Tia sáng một:
Trước khi đeo balô lên đường, Đức cha dặn đi dặn lại:
– Thầy biểu người tân tòng cứ giữ bàn thờ ông bà, cứ dâng bông trái.
– Về việc thắp nhang thì biểu họ thủng thẳng chờ, vì hiện nay còn nhiều ý kiến tranh cãi lung tung lắm.
– Thầy phải nhớ kỹ rằng những điều này chỉ áp dụng cho Địa phận Cần Thơ mà thôi…
Thái độ dè dặt và ân cần dặn dò của Đức cha Điền khiến mình phải suy nghĩ thật nhiều, là một nhà truyền giáo có khuynh hướng tiến bộ, là một Giám mục xuất thân từ Dòng Tiểu Đệ, vậy mà vẫn không dám mạnh dạn đổi mới. Thế mới biết đổi mới không dễ chút nào. Đổi mới là đưa lưng cho người ta đấm. Người trên đấm xuống. Người dưới đấm lên. Người bên hông đấm vào.
– Chúa Giê-su bỏ luật thanh uế của Môsê khiến Thánh Phê-rô phải le lưỡi (Cv 10,13) và khiến Thánh Gia-cô-bê phải lắc đầu (Cv 15,20).
– Chúa Giê-su vào nhà ông Mat-thêu, một người thu thuế, bị các đấng bề trên hoạch họe (Mc 2,16)
– Chúa Giê-su vào nhà ông Giakêu, một trưởng cục thuế vụ, bị quần chúng xầm xì bất mãn (Lc 19,7)
– Thánh Phaolô đấu tranh để người ngoại trở lại không cắt bì. Cuộc đấu tranh leo thang tới mức độ nháng lửa. Thánh Phaolô nổi nóng tới mức độ phải chửi tục: “Tại sao họ không tự thiến quách đi cho rồi” (Gl 5,12). Trong thư Philip, ngài gọi nhóm bảo thủ ấy là “đồ chó má”, là bọn thợ xấu.
Đổi mới gây căng thẳng như vậy đó!
– Vào đầu thập niên 60, có một cha xứ cho đặt lư hương nghi ngút khói trước bàn thờ Thánh Thể, nhân ngày chầu lượt. Nhiều người cắn răng chịu đựng. Nhưng có một bà phước không chịu cắn răng quỳ chầu Chúa. Bà vừa bước vào nhà thờ, thấy lư hương, liền lắc đầu, chép miệng, đi ra ngay tức thời.
– Vào cuối thế kỷ XX, có một cha quản hạt tuyên bố thẳng thừng với các cha trong hạt rằng: “Nếu các cha xá nhang thì tui xin rút lui, không đồng tế với các cha nữa”. Bị dồn vào chân tường. Một ông linh mục trẻ phản pháo: “Ai không đồng tế thì thôi. Đường ta, ta cứ đi”.
– Vaticanô II canh tân Giáo Hội. Rất nhiều người lắc đầu bảo: “Tại sao phải canh tân?”. Khi phong trào canh tân đang hào hứng. thì một vị giám mục cụt hứng, giơ tay, giã từ Giáo Hội, để được trở về sống với quá khứ.
Tia sáng hai:
Cha Văn kể chuyện về Giáo điểm Định Môn có một cặp vợ chồng vô sinh. Buồn hiu hắt, bèn đến cô nhi viện của Dòng Chúa Quan Phòng ở Cần Thơ để xin một bé trai. Bà phước sẵn sàng cho, nhưng với điều kiện là phải có đạo, vì các em mồ côi đều có đạo hết. Bà cũng yêu cầu phải có thư giới thiệu của cha sở nữa. Chả biết thế nào là cha sở, nhưng biết ở Ô Môn có nhà thờ Công Giáo. Định Môn chỉ cách Ô Môn có sáu cây số. Thế là hai vợ chồng ra Ô Môn rỉ tai với cha Văn. Cha Văn cho thư giới thiệu và yêu cầu học giáo lý. Thế là xong. Giáo diểm Định Môn ra đời như thế đó.
Cha Văn trao cho mình cái Môbilét xanh. Sáng vào Định Môn dạy giáo lý cho hai vợ chồng, ăn cơm trưa tại chỗ, chiều lại về.
Mình thấy giải pháp “đi-về” là không thấy việc và không được việc, nên ngỏ ý xin cha Văn cho mình ở lại luôn… Nhơng ở nhà ai? Mình trao phó cho Chúa Quan Phòng. Mình cưỡi Môbilét, vừa đi chầm chậm, vừa thả hồn lãng mạn. Bỗng thấy một căn nhà lá khiêm tốn với cây lựu trồng ở trước nhà. Quả lựu rung rinh theo gió. Mình cho xe lao vào, dừng ngay trước hàng ba, ngay bên cây lựu. Bà chủ nhà nghe tiếng xe, chạy ra hỏi:
– Ông thầy kiếm ai vậy?
