Giáo Hội Công Giáo Với Vấn Đề Môi Trường

moitruong - Giáo Hội Công Giáo Với Vấn Đề Môi Trường

Tiếng kêu cứu vang lên khắp nơi: Hãy cứu lấy trái đất khỏi bị ô nhiễm, tầng ozone bị thủng, trái đất nóng lên, băng Nam Cực tan chảy và sẽ có 1/4 trái đất bị nhấn chìm xuống biển. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo hàng năm có 1 tỷ người bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm môi trường và 100 triệu người bị chết vì ô nhiễm vào năm 2030… Các tôn giáo trên thế giới quy tụ hơn 5/6 dân số thế giới có thể làm gì để đáp trả tiếng kêu cứu đó? Một số người nghĩ rằng, tôn giáo vốn chỉ lo chuyện trên trời, tìm kiếm Thiên Đàng, chốn Niết Bàn thì làm gì được cho vấn đề môi trường! Không phải như vậy. Xin đơn cử trường hợp của Giáo Hội Công Giáo – một tôn giáo lớn trên thế giới với hơn 1,2 tỷ tín hữu và riêng Việt Nam đã có gần 7 triệu giáo dân.

I.- QUAN ĐIỂM CỦA GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VỀ MÔI TRƯỜNG THIÊN NHIÊN

Khi nhìn vào 10 điều răn của Chúa và 6 điều răn của Hội Thánh hay điều răn kép tóm tắt “mến Chúa yêu người” chỉ thấy tương quan giữa Thiên Chúa với nhân loại, giữa người với người, không có điều nào nói về tương quan với môi trường. Thật ra, vấn đề môi trường là vấn đề mới được đặt ra từ giữa thế kỷ XX. Có lẽ chính thảm họa bom hạt nhân do Hoa Kỳ ném xuống Hiroshima và Nagasaki tháng 8-1945 đã làm cho nhân loại phải đối mặt với môi trường sinh thái.

Nhưng khi đọc kỹ lại Thánh Kinh từ Cựu ước, sang Tân ước, cho đến các văn kiện Công Đồng của Giáo Hội, cũng như các Thông điệp của nhiều vị Giáo hoàng, lại thấy vấn đề môi trường được Giáo Hội Công Giáo đặt ra từ rất sớm. Bởi Thiên Chúa đặt con người sống trong môi trường trái đất, tự nhiên và chỉ trong môi trường đó, con người mới tồn tại, phát triển và để có sự tương quan qua lại với Thiên Chúa và với con người. Người ta vẫn nói: “kinh nhà Đạo, gạo nhà Chùa”. Kinh sách của Đạo Công Giáo đúng là mênh mông sông biển, nhưng về vấn đề môi trường có thể tóm tắt thành một số luận điểm sau.

1.- Vũ trụ thiên nhiên là món quà tuyệt đẹp Thiên Chúa tạo dựng để ban cho loài người

Các nhà mỹ học khi đi tìm hiểu bản chất của cái đẹp đã đưa ra định nghĩa: “Cái đẹp chính là cuộc sống”. Như vậy, cuộc sống của con người, của tự nhiên chính là cái đẹp. Theo Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, vũ trụ tự nhiên này do Thiên Chúa tạo dựng. Sách Sáng Thế mô tả việc Thiên Chúa tạo dựng lên trái đất, mặt trời, trăng sao, cây cỏ, muông thú trong 5 ngày và “Chúa đều thấy nó tốt đẹp” (St 1,4-25). Rồi khi chiêm ngắm công trình tuyệt vời của mình, Thiên Chúa đã quyết định tạo ra con người, Adam và Eva, trong ngày thứ 6, để làm chủ thế giới bao la. Thánh Kinh chép: “Thiên Chúa phán: Ta hãy làm ra người theo hình ảnh Ta, như họa ảnh của Ta. Ngươi hãy cai trị trên cá biển và chim trời và trên súc vật cùng mọi loài thụ tạo, loài mãnh thú và mọi thứ côn trùng nhung nhúc trên mặt đất” (St 1,26-28). Do đó, thiên nhiên được Thiên Chúa trao cho con người là một bức tranh hoàn mỹ.

Ngày nay, những nơi nào còn giữ được nét tự nhiên hoang sơ, nguyên thủy đều trở thành những nơi du lịch lý tưởng. Chúng ta không còn được chiêm ngắm Vườn Địa Đàng nơi nguyên tổ Adam và Eva được ban cho thủa ban đầu, do bởi đã bị phá hủy khi ông bà phạm tội; nhưng mô phỏng Vườn địa đàng ở Canada ngày nay cũng làm cho bất cứ du khách nào đến đây cũng phải trầm trồ thích thú. Như vậy, thiên nhiên tự bản chất ban đầu được Thiên Chúa tạo dựng là công trình tuyệt mỹ. Con người được trao quyền làm chủ thiên nhiên, vũ trụ nhưng cũng đồng thời có nghĩa vụ phải giữ gìn tự nhiên hài hòa và làm cho nó ngày càng phát triển (St 1,26-30). Trong cuộc sống đời thường, nếu nhận được một món quà quý giá từ người khác trao tặng, chúng ta không chỉ hàm nghĩa mang ơn người tặng quà mà còn phải luôn ý thức giữ gìn món quà đó như một cử chỉ biết ơn và quý trọng. Thế nên, khi con người phá hoại môi trường, thiên nhiên, thì đồng nghĩa con người đã phụ bạc lại sự yêu thương mà Thiên Chúa nhân hậu đã trao ban, bởi đã làm hỏng món quà quý giá mà Ngài đã ban tặng.

