Giáo dân và bài giảng của Linh Mục

Có thể nói đại đa số giáo dân (GD) khi đến tham dự Thánh lễ đều chú tâm về bài giảng (BG) của linh mục (LM). Một Thánh lễ mà không có bài giảng thì như một bữa ăn ngon nhưng còn thiếu một món gì đó! Và như những thực khách “sành điệu”, người GD ngày nay luôn kỳ vọng các vị LM, các nhà giảng thuyết sẽ cung cấp cho họ những món ngon, mới, lạ, thích hợp…

Tuy nhiên, trên thực tế không phải bất kỳ LM hay nhà giảng thuyết nào cũng ban tặng cho cộng đoàn những món ăn ngon mà họ luôn mong đợi. Thỉnh thoảng chúng ta có dịp nghe người này người kia nhận xét, chẳng hạn: “Cha giảng dài quá, nghe mệt và chẳng hiểu cha muốn nói gì…”, hoặc “Bài giảng rườm rà mà cha thì nói nhỏ, nhanh, khó nghe lại khó hiểu, chẳng nhớ được gì…”, hoặc “Cha giảng như đọc, nghe buồn ngủ quá, chẳng sinh động gì cả, chán!” vv…


Đây là
một thực tế rõ ràng, cụ thể. Và còn hơn thế nữa, như một vị Giám mục đã chia sẻ: “…Bài giảng lễ thì lòng thòng và chủ yếu là mắng mỏ, hăm dọa, khiển trách, thậm chí bôi bác giáo dân giữa nhà thờ. Bài giảng không dọn nói mãi không kết được khiến cha giống như máy bay không tìm được phi trường. Người nói thường không cảm thấy dài nhưng đối với người nghe là cả một sự chịu đựng. Nhất là nếu chúng ta không có lợi khẩu, chúng ta làm khổ giáo dân, biến họ thành nạn nhân hơn là nâng tâm hồn họ lên. Diễn đàn Lời Chúa là diễn đàn tình thương nhưng rất nhiều cha lợi dụng để trút hết căm hờn lên đầu giáo dân. Không gì mâu thuẫn bằng linh mục lại là thủ phạm gây chia rẽ trong giáo xứ bằng chính lời nói của chủ chăn. Chúng ta tìm cách trừng trị triệt hạ những người đối lập. Không làm được thì chúng ta đem ra giữa nhà thờ để bêu diếu bôi bác” (ĐGM Giuse Nguyễn Chí Linh, Tĩnh tâm thường niên Gp Đàlạt tháng 2-2009).

Quả vậy, nếu GD không hài lòng về bài giảng của LM, thì đó không phải là họ không muốn nghe giảng trong Thánh lễ, mà vì họ cảm thấy việc giảng ấy không đem lại hứng thú và lợi ích gì. Cảm giác không-hứng-thú sẽ dẫn đến việc buồn ngủ, lơ là, lo ra…và nhất là cảm giác bị-tra-tấn bởi phải nghe một diễn giả nói dài, nói dai và…
nói dở! Tội nghiệp cho cử tọa khi phải rơi vào tình huống “khó chịu” như thế. Thực ra, GD không đòi hỏi quá đáng đâu, vì “Nếu mỗi linh mục đều ý thức giảng thuyết là một phần trong nghề nghiệp của mình, thì tất yếu chúng ta sẽ chẳng có những bài giảng thiếu chuẩn bị, nghèo nàn” (x. Thomas V. Liske STD, “Thành công trên tòa giảng”, ĐCV Á Thánh Quý Cần Thơ 1995, pg 7).

VẬY ĐÂU LÀ ƯỚC MONG CỦA GD VỀ BÀI GIẢNG CỦA LM?

* Trước hết điều mà GD mong đợi nhất, đó là bài giảng được chuẩn bị kỹ lưỡng đảm bảo một thời lượng thích hợp.

Cảm giác đầu tiên của GD khi ngồi nghe giảng, đó là sợ bài giảng dài.
Dài so với thời lượng có hạn của một Thánh lễ. Dài so với chủ đề cô đọng cần diễn giảng. Có LM lúc giảng thì dài dòng nhưng khi cử hành những phần còn lại của Thánh lễ thì nhanh như chớp! Rõ ràng là sự mất cân đối trong cấu trúc của Thánh lễ sẽ là chuyện đương nhiên xảy ra và như thế việc hiệp thông toàn bộ Thánh lễ của cộng đoàn sẽ bị ảnh hưởng…Theo ý kiến của nhiều GD thì thời lượng bài giảng nên khoảng 12 phút là thích hợp, tối đa cũng không quá 15 phút. Để đảm bảo tốt thời gian “vàng” này, hẳn là LM sẽ phải đầu tư, nghiên cứu khá kỹ cho bài giảng của mình. Bởi nếu không ngài sẽ rơi vào trường hợp có “điểm xuất phát” mà không có “điểm dừng”. Dài dòng đã vậy, cách diễn giảng thiếu sinh động sẽ tăng thêm sự nhàm chán nữa.