– Chào bà. Tôi không kiếm ai hết. Thấy trái lựu đẹp quá thì vô ngắm một tí.
– Thì vô trong nhà uống nước đã.
– Xin lỗi bà thứ mấy?
– Tôi thứ năm. Thứ của ông chồng tôi.
– Thưa bà Năm, ông Năm có ở nhà không?
– Ông nhà tui mất từ lâu rồi.
– Nói thiệt với bà Năm: tôi ở nhà thờ Ô Môn vô đây dạy giáo lý. Đi tới đi lui thấy bất tiện quá, muốn ở lại luôn mà chưa biết ở đâu.
– Thì ở nhà tui nè. Nhà rộng rinh mà chỉ có hai bà cháu. Ông thầy ở đây với tui thì cũng như con cháu trong nhà chứ gì.
– Thiệt không bà Năm?
– Thiệt.
– Mai tôi vô ở luôn ạ.
Lần đầu tiên mình “sống với” và “sống như” trong cuộc đời truyền giáo. Nhờ “sống với” mình mới khám phá ra là tại Định Môn có một số gia đình rối và quên đạo. Thế là lại có thêm điểm dạy giáo lý, trong đó có một điểm ở ngay đàng sau nhà bà Năm. Mình dạy giáo lý ở đó mỗi tối. Bà con lối xóm tò mò đến nghe. Bà Năm cũng đến nghe lóm. Và cuối cùng thì bà Năm cũng xin theo đạo…
Bây giờ thì Định Môn đã thành giáo họ. Có nhà thờ, có cộng đoàn nữ tu Dòng Chúa Quan Phòng. Thấy thế, mình liên tưởng đến giáo đoàn Philip. Sáng hôm ấy, Phaolô và các bạn đi ra bờ sông hóng mát và ngắm cảnh. Tình cờ thấy nhóm phụ nữ ngồi đọc Thánh Kinh với nhau. Phaolô và các bạn xin chia sẻ. Bà Lydia tin theo đạo. Giáo đoàn Philip bắt đầu như thế đó. Bà Lydia là con đầu lòng của giáo đoàn. Sau này bà còn là linh hồn của giáo đoàn nữa. Giáo đoàn Philip là hậu cần và hậu phương vững chắc của Thánh Phaolô.
Có một bàn tay vô hình cứ rà rà trên bản đồ truyền giáo: bản đồ nhân văn, bản đồ địa lý và cả bản đồ tâm linh nữa. Đó là Chúa Thánh Thần. Thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu Độ khẳng định rằng: “Thánh Thần là nhân tố chính yếu trong mọi sinh hoạt truyềngiáo” (SVĐCĐ 21
Tia sáng ba: cả nhà theo đạo, trừ một người
Có một gia đình gồm cha, mẹ và ba đứa con. Người cha và ba đứa con theo đạo, còn người mẹ thì nhất định không theo. Mình mở cuộc đối thoại công khai trước mặt mọi người trong gia đình.
– Bà Năm tin Chúa là Cha chưa?
– Tôi tin rồi.
– Bà Năm còn thắc mắc gì nữa không?
– Tôi chỉ thắc mắc có một điều là người Công giáo không thờ ông bà. Bây giờ ông thầy đã giải thích rồi: theo đạo được giữ bàn thờ ông bà, thì không còn gì thắc mắc nữa.
– Thế tại sao bà Năm nhất định không theo đạo?
– Tôi đôn đốc chồng con tôi theo đạo và đi lễ. Thế là được rồi. Còn tôi, thì ông thầy tha cho tôi đi.
Bà Năm tin đạo nhưng nhất định không theo đạo, tại sao vậy? Bà là phụ nữ: sống với tình cảm nhiều hơn lý trí. Lý trí thì đã được khai quang, tình cảm thì chưa gỡ được những sợi dây vướng mắc. Số là hồi bà còn ở tuổi ô mai, bà đã chứng kiến một cảnh theo đạo. Theo đạo một cách tủi nhục. Tủi nhục đến tàn nhẫn.
Hôm ấy ông cố Tây rửa tội cho nhiều người nhập đạo. Sau Thánh lễ, ông đi thăm các tân tòng, thấy bàn thờ ông bà, ông giậm chân bẹt bẹt, la hét tỏ vẻ bất bình. Gia đình ầy khiêng bàn thờ bỏ ra ngoài sân. Chừng đó ông mới bước qua ngưỡng cửa. Hình ảnh ấy ghi sâu vào tâm thức của bà, không có cách nào xóa được.
