Giáo hội duy nhất

“Tôi tin… Giáo hội duy nhất , thánh thiện, công giáo và tông truyền.”

Căn cứ vào nguồn gốc, Hội Thánh phải duy nhất: ‘Mẫu mực tối cao và nguyên lý của mầu nhiệm này là sự hiệp nhất trong Ba Ngôi của một Thiên Chúa duy nhất: Chúa Cha và Chúa Con trong Chúa Thánh Thần’ (x.UR 2). Căn cứ vào Ðấng Sáng lập, Hội thánh phải duy nhất: ‘Vì chính Chúa Con nhập thể đã dùng thập giá để hòa giải mọi người với Thiên Chúa, tái lập sự hiệp nhất mọi người thành một dân tộc và một thân thể’ (x.GS 78c). Căn cứ vào Thánh Thần, Hội thánh phải duy nhất: ‘Chúa Thánh Thần ngự trong lòng các tín hữu, hiện diện và chi phối trong toàn Hội thánh, thực hiện sự thông hiệp kỳ diệu ấy nơi các tín hữu và liên kết tất cả trong Chúa Kitô cách mật thiết đến nỗi Ngài là nguyên lý hiệp nhất của Hội thánh’ (x.UR 2). Vì vậy, theo bản chất Hội thánh là duy nhất” [1]

VẤN ĐỀ

Khi nói đến “duy nhất tính” và mối “hiệp nhất” của Giáo hội, tất phải – dù muốn dù không – nhìn ngay vào những sự kiện chướng tai gai mắt. Trong cuốn Lexicon der christlichen Kirchen und Sekten (Herder 1961), J. Grundler đã kể ra 2.659 danh xưng của các nhóm Kitô giáo,[2] và tất cả không nhiều thì ít, đều tự xưng là “giáo hội.” Như thế thì làm sao có dám quả quyết (với kinh Tin kính) là chỉ có một Giáo hội duy nhất? Ðàng khác, cái tạp chất của những Giáo hội này hình như không gây nên vấn đề nào cả. Một thần học gia tin lành viết: “Một người kitô không bao giờ có thể có sứ mạng thiết lập sự hiệp nhất của Giáo hội, vì sự hiệp nhất ấy đã được ban cho cùng với chính hữu thể của Giáo hội. Nói rằng Giáo hội là duy nhất, đó là một thuộc tính nội tại.”[3] Quan niệm này dựa theo giả thiết cho rằng duy nhất tính chỉ là đặc tính thuộc bản chất Giáo hội vô hình mà thôi; những xâu xé trên bình diện hiện tượng không tác động gì đến yếu tính thiêng liêng. Trong viễn tượng ấy, có thể nói về những Giáo hội. Nhưng ngay trong giới tin lành, quan niệm ấy cũng đang trở thành chủ đề tranh cãi. K. Barth viết: “Thần học tu đức và Kinh Thánh không biện minh cho sự kiện có nhiều Giáo hội thực sự tách rời khỏi nhau và xung khắc với nhau vì những lý do nội tại và cả ngoại tại nữa. Nếu không, việc có nhiều Giáo hội sẽ phải được hiểu như là có nhiều ÐứcChúa, nhiều Thần Khí, nhiều Thiên Chúa.”[4] Và tác giả viết tiếp: “Lịch sử cho thấy những sựkiện, chứ không cho thấy chân lý.” Giáo hội chỉ có thể là duy nhất.

Công đồng Vatcanô II đã cảm nhận ra vấn đề và đã đề xuất một Sắc lệnh về Hiệp Nhất: “Vì Chúa Kitô đã thiết lập một Giáo hội duy nhất…” (UR 1). Anh em chính thống và tin lành cũng nhận thức vấn đề: “Sự kiện có nhiều Giáo hội là một tội của các kitô hũu.”[5] Giáo hội công giáo đồng ý và “vì thế, chúng tôi khiêm nhường xin lỗi Chúa và xin lỗi các anh chị em ly khai, như chúng tôi cũng xin tha cho kẻ có nợ chúng tôi” (UR 7b).

Như vậy là hết mọi kitô hữu đều chấp nhận DUY NHẤT TÍNH, ít là trên nguyên tắc. Nhưng khi muốn xác định dạng thái của duy nhấttính này, tức là khi nói về sự hiệp nhất, thì các vấn đề lại lộ rõ. Nếu chỉ có một Giáo hội, thì tính chất duy nhất ấy có phải là một đặc tính tất thiết hữu hình hay không? Hữu hình cách nào? Duy nhất tính có đòi hỏi một sự đồng dạng nào không? Có cần phải có hiệp nhất trong việc cai quản hay không? Và cả trong đức tin, trong thần học, phụng vụ, v. v.? Phải chấp nhận những bí tích như nhau hay không? Có Giáo hội “thật” và Giáo hội “giả” hay không? Làm sao để phân biệt? Trong lãnh vực chân lý, Giáo hội dựa theo tiêu chuẩn nào để phân định? Về phương diện hiệp nhất, cần phải có thể dựa vào những tiêu chuẩn nào đó để mà phân biệt tình trạng đa dạng hợp pháp (trong hiệp nhất) với việc tách rời hoặc chia rẽ (“ly khai” hay “lạc giáo”). Vậy thì, ly khai và lạc giáo giáo là gì? Ðấy là những vấn nạn đặt ra cho sự HIỆP NHẤT của Giáo hội.

DUY NHẤT TÍNH CỦA GIÁO HỘi

Sự việc đã rõ là Chúa Kitô chỉ sáng lập có một Giáo hội duy nhất. Còn các tông đồ cũng không bao giờ chịu chấp nhận để “đàn chiên của Chúa” biến thành những “phe” của Phêrô, của Phaolô hoặc của bất cứ ai, vì làm thế là chia năm sẻ bảy chính Ðức Kitô (x. 1Cr 1:12-13). Giáo hội là duy nhất: như chỉ có một Ðức Kitô, Ðầu của Hội thánh, thì cũng chỉ có một Giáo hội của Ðức Kitô!

Lòng tin của dân Chúa đã biểu đạt niềm tin vững chắc ấy qua các công thức tín biểu. Kinh tin kính của thánh Epiphaniô (khoảng năm 374) nêu rõ tín khoản này là: “tôi tin duy một Giáo hội” (DS 42); và công đồng Constantinốp (năm 381) đã định tín: “Chúng tôi tin… Giáo hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền…” (DS 150/86).

Giáo huấn chính thức đã phải bảo vệ chân lý này chống lại mọi cơ nguy gây rạn nứt cho sự duy nhất, vì các vụ chia rẽ làm cho nhiều người lầm tưởng là có nhiều Giáo hội thật. Ðức Giáo Hoàng Pêlagiô (năm 585) đã viết hầu lưu ý cho các Giám mục ly khai vùng Istria (Croatia-Bosnia bây giờ) biết rằng khi họ không còn hiệp thông với Toà của Phêrô nữa thì họ tự đặt mình ra ngoài Giáo hội; và ngài trích lời thánh Augustinô nói rằng: “Nếu bạn đứng ngoài, dù cho là vì Ðức Kitô, thì bạn cũng sẽ phải chết” (DS 468). Khi trở về với Giáo hội, các nhóm lạc giáo Vaudois (Valdenses) đã phải công khai tuyên xưng: “Chúng tôi tin trong lòng và tuyên xưng ngoài miệng rằng chỉ có một Giáo hội, không phải là giáo hội của người lạc giáo, nhưng là Giáo hội Roma, thánh thiện, công giáo và tông truyền; ngoài Giáo hội đó không ai có thể được cứu rỗi” (DS 792). Các công đồng Latêranô (năm 1215; DS 802) và Lyon (năm 1274; DS 854) cũng dạy cùng một giáo lý như thế. Ðức Bôniphaxiô VIII là người đầu tiên dùng đến từ chuyên môn “duy nhất tính” trong trọng sắc Unam Sanctam và đã áp dụng nó cho Giáo hội: “Chúng tôi kính trọng Giáo hội như là duy nhất;” ngài cũng đã đưa ra lý do: “Ðức Kitô gọi Giáo hội duy nhất này là thân thể Ngài, Giáo hội duy nhất vì hiền phu, đức tin, các bí tích và đức ái của Giáo hội là duy nhất” (DS 871). Khi kết án những sai lầm của Phêrô Gioan Olivi , Ðức Clêmentê VI (năm 1312) đã khẳng định rằng: “Từ cạnh sườn Ðức Kitô… Mẹ thánh Giáo hội trinh khiết, duy nhất, không tì ố, hiền thê của Ðức Kitô, đã được hình thành…” (DS 901).

Gần đây hơn, Bộ Thánh vụ đã gửi (16-9-1864) cho các giám mục Anh quốc một sắc lệnh lên án học thuyết về “Ba ngành,” vì theo giả thuyết ấy, Giáo hội công giáo Rôma, Giáo hội chính thống giáo Ðông phương và Anh giáo là ba thành phần – hoặc là ba ngành – của cùng một thân cây duy nhất là Giáo hội Ðức Kitô. Chỉ có một Giáo hội là Giáo hội mà Ðức Giêsu đã thiết lập trên Phêrô (DS 2885-8); Ðức Lêô XIII cũng nhấn mạnh điểm này trong văn kiện Satis cognitum (DS 3303). Vaticanô II tái xác nhận giáo lý này và dạy rằng những tín hữu đoàn tụ cách hữu hình trong “Giáo hội duy nhất của Ðức Kitô” (LG 8b), “một Giáo hội duy nhất công giáo” (LG 23a), “vì Ðức Kitô chỉ thiết lập một Giáo hội duy nhất” (UR 1a) là “đoàn chiên duy nhất” (UR 2c), v.v…Không một kitô hữu nào có thể nghi nghờ về điểm này.

Ðức Kitô đã tỏ rõ ý của mình là Ngài muốn những môn đồ sống nên một (x. Ga 17:11) trong đàn chiên duy nhất mà họ đã đi qua cửa duy nhất để vào, với chủ chiên duy nhất (x. Ga 10: 1-18; 21: 15-17). Trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã nói đến đoàn chiên (số ít) của Ngài (x. Ed 34), và nhấn mạnh rằng chỉ có một chủ chăn (x. Ed 34: 23; 37: 24). Ðức Giêsu xây Giáo hội (số ít) của Ngài trên một tảng đá (x. Mt 16: 18). Vì thế không có Giáo hội nào khác ngoài Giáo hội được xây dựng trên Phêrô. Giáo hội là đền thờ của Thánh Linh: chỉ có một đền thờ duy nhất của một Thánh Linh duy nhất. Giáo hội là Dân của Thiên Chúa, và rõ ràng là chỉ có một dân của Thiên Chúa là Ítraen. Giáo hội là thân thể Ðức Kitô, và Ðức Kitô chỉ có một: một Ðầu thì chỉ có một thân thể duy nhất. Giáo hội cũng được quan niệm như là Hiền thê của Chiên con: Hiền thê duy nhất là điều dĩ nhiên. Giáo hội là gia đình của con cái Thiên Chúa; vì thế chỉ có một Giáo hội duy nhất bởi chỉ có một Thiên Chúa độc nhất. Thánh Phaolô đã tóm lược giáo lý này trong thư Êphêsô: “Chỉ có một Thân mình, một Thần Khí… một Chúa, một đức tin…” (Ep 4: 1-6).

SỰ HIỆP NHẤT CỦA GIÁO HỘI

Cũng như “duy nhất” đối ngược với “đa bội” (nhiều), thì hệt vậy, hiệp nhất đối nghịch với chia reõ. Sự hiệp nhất của Giáo hội là đối tượng của lời cầu Ðức Giêsu thưa lên với Chúa Cha trong bữa Tiệc ly: “Lạy Cha… xin cho chúng trở nên một như chúng ta” (Ga 17: 11). Ðó không phải một lý tưởng cầu chúc suông, nhưng là một đặc tính cấu tạo trong yếu tính của Giáo hội như Ðức Giêsu đã sáng lập và muốn cho tồn tại vững bền trong tương lai. Vậy không có hiệp nhất, thì cũng chẳng có Giáo hội như ý Ðức Kitô muốn.

