tổ chức bảo trợ nghề nghiệp (nơi học nghề, cổ võ tương trợ giữa các đồng nghiệp) và những hội kinh tế từ thiện.

Biến cố Công xã 1871 cho thấy những cách thể trên chưa đủ. Từ 1870-90 người ta thấy xuất hiện những câu lạc bộ thợ thuyền Công giáo, nơi chủ và thợ có thể trao đổi với một chút dân chủ. Một số nhà tư sản như Léon Hamel đã cải tổ cơ chế trong xưởng của mình, nhưng vẫn nặng tinh thần bao cấp với một hệ thống bảo trợ người công nhân từ chiếc nôi cho đến nấm mổ. Tại khắp các nước Đức, Ý, Áo, Thụy Sĩ, Hoa Kỳ… đều có các nhóm hoặc báo chí Công giáo xã hội đòi tìm ra những tổ chức hoàn bị hơn.

2,2. Đến học thuyết xã hội của Giáo hội

Ngày 15-5-1891, đức Lêo XIII đưa ra những hướng dẫn về vấn đề xã hội trong thông điệp Tân Sự(Rerum Novarum) : ngài kết án chủ trương tự do vô độ về kinh tế, yêu cầu các chính quyền can thiệp để phân phối hoa lợi và tổ chức lao động của xí nghiệp (số giờ làm việc, quyền nghỉ ngơi mỗi tuần và lương bổng công nhân). Ngài cổ võ các liên đoàn Chủ-Thợ và chấp nhận các công đoàn (Syndicats, chỉ có công nhân). Thông điệp như thế đã thúc đẩy người Công giáo không thu mình lẩn tránh vào quá khứ nữa, mà phải quan tâm đấu tranh cho nhân quyền của người thợ trong những đoàn thể chính trị và công đoàn.

Thế là các công đoàn, liên đoàn mọc lên khắp nơi. Tại Pháp từ 1904 những tuần lễ xã hội được tổ chức ở nhiều nơi để nghiên cứu vấn đề xã hội dưới ánh sáng Tin Mừng. Phong trào Thanh-Lao-Công (JOC, 1925) do cha Cardijn người Bỉ sáng lập, đã được sự hưởng ứng của giới trẻ Công giáo tại nhiều nơi. Phương pháp của phong trào dựa trên ba giai đoạn “Xem xét, làm” (Voir, Juger, Agir) không cứng nhắc trong thực hiện, nhưng cổ võ công nhân chủ động khám phá ra cách thức hữu hiệu nhất trong thực tế. Năm 1931, đức Pio XI ban hành thông điệp “40 Năm” nới rộng những nhãn giới của thông điệp Tân-sự, ngài kêu gọi tái tổ chức trật tự xã hội và kinh tế theo tiêu chuẩn công bằng hợp lý.

Học thuyết xã hội của Giáo hội sẽ được bổ sung bằng thông điệp “Hòa bình trên Trái đất” của đức Gioan XXIII và năm 1963, nhấn mạnh đến nhân quyền, chống mọi hình thức kỳ thị và đặc quyền đặc lợi. Thông điệp “Phát triển các Dân Tộc” (1971) của đức Phaolô VI thì đấu tranh choquyền lợi các nước nghèo.

Đức Gioan Phaolô II cũng đã ra ba văn kiện thông điệp “Lao động của con người” (1981), xác định lao động đòi hỏi được tái phân phối công bằng để mỗi người có của cải cần thiết và kêu gọitiết kiệm để liên đới; Thông điệp “Mối Ưu tư về Xã hội” (1987) thì minh định việc phát triển của cải và dịch vụ thôi chưa đủ mà cần phải làm cho sung mãn nhân phẩm của con người và các dân tộc nữa. Và thông điệp “Bách chu niên” nhắc đến trách nhiệm xã hội của mọi thành phần.

III. NHỮNG CHUYỂN BIẾN CỦA KHOA THẦN HỌC, KINH THÁNH

Nếu bản “Syllabus” 1864 (xin coi chương XVIII) phản ứng lại những tấn công của triết học, khoa học thế kỷ XIX bằng cách cấm đoán, thì ngay sau đó ta thấy xuất hiện những công trình khoa học tôn giáo nơi nhiền người Công giáo. Cha Migne (+1875) xuất bản hàng ngàn tác phẩm cho hàng giáo sĩ, trong đó có bộ Giáo Phụ Hylạp và Latinh (379 cuốn), linh mục Duchesne (+1922) lọc lựa bớt những chuyện hoang đường trong lịch sử Giáo hội Pháp. Cha Lagrange OP, sáng lập trường Kinh Thánh Giêrusalem năm 1890, sẵn sàng mỗ xẻ văn bản Kinh Thánh như bất kỳ văn bản nào khác. Cha Loisy, nắm vững nhiều ngôn ngữ Đông phương, cũng quan tâm đặc biệt đến ngành Thánh Kinh này.

Dựa vào khoa học sử, Loisy khẳng định các sách Cựu Ước không cùng giá trị lịch sử như nhau, chỉ chứa đựng những quan niệm Thượng cổ về khoa học tự nhiên, mạc khải trong Thánh Kinh cũng phát triển từ từ (về Thiên Chúa, thân phận con người và những luật luân lý). Tại Anh George Tyrel, SJ chứng minh mạc khải đã mượn văn hóa đương thời để diễn tả, nên ước mong Giáo hội diễn tả đức tin bằng những công thức mới thay cho nền thần học chết. Cả hai Loisy và Tyrel đều bị kết án, còn cha Lagrange bị cấm giảng dạy.

3,1. Khủng hoảng Duy Tân thuyết

Thực ra việc kết án nằm trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Duy Tân thuyết (Modernisme) và giữa thời điểm căng thẳng của phong trào bài giáo sĩ. Duy tân thuyết là một từ ngữ có nhiều nội dung theo ba hướng khác nhau : kẻ muốn dùng khoa học tiến bộ để phục vụ tôn giáo; kẻ đòi hỏi tôn giáo phải thích ứng theo khoa học kẻo bị đào thải; nhưng cũng có những người nghĩ rằng tôn giáo không thể tổn tại trước khoa học. Năm 1907, đức Pio X ban hành tông huấn “Pascendi” và sắc lệnh “Lamentabili”kết án 65 mệnh đề của Duy tân thuyết. Sau đó những ủy ban kiểm soát các thành viên Duy Tân Thuyết được thành lập. Các giáo sĩ làm giáo sư hay nhận chức vụ từ nay phải tuyên thệ chống Duy tân thuyết (1910). Các tu sĩ học đại học Triết hay lịch sử đều phải xin phép riêng.