2.- Thiên nhiên, môi trường là của cải Thiên Chúa ban cho tất cả mọi người được thụ hưởng

Theo Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, con người được khai thác thiên nhiên để phục vụ nhu cầu chính đáng của mình, nhưng không được chiếm hữu tuyệt đối mà phải chia sẻ cho mọi người với tình huynh đệ (x. Lc 11,11-13). Giáo Hội Công Giáo công nhận lợi ích của của cải: “Con người không thể làm gì nếu không có của cải vật chất, là thứ đáp ứng các nhu cầu căn bản cho con người tồn tại. Những của cải này tuyệt đối cần thiết nếu như con người phải tự nuôi thân, lớn lên, liên lạc, hợp tác với người khác và thực hiện các mục tiêu cao cả nhất mà con người được mời gọi thi hành”.[2]

Giáo Hội cũng công nhận rằng: nhờ lao động cả chân tay và trí óc, “con người biến một phần trái đất thành của mình, chính xác hơn là biến phần trái đất mà mình thu được thông qua lao động. Đây chính là nguồn gốc của tư hữu”.[3] Nhưng Giáo Hội Công Giáo quan niệm của cải có mục tiêu phổ quát. Đây là nguyên tắc quan trọng nhất, nguyên tắc đầu tiên trong việc sử dụng của cải, tài nguyên thiên nhiên. Hiến chế Gaudium et Spes viết: “Thiên Chúa đã tiền định cho trái đất và tất cả những gì trái đất chứa đựng đều là cho mọi người và cho mọi dân tộc, ngõ hầu mọi thụ tạo đều được chia sẻ cách tương xứng cho hết mọi người dựa vào công lý, được điều tiết bởi bác ái. Dù chấp nhận bất cứ hình thức tư hữu nào đã được nhìn nhận bằng các định chế hợp pháp của các dân tộc. Tuy nhiên, tùy theo hoàn cảnh khác biệt và thay đổi, phải luôn luôn lưu ý đến mục đích chung hưởng của cải. Vì thế, khi sử dụng của cải, con người phải coi của cải vật chất mà mình làm chủ một cách chính đáng không chỉ như của riêng mình nhưng còn là của chung nữa: nghĩa là của cải đó có thể sinh ích không những cho riêng mình mà còn cho cả người khác… Càng ngày càng phải nhận thức sự bình đẳng căn bản giữa mọi người hơn, bởi vì mọi người đều có một tâm linh và được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa nên có cùng một bản tính và cùng một nguồn gốc, hơn nữa vì được Chúa Kitô cứu chuộc nên họ đều được mời gọi như nhau và cùng hưởng chung một cùng đích nơi Thiên Chúa”.[4]

Như thế, theo Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo, quyền sử dụng của cải trên trái đất là của chung mọi người. Đó là “quyền tự nhiên, được khắc ghi trong bản tính con người chứ không chỉ là một quyền thiết định có liên quan đến hoàn cảnh xã hội hay thay đổi… Đó là quyền bẩm sinh nơi mỗi cá nhân trong mỗi con người và có trước khi con người can thiệp bằng bất cứ cách nào liên quan đến tài sản, có trước bất cứ hệ thống pháp luật nào liên quan đến vấn đề này, có trước bất cứ hệ thống hoặc bất cứ phương pháp nào trong lĩnh vực kinh tế hay xã hội”.[5]

Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo cũng luôn cho rằng: con người nhận một cách nhưng không tài nguyên thiên nhiên từ Thiên Chúa, thì cũng phải có nghĩa vụ cho đi vô vị lợi phần của cải mình có được để giúp người nghèo khó, người kém may mắn trong xã hội. Cách đây 600-700 năm trước Chúa Giáng Sinh, trong sách Đệ Nhị Luật có viết: “Khi người gặt lúa đồng của ngươi và ngươi bỏ quên lượm lúa trong đồng, ngươi đừng quay lại mà lấy vì nó thuộc về khách ngụ cư, người góa bụa, ngõ hầu Thiên chúa ngươi chúc lành cho ngươi mọi công việc tay ngươi làm” (Đnl 24,10-22); Đây không chỉ là đòi hỏi của lòng bác ái mà còn theo luật của công bằng. Đúng thế, đất đai, không khí, nước, khoáng sản, lâm thổ sản, hải sản,… là quà tặng của thiên nhiên, con người không mất tiền mua. Để tạo ra cây lúa, hạt gạo, con người phải bỏ công sức lao động, nhưng còn rất nhiều yếu tố như đất đai, nước, không khí,… con người đâu có tạo ra? Vì vậy, Đức Giáo Hoàng Gregorio (540-604) rất có lý khi nói: “Lúc chúng ta chăm lo các nhu cầu của những người đang cần là chúng ta đã trả cho họ cái của họ, chứ không phải cái của chúng ta. Chúng ta không chỉ làm các việc bày tỏ lòng thương xót mà là đang trả một món nợ công bằng”.[6] Thánh Jean Chrysostome (Gioan Kim Khẩu) còn tuyên bố mạnh mẽ hơn: “Không cho những người nghèo dự phần vào của cải của ta, đó là ăn trộm của họ và cướp lấy mạng sống của họ. Của cải ta giữ lấy đó không phải là của ta, nhưng là của họ”.[7] Thánh Gioan Tông đồ còn nói: “Ai có của trên đời này, nếu thấy anh em mình phải túng thiếu, mà khóa lòng dạ lại, không thương họ, thì lòng mến Thiên Chúa ở trong lòng người ấy thế nào được? Này anh em, chúng ta đừng chỉ yêu mến bằng lời nói suông nơi môi miệng, nhưng bằng việc làm cách thiết thực” (1Ga 3,17-18).