Sự hiệp nhất, trước tiên, là một chiều kích thần học của Giáo hội, nghĩa là một đặc tính bắt nguồn từ nguyên lý nội tại, từ “linh hồn” của Giáo hội, một đặc tính tất yếu.Và đó là điều kiện để thân thể có thể liên kết được với Ðầu duy nhất, là điều kiện để cùng-sống bằng một sức sống duy nhất của Thánh Linh, là điều kiện để có chung cùng một đức tin, một đức ái và một niềm hy vọng.

Kế đến, dù vốn dĩ là nhiệm mầu, niềm hiệp nhất này tất cũng phải được thể hiện ra bên ngoài, tức là mang một dạng thái hữu hình, một dạng thái xã hội, tương tự như linh hồn biểu hiện trong và qua thân xác. Ðức tin trở thành hành động công khai tuyên xưng, đức ái được sống cụ thể bằng tình huynh đệ, đức cậy nhập thể vào trong cùng một mục đích. Thánh Linh tác động nhờ một cơ cấu , như các đoàn sủng hoạt động qua các nhiệm vụ. Ðức Kitô-Ðầu (vô hình) có một đại diện phụ tá hữu hình, một “nguyên thủ” chăm lo liên kết và cai quản các phần tử nơi trần thế. Một dân tộc không thể hiệp nhất được nếu không có những quan hệ xã hội nối kết những thành phần lại. Do đó, mối hiệp nhất trong Giáo hội gồm hàm hai khía cạnh – nhiệm mầu và hữu hình – dù vẫn chỉ là một thực tại duy nhất, tựa như trong trường hợp của thân thể và linh hồn vậy. Là một thực tại thuộc lãnh vực đức tin, nhưng đồng thời niềm hiệp nhất cũng là đối tượng tìm hiểu của khoa học xã hội.

a. Tân Ước nêu rõ giáo lý về sự hiệp nhất của Giáo hội. Văn bản chủ chốt là lời Ðức Giêsu cầu nguyện trong bữa Tiệc ly (x. Ga 17): Ngài cầu nguyện cho Giáo hội được hiệp nhất như Cha và Con là một; mẫu mực là chính Thiên Chúa Ba Ngôi! Tình yêu sinh nên hiệp nhất, nhưng tình yêu thì thuộc về bản tính (của Thiên Chúa và của Giáo hội). Hiệp nhất đi đôi với bình đẳng: Ba Ngôi cao trọng bằng nhau. Nhưng sự hiệp nhất ấy cũng bao hàm thái độ tùng phục và vâng lời, như Ðức Kitô vâng phục Chúa Cha; nghĩa là vẫn có bình đẳng trong phẩm trật . Hiệp nhất theo bản chất của sự việc: Giáo hội hữu hình , cho nên mối hiệp nhất trong Giáo hội cũng hữu hình. Hơn nữa, mối hiệp nhất Ðức Giêsu muốn cho Giáo hội phải có, là một dấu chỉ “cho thế gian tin,” nghĩa là phải được loài người nhận ra, thấy được. Ðàng khác, Ðức Giêsu đã lưu ý rằng nước nào chia rẽ sẽ bị diệt vong, và thành nào, nhà nào chia rẽ sẽ không tồn tại được (x. Mt 12: 25). Chính vì thế, thánh Phaolô đã lên án sự chia rẽ và óc bè phái ở trong cộng đoàn Côrintô (1Cr 1: 10-30).[6] Sự hiệp nhất này được cấu thành do những ân huệ và đoàn sủng khác nhau, tựa như một thân xác được cấu tạo từ nhiều chi thể; nhưng tất cả được nối kết mật thiết với nhau cũng như với nguồn mạch các ân huệ là Thánh Linh, trong một thân thể duy nhất (x. Rm 12: 3t; 1Cr 12); hoặc là tựa như những nhánh khác nhau trong cùng một cây nho duy nhất (x. Ga 15). Vì vậy, mối hiệp nhất ấy nhắm tới hoạt động (như một thân thể) hầu làm phát sinh hoa trái (như cây nho). Việc kết hợp với Ðức Kitô làm phát sinh và kiện toàn mối hiệp nhất giữa các chi thể Ngài, bất kể sự khác biệt về chủng tộc (Hy lạp hay Do thái), giai cấp xã hội (nô lệ hay tự do) hoặc là về phái tính (nam hay nữ), vì khi đã được “kitô-hóa” thì hết thảy chỉ là một (x. Gl 3: 27-28). Sinh khí của Thánh Linh duy nhất (x. Ep 4: 4) làm cho đoàn chiên hiệp nhất (x. Ga 10: 16), sống động; và thân thể còn được bánh hằng sống duy nhất nuôi dưỡng (x. 1Cr 10: 17). Mối hiệp nhất ấy có tính cách vừa thiêng liêng vừa hữu hình xã hội, như thấyđược qua trường hợp của cộng đoàn sơ khai: trước mắt mọi người họ là những người “chỉ có một lòng một ý” (Cv 4: 32). Khi các tông đồ và các vị truyền giáo khác sáng lập nhiều cộng đoàn ở trong nhiều hoàn cảnh văn hóa và xã hội khác nhau, thì những cộng đoàn ấy (gọi là “Giáo hội”) vẫn giữ niềm hiệp thông với nhau rất khắng khít, dù cách sống đạo và hình thức tổ chức có khác nhau trong một số chi tiết thứ yếu.[7]

Các Giáo phụ đã nhiệt tâm bảo vệ niềm hiệp nhất ấy. Khoảng năm 107, thánh Inhaxiô viết: “Hỡi anh em, đừng lầm lạc; nếu ai theo kẻ gây ra ly khai, thì người ấy không được hưởng gia nghiệp Vương quốc Thiên Chúa. Nếu ai theo một ly giáo phái, thì người đó không được thông công vào cuộc khổ nạn của Chúa” (ad Philadel. 3. 3). Tác giả của Pastor Hermas (Sim.9.17.4), Hêgêsyppô (PG 20. 377), và nhất là thánh Irênêô († 200) đã đặc biệt nhấn mạnh đến sự hiệp nhất. Sự hiệp nhất là vấn đề sống chết đối với Giáo hội: “… kẻ gây ra ly giáo là người nhẹ dạ, không có tình yêu Thiên Chúa, lo cho tự lợi hơn là lo gìn giữ sự hiệp nhất của Giáo hội và, vì những lý do nhỏ nhen không quan trọng, họ bẻ gẫy cùng phân rẽ đại thân thể vinh quang của Ðức Kitô:chính họ là những người giết chết thân thể ấy” (Adv. Haer. 1.33.7). Thánh Cyprianô († 258), người có công nhiều nhất trong nỗ lực bảo vệ sự hiệp nhất của Giáo hội, đã viết: “Chỉ có một Thiên Chúa và một Ðức Kitô, và chỉ có một Giáo hội duy nhất, một đức tin duy nhất, và một dân tộc duy nhất được hồ gắn hòa thuận nối kết thành một mối hiệp nhất bền vững như một thân thể: không thể phân cắt mối hiệp nhất ấy được, và thân xác duy nhất cũng không thể bị cắt xén bởi lối bạo hành xâu xé cơ cấu của nó…” [8].

b. Dạng thức của niềm hiệp nhất này có thể thay đổi tùy thời đại, miễn là phải làm sao để luôn luôn trung thành với ý muốn của Ðức Kitô, và duy trì những thành tố thiết yếu Tân Ước truyền dạy.

1. Tính chất hữu hình là đặc tính thứ nhất của mối hiệp nhất trong Giáo hội. Chủ trương cho rằng vẫn có thể có hiệp nhất vô hình dù là có chia rẽ hữu hình, là mâu thuẫn; bởi nghĩ vậy tất đã coi như có hai Giáo hội. Những bè phái ly khai có khuynh hướng duy linh, thường ủng hộ lập trường này. Ở thế kỷ 15, Jan Huss đã cho rằng Giáo hội chỉ gồm những tín hữu đã được tiền định mà thôi; vì chỉ một mình Thiên Chúa biết ai được tiền định, thế nên Giáo hội phải là vô hình (x. DS 1201). Calvin († 1564) cũng theo lý thuyết ấy: “Giáo hội là gì? ¾ Là thân thể, là xã hội của các tín hữu đã được Thiên Chúa tiền định cho sống đời đời.”[9] Những Giáo hội theo học thuyết Calvin cũng trung thành với lập trường ấy. Confessio Scotorum tuyên bố: “Giáo hội là vô hình , duy chỉ Thiên Chúa mới biết Giáo hội, vì chỉ một mình Ngài biết những kẻ Ngài đã chọn.” Luther cũng đã theo lý thuyết này, vì đối với ông, Giáo hội là “đoàn thể các thánh”; do đó, sự hiệp nhất của Giáo hội là vô hình (Confessio Augustana, a.7). Theo những gì nhận định trên đây, thì sự hiệp nhất của Giáo hội không phải là sự hiệp nhất giữa các thành viên, nhưng là sự hiệp nhất làm nên bởi Ðức Kitô hoặc bởi Thánh Thần hoạt động trong các thành viên. Vì thế, cần phải tin vào Giáo hội, chứ không thể thấu biết/hiểu Giáo hội được.

Ngày xưa, huấn quyền đã kết án tuyên ngôn của hội nghị Pistoia là lạc giáo, vì họ cho rằng chỉ có các tín hữu được kết hiệp với Ðức Kitô nhờ ơn khôn tả, mới là thành phần của Giáo hội (DS 2615). Một cách mặc nhiên, công đồng Vaticanô I đã khẳng định tính chất hữu hình của Giáo hội, khi định tín rằng “Ðức Kitô đã đặt Phêrô làm đầu hữu hình của toàn thể Giáo hội chiến đấu” (DS 3055). Còn Vaticanô II thì không ngừng nhắc lại giáo lý này: “Giáo hội… triển phát một cách hữu hình ở trong thế giới” (LG 3); “Ðức Kitô… đã thiết lập Giáo hội như một cơ chế hữu hình” (LG 8a; 14b), “… và đã ban cho những phương thế thích hợp để kêát đoàn thành một xã hội hữu hình” (LG 9c), làm cho Giáo hội nên “một bí tích hữu hình của mối hợp nhất cứu độ” (LG 9c). Quả thế, Giáo hội là một đoàn thể hữu hình, là một cộng đoàn thiêng liêng (LG 8a; GS 40b), v.v. Sau hết, coi Giáo hội là vô hình thì chẳng khác chi chủ trương một loại “ảo thân thuyết trong giáo hội học,” trái ngược hẳn với ý muốn của Ðức Kitô.

Quả thế, Ðức Kitô đã muốn mối hiệp nhất giữa các môn đệ của Ngài phải là dấu chỉ khả tín trước mắt thế gian (x. Ga 17: 23). Do đó, niềm hiệp nhất ấy phải tỏ hiện trong một cách thức như thế nào để bất cứ người nào cũng phải có thể nhận ra được. Khi ám chỉ đến Is 2: 2t nói về Sion cánh chung (tượng trưng cho Giáo hội), Ðức Giêsu cũng nói rằng người ta không thể che dấu được một thành xây trên núi (x. Mt 5: 15).

Dĩ nhiên, Giáo hội cũng có những yếu tố vô hình, tựa như linh hồn trong thể xác. Theo nghĩa này, có thể so sánh Giáo hội với “kho báu chôn dấu trong ruộng” (Mt 13: 44t), và Ðức Kitô cũng khẳng định rằng vương quốc “ở trong lòng chúng con” (Lc 17: 21), vì đó là “vương quốc… của sự công chính, bình an và hoan lạc trong Thánh Linh” (Rm 14: 17). Theo ý nghĩa ấy, Ðức Giêsu nói rằng đã đến lúc không còn cần đến đền thờ vật chất nữa, vì “phải thờ phượng Thiên Chúa trong tinh thần và chân lý” (Ga 4: 23). Thư Do thái giải thích rằng không còn chuyện “tiến lại gần một ngọn núi sờ thấy được…” (Dt 12: 18-24), như núi Sinai, song là tiến lại gần những thực tại thiên giới, thiêng liêng, v.v. Nền tảng của Giáo hội thì vô hình : Ðức Kitô phục sinh, Thánh Thần, ân sủng, ấn tích rửa tội, v.v… Các yếu tố này không những không phủ nhận dạng thể hữu hình kia, mà còn đòi hỏi phải có chiều kích xã hội, không-thời gian và thể chất: nếu không có lễ nghi nước rửa thì cũng chẳng có ấn tích rửa tội.