Thế chiến thứ nhất đã làm những người thượng tôn khoa học khiêm tốn hơn. Không thể tạo ra một nền đạo đức cho khoa học. Một phong trào trở về với tinh thần đã xuất hiện, biểu lộ qua các văn sĩ thời này như Paul Claudel, Charles Péguy, Léon Bloy, J. Maritain, Fr. Mauriac, Bernanos, Gabriel Marcel…

3,2. Một nền thần học mới

Lúc này trong thế giới Tin Lành xuất hiện những thần học gia lớn : Karl Barth (1886-1968), người được đức Gioan XXIII coi là nhà thần học lớn nhất thế kỷ, nhấn mạnh “Đức Kitô là Lời duy nhất chúng tôi phải nghe, phải tin cậy và vâng lời”. Bultmann(1884-1976) phát động phương pháp giải trừ huyền thoại trong Tin Mừng. Còn Paul Tillich (1886-1965) chủ trương hình thái tôn giáo là một dạng văn hóa trong xã hội, nhưng bản chất của tất cả dạng văn hóa đều là tôn giáo.

Trong khi đó các thần học gia Công giáo như Chenu, Congar và De Lubac, cố xây dựng nền thần học bám rễ sâu vào các giáo phụ và lịch sử Giáo hội. Điều đó sẽ tạo ra cuộc bừng tỉnh của thần học trong thập niên bốn mươi, theo hai hướng “về nguồn” và “Hội nhập vào thế giới”. Về nguồn ở đây là về nguồn Thánh Kinh, Thánh truyền, Mục vụ và Phụng vụ. Tủ sách Sources Chrétiennes (từ 1942) do các cha dòng Tên sáng lập giúp về nguồn đức tin qua những tài liệu giáo phụ và về nguồn phụng vụ.

Thông điệp “Divino afflante Spiritu”(1943) của đức Pio XII đã mở đường cho những nhà chú giải Công giáo : Bộ Lectio Divina xuất hiện từ 1946; số bản dịch Thánh Kinh ngày càng nhiều, quan trọng hơn cả là bản Kinh Thánh Jérusalem do các đổ đệ của cha Lagrange xuất bản. Trung tâm mục vụ phụng vụ được các cha Đa Minh Paris sáng lập năm 1943, xuất bản tạp chí “Đại Lễ và các mùa” (Fêtes et Saisons). Linh mục Remillieux khởi từ phụng vụ để xây dựng công đoàn xứ đạo và đưa ra những sáng kiến “độc đáo” thời đó như dâng lễ quay xuống cộng đoàn, những lớp giáo lý hôn nhân, dự tòng tập thể …

Để có một cái nhìn tổng quát, chúng ta ghi nhận những suy tư thần học mới trong giai đoạn này :

Nói chung, phong trào về nguồn đã giúp các thần học nhận ra điều cốt lõi của niềm tin, để sẵn sàng gỡ bỏ hàng chục lớp vỏ bên ngoài của con búp bê kiểu Nga (lối nói của Von Balthasar). Niềm tin đó phải được trình bày theo đúng ngôn ngữ thời đại để người thời nay có thể hiểu được. Và như thế, các nhà thần học sẵn sàng khai tử những thứ duy linh, những thứ cá nhân chủ nghĩa, mê tín, lẫn những hình ảnh về Thiên Chúa, mà thực chất chỉ là sản phẩm con người tạo ra. Thay vào đó, các vị kêu gọi người tín hữu ý thức “sứ vụ, ơn gọi” làm người, làm con Thiên Chúa và sứ vụ góp phần của mình trong “nhiệm cuộc cứu độ” của Đức Kitô.

Ngày nay, sau Vatican II, chúng ta đã quen thuộc với những suy nghĩ trên đây, còn khi đó, những tư duy “mới lạ” này đã bị cản trở. Người ta có thể giải thích lý do là vì hiểu lầm, vì e sợ, vì thận trọng hay vì bảo thủ. Đức Pio XII qua thông điệp Humani Generis (1950) kết án các thứ “tân thần học”. Các cha Lubac, Ganne, Bouillard rồi sau này đến Congar, Chenu … và Teilhard Chardin đều bị cấm giảng dạy.

Thế nhưng chính cha Congar lại coi đây là giai đoạn thử thách cần thiết để tư duy thần học chín mùi và được mọi người công nhận.

IV. PHONG TRÀO CÔNG GIÁO TIẾN HÀNH

4,1. Những bước khởi sự

Trong bối cảnh hậu cách mạng Pháp và phong trào tục hóa, người tín hữu đã ý thức hơn trách nhiệm của mình với việc truyền giáo (hội Truyền bá Đức tin, Thánh Nhi, Thánh Phêrô) và tham gia công tác bác ái cụ thể (hội Vinhsơn Phaolô của Ozanam 1833). Thế nhưng việc ra đời của Hiệp hội Thanh niên Công giáo Pháp (ACJF) năm 1886 đánh dấu một hướng đi mới cho người tín hữu muốn góp phần vào việc “khôi phục lại xã hội Kitô giáo”. Đại hội Besancon 1896 đã đề ra phương án mới “làm việc tông đổ cho môi trường bằng người trong môi trường đó”.

Thế là người ta thấy dần dần xuất hiện những phong trào tông đổ cho từng giới : Thanh Lao Công (JOC 1925), Thanh Nông Công (JAC 1929), Thanh Sinh Công (JEC 1932), Thanh niên Công giáo (JIC 1935). Giới trẻ thì có thiếu nhi Thánh Thể (Lm. Bessière 1917), Hùng Tâm-Dũng Chí do cha Courtois gồm ngành Nam (1936) và Nữ (1937). Nếu đức Pio X cổ võ người tín hữu đoàn ngũ hóa để cộng tác với hàng giáo sĩ, thì đức Pio XI, vốn tự nhận là giáo hoàng Công Giáo Tiến Hành, lại đề cao hướng chuyên biệt hóa theo từng thành phần. Khi lập nhóm Công giáo tiến hành ở Ý (1922) ngài chia thành bốn ngành nam, nữ, thanh nam, thanh nữ.