Giáo Hội cũng thừa nhận rằng, trên thực tế không bao giờ mọi người có năng lực, sức khỏe và cả cơ hội như nhau. Nhưng không thể vin vào điều đó để tạo ra sự bất bình đẳng: “Dĩ nhiên, mọi người không bằng nhau vì không có khả năng thể chất như nhau và những năng lực trí tuệ và tinh thần như nhau. Tuy nhiên, phải vượt lên trên và loại bỏ mọi hình thức kỳ thị về những quyền lợi căn bản của con người, hoặc trong phạm vi xã hội, hoặc trong phạm vi văn hóa, kỳ thị về phái tính, chủng tộc, màu da, địa vị xã hội, ngôn ngữ hay tôn giáo vì như vậy là trái với ý định của Thiên chúa. Do đó, thực đáng buồn khi những quyền lợi căn bản của nhân vị chưa được đảm bảo toàn vẹn ở mọi nơi. Thí dụ, người ta không nhìn nhận phụ nữ có quyền tự do lựa chọn người chồng hay quyền tự do chọn lựa bậc sống, hoặc quyền được giáo dục và có văn hóa như nam giới”.[8]

Những nguyên tắc trên đây quy định trách nhiệm của mỗi người, mỗi tập thể hay mỗi quốc gia khi khai thác tài nguyên thiên nhiên môi trường.

3.- Tài nguyên thiên nhiên là của nhiều thế hệ sống trên trái đất

Trước hết, tài nguyên thiên nhiên là của toàn thể nhân loại kể cả trước kia, hiện nay và tương lai. Trong khi đó, nhân loại sống trên trái đất trong mối tương quan như một gia đình, cho nên Giáo Hội Công Giáo nhìn nhận: “Chúng ta đã thừa kế từ các thế hệ trước và chúng ta đã hưởng lợi từ lao động của những người đương thời. Chính vì thế, chúng ta phải có bổn phận đối với hết mọi người và không thể từ chối quan tâm tới những người sẽ sống sau chúng ta. Chúng ta là một gia đình nhân loại. Đây là một trách nhiệm mà các thế hệ hiện nay phải có đối với các thế hệ tương lai”.[9]

Hiến chế Mục vụ “Giáo Hội trong thế giới ngày nay” cũng viết: “Ngày nay, nhất là với sự trợ giúp của khoa học và kỹ thuật con người đã và còn đang không ngừng nới rộng sự thống trị của mình gần như trên tất cả thiên nhiên và đặc biệt nhờ sự gia tăng đủ loại phương tiện trao đổi giữa các quốc gia, gia đình nhân loại dần dần ý thức về mình và hợp thành gần như một cộng đoàn duy nhất trong vũ trụ… Sinh hoạt của con người phát xuất từ con người nên quy hướng về con người. Thật vậy, khi làm việc, con người học biết được nhiều điều, phát triển tài năng cũng như thoát ra và vượt khỏi chính mình. Nếu được hiểu cho đúng thì sự tăng trưởng này đáng giá hơn mọi của cải có thể thu tích được. Giá trị con người hệ tại ở “cái mình là” hơn hệ tại ở “cái mình có”. Cũng vậy, tất cả những gì con người làm ra để đạt tới mức độ công bình cao hơn, một tình huynh đệ rộng lớn hơn và một trật tự nhân đạo hơn trong các tương quan xã hội, đều quý trọng hơn các tiến bộ kỹ thuật, bởi vì các tiến bộ ấy tuy có thể cung cấp chất liệu cho việc thăng tiến con người, nhưng tự chúng mà thôi không thể thực hiện được công cuộc thăng tiến ấy”.[10]

