Giáo dục con cái trong bữa ăn gia đình

FamilyDinner - Giáo dục con cái trong bữa ăn gia đình
1.LỜI CHÚA: Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ Bẻ Bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa và được tòan dân thương mến. Và Chúa cho cộng đòan mỗi ngày có thêm những người được cứu độ (Cv 2,46-47).

2.SUY NIỆM:

Ngày nay nhiều người ít quan tâm đến bữa ăn gia đình. Nhiều gia đình bố mẹ cả tuần lễ cũng không ăn chung với con cái một bữa nào, hoặc nếu có thì cũng cực chẳng đã: Các món ăn không hợp khẩu vị, vợ chồng tranh cãi nhau trong bàn ăn…. làm cho bầu khí gia đình trở nên nặng nề. Vây bữa ăn gia đình có vai trò nào trong việc xây dựng hạnh phúc gia đình?


1) Tầm quan trọng của bữa ăn gia đình:


– Hạnh phúc gia đình thường được diễn tả bằng những ngôn từ như: tình yêu, sự chung thuỷ, đức hy sinh, sự tôn trọng cảm thông giữa các thành viên… Nhưng hạnh phúc gia đình cũng được thể hiện qua những việc cụ thể như cách ứng xử giữa các thành viên, qua những sinh hoạt đời thường như bữa ăn chung, chuyện trò, quan tâm lo lắng cho nhau. Do đó, bữa ăn hàng ngày đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng hạnh phúc gia đình.


– Bữa ăn là dịp để các thành viên đoàn tụ sau một ngày làm việc học hành. Ngày nay, nơi nhiều gia đình, buổi trưa cha mẹ phải ăn tại cơ quan, con cái ăn tại trường bán trú. Chỉ đến tối cả gia đình mới họp mặt trong bữa ăn, mới có dịp thông tin cho nhau về những gì cha mẹ gặp tại cơ quan hay cha mẹ hỏi han việc học hành của con cái. Do đó bữa ăn là thời gian duy nhất giúp xây dựng tình thân giữa các thành viên trong gia đình…


2) Về chất lượng vật chất và tinh thần của các bữa ăn:


– Bữa ăn gia đình không cần phải có nhiều món ăn đắt tiền, nhưng cần hợp sở thích khẩu vị của các thành viên, để mọi người đều được ăn no và ăn ngon trong bầu khí vui tươi thoải mái. Qua bữa ăn, cha mẹ có dịp dạy con cái biết nghĩ đến người khác.


– Ngòai sự sạch sẽ ngon lành, món ăn cũng nên được bày biện sao cho đẹp mắt. Cũng cần thay đổi món ăn phù hợp với thời tiết và lưu ý đến sức khoẻ từng người, để mỗi thành viên đều có thể ăn được và tình cảm gia đình gia tăng nhờ sự chăm sóc ân cần ấy. Đó cũng chính là một việc làm cụ thể góp phần xây dựng hạnh phúc gia đình vậy.

3) Về việc giáo dục nhân bản và đức tin cho con cái trong các bữa ăn:

Bữa ăn cũng là lúc cha me quan sát cách ăn uống của con cái để giáo dục chúng về nhân bản: Cha mẹ nêu gương cho con cái về việc biết nghĩ đến người thân đang khi ăn: ăn uống sao cho lịch sự, biết quan tâm giúp người bị thiếu bát đũa, hoặc lấy giúp đồ ăn ở xa tầm với, biết “ăn trông nồi ngồi trông hướng” và sẵn sàng chung tay dọn dẹp sau khi ăn xong.

Riêng đối với các gia đình tín hữu, bữa ăn còn là cơ hội để cha mẹ giáo dục con cái về đức tin bằng lời cầu nguyện sốt sắng trước khi ăn. Cần chú trọng tạ ơn và xin Chúa thương đến những người nghèo đói để họ cũng có đủ cơm ăn áo mặc như mình.

3.THẢO LUẬN: 1) Ngày nay bạn thấy các bữa ăn gia đình có những gì không ổn cho việc xây dựng hạnh phúc gia đình ? 2) Bạn sẽ làm gì để bữa cơm trong gia đình bạn ngày một thêm yêu thương và hạnh phúc?

4. LỜI CẦU: Lạy Chúa. Chúng con tạ ơn Chúa đã cho gia đình chúng con có cơm ăn áo mặc hằng ngày. Xin thương những người bất hạnh giờ đây không nhà và không có cơm ăn. Xin cho mỗi thành viên gia đình biết xây dựng tình yêu thướng qua các bữa cơn hằng ngày để hạnh phúc gia đình ngày một thêm bền vững.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.


LM ĐAN VINH – HHTM

Exit mobile version