Về sau này ngài áp dụng phương pháp “xem, xét, làm” của Thanh Lao Công cho các phong trào khác. Đặc biệt phong trào Đạo binh Đức Mẹ, do một giáo hữu Ái Nhĩ Lan là Frank Duff lập năm 1921, lại chủ trương công tác tông đổ thuần túy tôn giáo không xét đến hoàn cảnh xã hội hay kinh tế.

4,2. Những biến chuyển

Trong đệ nhị thế chiến, nhiều linh mục và tín hữu có cơ hội tiếp xúc với những thành phần họ chưa hề gặp, và thấy những yêu cầu mới về sự hiện diện của Kitô giáo. Phong trào quần chúng các gia đình (MPF) mạnh dạn đảm nhiệm lấy việc cứu tế xã hội thay vì chờ chỉ đạo của hàng giáo phẩm. Tác phẩm của cha Godin và Daniel “Pháp là nước truyền giáo ? ” năm 1943, đã làm cho mọi người choáng váng, khi phân tích và thấy rằng : cơ cấu giáo xứ thôi chưa đủ, cần phải có những người dám sống chìm trong những môi trường xa lạ. Dựa vào đó, cha Michonneau đề nghị mỗi xứ đạo tổ chức thành cộng đoàn truyền giáo cho khu vực mình sống.

Phong tràolinh mục thợ xuất hiện từ 1944, cha J. Loew OP, trở thành phu khuân vác ở bến cảng Marseille. Năm 1954, có khoảng 100 linh mục thợ ở Pháp, chỉ một nửa bỏ xưởng thợ khi Tòa thánh bắt chọn lựa. Quần chúng mộ mến các vị nhờ cuốn “Các Thánh xuống hỏa ngục” của Gilbert Cesbron (1952). Người ta quen dần với hình ảnh người linh mục không áo dòng, sống tại chung cư, cùng hoạt động với những người khác tôn giáo và cả vô thần nữa.

Chuyển biến chính trong giai đoạn này là các phong trào nhóm chuyên biệt không chỉ lo việc “đạo” nữa, họ dấn thân vào công tác xã hội, nỗ lực nhân bản hóa và tham gia việc giáo dục (JEC, JAC). Phong trào JOC dấn thân vào những cơ chế của các phong trào thợ thuyền không phân biệt tôn giáo, nên chủ trương hoạt động độc lập. Vì thế Hiệp Hội Thanh Niên Công giáo Pháp (ACJF) biến mất từ 1956. Năm 1959, đức Gioan XXIII cổ võ những phong trào tín hữu ưu tiên phục vụ công tác xã hội. Nguyên nước Pháp năm 1961 có 15 phong trào loại này, sau kết thành Hội-Cứu-đói-và-Phát-Triển (CCFD : Comité Catholique Contre la Faim et pour le Développement), hằng trăm cơ quan từ thiện đã mọc lên, trong đó ta quen thuộc với hội Caritas, do Jean Rodhain khởi xướng (1946) chuyên quyên góp cứu trợ các nạn nhân thiên tai hay chiến cuộc và các nước chậm phát triển (cổ động việc bác ái, đào tạo nhân viên địa phương và quan tâm đặc biệt đến những người nghèo).

4,3. Đến một nền thần học Giáo dân

Tất cả những hoạt động các thần học gia hỗ trợ, đặc biệt là cha Congar. Dựa trên quan niệm Giáo hội Nhiệm Thể, các thành phần trong giáo hội như Giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân đều là chi thể của Đức Kitô, bình đẳng trong ơn gọi làm Con Thiên Chúa. Mỗi tín hữu đều được thông chia ba chức vụ của Đức Kitô là tư tế, ngôn sứ và vương giả. Do đó, người tín hữu dù không ở trong đoàn thể nào, vẫn có trách nhiệm xây dựng nhiệm thể của Hội Thánh (xc Hiến Chế Ánh sáng muôn dân).

Tuy nhiên “sứ vụ trần thế” làm nên tính cách riêng biệt của người tín hữu. Họ sống liên đới với mọi người (xã hội, chính trị), để làm chứng về tình yêu Thiên Chúa và làm cho mọi thực tại trần thế biết ca tụng Đấng Hoá Công.

Đức Gioan Phaolô II nói trong ngày bế mạc Thượng Hội Đồng Giám mục 1987 rằng : “Người tín hữu được đặt vào biên thùy của lịch sử gia đình, văn hóa, xã hội, thế giới, lao động, kinh tế, chính trị, khoa học, kỹ thuật, truyền thông đại chúng…những vấn đề lớn của sự sống, của liên đới, hòa bình, đạo đức, nghiệp vụ, dân quyền, giáo dục và tự do tôn giáo”.

Và như vậy, giữa một thế giới đã tục hóa, Giáo hội chọn hướng đồng hành, chung niềm hy vọng và âu lo với mọi người (Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng), góp phần làm cho trần gian thấm nhuần ơn cứu độ của Đức Kitô và đạt tới cùng đích của nó trong công lý, bác ái và hòa bình.

TOÁT YẾU

Giữa thế giới tân tiến, Giáo hội phải đối đầu với phong trào tục hóa. Sinh hoạt tôn giáo bị giới hạn trong nhà thờ. Các vấn đề giáo dục, y tế, hộ tịch đều trực thuộc chính quyền. Nói chung các biện pháp tục hóa được tiến hành khá phũ phàng : tịch thu các phương tiện hoạt động, bắt bớ, cưỡng ép, phê phán và bôi nhọ tôn giáo. Tiêu biểu ta thấy “chiến dịch Văn hóa” ở Đức Phổ (1871-87) và những diễn biến trước đạo luật Phân-ly (Séparation) ở Pháp (1905). Thế nhưng, sự tích cực của người tín hữu với tư cách công dân trong thế chiến thứ nhất, đã giúp Giáo hội khẳng định được vị trí của mình. Sẵn sàng bỏ mọi đặc quyền, Giáo hội có tư cách pháp nhân để cộng tác với những tổ chức chính trị khác xây dựng xã hội và tổ quốc.