Từ khi nghe biết và hiểu câu chuyện ấy, mình không dám hối bà Năm theo đạo nữa. Buồn lắm, đau lắm, nhưng đành cắn răng chịu đựng. thương tiếc cho một quá khứ sai lầm. Cúi đầu nhận tội của quá khứ, để hy vọng ngẩng đầu nhìn về tương lai.
Tia sáng bốn: Nồi cháo vịt chia tay
Tối hôm ấy mình dạy giáo lý tại nhà ông Sáu Đền tọa lạc ngay đằng sau nhà Bà Năm. Dạy xong thì về, về để chui vào mùng ngồi lần hạt, rồi lăn lưng ra mà ngủ. Ngày nào cũng thế, từ hôm đến trọ nhà Bà Năm cho tới hôm ấy. Nhưng hôm ấy thì không như vậy. Hai bộ ván là hai mâm cháo vịt. Khách ngồi kín chung quanh. Mình nghĩ ngay trong bụng: đây là đám cúng cơm ông Năm. Nhưng không phải.
Bà Năm đứng giữa nhà. Hai bàn tay đan nhau, xoay xoay. Làm vẻ e lệ. Bà ỏn ẻn tuyên bố: “Từ hôm ông thầy đến đây chưa ăn cơm nhà tôi bữa nào. Ngày mai ông thầy đi mất rồi. Hôm nay tôi mời bà con đến ăn cháo vịt để giã từ ông thầy. Đơn giản chỉ thế thôi…” Mình lúng túng chẳng biết nói thế nào, chỉ nói gọn lỏn một câu: “Cám ơn Bà Năm. Cám ơn bà con”. Rồi leo lên bộ ván chén thù chén tạc với bà con. Tình cảm chan hòa. Thương nhau thật và tiếc nhau thật.
Từ hôm đó, mình bắt đầu cảm nghiệm thế nào là “sống với” “sống như” và “sống cho” trong cuộc đời truyền giáo. “Sống với” và “sống như” để “sống cho” nhiều nhất.
“Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta”. Đó là “sống với”. “Sống với” có nghĩa là thân thương, gần gũi như ruột thịt.
“Ngôi Lời đã trở nên mọi sự như chúng ta, chỉ trừ sự tội”. Đó là “sống như”. Ngôi Lời ăn như, mặc như, ở như và nói như một người Do Thái.
Sau khi đã “sống với”, “sống như”, thì Ngôi Lời đã “sống cho” trọn vẹn nhất: cho tất cả, cho đến cả mạng sống; cho đến cả giọt máu cuối cùng còn đọng lại trong con tim…
Người truyền giáo cũng phải sống như vậy.
– Trước hết là phải đến sống giữa những người mình muốn loan báo Tin Mừng. Chia sẻ cuộc sống, chia sẻ thân phận con người với họ. “Sống với” là sống thân thiện, gần gũi với người địa phương và coi họ như anh em ruột thịt.
– Sau đó phải “sống như” tức là ăn như, ở như, mặc như, nói như… theo văn hóa của địa phương.
– Khi đã “sống với” và “sống như” rồi, người truyền giáo mới có quyền tin rằng mình đã “sống cho” một cách trọn vẹn.
Tuy nhiên cũng phải công nhận rằng: “sống với” và “sống như” không dễ đâu. Một vị thừa sai mà nói được tiếng Việt như người Việt thì mình chưa thấy bao giờ, kể cả những vị rất giỏi văn chương Việt Nam như cha Gastine (Xuân Bích) và cha Gagnon (DCCT). Tuy không nói được như, mà có tấm lòng chân thành muốn nói như, thì cũng được bà con địa phương đón nhận và quý mến rồi.
Mình hồi tưởng chuyện xảy ra cách đây 19 năm. Hôm ấy mình đi làm lễ an táng cho một người Công giáo sống lạc lõng giữa lương dân từ thuở ông nội. Mình cố gắng bẻ môi để giảng một bài đúng giọng miền Nam. Cố gắng lắm, nhưng cũng chỉ đạt bảy điểm trên mười. Tâm thì có đấy: ai cũng biết. Nhưng lực bất tòng tâm. Mình cứ buồn buồn và cứ tiếc. Ai ngờ… sau Thánh lễ, bà con phụ nữ nói với nhau: “Ông cha nói trệu trạo dễ thương hết sức…” Mình mừng quá! Mát ruột quá! Thì ra tất cả đều từ chữ “tâm” mà ra.
LM Piô Ngô Phúc Hậu
Nguồn: BGCN/TGPSG
Gặp gỡ trên đường truyền giáo