Xin đơn cử kinh nghiệm về giảng thuyết của LM Thomas V. Liske, giáo sư và nhà hùng biện,
như sau: “…Có nhiều vị đọc thuộc lòng trên tòa giảng. Nếu vô tư quan sát, ta sẽ thấy tình trạng ấy thật kỳ cục: diễn giả đọc bài do mình soạn hay người khác viết hay bài mình tóm tắt, trong khi cộng đoàn bị giọng đọc buồn tẻ ấy ru ngủ, chán chường trước cảnh thiếu vắng quen thuộc với sự tiếp cận tươi mát những chân lý của cuộc sống và tôn giáo…nên chỉ còn biết nhẫn nại chịu đựng, lơ đãng nhìn các hình ảnh trên tường hoặc trên bàn thờ để chờ đợi, chờ đợi cái kết thúc ảm đạm. Trên tòa giảng cũng như dưới hàng ghế đều một cảnh nhẫn nại chịu đựng để rồi cùng thở ra nhẹ nhõm khi kết thúc” (x. Thomas V. Liske, sđd, pg 16-17).

Ngày nay, thời đại công nghiệp, ai cũng quý thời gian, kể cả LM. Do đó, khi bước lên bục giảng nếu vị giảng thuyết biết điều tiết thời lượng sao cho vừa phải thì GD dễ dàng tiếp nhận thông điệp, tránh được cảm giác chán ngán, bực bội. Khi ngồi nghe giảng, GD luôn tự hỏi diễn giả LM đang dẫn mình đi đâu? Bài giảng tốt sẽ được thiết kế theo bố cục rõ ràng. Phần dẫn nhập khác với phần triển khai, phần triển khai cũng khác với phần kết luận. Thực tế, nhiều LM nói lòng vòng, kể hai ba câu chuyện mà vẫn chưa thấy vào đề. Người nghe thì nghe mãi mà không biết cha đang muốn nói gì. Đến khi ngài vào trọng tâm của vấn đề thì thời gian đã ngốn hết quá một nửa thời lượng bài giảng cần có.


Nhiều vị giảng thuyết thích lấy một vài câu chuyện để “dẫn vào” chủ đề. Nhưng tiếc là câu chuyện thì dài mà nội dung, ý hướng thì chẳng ăn nhập gì tới chủ điểm cần khai thác. Câu chuyện đôi khi là những chuyện thời sự, chính trị trong hay ngoài nước. Những câu chuyện đại loại như thế phần đông ai cũng biết cả, nhất là trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, tin tức tràn ngập dưới nhiều hình thức. Sự ôm đồm của diễn giả xét cho cùng không mấy tác dụng tích cực, có khi lại còn ngược lại.

Một vị GM có quan tâm rất nhiều tới việc giảng thuyết của LM đã chia sẻ kinh nghiệm như sau,
Một bài giảng được dàn dựng cách khoa học với các tư tưởng đã được chọn lựa về Thiên Chúa và về con người sẽ làm cho người nghe cảm thấy dễ chịu bởi vì thính giả thấy mình được kính trọng do được phục vụ bởi những tư tưởng có chất lượng và cách sắp xếp có khoa học” (ĐGM GB Bùi Tuần, chủ đề “Truyền giáo”, tĩnh tâm LM Gp Long Xuyên 1990).

Nghe LM giảng, GD có thể dễ dàng nhận ra đâu là bài giảng được chăm chút kỹ lưỡng, được chuẩn bị chu đáo, được đầu tư cẩn thận. Diễn giả, nhà hùng biện Mirabeau có nói: “Tất cả bí quyết của nghệ thuật hùng biện là đam mê”. LM tuy không phải là “nhà hùng biện” nhưng nghề của ngài là nói và khi thi hành sứ vụ ngài phải nói. Thực vậy, “Không có nghề nào phải nói nhiều hơn nghề LM. Ta có thể nói không ngoa chút nào rằng LM ‘sống’ để nói. Bên cạnh ảnh hưởng mạnh mẽ của gương sống và kinh nghiệm, lời giảng thuyết của LM là sức mạnh, hay phương thế chủ yếu giúp giúp cho sứ vụcủa ngài được thành công…” (Thomas V. Liske, sđd pg 7).