Trong bối cảnh ấy, học thuyết xã hội của Giáo hội được hình thành. Khởi từ những lời kêu gọi cả hai phía chủ-thợ thương thảo và cải thiện hoàn cảnh, Giáo hội kêu gọi các chính quyền đứng ra giải quyết những xung đột tại xí nghiệp, kêu gọi giới thợ thuyền mạnh dạn đấu tranh (trong bác ái) để cải tổ chính cơ chế kinh tế và xã hội. Đó là nội dung hai thông điệp “Tân sự” (Đức Lêô XIII, 1891) và “Bốn mươi năm” (đức Pio XI, 1931). Hơn nữa, Giáo hội kêu gọi các nước giàu có trách nhiệm giúp đỡ các nước nghèo tự phát triển và kêu gọi mọi tổ chức kinh tế không chỉ quan tâm đến lợi nhuận mà phải ưu tiên cho nhân quyền, nhâm phẩm con người.

Thần học trong giai đoạn này có những bước biến chuyển nhảy vọt. Các nhà Kinh Thánh, Thần học, đã mạnh dạn sử dụng những tiến bộ của khoa học để về nguồn, đào sâu ý nghĩa của mạc khải, Thánh Kinh, phụng vụ, các giáo phụ và thần học. Từ đó các vị xây dựng một nền thần học mới ngang tầm với những trào lưu hiện đại, “xã hội, hiện sinh và tiến hóa” : khám phá ra một Thiên Chúa vẫn hoạt động nơi các tôn giáo khác và cả nơi những người vô thần, một Thiên Chúa muốn con người phải sinh lợi những nén bạc đã được giao phó trong từng giai đoạn lịch sử và có trách nhiệm hoàn thành ơn cứu độ của Chúa ngay từ trần gian này.

Tuy nhiên, theo qui luật chung của mọi hệ thống tư tưởng, thường chỉ nhấn mạnh một vài phương diện, trong giai đoạn đầu, các nhà thần học này đã chịu nhiều thử thách và cấm đoán. Cụ thể là việc kết án Duy Tân Thuyết năm 1907 và kết án các khuynh hướng mới trong Thần học năm 1950. Thế nhưng các vị không bỏ cuộc, các vị đã tận dụng thời gian làm việc trong âm thầm để hoàn chỉnh hệ thống Thần học của mình, trước khi biến nó thành gia sản của Giáo hội thời Vatican II.

Cũng nhờ bối cảnh xã hội tục hóa, người Kitô hữu giáo dân tìm lại được vị trí đích thực của mình. Nếu mới đầu, những đoàn thể tôn giáo chỉ nhắm đến những người trong tôn giáo, thì dần dần họ khám phá ra cách thể hiện diện trong công tác với mọi người, bất kể tôn giáo chính kiến, trong việc xây dựng trần gian công bằng và bác ái. Với ý thức về ơn gọi tư tế, sứ ngôn và vương giả, người tín hữu ý thức mình được chia sẻ trọn vẹn sứ vụ của chính Giáo hội nơi môi trường riêng mà mình hiện diện.

BÀI ĐỌC THÊM

TRƯỜNG NỮ TRUNG HỌC CÔNG LẬP

Các trường này nhằm cung cấp các nữ đồng chí Cộng hòa cho các ông Cộng hòa. Điều này bị Giáo hội phản đối, vì từ trước đến nay, GH vẫn giáo dục các thiếu nữ sau tiểu học.

Kẻ nào nắm được phụ nữ là nắm được tất cả. Bởi vì trước hết, kẻ ấy nắm được con trẻ, rồi đến các ông chồng, không chỉ các ông chồng trẻ bị đang bị cơn bão dục vọng lôi cuốn, mà cả các ông chồng mệt mỏi thất vọng trong trường đời.

(…) Chính vì thế, Giáo hội muốn nắm lại phụ nữ và cũng chính vì thế, chế độ Dân Chủ quyết giật phụ nữ khỏi Giáo hội.

Nền Dân Chủ phải chọn lựa nếu không sẽ bị tận diệt. Phải chọn lựa hỡi các công dân. Hoặc người phụ nữ thuộc về khoa học, hoặc họ thuộc về Giáo hội.

(JC. Để đọc LSGH II,t.130)

LUẬT LỆ HỌC ĐƯỜNG

* Đạo luật 1882

Điều 1. Việc dạy ở Tiểu học gồm : Đạo đức, Công Dân giáo dục, tập đọc, viết…

Điều 2. Hằng tuần các trường tiểu học nghỉ một ngày, để cha mẹ có thể cho con em học về tôn giáo, nếu muốn, ở ngoài cơ sở học đường.

Điều 3. Nay bãi bỏ những quy định của các khoản 18 và 44 của đạo luật 15-3-1850 về việc cho phép bộ trưởng Phụng Tự quyền kiểm soát, thanh tra và chỉ thị trong những trường tiểu học công cũng như tư và trong các lưu xá.

* Đạo luật 30/10/1886

Điều 17. Trong những trường công lập mọi cấp, việc giảng dạy được ủy thác hoàn toàn cho các nhân viên dân sự.

(JC Để đọc LSGH II,t.131)

THÔNG ĐIỆP “GIỮA MUÔN ĐIỀU LO NGẠI” (1892)

Chỉ có Giáo hội Kitô đã và sẽ đang bảo tồn chắc chắn hình thái cai trị của mình.Vì được thiết lập trên nền tảng là Đấng đã có, đang có và vẫn có đời đời, Giáo hội ngay từ đầu đã nhận được những gì cần thiết để theo đuổi sứ mạng thần linh ngay giữa dòng lưu chuyển của vạn vật nhân trần.