Lời cầu của Ðức Giêsu trong bữa Tiệc ly, là chủ yếu nhằm tới sự hiệp nhất giữa các môn đồ của Ngài đang sống nơi trần thế; những lời kêu gọi thánh Phaolô gióng lên trong 1Cr cũng có thể được áp dụng vào một cộng đoàn cụ thể; rồi khi ngài khuyên các giáo đoàn Rôma (x. Rm 16: 17) và Côrintô (x. 2Cr 12: 20) cảnh giác hầu tránh “những chia rẽ và gương xấu” mà ngài gọi là “những việc do tính xác thịt gây ra” (Gl 5: 19-20): đó là những hiện tượng mắt thấy tai nghe được; cũng vậy, các “tiên tri giả” gây dấy lên những bè phái, cũng đã bị thánh Phêrô (x. 2Pr 2: 1), thánh Gioan (x. 1Ga 2: 18t), thánh Giuđa (x. Gđ 4-5) và cả Ðức Giêsu (x. Mc 13: 22) nữa, quở trách. Vậy, hiệp nhất phải là hữu hình, tức là mang chiều kích xã hội cụ thể, nếu không thì không có hoặc không phải là hiệp nhất đích thực, không phải là hiệp nhất đúng như ý muốn của Ðức Kitô.

Các Giáo phụ cũng đã xác quyết như thế. Thánh Clêmentê Alexanđria († 215) viết: “Giáo hội là duy nhất vì được một bản tính duy nhất cấu tạo, nhưng những lạc giáo cứ ra sức chia rẽ Giáo hội” (Stromata 7.17.107; P.G. 9.522). Còn thánh Cyprianô thì nói rằng Ðức Kitô đã ban quyền cho Phêrô để biểu hiện sự hiệp nhất (PL 4.498), “và chúng ta có bổn phận phải duy trì và bảo toàn sự hiệp nhất ấy, cách riêng là các giám mục điều khiển Giáo hội, sao để chúng tacó thể minh chứng chức giám mục là độc nhất chứ không phải là phân rẽ ra nhiều thứ loại” (PL 4.501). Tóm lại: sự hiệp nhất của Giáo hội là như mối hiệp nhất trong một xã hội.

2. Ða dạng là một chiều kích khác của mối hiệp nhất trong Giáo hội. Hình thức độc dạng là điều không những không cần, mà hơn nữa, cũng chẳng nên mong ước. Vaticanô II khẳng định rằng: “Giáo hội do Chúa thiết lập được tổ chức và điều khiển theo nhiều lề lối khác biệt kỳ diệu (LG 32a). Trước tiên là việc có nhiều Giáo hội địa phương khác nhau: “Các Giáo hội địa phương tuy khác nhau, nhưng đều quy về với hiệp nhất, nên chúng càng xác nhiên minh chứng đặc tính công giáo của một Giáo hội không phân chia” (LG 23d). Có khác nhau là khác trong các nhiệm vụ, công tác, đoàn sủng: “Như thế, tuy khác nhau, nhưng tất cả đều làm chứng cho sự hiệp nhất kỳ diệu của thân thể Ðức Kitô; thực vậy, chính sự khác biệt về ân huệ, tác vụ và hoạt động lại là mối dây kết hợp con cái Thiên Chúa làm một, vì mọi sự ấy đều là công trình của cùng một Thánh Linh duy nhất” (LG 32c).[10] Sau hết, còn có cả sự khác biệt về mặt xã hội, văn hóa , chủng tộc, kinh tế, v.v. giữa các tín hữu. Tình trạng này giúp cho Giáo hội thấy rõ là cần phải mặc những sắc thái khác nhau trong mục vụ, trong phụng tự hay trong những lề lối sống đạo khác nhau (x. CD 23). Vì Giáo hội “nhập thể” vào trong những môi trường xã hội cá biệt, nên cần mặc lấy những hình thức sinh sống và hoạt động khác nhau, và qua đó, nêu bật những giá trị khác nhau của từng địa phương, từng dân tộc, cũng như của mọi nền văn hóa, v.v.

Do đó, có nhiều Giáo hội địa phương khác nhau như: Giáo hội Giêrusalem, Giáo hội Rôma, Giáo hội Hà nội, v. v. Lại có Giáo hội Âu châu, Giáo hội Phi châu, Giáo hội Á châu, v.v. với những đặc tính khác nhau. Ngoài ra, còn có nhiều truyền thống phụng vụ khác nhau, lễ điển hoặc thể chế khác nhau như lễ điển: Latinh, Hy lạp, Siri, Malabar , v.v. Phụng vụ lại được cử hành trong nhiều thứ tiếng và theo nhiều nghi thức khác nhau. Giáo luật cũng có những phần thích nghi khác nhau, sao cho phù hợp với các Giáo hội có lễ điển, pháp lệ, v.v. riêng.

Mặt khác, trong Giáo hội lại có nhiều trường phái, nhiều dạng thể thần học khác nhau như: thần học Giáo phụ, thần học kinh viện, thần học thực chứng, thần học kinh thánh, v.v. mà vẫn tuyên xưng cùng một đức tin duy nhất. Hơn nữa có những nền thần học theo văn hóa này theo triết lý nọ, như thần học giải phóng, thần học phụ nữ, v.v.[11]

Nhưng làm sao dung hòa được hình thái đa dạng chính đáng (hợp pháp) với mối hiệp nhất thiết cốt? Khi nào thì đa dạng trở thành chia rẽ? Ðó là một vấn đề lớn xét về phương diện lý thuyết cũng như thực tế. Trước khi thử giải quyết vấn nạn, thì cần phải xét đến vấn đề tiêu chuẩn.

CÁC TIÊU CHUẨN HIỆP NHẤT

Khi nói về hiệp nhất, Tân Ước nêu cho thấy nguyên nhân siêu việt và những tiêu chuẩn hữu hình . Nguyên nhân là chính Thiên Chúa Ba Ngôi, như thánh Gioan đã ghi rõ (x. Ga 17: 20-21). Vaticanô II cũng đã nhắc lại những chân lý đó (x. LG 4). Nói cách khác, nguồn gốc của sự duy nhất và hiệp nhất là Thiên Chúa như Người hiện hữu trong chính bản tính của mình và như được mạc khải ra trong lịch sử cứu độ (x. Rm 3: 29-39; 1Cr 8: 6; 12: 4-7; Ep 4: 6, v.v.). Là một thân thể, Giáo hội được Thánh Linh làm nguyên nhân nội tại tạo nên sự hiệp nhất của các chi thể (x. Ep 2: 18; 4: 4, v.v.). Vì thế, bẻ gẫy hiệp nhất tức là “chia năm sẻ bảy Ðức Kitô” (1Cr 1: 13tt) và là phạm đến chính Thánh thần (x. 1Cr 3: 17).

Mối hiệp nhất này lộ hiện như thế nào? Làm sao để nhận ra được? Sách Công vụ Tông đồ nêu bật mối “đồng tâm nhất trí” khắng khít của các cộng đoàn sơ khai (x. Cv 4: 32), như thế là do sự việc “tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau… Họ chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, hiệp thông với nhau, cùng nhau tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện” (x Cv 2: 42tt). Ðoạn trình thuật này và Ep 4: 4tt tiết lộ cho biết về một số tiêu chí của hiệp nhất; có thể xếp gọn chúng vào bốn tiết mục sau đây: một đức tin, một phụng tự, một niềm hiệp thông, và một lề lối cai quản.

1. Duy một đức tin

Trong bữa Tiệc ly, Ðức Giêsu cầu nguyện xin cho “những kẻ sẽ tin nhờ lời” của các sứ đồ, nên thật sự là một như Ngài với Cha là một (x. Ga 17: 20). “Duy một Chúa, duy một đức tin” (x. Ep 4: 5): đó là lý do tại sao thánh Phaolô nhấn mạnh là Phúc âm chỉ có một (x. Gl 1: 6t).

Giáo hội ý thức và tự giới thiệu mình là “tín dân” (Populus fidelis: SC 33; AG 6, v.v.) có đức tin làm nguyên lý hiệp nhất. Ðức tin không chỉ cốt tại ở việc chấp nhận một số chân lý, mà còn cốt tại ở chỗ mang lại sức sống làm cho các tín hữu sống thuận hợp với nhau và với Ðức Kitô là “Ðấng khai mở và kiện toàn lòng tin” (Dt 12: 2). Ðức tin ấy được biểu đạt cách hữu hình qua các “tín quy” hay các công thức tuyên xưng đức tin, và qua các “bí tích đức tin,” nhất là bí tích Thánh thể, vì “phép Thánh thể biểu thị và thực hiện sự hiệp nhất của các tín hữu” (LG 3). Ðức tin kết hợp từ bên trong, tức là không phải chỉ vì mọi người cùng có những ý tưởng như nhau, cùng có một quan niệm đồng nhất về ơn cứu độ, cùng có một niềm hy vọng như nhau, nhưng là vì có chung cùng một đức tin do Thánh Linh ban cho. Ðức tin kết hợp các tín hữu lại với nhau vì làm cho họ kết hợp với đối tượng đức tin là mầu nhiệm cứu độ, như được “cụ thể hóa” trong Ðức Kitô: nhờ dức tin, các kitô hữu trở nên một trong Ðức Kitô!

Tin là đón nhận Lời Chúa. Nhưng Thiên Chúa không nói trực tiếp mà chỉ nói qua trung gian các ngôn sứ của Người. Vì thế, thánh Phaolô giải thích qua cách đặt câu hỏi là: làm sao đi đến chỗ tin nếu không được nghe nói, làm sao nghe nói được nếu không có ai giảng, và làm sao có người giảng nếu không có người được sai đi…? (x. Rm 10: 14-15). Nghĩa là đức tin cần đến một “cơ chế” trung gian trong lịch sử, tổ chức theo một trật tự nào đó. Ðàng khác, đức tin có một nội dung cụ thể. Kinh nghiệm đã cho các tông đồ thấy là muốn tránh chia rẽ, thì phải có cùng “một lòng một ý với nhau” (1Cr 1: 10). Phaolô đã cảnh cáo chống lại những “tông đồ giả” (2Cr 11: 13), và Phêrô chống lại những “tiên tri giả và thầy dạy giả hiệu” (2Pr 2: 1); còn hơn nữa, Ðức Giêsu đã nói về “những Kitô giả” (Mc 13: 22). Nội dung đức tin chính là “kho tàng ” giáo lý như thánh Phaolô đã nhận định (x. 1Tm 6: 20). Kitô giáo coi chân lý là hết sức quan trọng, đến nỗi thánh Phaolô lên án cả những thiên thần nếu họ dạy một Tin mừng khác (sai lạc) với Tin mừng ngài đã giảng (x. Gl 1: 8); còn thánh Gioan thì nghiêm cấm việc liên hệ với những kẻ dạy giáo lý lầm lạc (x. 2Ga 7-11).

