Hỏi : Trong nghi thức của buổi Phụng Vụ Lời Chúa ngoài thánh lễ (vắng mặt linh mục hay phó tế), liệu một thừa tác viên giáo dân, nghĩa là một thầy đọc sách hoặc thầy giúp lễ được thiết định, có được phép giảng một bài ngắn để giải thích các bài đọc trong nghi thức này không? – S. F., Ý.
Đáp: Giáo dân có thể giảng trong một số trường hợp. Huấn thị “Redemptionis Sacramentum” của Thánh Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích năm 2004, trong số 161, nói:
“Như đã nói, với bản chất và vì tính quan trọng của nó, bài giảng được dành cho linh mục hoặc phó tế trong Thánh Lễ. Về những gì liên quan đến các hình thức giảng thuyết khác, nếu trong những hoàn cảnh đặc biệt thật sự cần thiết hay vì sự hữu ích đòi hỏi trong những trường hợp đặc biệt, giáo dân có thể được chấp nhận giảng trong nhà thờ hay trong nhà nguyện, ngoài Thánh Lễ, theo các quy tắc của giáo luật. Việc này có thể được chỉ trong những trường hợp cần thiết bổ khuyết các thừa tác viên có chức thánh quá ít trong một vài nơi; do đó, một trường hợp như thế, hoàn toàn ngoại lệ, không được phép trở nên một tục lệ thông thường, và cũng không được xem nó như là một sự thăng tiến chính thức của hàng giáo dân. Vả lại, mọi người đều phải nhớ rằng quyền ban phép chỉ thuộc thẩm quyền của các Đấng Bản Quyền sở tại mà thôi, và luôn luôn là ad actum, chứ không thuộc quyền ai khác, kể cả các linh mục hay phó tế” (Bản dịch tiếng Việt của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam).
Một số chuyên viên giáo luật cho rằng huấn thị “Redemptionis Sacramentum”, cùng với huấn thị “Ecclesiae de Mysterio” năm 1997 liên quan đến sự cộng tác của giáo dân với thừa tác vụ linh mục, là chặt chẽ hơn về việc giáo dân giảng thuyết so với Bộ Giáo Luật.
Điều này dường như thực sự là cố ý. Chắc chắn các tài liệu liên quan này đã được chấp thuận cách hợp lệ bởi Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, vì chính Ngài cũng đã ban hành Bộ Giáo luật.
Việc cấm giáo dân giảng thuyết là thậm chí còn nghiêm ngặt hơn, và Tòa Thánh còn đi xa hơn khi nói rằng Giám mục giáo phận không có thẩm quyền cho phép một giáo dân giảng thuyết.
Lý do tại sao Giám mục không thể cho phép giáo dân giảng thuyết đã được viện dẫn trong tài liệu năm 1997 nói trên: “Đây không chỉ là một qui định kỷ luật, nhưng là điều chạm đến các chức năng kết nối chặt chẽ với nhau của việc giảng dạy và thánh hóa ” (Điều 3, số 1).
Về trường hợp cụ thể được trình bày bởi bạn đọc của chúng tôi trên đây, phiên bản tiếng Ý của Nghi thức cho Rước lễ ngoài Thánh Lễ nói trong chữ đỏ về việc giảng thuyết như sau: “31. Nếu thuận tiện, linh mục hay phó tế có thể giải thích ngắn gọn về bài đọc vừa đọc xong”. Bởi vì có các công thức riêng biệt cho một thừa tác viên có chức thánh và một thừa tác viên ngoại thường cho Rước lễ trong các phần khác, nên khá rõ ràng rằng nghi thức không cho phép một giáo dân giảng thuyết.
Phiên bản tiếng Anh của nghi thức này không tiên liệu việc giảng thuyết. Chữ đỏ nói: “Có thể có một hoặc nhiều bài đọc, sau bài đầu tiên có hát Thánh vịnh hoặc bài thánh ca và một khoảnh khắc cầu nguyện thinh lặng. Việc cử hành phụng vụ Lời Chúa kết thúc với các lời nguyện tín hữu”.