Cha sở họ Ars là một tấm gương về mục vụ giảng thuyết. Chuyện kể lại, cha rất quan tâm soạn bài giảng thật kỹ lưỡng. Cha thường dùng phòng áo để dọn giảng cho yên tĩnh. Cha nghiên cứu các tác giả, có khi xem tới 7 tác giả. Cha đánh dấu những đoạn cần phải chép lại và lắm khi phải phiên dịch tới 40 hay 50 trang sách. Học thuộc lòng trước vào thứ bảy và buổi tối sau khi bổn đạo về nhà, cha đi chung quanh nghĩa địa để lập lại những đoạn khó. Cha lại không quên cầu nguyện trước khi giảng…Cha giảng rất hùng hồn. Có người hỏi: “Tại sao lúc cầu nguyện thì cha nói nhỏ mà khi giảng cha lại nói to thế ?”. Cha trả lời : “Khi giảng phải nói to vì người nghe họ buồn ngủ và nặng tai, nhưng khi cầu nguyện với Chúa thì nói nhỏ vì Người không nặng tai”. Cha giảng rất hùng hồn và dạy dỗ với uy quyền. Bài giảng rất cụ thể với đời sống Dân Chúa và chỉ bảo phải làm gì hay làm như thế nào để giáo dân dễ thực hành.


Một nhà giảng thuyết phục vụ tốt không nhất thiết phải là một nhà thông thái, mà trên hết là một mục tử thánh thiện, một tông đồ nhiệt tình và một nhà truyền giáo đam mê việc gieo trồng Lời Chúa.

* Tiếp theo, điều mà GD quan tâm nhất, đó là bài giảng có chất lượng cao.

Một bài giảng thu hút GD không hẳn là một “tác phẩm” có nội dung cầu kỳ, được dàn dựng phức tạp…mà là một cuộc “nói chuyện” tâm tình nhằm mục đích chia sẻ những điều giản dị, gần gũi và bám thật sát Lời Chúa. GD mong ước sao mình có thể
hiểu được điều LM nói, họ tiếp nhận được một-điều-gì đó sau bài giảng kết thúc, họ nhớ được cái cốt lõi của thông điệp Lời Chúa thông qua bài nói của LM. Cách cụ thể hơn, GD muốn LM đi thẳng vào trọng tâm khi giảng và chỉ nói những gì cần phải nói mà thôi. Lạc đề là điều mà cử tọa dễ nhận ra. Nguyên tắc mong đợi, là “Diễn giả phải làm chủ đề tài của mình” (Albert J. Beveridge).

Tại một bữa ăn tối, người chủ nhà đề cập với một khách mời rằng ông ta đang viết một quyển sách về giảng lễ, và hỏi xem vị khách có ý kiến gì không. Vị khách ngẫm nghĩ một chút rồi nói gọn lỏn: ‘Hãy đi thẳng vào trọng tâm’…”. Cách tốt nhất để giữ sự chú ý của người nghe là ‘đi thẳng vào trọng tâm’. Chúng ta thường chần chừ không đi thẳng vào trọng tâm, có lẽ bởi vì sợ rằng mình sẽ không còn gì để nói tiếp. Chúng ta cảm thấy mình nên đi vào trọng tâm cách nhẩn nha, từ từ. Nhưng nhiều người cho biết rằng họ muốn chúng ta đi nhanh hơn vào cốt lõi của bài giảng.

Đây là một số ý kiến của họ:

“Tôi thích cách vị linh mục ấy đi thẳng vào điểm chính của bài giảng”;

“Tôi chán những kiểu nhập đề dông dài”;

“Hãy vào thẳng”;

“Đừng dẫn chúng tôi đi lòng vòng.”

“Cha sở thường mở đầu bằng một câu chuyện dài dòng, với những chi tiết không cần thiết”;

“Ngài thường bắt đầu rất hay, dù ít khi có nối kết chặt chẽ với bài Phúc âm. Rồi sau đó thì nghe chán phè!”;

“Ông cha đó luôn bắt đầu bài giảng bằng cách kể lại câu chuyện mà mọi người vừa mới nghe trong bài Tin Mừng. Thật là chán!
” (x.Tài liệu Để giảng lễ tốt hơn” – Nguyên tác “Preaching better – Practical suggestions for Homilists”, ĐGM Ken Unterer (GM Saginaw), NXB Jesuit Communications Foundation 1999 –LM Lê Công Đức dịch và hiệu đính, trang 2021).