Nhưng lấy tiêu chí nào để biết những chân lý phải tin? Kinh Thánh hàm dung và tiềm ngụ tổng bộ mạc khải; tuy nhiên, lịch sử cho thấy rằng phe lạc giáo nào cũng tự nghĩ là mình đi đúng theo Kinh Thánh. Vì vậy, ngay từ đầu, Giáo hội đã phải đưa ra những “tín quy,” các bản tuyên tín (kinh tin kính) và những “cẩm nang” giáo lý do một Giáo hội địa phương hoặc do một miền hay một công đồng soạn ra; tiêu chí là đức tin của Giáo hội sống động. Khi bác bẻ giáo thuyết của các bè phái lạc giáo, Tertullianô († 225) không dùng luận cứ rút từ Kinh Thánh, nhưng lại trình bày giáo lý các Giáo hội kế nhậm các tông đồ đã từng dạy từ sơ thời.[12] Pastor Hermas chép rằng: “Chư dân dưới bầu trời sau khi đã nghe và đã tin… thì đều có một lập trường duy nhất, một tâm tình duy nhất, một đức tin và một đức ái duy nhất.”[13]T hánh Irênêô giải thích: “… Giáo hội khắp hoàn cầu chăm lo gìn giữ đức tin này như đang sống trong cùng một nhà, và mọi nơi đều tin giống nhau, như thể là tất cả chỉ có một linh hồn và một tâm lòng; và Giáo hội đồng thanh rao giảng, dạy dỗ và truyền đạt, như chỉ có một miệng một lưỡi mà thôi. Vì dù có nhiều thứ tiếng khác nhau trong thế giới, thì động lực của truyền thống cũng chỉ duy là một. Vậy, những Giáo hội bên Ðức, bên Tây ban nha, bên Anh hoặc ở Ðông phương, Ai cập , Lybi, hay ở Rôma, tất thảy đều tin như nhau…”[14] Khi một số chân lý đức tin bị bỏ rơi hoặc bị đổi sai, thì Giáo hội gặp phải cảnh chia rẽ. Chính vì thế, các Giáo phụ chăm lo bảo toàn tổng thể giáo lý thuần túy, và nhờ các công đồng , Giáo hội đã kiểm chứng chính thống tính của từng Giáo hội địa phương và các nhóm đề xuất những giáo thuyết mới: ai không giữ giáo lý chung thì cũng không giữ được niềm hiệp thông . Ðó là ý nghĩa của công thức anathema sit (“phải bị tuyệt thông ”) được dùng đến khi các công đồng kết án các lạc giáo. Giáo hội không có thể “làm ngơ” hoặc “thông cảm” trong vấn đề sai lạc giáo lý được, vì chân lý mạc khải không tùy thuộc vào Giáo hội: Giáo hội chỉ là tôi tớ phục vụ hầu bảo toàn và chuyển truyền chân lý ấy.

2. Sự hiệp nhất trong phụng tự

Thờ phượng là thể hiện, là biểu đạt đức tin; nhận thức về Thiên Chúa thế nào, thì người ta cũng thờ kính Người như vậy. Ðức tin kitô mang tính chất xã hội loài người, nên phải được thể hiện qua việc phụng thờ chung và công khai. Ðối ngoại, phụng thờ chung là việc công khai tuyên xưng đức tin; đối nội, đó là hành động thể hiện tình nghĩa tử đối với Thiên Chúa (chiều kích thăng hướng) và tình huynh đệ giữa gia đình Giáo hội (chiều kích hoành huớng). Vậy, mối hiệp nhất thông công biểu hiện rõ trong việc cùng nhau phụng thờ một cách công khai.

Các kitô hữu trở nên phần tử của Giáo hội qua một nghi thức là bí tích Thánh tẩy. Phép Rửa của Chúa Kitô (khác hẳn với phép rửa của Gioan Thẩy giả, hay của phái Esêniô, v. v.) là nghi thức đặc thù thâu nhận hay tháp nhập một người “ngoài” vào trong Giáo hội. Thánh Phaolô nhấn mạnh là phép Rửa chỉ có một (x. Ep 4: 5), có sức năng làm cho kitô hữu được “mặc lấy Ðức Kitô” (Gl 3: 27), được kết hợp với Ngài, trở nên chi thể của “một thân thể duy nhất” (1Cr 12: 13), tức là làm cho hết thảy, dù khác nhau về các phương diện khác, thì cũng đều trở thành một trong Ðức Kitô (x. Gl 3: 28). Vaticano II nhận định rằng “Phép Rửa là giây hiệp nhất bí tích kết chặt tất cả những ai đã được tái sinh… miễn là được cử hành đúng thể thức Ðức Kitô đã thiết lập” (UR 22).

Nhưng, từ sơ thời, Giáo hội cũng đã coi nghi thức “bẻ bánh” như là nguyên nhân và là biểu tượng đặc thù của mối hiệp nhất trong cộng đồng Giáo hội.[15] Nghi thức bẻ bánh nói lên bản sắc cá biệt của các kitô hữu gốc Do thái sống giữa đại đa số đồng bào của mình hằng lên làm việc phụng tự ở Ðền thờ Giêrusalem (x. Cv 2: 42.46; 20: 7). Thánh Phaolô đã nêu rõ lý do thần học của đặc nét ấy: “Khi ta nâng chén tạ ơn mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Ðức Kitô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân thể Ngài sao? Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một bánh ấy, nên tuy nhiều người chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1Cr 10: 16-17). Ðó chính là sự hiệp nhất nhiệm mầu của Giáo hội. [16]

Thánh Thể không chỉ liên kết các tín hữu với Ðức Kitô không thôi, mà còn với nhau nữa. Theo thánh truyền, hiệu quả này được tượng trưng bởi tấm bánh kết thành từ nhiều hạt lúa mì, hoặc bởi rượu thánh làm nên từ nhiều trái nho: “Cũng như tấm bánh mà chúng con bẻ đây, đã nằm rải rác trên các triền đồi và đã được gom góp để làm thành một tấm bánh, cũng vậy, xin Chúa triệu tập Giáo hội Chúa từ khắp nơi trên mặt đất vào trong Nước Chúa.”[17] Thánh Thể gia tăng đức ái của Giáo hội, vì thế cũng tạo nên dây liên kết giữa tất cả những người đã lãnh nhận bí tích ấy. Chính vì thế, thánh Inhaxiô Antiôkia († 107) gọi Giáo hội là agapê , tình yêu, và cũng có nghĩa là bữa tiệc, bữa tiệc thân ái (x. Gđ 12), đặc biệt là tiệc Thánh Thể.

Vì thế, dấu chỉ hữu hình rõ nhất của Giáo hội là Thánh Lễ (x. SC 47, 48; LG 3, 11; UR 2): dân Chúa tụ họp chung quanh bàn thờ, có chủ chăn chủ tọa; họ cầu nguyện cho giám mục (đầu của Giáo hội địa phương), và giáo hoàng (đầu của sự hiệp thông và Giáo hội phổ quát); dân Chúa tuyên xưng đức tin chung, thông phần vào Mình và Máu Ðức Kitô, trong trật tự phẩm trật . Ðối với Giáo hội địa phương, lời nhắn nhủ của thánh Inhaxiô Antiôkia vẫn còn thích hợp: “Hãy dùng một Lễ tạ ơn duy nhất, vì duy chỉ có một Thân thể của Chúa Kitô và một chén Máu Ngài, nguyên lý tạo nên sự hiệp nhất, một bàn thờ cũng như một giám mục cùng với các linh mục và các phó tế, là những người cùng phục dịch với tôi…” (Ad Philad. 4). Ðối với Giáo hội phổ quát, việc đồng tế bao giờ cũng là một dấu chỉ hùng hồn nói lên sự hiệp thông (UR 15). [18]Ðiều đó thấy được rõ chẳng hạn như khi hai giám mục gặp nhau và cùng nhau đồng tế, hoặc là đặc biệt hơn, trong trường hợp tấn phong giám mục, bởi lúc đó cần phải có các giám mục cùng cử hành nghi thức và đồng tế, và như thế dấu hiệu của niềm hiệp thông phổ quát càng tỏ rõ hơn.

Có một vấn nạn khá tế nhị được đặt ra cho hiệp thông : đó là việc thông hiệp vào sự thánh hoặc thông dự vào các bí tích của các giáo phái khác (communicatio in sacris ). Ðối với Giáo hội Ðông phương, công đồng Vaticanô II xác định: “Luật Chúa cấm thông dự vào sự thánh có phương hại đến vấn đề hiệp nhất của Giáo hội, hoặc đưa đến sai lầm thật sự hay cơ nguy lạc hướng về đức tin, sinh ra gương xấu và tạo nên thái độ lãnh đạm” (OE 26). Lý do là vì các bí tích biểu tượng của đức tin và giả thiết phải có đức tin (nhất là đối với Thánh Thể); nếu đức tin không đúng như đức tin của Giáo hội thì dấu chỉ trở thành giả, vì chỉ làm chứng cho một đức tin “khác,” chứ không phải cho đức tin chân chính.

3. Hiệp thông

Nếu đức tin không chết thì phải biểu lộ qua việc làm (x. Gcb 2: 17) phát xuất từ đức ái (x. Gl 5: 6). Ngoài hiệp thông trong phụng tự, còn phải biết chia xẻ đời sống cộng đoàn; cộng đoàn sơ khai được mô tả như một xã hội huynh đệ,đoàn kết chặt chẽ và đồng tâm nhất trí trong yêu thương cùng hân hoan (x. Pl 2: 2), cũng như thường chia xẻ của cảicho nhau tựa như một dạng “xã hội cộng sản hữu thần” (x. Cv 2: 42-47; 4: 32-37). Hỗ trợ là bề mặt thực tiễn của tình yêu hỗ tương. Ðiều này cũng có thể được áp dụng cho các mối tương giao giữa các cộng đoàn hay Giáo hội địa phương với nhau. Thánh Phaolô đã thực thi đức ái giáo hội này khi ngài tổ chức lạc quyên để giúp các cộng đoàn nghèo xứ Palêttin (x. Rm 15: 25-28; Cv 24: 17, v.v.); ngài nói là đó là koinonía (hiệp thông thực sự). [19] Vaticanô II khuyên các Giáo hội kỳ cựu giúp đỡ những Giáo hội “trẻ” (AG 19d), và các Giáo hội giàu trợ giúp những Giáo hội nghèo, nhằm thực thi nguyên tắc chung này là: “Của cải trần gian là để cho mọi người hưởng dùng” (GS 69).

Phục vụ lẫn nhau cũng là dấu chỉ hiệp thông. Phaolô đi Giêrusalem “để phục vụ các thánh” (Rm 15:25), vì như thế là biểu hiện tình yêu huynh đệ (x. Dt 6: 10; 1Pt 4: 10). Trong Giáo hội, những ân huệ của Thần Khí chỉ là để phục vụ cộng đoàn (x. 1Cr 12: 4-5), và điều đó phải được đặc biệt thể hiện trong khi hành sử “quyền bính,” bởi trong Giáo hội, quyền bính chỉ là công cụ để phục vụ (x. Ga 13: 12-17; Lc 22: 24-27). [20]

Trong Giáo hội, mọi cộng đoàn (giáo xứ, địa phận, quốc gia, miền, vùng, châu v. v.) đều sống hiệp thông với toàn thể Hội thánh và với nhau. Các giám mục hiệp thông với giám mục Roma – tức là giáo hoàng – và với nhau: đó là “hiệp thông phẩm trật .”[21] Các linh mục quản xứ hiệp thông với giám mục Giáo hội địa phương. Trong Giáo hội công giáo, hiệp nhất phải bao gồm cả lãnh vực thần học lẫn lãnh vực pháp lý, dù cho có những lễ điển và hình thức thích nghi giáo luật khác nhau trong nhiều Giáo hội.

Trên bình diện siêu nhiên, hiệp thông được gọi là niềm liên đới “các thánh thông công”: đó là sự sống lưu thông trong toàn bộ thân thể Giáo hội (lữ hành, luyện ngục, thiên quốc): “Sự hiệp nhất giữa các tín hữu lữ hành với các anh chị em yên nghỉ trong an bình Chúa Kitô… được kiên vững chặt chẽ nhờ việc chuyển thông cho nhau những của cải thiêng liêng” (LG 49). [22] Về mặt tích cực: những lời cầu của người này có sức giúp đỡ cho người kia; việc người này lập công đền tội có thể đền bù tội lỗi của người khác; sự thánh thiện của các cá nhân sẽ làm cho toàn Nhiệm thể nên tốt hơn. Về mặt tiêu cực: gương xấu, tội lỗi, hành vi bất công, v.v. sẽ làm cho tổng thể cộng đồng kitô yếu kém đi.