Do đó, chăm sóc và bảo vệ thiên nhiên, môi trường là trách nhiệm của tất cả mọi người trên trái đất bởi đó là tài sản chung của mọi thành viên trong gia đình nhân loại. Không ai được khai thác sử dụng “một cách vô trách nhiệm các loại hữu thể khác nhau, bất kể là sinh vật hay loài vô tri vô giác như thú vật, thảo mộc, các yếu tố thiên nhiên, hoàn toàn theo ý mình, theo nhu cầu kinh tế riêng của mình… Ta cần phải xem xét bản chất của mỗi vật, mỗi loài và mối tương quan của nó trong một hệ thống có trật tự, hệ thống này chính xác là vũ trụ”.[11] Phải chăng vì lợi ích trước mắt nên có người, có quốc gia đã tàn phá thiên nhiên, môi trường, phá hoại cân bằng sinh thái? Làm sao có người đánh cá bằng lưới điện, thuốc nổ hay các chất độc khác? Làm sao con người lại khai thác tới mức hủy diệt nhiều loài thực vật, động vật chỉ để thỏa mãn những ham muốn ích kỷ của mình như cao hổ, mật gấu, cá ngựa, da báo,… Làm sao người ta có thể xả hàng ngàn tấn chất thải công nghiệp để giết chết những con sông hiền hòa? Làm sao người ta dám xuất khẩu những động, thực vật gây hại sang quốc gia khác như: ốc bươu vàng, chuột hải ly hay cây bèo Nhật Bản (bèo bồng),… Đức Giáo Hoàng Phaolô VI gọi đây là những hành vi “bệnh hoạn” của con người. Hành vi này là do kết quả của một quá trình lịch sử và văn hóa chối bỏ tương quan giữa con người và Thiên Chúa. Học Thuyết Xã Hội Công Giáo chấp nhận việc con người can thiệp vào thiên nhiên nhưng với tinh thần trách nhiệm và cộng tác với Thiên Chúa:

“Thiên nhiên không phải là thực tại thiêng liêng hay thần linh mà con người không được can thiệp vào. Nhưng đúng hơn, thiên nhiên là một món quà được Tạo hóa ban cho cộng đồng nhân loại, được giao phó cho một trí khôn và trách nhiệm luân lý của con người, cả nam lẫn nữ. Vì thế, con người không hề hành động sai trái khi phải can thiệp để sửa đổi một vài đặc điểm hay tính chất của chúng do lòng tôn trọng trật tự, vẻ đẹp và sự hữu ích của các sinh vật,cũng như vai trò của chúng trong hệ sinh thái. Những sự can thiệp nào của con người mà làm hại các sinh vật hay môi trường thiên nhiên thì đều đáng bị lên án, còn những sự can thiệp nào giúp cải thiện chúng đều đáng ca ngợi”
.[12]

Đối với từng quốc gia cũng phải xây dựng luật pháp và những chương trình hành động để người dân có môi trường tự nhiên lành mạnh: “Quốc gia cũng cần nỗ lực tích cực trong lãnh thổ mình để ngăn chặn những sự phá hoại khí quyển và sinh quyển, bằng cách kiểm soát cẩn thận, đảm bảo cho công dân nước mình không phải chịu những chất ô nhiễm nguy hiểm hay những chất độc hại”.[13]

Còn trên bình diện quốc tế cũng phải có sự liên đới để giải quyết vấn đề toàn cầu này. Có một tình trạng bất công xảy ra “kẻ ăn ốc, người đổ vỏ”. Các nước giàu sử dụng nhiều năng lượng, khai thác tài nguyên nhiều hơn và thải vào môi trường nhiều chất độc hại gây nguy hại cho cả thế giới nhất là biến các nước nghèo thành bãi rác. Nhiều hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu thế giới đã thất bại vì không tìm được tiếng nói chung bởi nước giàu không chịu chia sẻ trách nhiệm về việc bảo vệ môi trường. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã lên tiếng về hiện tượng này: “Người ta không thể đòi hỏi các nước mới phát triển áp dụng trên nền công nghiệp còn non trẻ những luật lệ chế tài liên quan đến môi trường, nếu các nước kỹ nghệ không đi tiên phong trong việc áp dụng những biện pháp đó nơi đất nước của họ. Về phần mình, các nước đang phát triển cũng không được lặp lại những sai lầm của các nước khác trong quá khứ và tiếp tục hủy hoại môi trường do những sản phẩm gây ô nhiễm, do nạn phá rừng thái quá hoặc khai thác không giới hạn làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên”.[14]

4.- Vấn đề đạo đức trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật

Một vấn đề không thể đề cập đến trong tương quan với môi trường là khoa học và kỹ thuật. Khoa học, kỹ thuật giúp con người trong việc chinh phục và làm chủ thiên nhiên. Song nếu không có đạo đức trong khoa học, kỹ thuật coi thiên nhiên là những vật vô tri vô giác để sử dụng các công nghệ bất chấp hậu quả thì con người sẽ phải trả giá đắt cho những hành vi của mình. Có thời kỳ chúng ta nghĩ con người là vô địch, có thể xẻ núi, lấp biển: “Bàn tay ta làm nên tất cả” và thậm chí muốn thay cả Trời: “Thế Thiên hành đạo”. Nhưng thực tế là “có Trời, có đất, có ta”. Đúng vậy, con người làm đất, gieo trồng, chăm bón nhưng đâu dám chắc mùa màng trĩu hạt? Vậy nên cha ông xưa mới cầu khấn Trời.