Còn đối với các xã hội thuần túy nhân loại, thì thời gian là yếu tố biến đổi vĩ đại cho mọi sự trần gian, như một sự kiện đã ghi khắc cả trăm lần trong lịch sử, tạo nên những thay đổi sâu xa về cơ chế chính trị… Nhu cầu xã hội biện minh cho việc hình thành, xuất hiện và tồn tại những chính phủ mới… Điều này mới lạ, thực ra chỉ là thay đổi hình thái cai trị hoặc cách chuyển giao quyền hành… Việc chấp nhận chính phủ mới không những được phép, mà còn là bó buộc, vì những nhu cầu thiện ích của xã hội… Nhưng tôn trọng công quyền hiến định, không có nghĩa là phải vâng lời vô giới hạn mọi biện pháp luật định do cơ quan này ban hành.

(JC. Để đọc LSGH II, t. 132)

CHỦ TRƯƠNG TỤC HÓA HIẾU CHIẾN

Cần phải công bố lớn tiếng điều này : có sự bất tương hợp giữa Giáo hội Công giáo và ngay cả Kitô Giáo với mọi chế độ Cộng hòa. Kitô giáo là sự nhục mạ với lý trí, sự nhục mạ với thiên nhiên. Vì thế tôi tuyên bố rất minh bạch rằng, tôi muốn theo đuổi ý tưởng của Hội Quốc Ước (Convention) và hoàn tất công trình bứng gốc Kitô giáo ra khỏi nước Pháp (…) Tại sao chúng ta, những người Cộng hòa, những người Xã Hội, tại sao ta muốn bứng gốc Kitô giáo khỏi đất nước này ? Tại sao ta chiến đấu chống các tôn giáo ? Bởi vì chúng ta tin rằng, các tôn giáo là cản trở thường xuyên của tiến bộ và văn minh.

(Maurice Allard 10-4-1905)

ĐẠO LUẬT PHÂN LY (9/2/1905)

Điều 1. Nước Cộng hòa bảo đảm quyền tự do lương tâm. Nhà nước bảo đảm việc tự do phụng tự theo những quy định duy nhất sau nhằm lợi ích trật tự chung.

Điều 2. Nước Cộng hòa không nhìn nhận, không trả lương, không trợ cấp tín ngưỡng nào. Do đó, từ ngày 01-1 sau khi ban hành đạo luật này, những ngân sách của nhà nước, của các tỉnh và xã, tất cả mọi chi phí liên hệ đến việc cử hành phượng tự đều bị hủy bỏ.

(JC. Để đọc LSGH II,t.135)

Thông điệp VEHEMENTER (11/2/1906)

Luận cương về việc tách rời (phân ly) này là sự phủ nhận rất rõ rệt trật tự siêu nhiên. Vì nó giới hạn hành động của nhà nước vào việc theo đuổi sự thịnh vượng đời này, chỉ quan tâm đến lý do phụ của xã hội chính trị, không chút bận tâm đến lý lẽ chung quyết của con người là hạnh phúc vĩnh cửu (…)

THẾ CHIẾN I (JC. Để đọc LSGH II,t.137)

* Lập trường đức Bênêđicto XV

Trước tiên, điểm cơ bản là phải thay thế sức mạnh của vũ khí bằng sức mạnh đạo đức của luật pháp, từ đó đưa đến một thỏa thuận công bằng về việc giải trừ binh bị đồng loạt cho cả mọi phía… Sau đó, thay thế quân đội bằng tổ chức trọng tài với chức năng hòa giải theo những quy định được thỏa thuận về những biện pháp chế tài cụ thể với quốc gia nào không chịu chấp hành…

Về việc bồi thường thiệt hại, ta không thấy phương thế giải quyết nào bằng nguyên tắc cùng tương trợ lẫn nhau. Việc ấy hợp lý, vì biết bao lợi ích rút ra từ việc giải trừ binh bị.

* Lập trường Linh Mục Sertillanges, OP

Thưa Đức Thánh Cha, lúc này chúng con không thể chấp nhận những lời kêu gọi hòa bình của Đức Thánh Cha được… chúng con nhìn nhận rằng kéo dài cuộc chiến này, dù chỉ một giờ thôi cũng là tội ác, nếu như có thể kết thúc bằng một hiệp ước bảo đảm (…)

Nền hòa bình của chúng con sẽ không là thứ hòa bình thương thảo, hòa bình ngoại giao và cả thứ hòa bình do mối tình người Cha hướng về hai phe lâm chiến ; nhưng nó sẽ là nền hòa bình sau cuộc chiến khốc liệt và theo đuổi đến cùng, nền hòa bình của sức mạnh bẻ gẫy bạo lực, nền hòa bình của người lính chiến.

CUỘC CHIẾN TÂY BAN NHA

Tôi nghĩ rằng của Binh Thánh Giá Tây Ban Nha là một trò hề, nó dựng lên cuộc tranh chấp giữa hai phe đảng chống đối nhau đã từng chạm trán theo đường lối tuyển cử, và chúng sẽ còn đụng độ nhau vô ích, bởi vì chúng không biết mình muốn gì và vì chúng lạm dụng vũ lực chứ không biết sử dụng nó (…)

Cuộc chiến Tây Ban Nha là nấm mồ chôn. Đó là mồ chôn những nguyên tắc thật và giả, chôn thiện ý lẫn tà ý. Khi nào toàn bộ chúng đã bị luộc chín trong máu và bùn, các người sẽ thấy chúng trở nên thứ gì, các người sẽ thấy thứ soup mà các người đã nhúng vào. Nếu có một cảnh đáng động lòng, đó là cảnh những con người bất hạnh ngồi xỗm hàng tháng quanh nổi phù thủy, rồi mỗi người dùng xiên để găm thịt đều vênh váo về mẩu thịt của mình (đám dân nghèo). Đó là những gã Cộng hòa, Dân chủ, Phát Xít hay chống Phát Xít, thân Giáo sĩ hay bài Giáo sĩ.
Bernanos, Những nghĩa trang dưới ánh trăng,Plon 1938

CHỐNG LẠI ĐỘC TÀI (JC. Để đọc LSGH II,t.144)

* Chúng Tôi Không Cần

Chúng ta đang đứng trước toàn thể một tổng hợp gồm những xác quyết và những sự kiện chứng tỏ ý hướng, không còn gì nghi ngờ nữa, nhằm tập trung toàn thể giới trẻ, từ tuổi thiếu nhi cho đến trưởng thành cho việc sử dụng toàn bộ và độc quyền của đảng, của chế độ, trên căn bản một ý thức hệ rõ ràng đã trở thành thứ “đạo tôn thờ nhà nước” (Statolatrie) thực sự và riêng biệt, ngoại đạo, hoàn toàn chống lại những quyền tự nhiên thuộc về gia đình và những quyền siêu nhiên thuộc về Giáo hội.