4. Hiệp nhất trong việc cai quản

Ðây là tiêu chí rõ ràng nhất của sự hiệp nhất. Một dân tộc (xã hội) mà có nhiều đầu, thì không sao tránh cho nổi cảnh đối đầu, chia rẽ. Trong Giáo hội địa phương, một giám mục duy nhất là dấu hiệu và là nguyên lý của hiệp nhất, như đầu đối với thân thể. “Mỗi lần giám mục cử hành mầu nhiệm thánh với cộng đoàn tụ họp chung quanh bàn thờ, là biểu hiệu đức ái và hiệp nhất của Nhiệm thể lại tỏ hiện rõ, và nếu thiếu sự hiệp nhất ấy, thì không thể có ơn cứu rỗi” (LG 26a). “Nhờ liên kết với vị chủ chăn của mình và qua ngài, giáo phận [Giáo hội địa phương] được quy tụ trong Chúa Thánh Thần nhờ Phúc âm và Thánh Thể, làm thành một Giáo hội cá biệt, trong Giáo hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền của Ðức Kitô…” (CD 11a). Thánh Cyprianô († 258) giám mục Carthagô, đã đưa ra những lý chứng rõ ràng và sắc bén để giải thích về điểm giáo lý này: “Bạn nên biết rằng giám mục ở trong Giáo hội và Giáo hội ở trong giám mục, và nếu ai không ở với giám mục, thì kẻ ấy không ở trong Giáo hội.”[23]

Trong Giáo hội phổ quát cũng phải có sự hiệp nhất về mặt cai quản. Như sẽ thấy, thể chế của Giáo hội có thể biến đổi, có thể mang nhiều hình thức khác nhau; nhưng ai cũng thấy rõ dấu chỉ minh nhiên và nổi bật nhất của sự hiệp nhất là “nhiệm vụ của Phêrô.” Ðức Kitô xây dựng Giáo hội duy nhất của Ngài trên tảng Ðá (Phêrô: x. Mt 16: 16tt), và trao phó cho Simon nhiệm vụ “củng cố các anh em” trong cơn thử thách (x. Lc 22: 32) và chăn dắt toàn thể đoàn chiên của Ngài (x. Ga 21: 15), một đoàn chiên duy nhất dưới sự hướng dẫn của một chủ chăn duy nhất (x. Ga 10: 15). Giải thích sự kiện ấy, Vaticanô II viết rằng: “Ðể chức giám mục được duy nhất và không bị phân chia, Ðức Giêsu Kitô đã đặt thánh Phêrô làm thủ lãnh các tông đồ khác, và nơi ngài Chúa đã đặt nguyên lý nền tảng vĩnh cửu và hữu hình của hiệp nhất đức tin và của sự hiệp thông.” (LG 18b; 23a). Thánh Hiêrônimô viết: “Giáo hội được thiết lập trên Phêrô; dù một chỗ khác nói rằng Giáo hội cũng được xây trên tất cả các tông đồ khác… và sự bền vững của Giáo hội cũng dựa vào họ; nhưng lý do tuyển chọn một vị duy nhất giữa nhóm Mười hai là một khi đã có đầu, thì sẽ tránh được duyên cớ gây ra ly khai.”[24] Không có thể quan niệm được một Giáo hội hiệp nhất, mà không có một ai làm “hiện thân của Phêrô.” Quả thế, truyền thống thần học Tây phương đã khai triển ý niệm “một dân tộc duy nhất một thủ lãnh duy nhất.” [25] Vai trò căn bản của Ðức Giáo hoàng không phải là nắm giữ và hành sử “quyền bính,” song là làm sợi giây liên kết của hiệp thông trong Giáo hội. Nếu Giáo hội là một dân được trao phó cho một sứ mệnh đặc thù, tất vị thủ lãnh tối cao phải có bổn phận dẫn dắt dân ấy – dân Chúa – trong công tác chu toàn sứ mêïnh và trong nỗ lực đạt tới mục đích của mình. Nhưng vị thủ lãnh duy nhất ấy sẽ là như thế nào trong thực tế, sẽ mặc dạng thái cụ thể nào, thì lại là một chuyện khác.

HIỆP NHẤT BỊ TAN VỞ

Nhìn lại lịch sử, thì sẽ có cảm tưởng hình như sự hiệp nhất của Giáo hội là một lý tưởng hơn là một thực tại. Trong nhóm Mười Hai tông đồ cũng đã thấy rõ những mối bất hòa; trong hai mươi thế kỷ đầu, kitô giáo cũng đã bị ít nhiều chia rẽ. Buổi đầu, Giáo hội bị người Do thái coi như là một hairesis, tức là một bè phái Do thái giáo phi chính thống (x. Cv 24: 5.14; 28: 22). Trong Giáo hội Côrintô, thánh Phaolô đã lên án những “rạn nứt” (skhísmata: 1Cr 1: 10t) và “bè phái” (hairéseis: 1Cr 11: 19) trong cộng đoàn. Ðã có những bất đồng về đạo lý, tai hại cho Giáo hội (x. Rm 16: 17; Gl 1: 7), mà ngay từ thời bấy giờ Giáo hội đã gọi làv hairesis: bè đảng (x. Tt 3: 10; 2Pr 2: 1). Sau khi các tông đồ mất, những vụ chia rẽ xẩy ra còn trầm trọng hơn. Giáo hội đã phải đối đầu chống lại những giáo thuyết sai lạc, cho dù lúc đầu chưa phân biệt rõ giữa ly giáo và lạc giáo. [26] Thánh Giustinô tử đạo († 165) sáng tác cuốn Syntagma để bác bẻ các lạc giáo thời ấy. Tác phẩm danh tiếng nhất trong lãnh vực này, là quyển Adversus Haereses (Chống lại các lạc giáo) của thánh Irênêô († 200). Ở Roma, Hippôlytô († 236) biên soạn cuốn Elenchus (Danh mục) và liệt kê ra 33 bè phái lạc giáo. Về sau, những cuộc chia rẽ sâu đậm hơn xẩy ra: thế kỷ thứ bốùn, Arius , một linh mục thành Alêxandria, lên tiếng đả kích giáo lý truyền thống về Thiên Chúa Ba Ngôi; ông bị công đồng Nicêa (năm 325) tuyên án tuyệt thông . Kế đó, Giáo hội đã phải đối diện với những cuộc tranh luận về Kitô học; hậu quả là Kitô giáo phân tán ra thành Giáo hội chính thống và những Giáo hội “tự trị”: phái Nestoriô (Cảnh giáo ) ở Á châu, còn phe nhất tính thuyết thì ở Ai cập và Êtiốp . Tình trạng này kéo dài mãi cho đến bây giờ. Nhưng, trầm trọng nhất là cuộc ly khai xẩy ra khi Ðông phương và Tây phương lên án tuyệt thông nhau, cắt đứt hiệp thông (năm 1054).[27] Còn Giáo hội bên Tây phương (Âu châu) thì phải chịu cắt xé bởi cuộc “đại ly khai” (1378-1417): thời ấy, có khi cùng lúc có tới ba “giáo hoàng.” [28] Cuối cùng, trong thế kỷ 16, trào lưu cải cách Tin lành đã đánh vỡ Kitô giáo Tây phương ra làm ngàn vạn bè phái khác nhau. [29]

Nhưng, ly giáo và lạc giáo khác nhau ở chỗ nào? Thánh Augustinôâ đã giải thích tóm tắt như sau: “Lạc giáo là những người đi theo một giáo lý khác; còn ly giáo là việc ly khai của những người cùng có chung một giáo lyù.” [30]Có lẽ thánh Hiêrônimô phân biệt rõ hơn: “Giữa lạc giáo và ly giáo có điểm khác biệt này: lạc giáo theo một tín lý sai lệch; còn ly giáo là tình trạng chia cắt Giáo hội do sự phân tranh giữa các giám mục gây nên; đó là điều có thể hiểu được phần nào, xét về phương diện nguyên tắc. Nhưng rốt cuộc, ly giáo cũng đi đến chỗ ‘bào chế’ ra một dạng lạc giáo nào đó hầu thanh minh cho sự phân rẽ của mình.” [31]Một cách chính thức, giáo luật định nghĩa: “Lạc giáo là một khi đã chịu phép Rửa tội mà còn cố chấp phủ nhận hoặc nghi ngờ một chân lý phải tin nhận theo đức tin thần khởi và công giáo … còn ly giáo là từ chối không tùng phục Ðức Giáo hoàng hoặc từ chối sự hiệp thông với các phần tử của Giáo hội đang thụ quyền ngài” (khoản 751).

1. Ly Giáo

Ly giáo là tình trạng chia rẽ dù vẫn gìn giữ cùng một [giáo lý] đức tin. [32] Trước hết, đó là sự “phân rẽ bàn thánh” mà thánh Inhaxiô Antiôkia đã nói đến: một giám mục , một bàn thánh (Ad Philad. 4; Magn. 7.2), và một ngai tòa; bằng không, Giáo hội sẽ không còn hiệp thông. Thánh Cyprianô viết: “Chỉ có một Thiên Chúa và một Ðức Kitô, và chỉ có một Giáo hội, một ngai tòa của Phêrô như lời Chúa phán. Không thể lập một bàn thờ nào khác hay tạo ra một chức tư tế nào khác ngoài bàn thờ độc nhất và chức tư tế độc nhất. Khi tụ tập tại một chỗ khác tức là phân tán.”[33] Chuyện chia rẽ này thường xẩy ra trong các Giáo hội địa phương khi một người hay một nhóm ly khai khỏi giám mục, nhưng đồng thời cũng gây đổ vỡ cho hiệp thông phổ quát, vì các giám mục hiệp thông với nhau (LG 23). Vaticanô II trích dẫn lời thánh Inhaxiô Antiôkia nói rằng: “Những tín hữu phải hợp nhất với giám mục, hệt như Giáo hội hiệp nhất với Ðức Kitô và như Chúa Giêsu Kitô hiệp nhất với Chúa Cha, hầu nhờ sự hiệp nhất ấy mọi việc tiến hành hài hòa và trở nên phong phú cho cả sáng danh Thiên Chúa” (LG 27c). Trong giáo phận, cũng có thể xẩy ra tội phạm ly khai đối với giám mục, dù vẫn nhìn nhận quyền bính của giáo hoàng.

Từ cuộc “cải cách Grêgôriô ” (thế kỷ 11) trở đi, Giáo hội học đã ưu tiên lưu tâm đến việc dùng những phạm trù chỉ về “Giáo hội phổ quát.” Tông tòa Rôma ngày càng trở nên dấu hiệu và trung tâm cụ thể của mối hiệp nhất. Vì thế ly giáo được coi như là tình trạng đoạn tuyệt với giáo chủ Rôma. Ðó cũng chính là thời điểm cuộc ly khai Ðông phương xẩy ra, khi vào năm 1054, Ðại sứ của Giáo hoàng và Thượng phụ Constantinốp tuyệt thông lẫn nhau; thế là, từng ngấm ngầm sôi sục từ lâu (năm 867 giáo chủ Byzănxiô bị tuyệt thông), cơ nguy rạn vỡ vào lúc đó đã thực sự và dứt khoát trở thành thảm trạng đổ vỡ.

Xét theo phương diện cá nhân, ly giáo là tội chống lại đức bác ái, bởi đức ái là nguyên nhân của niềm hiệp nhất kitô (x. thánh Tôma, Summa 2-2.39.1). Về mặt xã hội và lịch sử, những lý do gây chia rẽ thì vô kể: ích kỷ hoặc cá tính, tranh cãi giành giật giữa các chủ chăn, đòi hỏi về kinh tế hoặc phụng vụ, và nhất là não trạng quốc gia chủ nghĩa. [34] Những thí dụ cũng vô số: xưa nay vẫn thấy nhan nhản những “Giáo hội quốc gia,” như các Giáo hội: Armênia, Byzănxiô và Nga, rồi Anh giáo và cả Giáo hội Aglipay bên Phi luật tân nữa. Kể từ sau Vaticanô I, các ly giáo đều trở thành lạc giáo, vì chối bỏ ít nhất là tín điều về tối thượng quyền của Giáo hoàng.

2. Lạc Giáo

Khách quan mà nói, lạc giáo là một học thuyết sai lầm về đức tin; nhưng trong lịch sử, khái niệm ‘lạc giáo’ đã biến đổi nhiều. Thời xưa, người ta gọi là lạc giáo bất cứ ai có thái độ phản lại hoặc xuyên tạc Giáo hội; thường thì hễ ai đề xuất, giảng dạy một học thuyết xa lạ, hoặc là vi phạm luật chung của Giáo hội thì đều bị tố cáo là lạc giáo. [35] Ngày nay thì Giáo luật (khoản 751) đã định nghĩa rõ về lạc giáo; Giáo lý của Giáo hội Công giáo cũng đã ghi lại (số 2089) mẫu định nghĩa ấy.