Khi ngăn sông làm thủy điện đáp ứng nhu cầu năng lượng của công nghiệp không ai nghĩ bão lụt sẽ gia tăng. Khi Trung Quốc mở chiến dịch “diệt chim sẻ” để làm lợi lương thực không thể nghĩ đến mất mùa do bị sâu hại phá và khi các nhà vật lý nguyên tử tìm ra năng lượng hạt nhân đâu có nghĩ đến thảm cảnh ở Hiroshima, Nagasaki, Trecnobul,… Engel nói rằng: khi con người chiến thắng được thiên nhiên một bước thì lập tức thiên nhiên trả thù con người bằng tai họa. Phải chăng, những thảm họa thiên tai ngày nay do thiên nhiên đang trả thù con người? Dĩ nhiên, ngày nay nhân loại đã thức tỉnh, biết rằng chằng phải thiên nhiên trả thù mà chính là “nhân tai”.

Giáo Hội Công Giáo cho rằng: “Việc ứng dụng các khám phá mới trong lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp cũng đem đến những hậu quả tai hại lâu dài. Từ đó, chúng ta phải đau đớn nhìn nhận rằng mình không thể can thiệp vào lĩnh vực sinh thái mà không chú ý tới những hậu quả của sự can thiệp ấy nơi các lĩnh vực khác và tới hạnh phúc của các thế hệ tương lai”.[15]

Phát triển kinh tế là mục tiêu và nhu cầu cấp bách của từng cá nhân, gia đình và mỗi quốc gia. Nhưng người ta không thể bất chấp lợi ích kinh tế mà tàn phá môi trường vì tài nguyên thiên nhiên không thể tái tạo được. Sách Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội của Công Giáo viết: “Các chương trình phát triển kinh tế cần phải cẩn thận lưu ý tới nhu cầu tôn trọng sự toàn vẹn và chu kỳ tuần hoàn của thiên nhiên vì các tài nguyên thiên nhiên là có hạn, thậm chí có một số tài nguyên không thể tái tạo được… Một nền kinh tế biết tôn trọng môi trường sẽ không lấy việc gia tăng tối đa lợi nhuận làm mục tiêu duy nhất của mình, vì việc bảo vệ môi trường không thể được đảm bảo nếu chỉ dựa trên những tính toán tài chính giữa phí tổn bỏ ra và lợi nhuận thu vào. Môi trường là một trong các tài sản không thể được bảo vệ hay được phát huy cách thích đáng chỉ nhờ các lực lượng thị trường”.[16]

Ngược lại với thái độ duy khoa học, duy kỹ thuật là thái độ coi thiên nhiên, trái đất là thần thánh bất khả xâm phạm. Giáo lý Công Giáo quan niệm thiên nhiên là thụ tạo của Thiên Chúa ban tặng cho con người và con người được giao quản lý. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói: “Quan điểm Kitô giáo về thụ tạo đưa ra một phán đoán tích cực về khả năng chấp nhận việc con người can thiệp vào thiên nhiên, vốn cũng bao gồm các sinh vật khác, đồng thời kêu gọi mạnh mẽ về tinh thần trách nhiệm”.[17] Còn Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI nói: “Nhân loại cần phải có mối quan hệ đúng đắn với môi trường. Trái đất này là món quà quý giá của Đấng Tạo Hóa và chúng ta phải ứng xử như những người quản lý công trình sáng tạo của Người. Nếu gạt bỏ mối quan hệ với Thiên Chúa sang một bên, hiển nhiên kể như đã bị tước mất ý nghĩa sâu xa của nó và sẽ trở nên nghèo nàn. Khi tôn trọng dấu vết Đấng Tạo Hóa trong toàn thể thiên nhiên, ta hiểu rõ căn tính sâu xa và chân thực nhân tính của chúng ta. Như thế thì sự tôn trọng ấy có thể giúp người trẻ khám phá những tài năng và năng khiếu của mình trong tinh thần tôn trọng môi sinh”.[18]

Giáo Hội Công Giáo không chỉ ban hành nhiều văn kiện nói về môi sinh, mà còn trực tiếp đề cao những tấm gương thân thiện với môi trường. Giáo Hội đã đặt thánh Francisco di Assisi (1181-1226) làm thánh bảo trợ môi trường. Vị thánh người Italia này không chỉ nổi tiếng về khó nghèo và là nhà truyền giáo nhiệt thành, mà còn nổi tiếng vì yêu hòa bình, yêu thiên nhiên với “Bài ca Mặt Trời”.