Đối với người tín hữu, giáo lý Công giáo không thể nào hòa giải với chủ trương cho rằng Giáo hội, giáo hoàng phải tự hạn chế vào những thực hành tôn giáo (gồm thánh lễ và bí tích) còn vấn đề giáo dục phải hoàn toàn tùy thuộc vào nhà nước.

* Với Nỗi Lo Âu Hổi Hộp

Bất cứ ai xem chủng tộc, dân tộc hay nhà nước, hoặc hình thái nhà nước hoặc những cơ quan quyền lực (…) và thần hóa chúng bằng việc tôn thờ như ngẫu thần giáo, kẻ đó làm đảo lộn và sai lạc trật tự sự vật đã được tạo dựng và truyền phán do Thiên Chúa (…). Con người xét như là nhân vị, có những quyền nhận từ Thiên Chúa. Quyền đó phải được tồn tại chung với tập thể, bất chấp mọi vi phạm nhằm từ chối tiêu diệt hoặc khinh thường chúng.

* Thông điệp Divini Redemptoris

Chủ Nghĩa CS thì hoàn toàn hủy hoại, và người ta không thể chấp nhận cộng tác trên bất cứ lãnh vực nào với nó, nếu họ muốn cứu văn minh Kitô giáo. Nếu có ai bị dẫn dụ vào sai lầm, hợp tác cho sự thắng lợi của Chủ Nghĩa CS trong nước họ, họ sẽ là những người trước tiên thành nạn nhân thuộc về sự sai lầm đó.

TẠI SAO CHÚNG TÔI XA LÁNH CÁC NGÀI

Nghị sĩ Corbon gửi Nghị-sĩ-giám-mục Dupanloup 1877

Chúng tôi xa lánh các ngài vì từ nhiều thế kỷ nay các ngài xa lánh chúng tôi. Tôi không muốn nói các ngài từ chối “những của ăn trong đạo”… nhưng muốn nói rằng, từ nhiều thế kỷ nay các ngài bỏ rơi chính nghĩa (cause) trần thế của chúng tôi. Các ngài dùng ảnh hưởng để cản trở thay vì cổ võ việc cứu độ xã hội (rédemption sociale)… Các ngài luôn gộp chung quyền lợi các ngài với quyền lợi của một đảng phái chính trị. Nhưng đã có một thời gian trước các ngài hành động khác bây giờ, tôi vẫn thích ghi nhận điều đó, lúc các ngài hòa nhập quyền lợi các ngài với chúng tôi. Đó là thời đầu thời Trung Cổ.

(Từ thời Phục Hưng) giáo huấn đã thay đổi nhất là khi nói đến quần chúng nghèo… các ngài khuyên họ tuyệt đối tùng phục quyền bính được thiết lập… rằng làm đẹp lòng Chúa thì phải bằng lòng tuyệt đối với số phận nghèo hèn… rằng càng chịu khó sống nghèo, bị chà đạp, bóc lột trên trần gian thì càng được phần thưởng hạnh phúc ở thế giới đời sau (…) Không quan tâm đến thế giới khác, xã hội tân tiến không hoãn việc thay đổi, cứu nguy xã hội này đến ngày phán xét. Đó là lý do tại sao nó là nước Cộng hòa và Dân Chủ. Chắc chắn rằng nó không từ bỏ những nguyên tắc giải phóng và nhân đạo của Tin Mừng.

(JC Để đọc LSGH II, p 170)

CÂU LẠC BỘ THỢ THUYỀN

* Hệ thống gia trưởng bảo hộ : Gồm những bậc vị vọng bảo trợ cho những người nghèo và sự tương trợ giữa những người cùng nghề. Tiến đến nhiều Hội Bảo Trợ dạy nghề (chiếm 1/5 thợ mới ở Paris 1970). Người thợ có bổn phận yêu kính thầy dạy và người bảo trợ.

* Armand de Mélun than thở năm 1871 : “Sự thành công thuộc về những tư tưởng xã hội, vì chúng không chỉ ve vãn xua nịnh dục vọng con người, nhưng chúng được trình bày như một giải háp, một hệ thống hoàn chỉnh ; chúng giải đáp những khó khăn của vấn đề xã hội, chúng ta không đưa ra những giảp pháp nào như thế…”

* Câu lạc bộ Léon Hamel (1829-1915) : Cho người thợ tham gia ít nhiều vào việc quản trị “Của cải của người thợ là do họ và với họ, không có của cải nếu thiếu họ và chắc chắn không thể phản lại họ”. Hamel còn tổ chức cho thợ hành hương Roma và trao đổi vấn đề xã hội với Đức Leo XIII.

* Bá tước Albert de Mun (1841-1914) : Vâng lời Đức Thánh Cha năm 1892 để liên minh với phe Cộng hòa. Bá tước đã mở Câu Lạc Bộ Thợ Công giáo 1871 và sáng lập Liên Hiệp Thanh Niên Công giáo Pháp (ACJE 1886).

“Tôn giáo dạy tôi rằng những người thuộc giai cấp trên có trách nhiệm với những người hạng thấp : trách nhiệm về linh hồn họ, về sự thông minh của họ, về thân xác họ. Rằng sự trổi vượt được ban cho ta, để nhằm phục vụ điều ấy. Rằng nếu ta để mất hoặc chỉ lo vui chơi mà không làm trách nhiệm, để làm hư hỏng những người được trao cho ta, thì ta đã phản bội lại sứ mạng và ơn quan phòng.

