Giáo dân được phép bắt chước cử chỉ của chủ tế trong Kinh nguyện Thánh Thể không?

mass - Giáo dân được phép bắt chước cử chỉ của chủ tế trong Kinh nguyện Thánh Thể không?

Hỏi: Con thích tham gia với một số cử chỉ, mà linh mục làm, trong Kinh nguyện Thánh Thể. Thí dụ, trong Kinh nguyện Thánh Thể 1, con cúi mình với những lời “Lạy Chúa toàn năng, chúng con nài xin Chúa sai Sứ thần dâng lễ vật này lên bàn thờ cao sang, trước tôn nhan uy linh Chúa”; và con đấm ngực con với những lời “Xin cũng cho chúng con là tôi tớ tội lỗi”; và con làm dấu thánh giá trên mình với những lời “chúng con được + đầy tràn ơn phúc bởi trời”. Con cảm thấy năng động hơn trong sự tham gia của mình bằng cách làm như thế, nhưng con không chắc liệu các cử chỉ của con có là phù hợp không. Thưa cha, liệu các cử chỉ này chỉ dành cho linh mục hay chủ tế mà thôi sao? – P. H., London, Vương Quốc Anh.

Đáp: Nguyên tắc chung liên quan đến những cử chỉ đi kèm các lời nguyện, là chúng chỉ được thực hiện bởi các người thực sự nói các lời ấy.

Như vậy, thí dụ, toàn thể cộng đoàn cúi mình khi đọc thánh danh Chúa Giêsu trong kinh Vinh danh (Gloria), và cúi mình, (hoặc quỳ gối vào lễ Chúa Giáng sinh), trong khi tưởng nhớ mầu nhiệm Nhập Thể trong kinh Tin Kính (Credo).

Trong một Thánh lễ đồng tế, thủ tục thông thường là rằng chỉ có vị chủ tế thực hiện một số cử chỉ, khi ngài một mình đọc kinh nguyện. Vì vậy, chỉ có ngài dang tay của mình khi đọc lời nguyện chủ sự, hoặc đọc Kinh Tiền Tụng.

Các linh mục khác tham gia hầu hết các cử chỉ trong các lời nguyện chung, chẳng hạn các lời nguyện được bạn đọc của chúng ta nhắc đến cho Kinh nguyện Thánh Thể 1 (Lễ Qui Rôma), vì chúng thường được đọc bởi mọi vị đồng tế.

Nhưng có một số trường hợp ngoại lệ cho điều này. Thí dụ, trong các Kinh nguyện Thánh Thể khác, tất cả các linh mục cùng nhau đọc bản văn, kể từ lời khẩn cầu Chúa Thánh Thần cho đến lời tưởng niệm sau khi truyền phép, nhưng chỉ có vị chủ tế làm dấu thánh giá trên chén thánh.

Tương tự như vậy, tất cả các linh mục đều đấm ngực với lời “Xin cũng cho chúng con là tôi tớ tội lỗi”, mặc dù thường chỉ có một vị đọc lời nguyện này.

Lý do cho điều này là rằng văn bản Latinh kết nối từ ngữ “famulis” (tôi tớ) với “peccatoribus” (kẻ tội lỗi) theo một cách thức, vốn hoàn toàn bị mất trong bản dịch tiếng Anh hiện tại. Trong truyền thống phụng vụ của Lễ Qui Rôma, từ ngữ “famulis” chủ yếu nói đến các giáo sĩ đang đồng tế, chứ không chú ý nhiều đến các tín hữu (mà không ngụ ý rằng các người tội lỗi duy nhất trong cộng đoàn là các linh mục).

Thời Trung cổ, các giáo sĩ thường tự gọi mình là các tôi tớ tội lỗi, và đôi khi họ thêm vào chữ ký của mình từ ngữ “Sinner” (kẻ tội lỗi). Theo dòng thời gian, từ ngữ này đã được thay thế bằng một ký hiệu có cùng ý nghĩa.

Tập tục của các Giám mục có dấu thánh giá + trước chữ ký của các vị, có lẽ là một dấu tích của biểu tượng cũ cho thấy vị đó tự nhận là một tôi tớ tội lỗi.

Do đó, thật là không đúng về mặt phụng vụ, khi bạn đọc của chúng ta làm theo các cử chỉ, mà linh mục thực hiện trong Kinh nguyện Thánh Thể, trên hết bởi vì các cử chỉ này thường ngụ ý việc đọc đồng thời lời nguyện nữa.

Sau khi chúng tôi trả lời như trên đây, một bạn đọc hỏi: “Câu trả lời của cha chủ yếu dành cho các vị đọc lời nguyện ở một số thời điểm nhất định của Thánh lễ, như vậy liệu là đúng chăng ngay trước bài Tin Mừng, linh mục làm dấu Thánh giá kép trên trán, miệng và ngực? Con đã luôn nghĩ rằng việc làm dấu kép này là chỉ dành cho vị đọc bài Tin Mừng, nhưng hình như toàn bộ cộng đoàn làm dấu kép nữa”.

Câu trả lời trên đây của tôi đề cập đến một ‘quy tắc ngón tay cái’ (phương pháp thô sơ để dánh giá hay đo lường một cái gì đó, dựa trên kinh nghiệm, chứ không dựa vào sự chính xác) tổng quát chứ không tuyệt đối, cho việc chủ tế đọc các lời nguyện. Thí dụ, mà bạn đọc của chúng tôi nêu ra, thực sự không phải là lời cầu nguyện của chủ tế, mà là một lời mời gọi do phó tế hoặc linh mục đọc Tin Mừng thực hiện.

Chữ đỏ đã tiên liệu rằng toàn thể cộng đoàn làm dấu kép, cùng với phó tế hay linh mục trước bài Tin Mừng.

(Nguyễn Trọng Đa, Zenit.org 25-12-2007 và 8-1-2008)

Exit mobile version