5.- Thay đổi lối sống ích kỷ, vụ lợi để làm hòa với thiên nhiên

Giáo Hội Công Giáo cho rằng, muốn cứu vãn môi sinh, thiên nhiên, trái đất, quan trọng nhất là phải thay đổi lối sống từ cá nhân đến xã hội: “Những lối sống này sẽ được xây dựng dựa trên những đức tính thanh đạm, điều độ và tự chủ. Cần phải dẹp bỏ cái logic chỉ biết có tiêu thụ, đồng thời phải xúc tiến các hình thức sản xuất nông nghiệp và công nghiệp biết tôn trọng trật tự sáng tạo và thỏa mãn các nhu cầu căn bản của mọi người. Được duy trì bằng việc nhận thức lại sự lệ thuộc lẫn nhau giữa mọi người trên trái đất, những thái độ vừa nói sẽ góp phần loại bỏ nhiều nguyên nhân gây ra các thảm họa ấy xảy ra cho các dân tộc và lãnh thổ”.[19] Từ xa xưa trong lịch sử Cựu ước, người ta đã quy định 3 năm chia lại lợi tức, 7 năm tha nợ và 50 năm xóa nợ cho nhau. Đất đai cũng 3 năm được nghỉ 1 năm; Đó cũng là cách bảo vệ môi trường rất nhân văn.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô mới đây đã ban hành Thông điệp Laudato Si’ (Chăm sóc ngôi nhà chung) với 6 Chương là một văn bản toàn diện về quan điểm của Giáo Hội Công Giáo với vấn đề môi trường, được dư luận khen ngợi và đã được tổ chức học hỏi ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch MTTQVN khi viếng thăm Vatican vào năm 2015, cũng đã khen ngợi Thông điệp này và đề nghị các Giám mục Việt Nam phổ biến rộng rãi cho giáo dân.

II.- GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VIỆT NAM VỚI VẤN ĐỀ MÔI TRƯỜNG

Giáo Hội Công Giáo có nhiều đóng góp với văn hóa Việt như là cầu nối văn hóa Đông – Tây, sáng tạo ra chữ quốc ngữ, xây dựng lối sống lành mạnh, có nhiều đóng góp về văn học, nghệ thuật, báo chí, lễ hội, kiến trúc,… Tuy nhiên, về vấn đề môi trường, dường như lại chưa được Giáo Hội Việt Nam quan tâm nhiều như vấn đề truyền giáo, hội nhập văn hóa dân tộc, giáo dục hay gia đình,…

Thật ra, trong kinh nguyện hàng ngày, người Công Giáo vẫn hay cầu xin: “Xin cho nước Việt Nam khỏi bão bùng, hỏa tai, ôn dịch, thần khí, mất mùa, giặc giã”. Nhưng đây có lẽ là mới có ý xin cho đất nước tránh được những thảm họa của thiên tai, dịch bệnh chứ chưa có ý thức về vấn đề môi trường. Người Công Giáo cũng có tập tục chôn táng một lần, không cải táng, đặc biệt không dùng vàng mã trong tế tự, giỗ chạp cũng tiết kiệm tiền của và giảm ô nhiễm môi trường. Song đây cũng là tập tục liên quan đến đức tin tôn giáo chứ chưa xuất phát từ việc bảo vệ môi sinh. Nhà truyền giáo nổi tiếng có nhiều đóng góp cho việc xây dựng chữ quốc ngữ là Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) khi đến Việt Nam năm 1627 đã cực lực phê phán tục đốt vàng mã. Ông viết:

“Vì thế, chúng tôi đã công khai công kích dị đoan và chế diễu tập quán kỳ dị này. Họ dám gửi cho cha mẹ những áo giấy mà kẻ nghèo hèn nhất cũng không thèm mặc. Họ nói, những đồ vàng mã đó sẽ hóa trong lửa (đúng lắm, chúng tôi đáp), một phần chúng hóa ra tro và một phần ra lửa: các người muốn gửi phần nào: tro hay lửa? Nếu là tro thì cha mẹ sẽ bị rét run, nếu là lửa thì cha mẹ sẽ bị thiêu trong áo nóng hổi”
.[20]