(JC. Để đọc LSGH II.t.172)

THÔNG ĐIỆP TÂN SỰ – Đ. Lêo XIII 15/5/1891

Tôi xác quyết rằng… cần phải dùng những biện pháp khẩn cấp và hữu hiệu, giúp đỡ những người thuộc giai cấp thấp kém, bởi vì phần lớn họ đang sống trong tình trạng nghèo khổ bất xứng (…) Thế kỷ qua đã tàn phá, mà không có gì thay thế, những nghiệp đoàn tương xứng xưa đã bảo vệ cho họ… phó mặc cho lòng thương hại của những chủ nhân vô nhân đạo và cho lòng tham lam cạnh tranh vô độ… Thêm vào đó, còn phải nói đến sự tập trung vào trong tay một số người nền kỹ nghệ và thương mại, đã trở thành sự chia chác của một thiểu số giàu có, sung túc của cải, họ áp đặt một sự áp bức hầu như là nô lệ trên đám đông vô kể những người vô sản.

THÔNG ĐIỆP BỐN MƯƠI NĂM – Đ.PIO XI 15/5/1931

(…) Nơi một số người chai cứng lương tâm đến mức cho rằng với mọi phương tiện đều tốt nếu nó làm gia tăng lợi nhuận riêng… Chế độ kinh tế mới khởi từ giai đoạn chủ nghĩa duy lý tràn lan, đã tách rời khỏi luật đạo đức và phó mặc tự do cho tham vọng của con người… Vật chất bất động ra khỏi xưởng thợ được trau chuốt nên tốt đẹp, đang khi con người trong đó kiệt quệ và bị hủy diệt.

Các chuyên viên trong lãnh vực Khoa Học Xã Hội lớn tiếng kêu mời lập lại trật tự trong sinh hoạt kinh tế sao cho hợp lý. Nhưng trật tự này rõ rệt là không hoàn chỉnh… nếu nó không thể hiện sự thống nhất kì diệu theo chương trình Thiên Chúa… Đó là trật tự hoàn bị mà Giáo hội không ngừng rao giảng và chính lý trí ngay thẳng đòi hỏi.

DUY TÂN THUYẾT

* Loisy : Loisy bị cấm năm cuốn sách năm 1903, vị linh mục tùng phục, nhưng quả quyết không thể tự phá hủy những kết quả nghiên cứu.

Ngũ kinh trong tình trạng chuyển đến ta không thể của Moisen

Các chương đầu Sáng Thế không chứa đựng lịch sử chính xác và thực sự về nguồn gốc nhân loại. Các sách Cựu Ước, các phần mỗi cuốn không có cùng giá trị lịch sử.Đối với Khoa Chú Giải độc lập, các Sách Thánh, trong những điều kiện liên quan đến khoa học tự nhiên, không vượt trên những quan niệm thông thường thuộc về thời Thượng Cổ.

(Ngày mãn khóa 1892-93/ Études Bibliques 1894, t.79)

* Khoa chú giải cổ điển giải thích về tiên tri Giona

Linh mục Glaire, trưởng khoa thần học Paris chú giải chuyện Gionas : không có gì là không thể với Đấng Tạo Hóa vũ trụ.

Trước hết chúng ta lưu ý rằng, Kinh Thánh không xác định loại cá đã nuốt Giona vào bụng. Nếu đó là cá mập (Requin) thì mọi khó khăn đều biến mất… Điểm duy nhất còn gây thắc mắc là làm sao Giona có thể sống trong bụng cá ba ngày được ? Tôi cho rằng đó là một phép lạ, và không có gì nghịch lý. Thiên Chúa quyền phép có thể trì hoãn qúa trình tiêu hóa của các chất a-xít trong bao tử loại động vật ăn thịt này… cũng như xưa ngài làm trì hoãn ngọn lửa thiêu đốt ba thanh niên trong lò lửa…

Còn về việc Giona không thể thở… Thiên Chúa toàn năng có thể làm cho máu của vị tiên tri nghỉ ngơi không cần thở, giống như nhiều loài vật sống hang tháng dưới đất mà không cần thở… Như trẻ thơ trong lòng mẹ cũng không cần không khí để thở… Những điều này vượt lên trên những quy luật bình thường và vì thế phải nói là thuộc phép lạ.

(JC Để đọc LSGH II, t.176)

KHÔNG NÊN LẨN TRÁNH CUỘC ĐỜI

NHÓM NGHIÊN CỨU TÔN GIÁO (1905)

Theo hai LM Laberthonière và Portal :

“Ta vẫn tưởng thế giới trí thức đang tấn công ta… Nhưng rõ ràng ta đang ở trong nhà thuộc thế giới đó. Sắp đặt để các tâm hồn khỏi nhiễm tân thuyết là điều không thể được, nó đã tràn đến với mọi nơi và làm chủ với mọi sự. Nó là thế giới mà ta đang sống trong đó (…) Vì thế không còn vấn đề tự vệ, kháng cự, giương cao những rào chắn nữa… vấn đề là phải làm nó hoán cải (convertir) như xưa những tín hữu ban đầu đã mời gọi được thế giới Hy-La. Chúng ta đang trở lại thời các Tông đồ.

(JC.Để đọc LSGH II, t.180)

THÔNG ĐIỆP LAMENTABILI

Đ. PIO X 3/7/1907, KẾT ÁN 65 MỆNH ĐỀ

  1. Mạc khải là ý thức đắc thủ do con người trong tương quan với Thiên Chúa.
  2. Sự Phục Sinh không đúng nghĩa là biến cố lịch sử mà là sự kiện siêu nhiên mà lương tâm Kitô hữu dần dần diễn dịch ra từ những sự kiện khác.
  3. Đạo Công giáo ngày nay không thể nào nối kết được với khoa học trừ khi phải biến đổi thành thứ Kitô giáo không còn tính cách tín điều.

THÔNG ĐIỆP PASCENDI 8/9/1907

Nhìn tổng quát cả hệ thống, có ai còn ngạc nhiên khi ta xác định nó là điểm hội ngộ của tất cả mọi lạc thuyết chăng ?… Những nhà duy tân thuyết không những hủy diệt đạo Công giáo mà là mọi tôn giáo, như ta đã từng nhấn mạnh.