Các thần học gia đã cố xác định rõ ý niệm “lạc giáo” về mặt khách quan. A. Michel viết: “lạc giáo là một giáo lý đi ngược lại – một cách trực kết, trực tiếp và mâu thuẫn – với chân lý được Thiên Chúa mạc khải và được Giáo hội trình bày cách chính thức, coi đó là chân lý mạc khải.” [36] Xét về mặt chủ quan, để mắc phải “tội lạc giáo” thì phải có thái độ “cố chấp,” kiêu căng bảo nhất quan điểm lầm lẫn của cá nhân mình, bất chấp giáo lý của Giáo hội.[37]

Nói chung, lịch sử cho thấy là ít có lạc giáo do giáo dân gây nên; nhưng thường đó là “sản phẩm” do các giáo sĩ tạo ra. Thánh Augustinô viết: “chư huynh đừng nghĩ rằng những ‘đầu óc thập kém’ có thể sáng tác ra nổi các thứ lạc giáo; chỉ những ‘vĩ nhân’ mới phát minh ra được lạc giáo.” [38] Vì vấn đề cá nhân, họ lấy ý kiến của mình thay cho giáo lý truyền thống. Người lạc giáo vẫn là kitô hữu và vẫn muốn là kitô hữu, nhưng lại muốn “chọn” chỉ một khía cạnh của Phúc âm, hoặc là đơn thuần cô lập một chân lý nào đó ra khỏi toàn bộ nội dung mạc khải.

Khác với ly giáo, lạc giáo thường thuộc phạm vi trí thức. Vì thế, ngày xưa nhiều Giáo Phụ tự hỏi không biết có phải triết lý là “kế mẫu” của lạc giáo hay không. Tertullianô gọi các triết gia là “tổ phụ của những người lạc giáo.” [39] Ý thức hệ thường dễ dàng đưa đến thái độ tự mãn lý trí, trong khi sự thông hiệp đức tin lại đòi phải có lòng khiêm tốn vâng phục.

Xét theo phương diện khách quan, lạc giáo bị xếp vào loại tội trọng và có thể đưa đến việc tuyệt thông , như Chúa đã nói: “Nếu nó cũng chẳng chịu nghe lời Giáo hội, thì hãy kể nó như một người ngoại giáo hay như một người thu thuế” (Mt 18:17). Còn nói chung về “người bè phái,” Thư gửi Titô viết: “sau khi đã cảnh cáo một hay hai lần, anh (tức giám mục) hãy loại đi, vì biết rằng một người như thế là đã ra hư đốn, đã phạm tội, và đã tự kết án mình rồi” (Tt 3: 10-11). Theo giáo luật, chỉ bị tuyệt thông khi phạm tội cá nhân, loại trọng, công khai và cố chấp. Vì thế, các kitô hữu sinh ra trong một cộng đoàn ly khai hoặc lạc giáo thì không chịu trách nhiệm về tội ấy. Vaticanô II lưu ý rằng: “Vậy ngày nay những người sinh trưởng trong các cộng đồng như vậy và sống trong niềm tin vào Ðức Kitô, thì không thể bị kết tội ly khai, và Giáo hội công giáo hằng giữ một lòng trọng kính huynh đệ cùng yêu thương chân thành đối với họ” (UR 3a). Vì thế, không được gọi họ là “lạc giáo,” nhưng là các “anh em bất hoà” hoặc là các “anh em ly khai.”

Ðã mang thân phận làm người, tất không thể tránh khỏi được cảnh ý kiến bất đồng và tệ trạng chia rẽ. Hơn nữa, trong lịch sử cứu độ, những vụ ly khai và lạc giáo cũng có thể có một vai trò tích cực. Thánh Phaolô nói: “Thế nào cũng có những vụ chia rẽ giữa anh em, nhưng nhờ vậy mới rõ ai là người đạo đức kiên vững thực sự” (1Cr 11: 19). [40] Lạc giáo được coi như một biểu hiện của “mầu nhiệm tội ác” hằng giao tranh với Nước Thiên Chúa; là dấu khai mào của cuộc Lời Thiên Chúa phán xét thế gian, bắt đầu từ nơi “nhà của Thiên Chúa” (1Pr 4: 17). Nhu thánh Cyprianô viết, lạc giáo thử thách lòng tin trung thành, “lựa lúa ra khỏi rơm” để biết đâu là đúng là sai, là tốt là xấu. [41] Vả lại, lạc giáo đặt Giáo hội vào thế cần phải xác định chân lý cho rõ hơn, đưa ra ánh sáng những điểm có thể bị bỏ quên, cũng nhưthanh lọc giáo lý bằng cách cắt bỏ đi những gì cồng kềnh vô bổ hay không được chính xác cho lắm. Giáo hội hằng ý thức là mình chưa toàn thiện, mình chưa thấu hiểu hết được chân lý trọn vẹn, mình “chứa kho báu ở trong bình sành” (2Cr 4: 7).

Có loại lạc giáo “tín lý” (như: độc nhất thần vị, phái Ariô, , nhất tính thuyết, nhất chí thuyết, v. v.): thay vì đức tin cổ truyền, thì họ dùng đến lối lập luận của lý trí, và do đó đi đến chỗ làm rạn nứt cơ cấu hiệp thông của Giáo hội. Rồi lại có loại lạc giáo “cải cách” (như: phái Cathar, phe Huss, Tin lành, v.v.): vì muốn thay đổi cơ cấu của Giáo hội, họ đã tiến đến mức làm cho đức tin suy suyển đi (UR 13). Thế nào đi nữa, thì kết cục cũng chỉ là gây chướng ngại cản ngăn con đường thành tựu của niềm ước mong Ðức Giêsu đã nói lên rõ trong bữa Tiệc ly (x. Ga 17: 21).

3. Bội Giáo và Tuyệt Thông

Người ly khai vẫn muốn được và tự coi là tín hữu công giáo; người lạc giáo cũng vẫn tự coi và muốn được coi là người kitô; nhưng kẻ ‘bội tín’ là người hoàn toàn ‘đào ngũ’ rời khỏi cộng đồng tín hữu. Giáo luật định nghĩa: “gọi là bội giáo nếu chối bỏ toàn bộ đức tin Kitô giáo” (khoản 751). Ðó là một tội phạm đến điều răn thứ nhất, [42] nghịch đức tin cách nặng nề nhất. [43] Bội giáo không gây chia rẽ tập thể, không trực tiếp phá hoại Giáo hội.

Vạ tuyệt thông là loại rạn nứt nhỏ nhất trong Giáo hội. Tuyệt thông là một vạ [án phạt] “tòa ngoài” [tòa pháp luật, đối lại với “tòa trong” là tòa lương tâm] và giả thiết là trước đó phải có hành vi lỗi phạm kỷ luật; hậu quả là hình phạt. Giáo luật nghị quyết: “Người mắc vạ tuyệt thông bị cấm: 1. không được tham phần bằng bất cứ cách nào như thừa tác viên vào việc cử hành Hy tế Thánh Thể hay vào các lễ nghi phụng tự nào khác; 2. không được cử hành các bí tích hay á bí tích , và lãnh nhận các bí tích; 3. không được hành sử chức vụ, tác vụ hay bất cứ nhiệm vụ nào, hoặc thi hành các hành vi cai trị.” (khoản 1331 § 1). Cách xử sự này dựa theo đường lối của Tân Ước: Mt 18: 17; 1Cr 5: 3-5; 2Tx 3: 14-15; 2Ga 10-11. Sở dĩ Giáo hội làm như thế là vì công ích của cộng đồng cũng như để giúp cho tội nhân biết tỉnh mà hoán cải. Nếu ai vô tội [tòa trong] mà bị tuyệt thông thì dĩ nhiên họ không bị khai trừ ra khỏi ơn hiệp thông thực sự; nhưng bên ngoài vẫn phải tuân phục vạ của Giáo luật: “công trạng do lòng khiêm nhường của người ấy mang lại có thể lớn hơn sự thiệt thòi do vạ tuyệt thông gây nên.” [44]

PHONG TRÀO ÐẠI KẾT

Mong manh là tình trạng hầu như thường xuyên của mối hiệp nhất trong Giáo hội, và công tác bảo toàn cùng tái tạo hiệp nhất là một công trình cần phải được liên tục tiến hành; vậy đó không chỉ là một thực trạng cần được giải quyết, mà còn là một bổn phận, một tác vụ nữa. Mối hiệp nhất hoàn hảo là một niềm hy vọng sẽ được thành tựu trong thời cánh chung. Trong lịch sử, hiệp nhất vừa là sở hữu của bản chất Giáo hội, vừa là phận sự của toàn thể và của mỗi phần tử trong Giáo hội. Và đặc biệt, đó là tiêu đích mà phong trào “Ðại kết” tha thiết nhằm tới và cố đạt cho được với ơn của Chúa.

1. Ðôi dòng lịch sử

Tự bản chất, Giáo hội là thừa sai; nhưng khốn nỗi: đã gần 20 thế kỷ rồi mà đại đa số nhân loại vẫn chưa tin nhận Ðức Giêsu! Ðàng khác, Ngài đã mong muốn rằng các kitô hữu phải hợp nhất với nhau, để nên biểu trưng cho sứ điệp và chân lý Phúc âm trước mặt thế gian (x. Ga 17:21). Thực trạng chia rẽ có thể làm cho tê liệt nỗ lực truyền giáo đi. [45]

Vì thế, năm 1910, nhiều nhóm Tin lành đã triệu tập Hội nghị Truyền giáo Toàn cầu (World Missionary Conference) tại Edinburg (Êcốt); từ đó, đã nảy sinh ước vọng phát động phong trào hiệp nhất. Ngay sau đó, ban Ðức tin và Thể chế (Faith and Order) đã bắt đầu nghiên cứu những vấn đề về giáo lý đang nên cớ gây chia rẽ giữa các kitô hữu. Năm 1927 một hội nghị quốc tế đã nhóm họp tại Lausanne (Thủy sĩ). Ðồng thời, còn xuất hiện một phong trào khác có tính cách thực tiễn hơn, phong trào Ðời sống và Công tác (Life and Work) do giám mục Nathan Soderblom , thuộc phái Luther ở Upsala (Thụy điển), chủ xướng. Ông triệu tập tại Stockholm một hội nghị vào năm 1925, với sự hiện diện của 610 đại biểu thuộc 33 quốc gia. Ý tưởng căn bản: “làm như thể” là các kitô hữu đã hiệp nhất, “tạm gác” những dị biệt giáo lý để cùng nhau hành động, nhân danh Ðức Kitô, Ðấng Cứu Thế duy nhất mà hết thảy mọi kitô hữu đều tin nhận.

Năm 1913, hai phong trào này đi tới chỗ thành lập một tổ chức mới, mang tên: Hội đồng Ðại kết các Giáo hội Kitô (World Council of Churches), và đã nhóm họp lần đầu tiên tại Amsterdam (Hoà lan) vào năm 1948. Trong lần họp này, Giáo hội Công giáo và Tòa giáo chủ Mátxcơva đã không có đại diện tham dự vì những xung khắc giáo lý. Năm 1950, tại Toronto (Canađa), Hội đồng đã phổ biến một số tiêu chí cho các hội viên, và tuyên bố rằng Hội đồng không phải là một “siêu-giáo-hội,” mỗi giáo hội thành viên vẫn giữ quyền bảo toàn tư tưởng và quan điểm riêng của mình. Phiên họp thứ hai được tổ chức tại Evanston (Illinois, Hoa kỳ) vào năm 1954; phiên họp thứ ba nhóm họp năm 1961 tại New Delhi (Ấn độ). Sau công đồng Vaticanô II, trong phiên họp năm 1968 ở Upsala, Giáo hội Công giáo đã gửi “quan sát viên” đến tham dự.