Trong khi nghe giảng, GD mong đợi một bài giảng có chủ đích, có chủ điểm. Họ muốn diễn giả luôn xoáy vào trọng tâm vấn đề để họ có thể nắm bắt được ý hướng Phụng vụ của Thánh lễ đang tham dự. Nếu khi soạn bài giảng, LM biết mình sẽ nói gì, nói như thế nào, thì GD khi nghe giảng cũng muốn rằng họ đang được nuôi dưỡng bằng lương thực nào, chất lượng ra sao. Nhiều diễn giả thích nói lời mình hơn Lời Chúa, trong khi GD rất đói khát Lời Chúa. Tham dự các Thánh lễ Tạ ơn này nọ, người ta dễ dàng được nghe những lời tung hô, tán tụng công đức của một ai đó trong khi “mọi vinh quang đều quy về Chúa là Cha toàn năng…”. Rồi thỉnh thoảng trong Thánh lễ cầu hồn hay an táng cũng xảy ra việc diễn giả vì quá say mê kể lể ân đức của người quá cố mà quên hẳn Lời Chúa. Bài giảng lúc đó không hơn là một bài “điếu văn”!…

Một vị GM đã từng đặt vấn đề: “Mỗi ngày chúng ta (LM – nv) có luôn trau dồi kiến thức về Kinh Thánh để rao giảng không phải lời riêng của mình, mà Lời Chúa cho giáo dân đang khao khát của ăn nuôi hồn không? Chúng ta có chịu khó suy gẫm trước và thực hành những điều chúng ta phải trình bày cho dân Chúa không? Hay chúng ta đã lợi dụng tòa giảng như diễn đàn để tranh biện, để tự khẳng định mình hoặc chửi mắng la rầy giáo dân? Thật ra, có lúc cần phải sửa dạy, nhưng luôn dùng lời tao nhã, luôn dùng văn từ sao cho xứng với thiên chức linh mục của mình. Hãy bắt chước tiên tri Nathan khi phải sửa sai Đavit…Chúng ta có luôn ra sức dâng lễ sốt sắng, không đọc lua láu quá nhanh hay kề cà quá chậm, làm sao cho Dân Chúa tham dự thánh lễ sốt sắng và tiếp cận với Hy Lễ tuyệt vời này một cách hữu ích để lãnh nhận tối đa ơn thánh không?“ (ĐGM Phêrô Nguyễn Soạn, bài “LM, người là ai?”, VietCatholic News 28-02-2005), nguồn: conggiaovietnam).

Một khi kính trọng các LM như là “thầy dạy các chân lý”, GD cách chung cũng rất trân trọng những gì LM nói, nhất là lúc các ngài bước lên tòa giảng. Với lòng tin, GD theo dõi, lắng nghe vị LM giảng như là đang nghe Chúa nói vậy. Lời nói, dung mạo, cử chỉ, cung cách của ngài sẽ có sức hút đặc biệt nếu ngài đam mê rao giảng Lời Chúa và coi đây là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng và nghiêm túc. Có thể khẳng định như sau, “Công việc của LM quan trọng nhất trong mọi hoạt động của nhân loại. Ngài sinh ra đời chỉ để làm trung gian giữa Thiên Chúa và con người. Chức vụ trung gian ấy buộc ngài phải nói và nói có kết quả cho dân mình, truyền cho họ niềm tin và giáo huấn luân lý mà Con Thiên Chúa đã trao cho con người như là phương thếđể đạt đến hạnh phúc vĩnh cửu trên trời” (Thomas V. Liske, sđd p
g 7).

Sau đây là chứng từ sống về vấn đề giảng thuyết của một LM: “Một hôm, có người hỏi cha Mc Nabb, một nhà giảng thuyết thời danh, xem ngài đã dành ra bao nhiêu thời gian để soạn bài giảng. Ngài trả lời, ‘40 năm’…Khi trả lời như thế, cha Nabb muốn nói là ngài luôn quan tâm chăm lo nghiên cứu và bài giảng đó là kết quả của 40 năm phát triển về phương diện thiêng liêng và trí thức…Có thể nói, kinh nghiệm mục vụ, lòng nhiệt thành vì Nhà Chúa đã ảnh hưởng sâu sắc đến điều ngài giảng từ giảng đài… ” (x. Ferdinand Valentine OP, “Giảng thuyết, một nghệ thuật”, ĐCV Sao Biển Nha Trang)./.

Aug. Trần Cao Khải

Exit mobile version