PHONG TRÀO HÀNH ĐỘNG PHÁP

* Mauras Sáng Lập Viên : 1912

“Tôi dấn thân chiến đấu với chế độ Cộng hòa. Nhà nước Cộng hòa tại Pháp là sự cai trị thuộc ngoại bang. Tinh thần Cộng hòa làm tan rã việc bảo vệ quốc gia và cổ võ những trào lưu tông giáo thù nghịch với đạo Công giáo cổ truyền. Cần phải trả lại cho nước Pháp một chế độ phù hợp (…) Vì thế, tương lai duy nhất của chúng ta là chế độ Quân Chủ, chế độ được hiện thân qua người thừa kế của 40 vị vua suốt 1000 năm, đã làm nên Pháp Quốc.

* Bản án do Đức Pio XI

Người Công giáo không được tham gia bất cứ cách nào vào những tổ chức trường phái đặt quyền lợi đảng phái lên trên tôn giáo… Không được phép nâng đỡ, khuyến khích và đọc những tờ báo mà các bài viết tách rời khỏi tín lý và luân lý chúng ta.

(Pio XI- Diễn từ ngày 20-12-1926 tại Cơ mật viện)

NON POSSUMUS (Chúng tôi không thể)

Thực đau lòng xiết bao cho những người Công giáo chân thành trong hoàn cảnh chúng tôi. Thực cực lòng khi những đứa con phải chống lại các mệnh lệnh của cha (…) Người cha đòi đứa con phải giết mẹ, hoặc để cho mẹ mình bị giết cũng vậy thôi, ông có thể được lắng nghe cách thành kính, nhưng đứa con không thể nào vâng phục. Từ chối vâng phục, chúng tôi vẫn không ngừng là người Công giáo tốt ; bằng việc vâng lời chúng tôi không còn là người Pháp tốt nữa (…) Chúng tôi sẽ không phản bội quê hương chúng tôi. Non possumus (24-12-1926).

PHONG TRÀO THANH LAO CÔNG

JOC, Với Bán Nguyệt San Công Nhân Trẻ, Lời Jean Mondange, báo ngày 15-11-1929

“Tương lai của đoàn Thanh Lao Công là sự phát triển bình thường nhờ hoạt động chuyên sâu của phong trào JOC chúng ta, nhằm nâng đỡ giới thợ thuyền, là làm sao cho đời sống người thợ, văn hóa người thợ và tay nghề người thợ, sẽ thành cái gì đó được nhìn nhận và chiếu tỏ như một chân lý được nhận thức cách tự do (…) tương lai phong trào JOC sẽ được thể hiện, khi nào nền văn minh thợ thuyền Kitô giáo là một sự kiện (tương tự nền văn minh phong kiến xưa). Tương lai phong trào JOC sẽ là lúc toàn thể công nhân sống trong môi trường thánh hóa tâm hồn và bảo vệ thân xác, che chở từng các nhân và các gia đình. Tương lai phong trào JOC, đó là lúc giới thợ thuyền thuộc về Chúa Kitô.

VIỆC THÁNH HÓA MÔI TRƯỜNG – Đức Pio XI

(…) Để đưa trọn vẹn những giai cấp khác nhau này về với Chúa Kitô, cần phải chọn lựa và huấn luyện ngay trong lòng những giai cấp này các trợ tá cho việc mục vụ Giáo hội, những trợ tá hiểu được giai cấp mình, biết những khát vọng và biết nói vào tâm hồn họ trong tinh thần bác ái, dịu hiền và huynh đệ. Những tông đồ đầu tiên và trực tiếp của công nhân phải là những công nhân, những tông đồ của thế giới kỹ nghệ và thương mại phải là những người xuất thân từ môi trường này.

CẦN DUYỆT LẠI PHƯƠNG PHÁP TÔNG ĐỒ (Godin và Daniel)

Không phải chỉ những kẻ bát nháo, những cô gái sa ngã và các võ sĩ quyền anh là không thể hội nhập vào công đoàn giáo xứ… Mà cả những cô công nhân nghành dệt, anh trưởng nhóm thợ hãng Renault… Nhưng trong cuộc truyền giáo mới, việc chinh phục những người vô sản là một công việc gay go và có thể là khó khăn lâu dài ; nó đòi hỏi những ai nghĩ đến đại cuộc, phải xả thân toàn diện … Những nhà truyền giáo phải chấp nhận bị coi là đồng lõa (do cả những anh em mình)…

Chúng tôi sẵn sàng mở đường vào giới vô sản, còn các ngài, giám mục, các vị có sẵn sàng chưa để đón nhận vào giới Công giáo những tân tòng do chúng tôi mang lại ? Toàn bộ cuộc nghiên cứu này trả lời rằng : không. Giáo hội Pháp chưa sẵn sàng cho ngày mai, chưa có những tổ chức và có lẽ, cả tinh thần cần có nữa.

ĐẠI HỘI TÔNG ĐỒ GIÁO DÂN LẦN THỨ HAI Đ. Pio XII (1957)

Mối tương quan giữa Giáo hội và thế giới đòi phải có sự năng động của tông đồ giáo dân. Việc thánh hiến trần gian trong cốt yếu, chính là công việc của người giáo dân, là những người hòa nhập cách chặt chẽ vào đời sống kinh tế xã hội.

Ngày 20/2/1946, Đức Pio XII nói với Hồng Y đoàn : “Những người giáo dân có vị trí tiên phong trong đời sống Giáo hội. Nhờ họ mà Giáo hội trở thành nguyên lý sống động của xã hội nhân loại. Vì thế họ phải ý thức rõ rệt hơn rằng mình chẳng những thuộc về Giáo hội mà còn chính là Giáo hội”.

THÔNG ĐIỆP MẸ VÀ THẦY

Đ. Gioan XXIII 15/5/1961

“Giáo hội hôm nay phải đương đầu với một trách nhiệm lớn lao : đem sắc thái nhân bản và Kitô giáo vào trong nền văn minh hiện đại, sắc thai nền văn minh này đòi hỏi nhằm lợi ích phát triển và tồn tại. Giáo hội chu toàn trách vụ ấy, đặc biệt nhờ các tín hữu, những người cảm thấy mình dấn thân vào việc thực hiện những hàng động nghề nghiệp như là một dịch vụ, một nghĩa vụ mà họ thực hiện trong sự kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa, trong Đức Kitô, để làm vinh danh Ngài”.

Lm Phanxicô Xaviê Ðào Trung Hiệu OP

Exit mobile version