Hỏi: Trong một cuộc nói chuyện tại Đại hội Thánh Thể Quốc tế ở Lourdes năm 1981, giáo sư Balthasar Fischer đã nêu ra khả năng của giáo dân can thiệp, thay vì nhà thuyết giảng được ủy nhiệm, để chia sẻ với nhau “bánh Lời Chúa được bẻ ra cho một thế giới mới”, bằng cách thay thế việc giảng thuyết với sự chia sẻ của họ. Quyết định của Hội Đồng Giám Mục Đức về Thánh lễ của các nhóm nhỏ đã cho phép rõ ràng sự chia sẻ tự do, như là một khả năng hợp pháp bên cạnh bài giảng của thừa tác viên (tuy nhiên, với tư cách là thừa tác viên chính thức, vị này chịu trách nhiệm phối hợp việc chia sẻ). Điều quan trọng là tài liệu cơ bản của Đại hội đã tính đến khả năng này: “Khi các tín hữu cùng lắng nghe những gì Chúa Thánh Linh nói với các Giáo Hội, dù là trong thinh lặng, qua bài giảng của linh mục hay qua sự chia sẻ kinh nghiệm của họ, như được soi sáng bởi đức tin, họ khám phá ra điều Thiên Chúa đang nói với họ trong đời sống hàng ngày của mình”. Liệu sự chia sẻ như thế là hợp pháp không? Nó có được nhắc đến trong tài liệu chính thức nào chăng? – J. A., Prestwich, Vương quốc Anh.
Đáp: Cha Balthasar Fischer (1912-2001) là một chuyên viên phụng vụ nổi tiếng ở Đức, đã từng làm cho Ủy ban Chuẩn bị của Công đồng chung Vatican II, nhưng được nhớ đến nhiều nhất vì công việc hậu Công đồng của ngài, trong việc làm chủ tịch Ủy ban triển khai các Nghi thức mới của việc Khai tâm Kitô giáo cho người lớn. Ngài cũng đã viết nhiều sách, như cuốn “Signs, Words & Gestures, Dấu hiệu, Lời nói và cử chỉ” (1992).
Để trả lời câu hỏi này, tôi nghĩ rằng thật là cần thiết để xem xét thời điểm phát biểu của cha Fischer. Cha và các Giám Mục Đức đang nói ở một thời điểm, khi mà chủ đề này vẫn còn đang được tranh luận, và Bộ Giáo luật mới vẫn chưa được ban hành. Theo quan điểm pháp lý nghiêm chỉnh, có vẻ như đề xuất này không thể được chấp nhận rộng rãi. Vì thế, Giáo luật mới đã nói:
“Ðiều 766: Giáo dân có thể được nhận giảng thuyết trong nhà thờ hay nhà nguyện, nếu nhu cầu đòi hỏi, trong những hoàn cảnh nhất định, hoặc ích lợi xui khiến trong những trường hợp đặc biệt dựa theo các chỉ thị của Hội Ðồng Giám Mục và tuân hành điều 767, §1.
“Ðiều 767 §1. Trong những hình thức giảng thuyết, nổi bất nhất là bài giảng giải thánh lễ vì là phần chính của phụng vụ và dành riêng cho Linh Mục hay Phó Tế. Trong bài giảng ấy, phải làm sao để suốt một năm phụng vụ có thể trình bày các mầu nhiệm đức Tin và khuôn khổ đời sống Kitô giáo dựa vào bản văn Thánh Kinh.
“§2. Trong mọi thánh lễ ngày Chúa Nhật và ngày lễ buộc, khi có dân chúng họp lại, thì buộc phải giảng lễ, trừ khi có lý do quan trọng mới được bỏ qua” (Bản dịch Việt ngữ của các Linh Mục Nguyễn Văn Phương, Phan Tấn Thành, Vũ Văn Thiện, Mai Ðức Vinh).
Các điều khoản này được đặt trong phần liên quan đến phận vụ giảng dạy của Giáo Hội. Một mặt, điều này giúp hiểu được tại sao bài giảng được dành riêng cho thừa tác viên có chức thánh, như là phần của thừa tác giảng dạy của ngài. Mặt khác, nó cũng giải thích rằng trong khi người giáo dân có thể rao giảng, điều này phải được phép của Giám Mục địa phương, và việc cho phép cũng đặt họ vào phận vụ giảng dạy của Giáo Hội.
Điều này cũng giải thích tại sao các chia sẻ tự phát của giáo dân thường không được thừa nhận, vì họ thiếu phần huấn luyện vể phận vụ giảng dạy của Giáo Hội.