Về phía công giáo, lúc đầu, Giáo hội đã âm thầm, từng bước tham gia vào phong trào đại kết. Một số thí dụ cụ thể là: việc thành lập Uỷ ban Hiệp nhất ở Rôma, việc chào đời của các tạp chí có ý hướng đại kết, chẳng hạn như tờ Istina ở Pháp, v. v. Những nỗ lực ấùy đã được chính thức nhìn nhận khi Ðức Gioan XXIII thiết lập Hội đồng Giáo hoàng cổ võ sự hiệp nhất kitô hữu.

Chắc hẳn phong trào đại kết là hoa quả Thánh Linh mang lại; Ngài không ngừng hoạt động trong tâm hồn các kitô hữu và thôi thúc họ trở nên một, đúng theo nguyện ước của Ðức Giêsu.

2. Công đồng Vaticanô II

Ðức Gioan XXIII đã nhận xét rằng mục đích của công đồng “không những là thăng tiến lợi ích thiêng liêng của các kitô hữu, nhưng còn là để kêu gọi các tập thể ly khai hãy mưu tìm hiệp nhất.” [46] Hiệp nhất chưa thể hiện trọn vẹn được, nhưng lãnh vực hiệp nhất đã rộng mở, bao nhiêu hiểu lầm đã xóa mờ, bao nhiêu trói buộc đã được tháo gỡ và bao nhiêu khoản mục giáo lý đã trở thành sáng sửa hơn. Vaticanô II đã đặt làm nền tảng cho công cuộc “đại kết công giáo,” những nguyên tắc như sau:

– Thứ hiệp nhất chúng ta tìm kiếm tùy thuộc khái niệm về Giáo hội chúng ta có; vì thế, hình ảnh của Giáo hội như Hiến chế Lumen gentium đã miêu tả là tiêu chí cho tín hữu công giáo. Các kitô hữu có bổn phận phải hiệp nhất trong chân lý, chứ không phải trong “điều đình dàn xếp.” Giáo hội công giáo nhận là mình không đồng nhất với Thân thể Ðức Kitô hoặc với Nước Thiên Chúa: “Giáo hội của Chúa Kitô duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền… vẫn tồn tại nơi Giáo hội công giáo” (LG 8b). Công đồng cố ý thay thế từ “là” bằng từ ngữ “tồn tại,” để tỏ ra Giáo hội của Ðức Kitô “rộng” hơn mình. [47]

– Hậu quả đầu tiên là các cộng đoàn kitô hữu ly khai, trong một mức độ nào đó, cũng là “Giáo hội.” Công đồng gọi các nhóm ấy là “giáo hội” hoặc “cộng đồng giáo hội.” Sắc lệnh về Hiệp nhất viết rằng: “Dù chúng tôi tin là họ còn khiếm khuyết, tuy nhiên, không phải vì vậy mà các giáo hội và các cộng đồng giáo hội ly khai ấy không mang một ý nghĩa và một giá trị nào hết ở trong mầu nhiệm cứu độ,” bởi vì họ là “những phương thế cứu rỗi” nằm trong tay của Thiên Chúa (UR 3d).

– Do đó những kitô hữu sinh ra trong các giáo hội ấy không mắc phải “tội lạc giáo.” Họ là anh em trong Chúa vì họ cũng có những hành động phụng tự mang giá trị cứu độ.

– Không nên quan niệm hiệp nhất của Giáo hội như là việc “được ăn cả ngã về không,” song là tình trạng “hơn kém.” Hiện nay Giáo hội chưa hoàn hảo, nhưng “đang tiến về với hiệp nhất…” và “sự chia rẽ giữa các kitô hữu gây ngăn trở cho Giáo hội trong nỗ lực thực hiện đầy đủ tính cách công giáo…” (UR 4a, j). Nghĩa là dù Giáo hội công giáo có hiệp nhất, nhưng chưa hoàn toàn: sự hiệp nhất Chúa muốn vẫn còn nằm ở tương lai.

– Hiệp nhất bắt nguồn từ phép Rửa; vì thế, tất cả các kitô hữu đều đã hiệp nhất với nhau một phần nào rồi (UR 22). Những gì làm cho chúng ta hiệp nhất thì quan trọng hơn những gì đang chia rẽ chúng ta: “Chúng ta đã được rửa tội để nên một thân thể” (1Cr 13:13). Cho nên những giáo hữu của các Giáo hội khác đã phần nào hiệp thông với chúng ta. Do đó nỗ lực đại kết không nhằm tạo ra hiệp nhất, vì chúng ta kết hợp rồi, nhưng phải hoàn tất sự hiệp nhất như Chúa muốn.

– Hiệp nhất gồm có nhiều yếu tố: toàn bộ kho tàng mạc khải của Kinh Thánh và Truyền thống ; bảy phép bí tích ; các thừa tác vụ do phẩm trật tông truyền: phó tế, linh mục, giám mục ; sau cùng, đấng kế vị thánh Phêrô với tư cách là lãnh thủ của Giáo hội. Và tất cả những yếu tố ấy được gói ghém ở trong tình yêu. Ðấy là lý tưởng các Giáo hội có bổn phận nhắm tới và theo đuổi thực hiện.

Ðại kết là phong trào của các “Giáo hội,” chứ không phảitrực tiếp của các cá nhân; nhưng mọi kitô hữu đều có bổn phận góp phần để làm cho nó thành công.

3. Phương Thế

– Canh tân Giáo hội: Sống trung thành với sứ mạng, thanh luyện giáo lý, sửa chữa cơ cấu , thể thức kỷ luật và lề lối phụng tự, dấn thân vào giữa xã hội, v. v. (UR 6). Bộ máy hành chánh nên áp dụng nguyên tắc phân quyền, và làm sao để Giáo hội có được những hình thể, sắc thái đa dạng hơn. [48]

– Nhận lỗi: nhìn nhận phần lỗi của mình và xin lỗi anh em ly khai (UR 7); thật ra Giáo hội công giáo đã từng làm điều đó. Rồi còn phải cầu nguyện cho hiệp nhất trong tinh thần “đại kết thiêng liêng” (UR 8). Tổ chức những buổi phụng vụ chung giữa các cộng đoàn kitô khác nhau, trong khi trông chờ ngày mà tất cả có thể hiệp nhau tham dự cùng một bàn tiệc Thánh Thể.

– Hiểu biết nhau bằng cách học hỏi lịch sử và thần học của nhau. Ðối thoại về Giáo hội học và các điểm thần học khác, trong tinh thần hài hòa và huynh đệ kitô, ngõ hầu chân lý có được cơ hội xuất hiện rõ hơn (UR 9,10,11).

– Cộng tác với các anh em kitô khác: trước hết là trong việc tuyên xưng cùng một đức tin chung trước mặt thế gian; sau đó là hợp tác trong các công tác xã hội, từ thiện, v. v.; tìm cách để giữ một lập trường chung đối với những vấn nạn do khoa học, đạo đức học đặt ra, cũng như để cùng giữ một lập trường chung kitô trong công tác đối thoại với các tôn giáo khác.

Người công giáo phải biết khiêm tốn nhận phần trách nhiệm của mình trong việc gây ra chia rẽ (UR 3a). Giáo hội phải cư xử thành thật theo nguyên tắc: “không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác ngoài những điều cần thiết” (Cv 15: 28, UR 18).[49] Nếu sự chia rẽ là một tội, thì không thể dung túng hay biện minh cho tội trạng đó được, và phải lấy làm đau buồn. Các Giáo hội ly khai không phải là “hình ảnh” của Giáo hội duy nhất, như Zinzendorf chủ trương; cũng không phải là “nhánh của cùng một cây,” như Anh giáo nghĩ; song tất cả đều là “Giáo hội,” dù là theo những mức độ hoàn hảo khác nhau. Sự hiệp nhất là ơn huệ Chúa ban, chứ không phải là thành quả của nỗ lực người phàm. Nhưng các tín hữu phải biết cố gắng nài xin cho được cũng như mở lòng để đón nhận cho sung mãn: phải chăm lo gìn giữ và cải thiện hiệp nhất đã sẵn có, cũng như phải gia công tìm kiếm hiệp nhất chưa có đủ, cho đến khi Chúa đến hoàn tất công trình của Ngài.

VẤN ÐỀ GIÁO HỘI THẬT

Trong quá khứ, vấn đề này được môn hộ giáo giải quyết một cách dứt khoát: ‘Giáo hội công giáo là Giáo hội thật ;’ và không thể có nhiều Giáo hội được, thậm chí Giáo hội thật! Nhưng vấn đề đâu có đơn giản như thế. [50] Ðiều đáng lưu ý là Vaticanô II không bao giờ gọi Giáo hội công giáo là Giáo hội “thật.” Công đồng chỉ dùng thành ngữ “Giáo hội thật” có một lần duy nhất (SC 2), nhưng là để chỉ về Giáo hội nói chung. Ngược lại Kitô giáo được giới thiệu là “đạo thật” tồn tại ở trong Giáo hội công giáo (DH 1b). Vậy là có Giáo hội thật, và nếu có thì ở đâu?

Ðức Giêsu đã thực sự thiết lập Giáo hội, một Giáo hội duy nhất và hữu hình. Ngài hứa là Giáo hội ấy sẽ được “xây dựng” trên Ðá là Phêrô, và sẽ bất khả khuyết, nghĩa là Giáo hội này sẽ mãi mãi tồn tại, vì “âm ty” sẽ không thắng được (x. Mt 16: 18). Rồi Ðức Giêsu đã cầu nguyện cho Phêrô (x. Lc 22: 32), cho các tông đồ cũng như cho tín hữu sẽ tin vào Ngài qua các thời đại (x. Ga 17: 20-21), và lời cầu ấy tất là được toại nguyện. Vì vậy, hiện nay Giáo hội của Chúa Kitô vẫn hiện hữu và phải mang dạng thái hữu hình .


Vậy, Giáo hội ấy ở đâu? Vaticanô II trả lời: “Giáo hội của Chúa Kitô đang thực sự hiện diện trong tất cả những cộng đồng tín hữu địa phương hợp luật…” (LG 23a). Công đồng liên tưởng đến các cộng đồng mà Công vụ Tông đồ đã nói tới: Cv 8: 1 (Giêrusalem), Cv 14: 22-23 (các cộng đoàn Tiểu Á), Cv 20: 17 (Êphêsô), v. v. Nghĩa là Giáo hội thật hiện hữu trong các cộng đoàn tín hữu cử hành thật sự Lễ Tạ ơn, dưới sự hướng dẫn của những chủ chăn hợp luật. Dù ở đây công đồng nói về Giáo hội địa phương, nhưng các tiêu chí ấy cũng có thể áp dụng được cho Giáo hội phổ quát.

Tuy nhiên, liên quan đến Giáo hội phổ quát, có ít là ba quan niệm khác nhau: Tin lành, Chính thống và Công giáo. Nếu khái niệm về “Giáo hội thật” bao gồm nhiều yếu tố, thì tiên thiên có thể nói rằng chân thật tính ấy đâu phải nhất thiết là chuyện “được ăn cả ngã về không,” nhưng là mức độ “ít hay nhiều,” “phần nào hay trọn vẹn.” Chân lý thần học khác với chân lý luận lý hoặc toán học (đúng hay sai, chỉ có thế thôi!), song là chân lý sống động, có hơn có kém, có nhiều có ít.

Theo quan niệm cổ truyền, Giáo hội thật có bốn đặc điểm: duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền; sau này có thêm “Rôma-tính ” (Romanitas ). Duy chỉ trong Giáo hội Công giáo Rôma mới gặp được cả bốn (năm) đặc nét ấy. Còn công đồng Vaticanô II thì quan niệm về một mối hiệp nhất có “mức độ,” tức có hiệp nhất “trọn vẹn” và hiệp nhất “chưa trọn vẹn;” công giáo tính cũng được quan niệm như thế (UR 4j, 17b, 24a). Về thánh thiện, ắt là không Giáo hội nào hoàn hảo cả; và tính chất tông truyền cũng được mô tả tương tự như vậy (UR 17b). Vì thế vấn đề về “Giáo hội thật” trở nên vấn đề về Giáo hội “thật hơn.” Nói cách khác: Giáo hội nào là Giáo hội “phong phú hơn,” gìn giữ nhiều yếu tố của truyền thống hơn, có những “phương tiện ân sủng” hơn, v. v.