Người Công Giáo có nhiều tư tưởng canh tân táo bạo nêu vấn đề môi trường sớm nhất chính là Nguyễn Trường Tộ (1830-1871). Ông đề nghị thành lập Bộ canh nông, đào tạo quan lại chuyên trách đi khắp đất nước khảo sát đất đai, cây trồng, vật nuôi xem đất nào thích hợp cây gì, con gì, nơi nào cần khai hoang, nơi nào cần tưới tiêu, dạy cho dân biết trồng cấy, chăn nuôi, không phó mặc cho tự nhiên. Ông đề nghị giao rừng cho dân để đâu cũng có chủ chứ không để chặt phá bừa bãi… Ông cho rằng vì con người linh hơn muôn vật nên có quyền điều khiển loài vật. Trong bản điều trần “Lục lợi từ”,[21] ông viết: “Nếu để cái thấy, nghe, ăn, nghỉ của con người, chỉ biết tuân theo tự nhiên như loài vật không có linh tri, linh giác mà không gia cho con người có quyền điều khiển vận hành thì làm sao phân biệt được con người linh hơn muôn vật?”. Ông cũng quan niệm thế giới là của mọi người: “Thiết nghĩ, tạo vật sinh ra đất đai là cốt cho cả loài người hưởng thụ chứ không phải cho một người chiếm lấy làm của riêng”. Ông sớm phát hiện ra nước ta giàu tài nguyên, khoáng sản: “Nước ta một bề giáp bể, một bề tựa vào núi, giữa là một dải đồng bằng, lại có nhiều sông chảy ngang qua, từ bờ biển đến tận cùng rừng núi mất 5,6 ngày mà thôi, không như các nước khác xa biển, xa núi, hoặc biển ít, núi nhiều, hoặc núi nhiều sông ít, hoặc nhiều cồn cát sa mạc, hoặc nhiều đất khô cằn, thật là nơi địa thế tốt nhất trên địa cầu”. Trong tờ trình “Tế cấp bát điều” (ngày 15-11-1867), ông đề nghị sớm đo đạc biên giới cương thổ: “Cảnh vực của một nước rộng hẹp bao nhiêu cũng như một nhà có bao nhiêu vườn ruộng. Chủ nhà không biết hết gia sản của mình có bao nhiêu vườn ruộng, tọa lạc ở đâu như thế là thiếu sót với gia đạo… Nay xin vẽ bản đồ tất cả các xứ trong nước. Về địa phận mỗi tỉnh, huyện, xã, thôn, phường, sách động, trang phải đo đạc lại hết cho phù hợp bốn bên, xa gần, rộng hẹp đồng thời mô tả hình thế mặt đất, có ghi chú rõ ràng…”. Ông đề nghị lập khoa địa lợi, khoa thủy lợi để khai thác tốt nhất tài nguyên thiên nhiên, ban thưởng cho ai có phương pháp hay phòng chống bão lụt…[22] Đây là những ý tưởng mới mẻ và táo bạo đối với Việt Nam lúc bấy giờ.

Hàng Giáo Phẩm Việt Nam được thành lập cuối năm 1960, nhưng do hai Miền Nam – Bắc bị chia cắt bởi chiến tranh, do đó mãi đến năm 1980 mới có đại hội đầu tiên của các Giám mục cả nước. Trong lá Thư Chung năm 2001, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã chỉ ra nhiều mặt tiêu cực trong xã hội Việt Nam, trong đó có vấn đề môi trường: “Mức sống người dân còn thấp, lao động không đủ sống, thất nghiệp, sự sống chưa được bảo vệ và tôn trọng đúng mức, lại thường xuyên bị đe dọa bởi thiên tai và nạn phá hủy môi trường” (số 8). Bản nhận định “Về một số tình hình tại Việt Nam hiện nay” của Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam công bố ngày 15-5-2012 cũng giành hẳn mục 6 để nói về môi trường sinh thái:

“Theo dự báo của cơ quan chuyên môn, Việt Nam sẽ là một trong bốn nước phải gánh chịu hậu quả nghiệt ngã nhất của biến đổi khí hậu. Nguyên nhân một phần do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, nhưng một phần khác do chúng ta thiếu quan tâm đến môi trường sinh thái và tính bền vững trong phát triển. Điều đáng quan ngại nhất là chúng ta vụng về và vội vàng khai thác tài nguyên. Những năm gần đây Nhà nước đã cho nước ngoài đầu tư nhiều dự án có nguy cơ hủy hoại môi trường, làm thay đổi hệ sinh thái và biến đổi khí hậu…”
.

Trong lá thư mục vụ ngày 29-05-2009, Hồng y Phạm Minh Mẫn – TGM Tổng Giáo Phận Sài Gòn, đã trình bày khá đầy đủ hiện trạng môi trường sau biến cố công ty Vedan đầu độc sông Thị Vải. Lá thư cũng nêu 4 nguyên tắc của Giáo Hội đối với vấn đề môi trường: thiên nhiên là quà tặng của Tạo Hóa; quà tặng này giành cho mọi người nên khi khai thác phải tuân theo quy luật và tôn trọng lợi ích của mọi người nhất là người dân bản xứ. Lá thư cũng nêu 3 gợi ý hành động cho người dân, cho nhà đầu tư và cho chính quyền. Hồng y Phạm Minh Mẫn kết luận: “Trong những vụ việc như Vedan và khai thác bôxít ở Tây Nguyên, đã có khá nhiều tiếng nói được gióng lê trên báo chí và các phương tiện truyền thông. Đây là dấu chỉ lành mạnh của một xã hội dân chủ, trong đó người dân ý thức trách nhiệm tham gia vào tiến trình quyết định về những vấn đề liên quan đến đời sống của họ và của đất nước… Đối với các Kitô hữu, gìn giữ, bảo vệ, chăm sóc môi trường thiên nhiên không chỉ là một trách nhiệm xã hội mà còn là một đòi hỏi của niềm tin, là một nghĩa vụ cao cả vì lẽ ta được cộng tác với Thiên Chúa trong công trình tạo dựng”. Do đó, lối sống tiết dục, chay tịnh theo tinh thần tôn giáo không chỉ có lợi cho sức khỏe con người, ổn định xã hội mà còn trực tiếp góp phần bảo vệ môi trường.