Có nhiều tài liệu khác được xuất bản sau Giáo luật và lặp lại các điểm tương tự. Tài liệu rõ ràng nhất có lẽ là Huấn thị “Redemptionis Sacramentum, Bí Tích Cứu Độ” năm 2004:
“64. Bài giảng, được ban bố trong cử hành Thánh Lễ và là thành phần của chính phụng vụ, “thường do chính linh mục chủ tế hay một linh mục đồng tế mà ngài nhờ đảm trách, hay đôi khi, nếu là hợp thời, cũng do một phó tế, nhưng không bao giờ do một giáo dân. Trong những trường hợp đặc biệt và có lý do chính đáng, bài giảng cũng có thể do một Giám mục hay một linh mục tham dự cử hành, dù các ngài không thể đồng tế”.
“65. Xin nhắc lại điều 767 §1 của Bộ Giáo luật đã bãi bỏ mọi quy tắc trước đây cho phép các tín hữu không có chức thánh giảng trong cử hành Thánh Thể. Quả nhiên, một việc cho phép như thế phải bị dứt khoát bác bỏ, và không tục lệ nào có thể chứng minh việc cho phép như vậy.
“66. Việc cấm giáo dân giảng trong lúc cử hành Thánh Lễ cũng liên quan đến các chủng sinh, các sinh viên thần học, đến tất cả những ai thi hành chức vụ “phụ tá mục vụ”, và đến bất cứ nhóm, phong trào, cộng đoàn hay hiệp hội giáo dân nào”. (Bản dịch Việt Ngữ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam).
Bằng cách sử dụng từ ngữ “cấm, reprobated”, bất kỳ quy định hoặc tập tục địa phương nào đều là còn phải bàn cãi. Sau đó tài liệu này nói rõ hơn:
“74. Nếu thấy cần để một giáo dân thông báo tin tức hay trình bày một chứng từ đời sống Kitô-hữu cho các tín hữu tụ họp trong nhà thờ, cách chung nên làm việc này ngoài Thánh Lễ. Nhưng mà, vì những lý do nghiêm trọng, được phép trình bày loại thông báo hay chứng từ này khi linh mục đã đọc xong lời nguyện Hiệp Lễ. Tuy nhiên, một việc làm như thế không được trở thành thói quen. Lại nữa, những thông báo và chứng từ này không được có những đặc tính có thể làm lẫn lộn chúng với bài giảng, và cũng như không là nguyên nhân để loại bỏ hoàn toàn bài giảng” (Bản dịch, như trên).
Một sự áp dụng của sự thay đổi này có thể được nhìn thấy trong sự phát triển các Quy chế của Phong Trào Con Đường Tân Dự Tòng, được phê duyệt như là “một hành trình của sự giáo dục Công Giáo”. Các quy chế được chấp thuận cho năm năm vào năm 2002 có chú thích như sau:
“52) Xem Thông báo của Bộ Phượng Tự về các buổi cử hành nhóm của Phong Trào Con Đường Tân Dự Tòng, trong nhật báo L’Osservatore Romano, ngày 24-12-1988: “Thánh bộ cho phép rằng trong số các điều chỉnh được cung cấp bởi huấn thị Actio pastoralis, trong các số 6-11, các nhóm của Phong Trào Con Đường Tân Dự Tòng nói trên có thể được Rước lễ dưới hai hình, luôn luôn với bánh không men, và có thể chuyển, “ad experimentum, theo thử nghiệm”, nghi thức chúc bình an vào sau các lời nguyện tín hữu”. Theo các chỉ dẫn trong huấn thị Ecclesia de mysterio (Điều 3, § 3), để chuẩn bị cộng đoàn đón nhận bài gỉảng tốt hơn, linh mục, với sự thận trọng, có thể tạo cơ hội cho một số người hiện diện để diễn tả ngắn gọn những gì mà Lời Chúa được công bố nói về cuộc sống riêng của họ”.
Tuy nhiên, vào năm 2005, Thánh Bộ Phượng Tự đã gửi một lá thư cho các lãnh đạo của “Phong Trào Con Đường Tân Dự Tòng” liên quan một số khía cạnh của việc cử hành Thánh lễ. Trong nhiều điều, Thánh bộ có nói như sau:
“3. Bài giảng, vì tính chất và tầm quan trọng của nó, được dành cho linh mục hay phó tế (xem Giáo luật, 767 § 1). Về phần thỉnh thoảng đóng góp các chứng từ của giáo dân, địa điểm riêng và phương pháp thích hợp cho việc này đã được nêu ra trong Huấn thị Liên Bộ ‘Ecclesiae de Mysterio’, vốn được ĐTC Gioan Phaolô II chấp thuận ‘trong hình thức đặc biệt’ và được công bố ngày 15-8-1997. Trong tài liệu này, đoạn 2 và 3 của điều 3 được đọc như sau:
“§2 – ‘Có thể cho phép vài lời dạy ngắn gọn, nhằm giúp giải thích tốt hơn phụng vụ đang được cử hành, và thậm chí trong các hoàn cảnh đặc biệt, có thể cho phép một vài chứng từ, miễn là phù hợp với các quy tắc phụng vụ, được nói lên nhân dịp các phụng vụ Thánh lễ được cử hành vào các ngày đặc biệt (cho các chủng sinh, người bệnh, vv), và thực sự được nghĩ là hữu ích như một minh hoạ cho bài giảng thường lệ của linh mục cử hành Thánh lễ. Các hướng dẫn và chứng từ này không được giả định các đặc tính, vốn có thể làm cho họ bối rối với bài giảng.