Thần học công giáo nhìn nhận các Giáo hội chính thống là “Giáo hội thật,” còn Tin lành thì cần phải phân biệt từng trường hợp một.

a. Tin lành khởi đầu từ cuộc cải cách ở thế kỷ 16; nhưng sau này họ chia rẽ thành nhiều “Giáo hội,” “cộng đoàn” và những bè phái vô số kể. Vì thế, không thể nói về “Tin lành” như là một nhóm có cơ cấu và giáo lý chung được. Phải tìm xem từng Giáo hội một để coi đức tin, phụng tự và cơ cấu cai quản là như thế nào, rồi mới xác định được; còn về thần học, những dị biệt phải được cân nhắc theo tiêu chí gọi là “phẩm trật chân lý” (UR 11). [51] Trên nguyên tắc, Anh giáo không phải là “tin lành,” nhưng lại có nhiều trào lưu, phân phái khác nhau: có nhóm giống như công giáo, có nhóm thì giống như “tin lành tự do;” gần đây việc nhiều phái Anh giáo truyền chức thánh cho phụ nữ đã gây thêm khó khăn cho các nỗ lực thăng tiến hiệp nhất. [52]

b. Chính thống giáo bảo tồn đức tin và thần học “công giáo.” Các Giáo hội chính thống theo sát giáo lý của bảy công đồng chung đầu tiên, có một nền phụng tự cổ truyền phong phú, có bảy bí tích và một lòng sùng kính sâu đậm đối với Ðức Trinh Nữ Maria. Cơ cấu cai quản chia thành bảy tòa thượng phụ (Constantinốp, Alêxanđria, Antiôkia, Giêru-salem, Mátxcơva, Serbia và Rumani), và tám “Giáo hội độc lập,” thêm vào đó còn có một số “Giáo hội tự trị:” tổng cộng có chừng 28 Giáo hội. Mối hiệp thông giữa các Giáo hội ấy có tính cách “công nghị ” (synodal ).

c. Giáo hội công giáo Rôma bảo toàn đức tin và phụng tự cổ truyền, và kế nhiệm tông đồ về thừa tác vụ. Rồi Giáo hội công giáo còn giữ được một niềm hiệp nhất chặt chẽ nhất và một bản chất công giáo tính – vừa cứ lý vừa cứ sự – rõ ràng nhất. Dù thể chế có một chủ chăn tối cao duy nhất, thì cơ cấu cũng mang hình thái đa dạng. Lễ điển Latinh có nhiều hình thức khác nhau (Ambrôsianô, Môzarabê, Gallicanô), và còn có thêm nhiều lễ điển khác, như: Byzănxiô, Cốptô, Maronít, Kalđêa, Malabar … Công đồng Vaticanô II khẳng định rõ là: “Có qua Giáo hội công giáo… thì mới có thể nhận được đầy đủ các phương tiện cứu rỗi” (UR 3e). Sau cùng, “nhiệm vụ” đặc biệt mà Ðức Kitô đã thiết đặt và trao phó cho Phêrô duy chỉ có ở trong một mình Giáo hội công giáo.

Giáo hội công giáo là Giáo hội mang “giáo hội tính” đầy đủ hơn cả,” là nơi mà Giáo hội của Ðức Kitô “đang tồn tại.” Nhưng cũng không tránh cho khỏi những khuyết điểm và những điều thái quá; vì thế, cần phải không ngừng thanh luyện và canh cải. Giáo hội công giáo không chủ trương nuốt chửng hay “đồng hóa” các Giáo hội khác, trái lại chỉ muốn tôn trọng bản sắc đặc thù cùng những nét cá biệt của mỗi Giáo hội. Khi đã thống nhất toàn vẹn như Chúa muốn, tất dạng thể của hiệp nhất sẽ khác với dung dạng của Giáo hội công giáo hiện tại, một dạng thể mà duy chỉ Thiên Chúa mới biết được. Người tín hữu kitô ý thức rằng hiệp nhất “chưa hoàn toàn” đang thực sự có mặt giữa các Giáo hội – công giáo, chính thống,[53]tinh lành – và mối hiệp thông ấy cần phải trở thành ngày càng chặt chẽ và bao quát hơn, cho đến khi – nếu không nói là tất thảy thì ít nhất là – đại đa số kitô hữu đều sống trong cùng một Giáo hội, một cộng đồng: kết thành từ nhiều Giáo hội, từ nhiều cộng đồng, bởi cùng một hiệp thông duy nhất dệt nên do những mối giây và hình thức hiệp thông đa dạng.

[HTTH SỐ 18&19, NĂM THỨ BẢY (1997)]

————————————-

[1] Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, số 813.
[2] Xem, chẳng hạn, Stanley, M. (ed.), Dictionary of Pentecostal and Charismatic Movements,Grand Rapids: Regency 1988; Le Bar, J., Cults, Sects, and the New Age, Huntington, Ind. 1989.

[3] Praedicatio perseitatis, hoặc “một thuộc tính trùng phức”: Brunner, P., trong Evang. Luther. Kirchenzeitung, 8 (1954), 241; xem Id. Die Einheit der Kirche, Berlin 1957, 63-64.

[iii] [4] Barth, Karl, Kirliche Dogmatik, IV, 1, trg. 754.

[5] Xem Tựa đề của các văn kiện của đệ nhất hội nghị thế giới của văn phòng đại kết các Giáo hội, Amsterdam, 1928,bằng tiếng Pháp là Désordre de l’homme et Dessein de Dieu,Neuchâtel-Paris: Delachaux et Niestlé 1949.

[6] Witherington, B., Conflict and Community in Corinth, Grand Rapids 1994.

[7] Xem Dunn, James D.G., Unity and Diversity in the New Testament: An Inquiry into the Church of Early Christianity, Philadelphia: Westminster Press, 1977.

[8] De unitate Ecclesiae 23.

[9] Calvin, Jean, Catechismus ecclesiae genevensis, ed. K. Muller, 125.

[10] Peri, V., Orientalis Varietas: Roma e le Chiese d’Oriente – Storia e Diritto canonico, Roma, Pontif. Inst. Orient. 1994.

[11] Commis.Bibl.Pontif., Unité et diversité dans l’Eùglise, Libreria Editr. Vaticana 1989; Craft, Ch.H., Christianity in Culture: A Study in Dynamic Biblical Theologizing in Cross-cultural Perspective, N.Y.: Orbis Books 1979; Legrand, L., Unity and Plurality, Maryknoll: Orbis Books 1990.

[12] Xem, De Praescriptione haereticorum 32; PL 2.44.

[13] Similitudo 9.17.4; PG 2.998.

[14] Adversus haereses 1.10.2, PG 7.552.

[15] Xem Roguet, A., “L’unité du Corps Mystique dans la Charité, Res sacramenti de l’Eucharistie,” La Maison-Dieu 24 (1950) 20-45; Pozo, F., “La unidad de la Iglesia en función de la Eucaristía,” Gregorianum 34 (1953) 145-186.

[16] Xem Moehler, J.A., L’unité dans l’Église (Unam sanctam, 2), Paris 1938, ch. I.

[17] Ðiđakhê 9.4.

[18] Bouyer, Louis, L’Église de Dieu, Paris: Cerf 1970, 365tt.

[19] Xem Cerfaux, L., “Saint Paul et l’unité de l’Église,” Nouv.Rev.Théo. 53 (1926) 657-673; Allo, B., “La portée de la collecte pour Jérusalem dans les Plans de saint Paul,” Rev.Bibl. 1936, 529-537; Georgi, D., Remembering the Poor: The History of Paul’s Collection for Jerusalem, Nashville: Abingdon, 1992.

[20] Xem Congar, Y., “La hiérarchie comme service,” trong L’épiscopat et l’église universelle, Paris 1926, 67-132.

[21] Xem Ghirlanda, G., Communio hierarchica, Roma: Pont. Univ. Gregoriana, 1980.

[22] Xem Journet, Ch., L’Église du Verbe Incarné, II, 544-561; 659-667.

[23] Epistola 66.8; PL 4.4067.

[24] Adversus Jovinianum 1.126.

[25] Xem Th.Tôma, Summa contra gentes IV.76; Summa theologica 2-2, 39.1; Suplementum 40.6

[26] Xem Congar, Y., L’Église une, sainte, catholique et apostolique, trong Mysterium Salutis. Dogmatique de l’histoire du salut, IV, Paris: Cerf 1975.

[27] Xem Jugie, M., “Schisme Byzantin,” trong Diction. de Théol. Cathol. XIV [1939] 1312-1468.

[28] Xem Vansteenberghe, E., “Schisme d’Occident (grand),” Ibid. 1468-1492.

[29] Xem “Church” trong Latourelle, R. Dictionany… trg 177-191

[30] Contra Cresc. II.3.4; PL 43.469.

[31] In Epist. ad Titum, ch. 3; PL 20.598.

[32] Xem Congar, Y., ”Schisme” trong Diction.de Théol. Cathol., XIV [1939] 1286-1312; Journet, Ch., L’Église, II, DDBr. 1962, 708tt.

[33] Cyprianus, Epistola 63.5; PL 4.336.

[34] Xem Greenslade, S.L., Schism in the Early Church, London 1953, ch.III

[35] Xem Michel, A., “Hérésie. Hérétique” trong Diction. de Théol.Cathol. VI [1920] 2208-2257.

[36] Ibid. 2211.

[37] Xem Spicq, C., “La malice propre du péché d’hérésie,” Divus Thomas 32, 143-158.

[38] Ennarrationes in Psalmos. 126.5, PL 37.1652.

[39] De Praescriptione 7; xem Sources chrétiennes 46. 97-98.

[40] Xem Pérez Fernández, I., “Oportet haereses esse”, La Ciencia Tomista 92 (1965) 291-311; xem Moehler, J.A., L’unité dans l’Église. Appendix X; Lebeau, P., “Hérésie et Providence selon Salvien,” Nouv.Rev.Théol 85 (1963)160-175.

[41] Cyprianus, De catholicae ecclesiae unitate, 10.

[42] Xem Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, số 2089

[43] Xem Thánh Tôma, 2-2.12.1 ad 3.

[44] Th. Tôma, Supplementum 21.4.

[45] Xem Rouse R., & S.C. (eds), A History of the Ecumenical Movement, London 1954; Thils, G., Histoire doctrinal du mouvement oecuménique, Louvain 1963; Thurian, Max, L’unité visible des chrétiens et la tradition, Paris: éd. de l’Épi 1961; Yarnold, E., In Search of Unity, Collegeville: The Liturg.Press, 1988.

[46] Osservatore Romano 26/7-1-1959. Bermejo, Luis , Towards Christian Reunion. Vatican II. Obstacles and Opportunities, Anand-Gujarat 1984.

[47] Xem Sullivan, Francis, “The Significance of the Vatican II Declaration that the Church of Christ ‘subsists in’ the Roman Catholic Church,” trong Latourelle, R., (ed), Vatican II. Assessment and Perspectives, New York: Paulist Press 1989, trg. 272-282.

[48] Xem Congar, Y., Diversités et communion, Paris, Cerf 1982.

[49] Xem Nilson, Jon, Nothing beyond the Necessary: Roman Catholicism and the Ecumenical Future, N.Y.: Paulist Press 1995.

[50] Xem phương pháp của Rahner, Karl, trong Foundations of Christian Faith,New York: Crossroad 1984, ch.7 #5, trg. 346-369; Cereti, G., Per un’ecclesiologia ecumenica, Bologna 1996.

[51] Xem Directorium oecumenicumnoviter compositum (bản văn bằng tiếng Pháp), AAS 1993, trg 1039-1119; xem Henn, M., “The Hierarchy of Truths Twenty Years later,” Theol.Stud. 48 (1987) 439-471.

[52] Muốn hiểu liên quan Anh giáo-Công giáo xin xem Witmer, J.W., and Wright, J.R., (eds), Called to Full Unity. Documents on Anglo-Roman Catholic Relations. 1966-1983, (US Catholic Conference).

[53] Ðức Phaolô VI gọi những Giáo hội chính thống là “Giáo hội chị em” (ecclesiae sorores ), trong Tông Thư Anno ineunte, AAS 59 (1967) 852-854.

Exit mobile version