Đặc biệt, sau sự kiện hàng loạt thủy-hải sản chết do ô nhiễm nguồn nước biển trải dọc các Tỉnh Miền Trung từ Nghệ An đến Huế, Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp – Giám mục Giáo phận Vinh, trong lá Thư chung ngày 13-05-2016, đã thẳng thắn nhấn mạnh rằng: “Theo giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô, chúng ta không thể dung thứ bất cứ thái độ vô cảm và vô trách nhiệm nào đối với môi trường. Đồng thời chúng ta có quyền đòi hỏi người khác, trong lúc tìm cách đáp ứng các nhu cầu của thế hệ hiện tại, không được tác hại đến các thế hệ tương lai. Chúng ta có quyền yêu cầu nhà hữu trách phải tạo lập một hệ thống pháp lý chặt chẽ và hữu hiệu để bảo vệ môi sinh. Không cho phép những ai lạm dụng quyền lực và dựa vào mô hình kinh tế- kỹ thuật để phá hoại đất nước, sự tự do cũng như công bằng xã hội”.

Như vậy so với các lĩnh vực đạo đức, giáo dục nhân bản, hôn nhân gia đình nhất là truyền giáo thì vấn đề môi trường mới được Giáo Hội quan tâm gần đây và cũng chưa được coi là cấp bách, quan trọng nhưng cũng nêu khá toàn diện quan niệm của mình nhằm góp phần bảo vệ môi sinh của trái đất. Riêng đối với Giáo Hội Việt Nam, có lẽ do tránh né các vấn đề xã hội, chính trị nên Giáo Hội Việt Nam còn ít quan tâm đến vấn đề môi trường. Nhưng nếu phổ biến rộng rãi quan niệm của Giáo Hội về vấn đề này, điển hình như Thông điệp Laudato Si’ (Chăm sóc ngôi nhà chung) của Đức Giáo hoàng Phanxicô, trong cộng đồng Công Giáo và cả ngoài xã hội, nó cũng sẽ đem lại tác dụng to lớn, bởi người Công Giáo không chỉ chiếm số lượng đông mà có ý thức tuân giữ giáo huấn của Giáo Hội rất cao từ trong lương tâm.

Ts. Phạm Huy Thông [1]

——-

[1] Trưởng Ban Tư duy Tôn Giáo, Trung tâm Khoa học Tư duy (CTS)

[2] Đức Giáo Hoàng Piô XII, Sứ điệp Truyền thanh nhân dịp kỷ niệm 50 năm Thông điệp Rerum Novarum (Tân Sự), số 73: AAS (Acta Apostolicae Sedis – Văn kiện Tòa Thánh từ 1909 đến 1990), tập 33, Roma 1991.

[3] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis (Quan tâm đến vấn đề xã hội), Ngày 30-12-1987, số 38 và 42: AAS, tập 83.

[4] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Gaudium et Spes (Vui Mừng và Hy Vọng), số 29 và 69.

[5] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis (Quan tâm đến vấn đề xã hội), Ngày 30-12-1987, số 38 và 42: AAS, tập 83.

[6] Thánh Gregorio Cả, Regula Pastralis, 3,2, Giáo phụ Latin, tr. 87.

[7] Tòa Giám Mục Nha Trang, Giáo lý vào đời (NXB. Tôn Giáo, 1999), tr. 169.

[8] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Gaudium et Spes (Vui Mừng và Hy Vọng), số 29.

[9] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus (Bách chu niên), Ngày 01-05-1991, số 31 và 37: AAS, tập 87.

[10] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Gaudium et Spes (Vui Mừng và Hy Vọng), số 35.

[11] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Sứ điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới năm 1987, số 7 và 9-10: AAS, tập 83.

[12] Hội Đồng Giáo Hoàng Công Lý và Hòa Bình, Tóm lược học thuyết xã hội của Công Giáo. Bản Việt ngữ của Ủy Ban Bác Ái Xã Hội trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (NXB. Tôn Giáo, 2007), tr. 328-329 và tr. 326.

[13] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Sứ điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới năm 1987, số 7 và 9-10: AAS, tập 83.

[14] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Sứ điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới năm 2002, số 7 và số 9: AAS, tập 94.

[15] Ibidem.

[16] Hội Đồng Giáo Hoàng Công Lý và Hòa Bình, Tóm lược học thuyết xã hội của Công Giáo. Bản Việt ngữ của Ủy Ban Bác Ái Xã Hội trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (NXB. Tôn Giáo, 2007), tr. 328-329 và tr. 326.

[17] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Sứ điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới năm 2002, số 7 và số 9: AAS, tập 94.

[18] Theo hãng tin Zenit.org ngày 26-8-2009

[19] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Diễn văn đọc tại Liên Hiệp Quốc, Ngày 18-8-1985, số 5: AAS, tập 78.

[20] Alexandre de Rhodes: Histoire du Royaume de Tunquin. Bản Việt ngữ của UBĐKCG Tp. HCM 1994, tr. 57.

[21] Di thảo số 5.

[22] Trương Bá Cần, Nguyễn Trường Tộ: con người và di thảo (NXB. Tp. HCM, 1990).

Exit mobile version