“§3 – ‘Khả năng “đối thoại”trong bài giảng (xem Directorium de Missis cum Pueris, số 48) có thể được thỉnh thoảng sử dụng cách thận trọng bởi thừa tác viên đang cử hành, như một phương tiện trình bày, mà không chuyển cho người khác nhiệm vụ rao giảng.
“Cũng cần chú ý cẩn thận đến huấn thị “Redemptionis Sacramentum”, số 74.”
Dưới ánh sáng của các điều trên, khi ĐTC Biển Đức XVI đã nhất trí chấp thuận Các Quy Chế của Phong Trào Con Đường Tân Dự Tòng năm 2008, chú thích liên quan không còn đề cập đến lời mời của linh mục cho các tín hữu, để họ tự diễn đạt về Lời Chúa nữa:
“13 §3. Để cử hành Thánh lễ trong các cộng đồng nhỏ, cần tuân giữ theo các sách phụng vụ đã được chấp thuận của Nghi Lễ Rôma, ngoại trừ các sự nhượng bộ rõ ràng từ Tòa Thánh (49).
“49) Xem ĐTC Biển Đức XVI, bài diễn văn cho các cộng đoàn của Phong Trào Con Đường Tân Dự Tòng, ngày 12-1-2006: Notitiae 41 (2005) 554-556; Thánh Bộ Phượng Tự, thư ngày 01-12-2005: Notitiae 41 (2005) 563-565; Thông báo của Bộ Phượng Tự và Kỷ luật Bí tích, về các buổi cử hành nhóm của Con Đường Phong Trào Tân Dự Tòng, trong nhật báo L’Osservatore Romano, ngày 24-12-1988: “Thánh bộ cho phép rằng trong số các điều chỉnh được cung cấp bởi huấn thị Actio pastoralis, trong các số 6-11, các nhóm của Phong Trào Con Đường Tân Dự Tòng nói trên có thể được Rước lễ dưới hai hình, luôn luôn với bánh không men, và có thể chuyển, “ad experimentum, theo thử nghiệm”, nghi thức chúc bình an vào sau các lời nguyện tín hữu”.
Mặt khác, các Quy chế năm 2008 bao gồm việc cử hành Lời Chúa mỗi tuần với bốn bài đọc. Trong hình thức này, một lời mời gọi như vậy là một cơ hội hợp pháp và thực sự tuyệt vời để lớn lên trong đức tin.
“§2. Trong việc cử hành Lời Chúa, trước bài giảng, vị linh mục mời gọi bất kỳ ai giữa các người hiện diện muốn diễn tả ngắn gọn về cách thức mà Lời Chúa được công bố đã nói với cuộc đời của mình. Trong bài giảng, vốn giữ một vị trí đặc biệt trong sự giáo dục của Phong Trào Con Đường Tân Dự Tòng, vị linh mục mở rộng việc công bố Lời Chúa, giải thích nó theo Huấn quyền, và hiện thực hóa nó trong “ngày hôm nay” của cuộc hành trình đức tin của các thành viên tân dự tòng”.
Điều gì là đúng cho “Phong Trào Con Đường Tân Dự Tòng” có thể áp dụng được cho bất kỳ nhóm nào khác, vốn có ý muốn đi sâu hơn vào Lời Chúa. Trừ các hoàn cảnh đã đề cập ở trên trong trích dẫn từ huấn thị “Ecclesiae de Mysterio”, cách thức hữu ích nhất của sự chia sẻ Lời Chúa không phải là trong bối cảnh của bài giảng lễ, nhưng trong các tình huống khác, chẳng hạn buổi Cử hành Lời Chúa. Các buổi cử hành như vậy cũng có lợi thế là dành thời gian cần thiết cho những ai muốn chia sẻ các suy nghĩ của mình.
Chính trong bối cảnh này, như người đọc của chúng tôi đã trích dẫn: “Khi các tín hữu cùng lắng nghe những gì Chúa Thánh Linh nói với các Giáo Hội, dù là trong thinh lặng, qua bài giảng của linh mục hay qua sự chia sẻ kinh nghiệm của họ, như được soi sáng bởi đức tin, họ khám phá ra điều Thiên Chúa đang nói với họ trong đời sống hàng ngày của mình”.
(Nguyễn Trọng Đa/ Zenit.org 24-8-2017)