Ngoài ra, nghi thức Ý được thiết kế cho các trường hợp đặc biệt cho các ngày trong tuần lễ, ví dụ, dành cho các bệnh viện, hoặc nhà ở cho người cao tuổi. Nghi thức không được thiết kế cho một buổi cử hành Phụng vụ Lời Chúa và cho Rước lễ ngoài thánh lễ trong ngày Chúa Nhật; việc này đòi hỏi một nghi thức đặc biệt, vốn vẫn còn khá hiếm ở nước Ý.
Tuy nhiên, bởi vì nghi thức này là cần thiết trong một số quốc gia, nên trong năm 1988 Tòa Thánh đã ban hành một số hướng dẫn tổng quát cho việc cử hành Phụng vụ ngày Chủ nhất, khi vắng linh mục, và việc này có thể được điều chỉnh bởi Hội đồng Giám mục quốc gia. Về bài giảng, tài liệu này nói:
“43. Để các người tham dự có thể ghi nhớ Lời Chúa, cần có lời giải thích các bài đọc hoặc một khoảng thời gian thinh lặng để suy niệm về những gì đã được nghe. Bởi vì chỉ có linh mục hoặc phó tế mới giảng thuyết được, nên điều ước muốn là rằng linh mục cần soạn bài giảng và trao cho người chủ tọa cộng đoàn đọc bài giảng ấy. Nhưng trong vấn đề này, cần tuân theo các quyết định của Hội đồng Giám mục”.
Một số ít giáo phận ở Ý đã cho phép các cách khác nhau để cử hành phụng vụ lời Chúa ngày Chúa Nhật. Có giáo phận chỉ cho phép phó tế vĩnh viễn chủ trì buổi Phụng vụ, trong khi một số giáo phận khác đã cho phép giáo dân hướng dẫn buổi phụng vụ dưới sự chỉ đạo của một linh mục. Trong trường hợp này, ưu tiên là sử dụng bài suy niệm hoặc bài giảng do cha xứ soạn thảo, và bài này được đọc sau các bài đọc. Trong một số trường hợp, nhóm có thể tự mình soạn một bài để giải thích các bài đọc trong ngày.
Các hướng dẫn tương tự đã được ban hành ở các nước khác. Một hướng dẫn tiêu biểu của một giáo phận Mỹ nói về việc giảng thuyết như sau:
“Các lãnh đạo giáo dân phải được đào tạo trước, để được cho phép giảng tại một buổi phụng vụ Chúa Nhật khi vắng linh mục. Họ cũng phải được Đức Giám Mục chuẩn thuận. Các Phó tế có thể giảng, miễn là họ có năng quyền để làm như vậy. Cha xứ hoặc cha phó có thể cung cấp bài giảng cho người lãnh đạo giáo dân đọc, hoặc nếu Giám mục đã cho phép lãnh đạo giáo dân giảng, người này có thể tự soạn bài giảng theo cách riêng của mình”.
Còn các giáo phận khác chỉ dự trù một khoảng thời gian thinh lặng để suy niệm, nếu một lãnh đạo giáo dân hướng dẫn một buổi phụng vụ kiểu này.
Vì vậy, để trả lời cho độc giả của chúng tôi, một giáo dân có thẩm quyền có thể giảng trong một buổi cử hành Phụng Vụ Lời Chúa, hoặc trong các trường hợp khác, nếu được Giám mục giáo phận cho phép cách hợp lệ. Việc này cũng có thể được thực hiện trong một buổi cử hành phụng vụ Chúa Nhật, khi vắng linh mục, mặc dù ưu tiên là rằng lãnh đạo giáo dân đọc một bài giảng do linh mục soạn sẵn.
(Nguyễn Trọng Đa, Zenit.org 21-1-2014)